Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2015

XUÂN VỀ NHỚ TẾT

XUÂN VỀ, NHỚ TẾT !

                      Irene.

         Một mùa xuân nữa lại về! Ở cái đất Phương Nam này không có cái rét buốt của những ngày cuối đông, không có gió Tết hây hẩy lùa trong nắng và hình như trong không khí của những ngày cuối năm thiêu thiếu một cái gì đó? À ! phải rồi, nhà nhà, người người không có cái rộn rịp đồng loạt dọn dẹp lại nhà cửa, quét vôi, sơn cửa, làm bánh mứt…chuẩn bị Tết.Thoảng trong gió, không có  mùi thơm của mứt gừng, mứt dừa… của bánh in, bánh thuẫn…và trước mỗi nhà không có nồi bánh chưng, bánh tét khói tỏa nghi ngút… Tôi nhìn xung quanh mà cảm thấy tâm hồn mình lạc lõng, chới với. Những người xa quê, Tết đến lòng lại nao nao nhớ quê. Nhớ những ngày tháng đón Tết nơi quê nhà.
          Ở nơi vùng đất miền Trung ấy, năm nào cũng vậy vừa sang tháng chạp ta, khi mà mùa đông khép lại nhường chỗ cho mùa xuân bắt đầu ngự trị. Tiết trời trở nên ấm áp, cây cối vụt rạo rực đâm chồi nảy lộc, muôn hoa đua nhau khoe sắc. Vạn vật như hồi sinh, một chu kì mới bắt đầu với bao hy vọng mùa xuân mới chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn.
          Tôi còn nhớ, Tết đến, những đứa trẻ như chúng tôi là người náo nức nhất khi được mẹ dẫn ra ông thợ may, đo và may áo quần mới. Rồi khi may xong đem về nhà, ngày nào chúng tôi cũng mở tủ ra xem và ướm thử vào người. Sao mà thích thế! Rồi chờ từng ngày, từng giờ mong cho mau đến tết.
          Ba tôi thì ngắm nghía cây mai rồi tính toán ngày trảy lá cho kịp nở hoa vào dịp Tết.
          Mẹ tôi thì nhiều việc hơn. Nào là phơi bột, nhặt đậu…để làm bánh in, bánh thuẩn…bánh chưng, bánh tét. Phơi kiệu, đu đủ…để làm dưa món. Chọn gừng, dừa, bí, me, chùm ruột…để làm mứt…
          Đường phố nhộn nhịp. Phố xá tấp nập. Chợ búa đông đúc. Rồi đến hai ba tháng chạp mọi người lại chuẩn bị đưa Ông Táo về trời. Mọi người nói rằng Táo Quân lên trời báo cáo với Ngọc Hoàng Thượng Đế về những điều tai nghe mắt thấy, những hành vi, việc làm tốt, xấu của những người trong gia đình qua một năm và xin phò hộ cho mọi người được vạn sự như ý. Thường là Ông Táo lên trời bằng con cá chép vàng. Lễ cúng đưa Ông Táo được nhân dân ta chuẩn bị rất chu đáo, nào cá chép, vàng mã, xôi chè, kẹo, bánh, hoa quả…
          Hình ảnh Táo Quân trở nên gần gũi thân thuộc với mọi người. Ông Táo về trời báo cáo lại mọi việc làm của gia đình trong năm qua. Điều này, khiến mọi người sống với nhau thật tốt, ăn ở với nhau thuận hòa, phải đạo hơn. Gia đình nào cũng mong muốn được Táo Quân báo cáo những điều tốt của nhà mình thì sang năm trời mới phò hộ cho được mọi điều yên vui, hạnh phúc, may mắn và thành đạt… Chiều ba mươi, mọi người lại đón Ông táo trở về tiếp tục canh giữ cho bếp luôn đỏ lửa, gia đình được êm ấm.
          Cũng vào ngày hai ba tháng chạp âm lịch, những ngôi nhà ở nông thôn người ta bắt đầu dựng cây nêu. Có người quan niệm rằng khi ông Táo vắng mặt, ma quỷ nhân cơ hội này sẽ lẻn vào nhà quấy nhiễu.
          Những ngày Tết, nhà giữa phố không thấy cây nêu nhưng đi ra khỏi Cầu Đôi về vùng Nhơn Bình, Nhơn phú, Tuy Phước, An Nhơn… tôi thường thấy họ dựng cây nêu trước nhà. Đó là một cây tre cao khoảng 5-6 mét, người ta tỉa sạch các nhánh và những lá tre. Trên ngọn treo một câu đối, có nơi treo bầu rượu bện bằng rơm có nơi treo nhánh xương rồng hay con cá chép bằng giấy…Lúc còn bé, tôi chưa hiểu ý nghĩa nhưng thấy hình ảnh của cây nêu tôi cũng thấy hay hay. Sau này khi biết ra tôi lại càng thấy trân trọng những phong tục cổ truyền đó.
          Nhân dân mình tin rằng cây nêu là biểu tượng đấu tranh giữa cái thiện và cái ác nhằm bảo vệ cuộc sống bình yên cho mọi người. Trồng cây tre trước cửa nhà vào năm mới đánh dấu những ngày vui hạnh phúc nhất trong năm. Những may mắn mới với ước mong trong năm được nhiều đổi mới tốt hơn năm qua, nhiều thành đạt hơn trong cuộc sống.
          Đến ngày mùng bảy tháng giêng dở cây nêu xuống gọi là ngày hạ nêu. Mọi người yên tâm tiếp tục công việc.
          Những ngày Tết đến gần, ai ai cũng hớn hở. Từ già đến trẻ, từ trai đến gái, từ thành thị đến nông thôn hay từ nghèo đến giàu  đều có truyền thống “ Tống cựu nghênh tân”. Mọi người lo quét dọn nhà cửa sân ngõ của nhà mình, vứt bỏ những cái cũ, sắm những vật dụng mới. Ngày Tết nhà cửa khang trang, trên tường treo những tranh ảnh hay những câu đối đỏ. Giữa nhà những chậu hoa mai, hoa cúc, hoa vạn thọ …vàng tươi. Bàn thờ tổ tiên hương trầm nghi ngút. Trẻ con xúng xính trong áo mới. Người lớn cũng mặc chiếc áo đẹp, khuôn mặt rạng rỡ niềm vui.
Đi chợ Tết
          Những ngày cận Tết là mọi người trong nhà lo gội đầu, cắt tóc… Mua sắm mọi thứ, lo thức ăn đầy đủ trong những ngày Tết. Nói chung là lo mọi thứ trong nhà cho tươm tất nên ai cũng bận rộn. Tôi thường hay nghĩ sao trong cả năm để làm gì không đi mua sắm, mà cứ để cuối năm lại tranh nhau đi mua? Cái gì cũng mua từ chiếc chiếu, cái gối…rồi đến nồi, niêu, soong, chão, chén, bát, đũa …bình, li…nói chung là sắm tất cả các vật liệu trong nhà. Từ người nghèo đến người giàu, ai ai cũng đều đi mua sắm.
          Chiều ba mươi Tết trước khi cúng rước ông bà, gia đình tôi có cái thông lệ là ba mẹ cho chúng tôi mỗi đứa một ít tiền. Ba chị em tôi sẽ ra phố Gia Long, ghé tiệm bánh mua bánh kẹo Tây . Ghé vào nhà sách mua một tập nhạc hay cuốn truyện để kỉ niệm buổi chiều cuối năm.   
          Tôi thích nhất cái không khí của ngày ba mươi Tết. Trong cái rộn ràng của phố phường, trong cái tất bật của mọi người. Lòng mình cảm thấy lâng lâng và rồi chiều ba mươi, mọi công việc như ngừng lại, ai ai cũng trở về sum họp với gia đình. Nhà nhà như ấm áp hẳn lên, khuôn mặt mọi người vui tươi. Trong không gian của một buổi chiều cuối năm như lắng đọng. Lúc còn đi học, tôi rất thích dạo một vòng quanh phố phường để ngắm cảnh nhà nhà đang chuẩn bị  đón Tết.Sau này tôi lại có thú dạo xem cảnh mua bán chợ hoa. Thật là thú khi thấy mỗi chiếc xe chở những chậu hoa rồi tản mác tỏa về  khắp mọi nơi trong thành phố và lòng vui vui khi nghĩ rằng những  chậu hoa kia đang đem mùa xuân đến cho mỗi nhà.
          Tiếng pháo nổ lúc đầu thưa thớt rồi mỗi lúc nhiều hơn , sau rộ lên ! cả thị xã ầm vang “Đùng! Đùng! Đùng!” hòa vào đó là tiếng chuông chùa và tiếng chuông Nhà Thờ ngân vang báo hiệu GiaoThừa ! Giờ khắc tiễn biệt năm cũ đón chào năm mới! Ai cũng thêm một tuổi, ai cũng hy vọng sang năm mới mình có nhiều sức khỏe gia đình an khang hạnh phúc :
          Tân niên hạnh phúc bình an đến!
          Xuân nhật vinh hoa phú quí về.
          Trong giờ khắc thiêng liêng ấy ! Điều mọi người nghĩ đến đầu tiên là Tổ tiên. Trên bàn thờ đèn sáng rực, khói hương nghi ngút. Bàn thờ những nghi thức xếp đặt cũng theo cấp bậc hẳn hoi : Bát hương, Đại tự, câu đối…đông bình , tây quả… Mọi người thắp nén nhang lòng thành kính hướng về cội nguồn dòng họ !
          Sau giao thừa, cả nhà tôi thường tụ họp ở phòng khách chúc Tết ông bà, cha mẹ…Mấy đứa cháu trong bộ áo quần mới, trịnh trọng vòng tay trước ngực giọng ngập ngừng chúc …cứ sau khi chúc xong là sẽ được người lớn trao cho một bao lì xì. Niềm hân hoan lộ rõ trên từng khuôn mặt của mỗi người. Ba mẹ tôi thường dặn, sau giao thừa không được đến nhà ai…vì sợ họ kiêng cử. Cho nên ngày mồng một thường là chỉ đến nhà cha mẹ hay bà con mà thôi.
          Đầu năm, ba tôi thường xem hướng để cả nhà xuất hành đầu năm. Có năm thuận hướng bước ra khỏi nhà là đi nhưng có năm phải đi vòng. Lúc bé, tôi chỉ biết đi theo ba mẹ nhưng sau khi có gia đình, tôi thường xem sách hay bạn bè truyền cho nhau. Như bây giờ tôi đang viết thì một anh bạn gởi e-mail đến cho biết : Theo lịch năm nay ngày mồng một Tết Nhâm Thìn là ngày Quí Mùi.
Ngày Hoàng Đạo : Sao Ngọc Đường ( Nói chung là tốt )
Xuất hành hướng tốt : - Hỷ thần : Đông Nam.
                                    - Tài thần : Tây.
Xuất hành giờ tốt : Giờ Hoàng Đạo : Mão ( từ 5h-7h )
                                                            Tỵ  ( từ 9h-11h )
                                                            Tuất ( từ 19h-21h )
                                                             Hợi ( từ 21h-23h )
          Cũng có người nói : Nếu như ta không biết hướng thì cứ xuất hành theo hướng đi lễ Chùa ( nếu theo Phật ) hoặc theo hướng Nhà Thờ ( nếu theo Công Giáo )…thế là tốt.
          “Linh tại ngã, bất linh tại ngã.”
Đi Lễ Chùa
  Thường đi lễ chùa, ba mẹ tôi áo dài đi trước, ba chị em tôi cũng áo dài thướt tha đi sau, vừa đi vừa lẩm nhẩm hát.
          “Trên đường đi lễ xuân đầu năm, qua một năm ruột rối tơ tằm. Năm mới nhiều ước vọng chờ mong, may nhiều rủi ít ngóng trông…”
          Trong khi lễ đầu năm, tôi thường cầu nguyện sự an lành cho mọi người trong gia đình và chuyện học hành, thi cử của mình được thuận lợi.
          Lễ chùa hái lộc, mọi người chỉ hái một cành non ở đình chùa mang về như là mang một cái lộc đến với mình trong năm mới. Chuyện hái lộc cũng gây nhiều phiền toái. Cây cối trong chùa ít mà người hái lại đông cho nên có nhiều chậu mai đang ra hoa thật đẹp, thế mà trong thoáng chốc cây trở nên trơ trọi.
          Ngày Tết có tục lệ đi thăm nhau. Đầu tiên thăm và chúc Tết những người lớn trong dòng tộc, bà con, họ hàng, sui gia…sau đó đến bạn bè, hàng xóm…Quanh năm, bận rộn làm ăn ít có dịp đến thăm nhau. Nhân ngày Tết đến chúc nhau những lời chúc tốt đẹp. Nâng ly rượu…tình cảm càng thêm gắn bó.
          “ Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi. Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi. Người thương gia lợi tức. Người công nhân ấm no. Thoát ly đời gian nan nghèo khó…”
          Những ngày Tết, đến nhà nào thức ăn cũng đầy đủ : Mứt, bánh. Bánh chưng, bánh tét… Thịt đông, thịt kho trứng, kho tàu…
Nem, chả…tùy theo vùng. Miền nào có thức ăn đó, tùy theo sở thích…Nhân dân mình quan niệm đến nhà mà đầy đủ  thì trong năm sẽ hứa hẹn một năm làm ăn khấm khá, thịnh vượng, phát tài.
          Nói chung, phần đông tất cả các phong tục trong ngày Tết là thể hiện những niềm mong ước khát khao của nhân dân ta về một cuộc sống vui vẻ, sức khỏe, hạnh phúc và sung túc.
          Ngày Tết Nguyên Đán là ngày Tết cổ truyền dân tộc còn mang hình thái tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân ta truyền từ đời này sang đời khác. Nó phản ánh đời sống tinh thần khá phong phú, lòng khát khao một năm mới với “ Thiên thời, địa lợi, nhân hòa ” gia đình hạnh phúc, ấm no. Ngày Tết còn là ngày tiêu biểu cho truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
          Bây giờ cuộc sống quá phát triển. Muốn ăn Tết thì cứ đến các siêu thị, các chợ có đủ các loại bánh mứt…bày bán đầy đủ không thiếu một cái gì. Nhưng theo tôi vẫn còn thiếu !!! Đó là cái không khí ấm áp của gia đình. Con cháu xúm xít để làm mứt, làm bánh hay quây quần bên bếp lửa hồng canh nồi bánh chưng, bánh tét nói chuyện thâu đêm… Điều đó, không chỉ là tình cảm của những người trong gia đình mà còn gắn kết tình làng nghĩa xóm với nhau nữa. Thỉnh thoảng có những cái Tết về lại quê nhà, tôi cũng thấy đâu đó có nhiều gia đình còn giữ lại cái không khí ngày Tết năm cũ. Rất đáng quí ! Riêng tôi, tôi thường gặp lại “cái Tết ngày xưa ấy” trong những giấc mơ của mình.
           Giá như ta cứ gìn giữ và phát huy những thuần phong mỹ tục đó, từ trong mỗi gia đình ra tới ngoài xã hội. Mọi người đối xử với nhau trên thuận dưới hòa, kính già, yêu trẻ… thì cuộc sống này càng ngày càng êm đềm, an vui. Đất nước ta càng ngày càng phát triển và phồn thịnh hơn lên.

Sài Gòn, những ngày cuối năm.
          ( 10/01/2012 )
                Irene.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LY RƯỢU MỪNG XUÂN

                   Ngoài sân, hoa mai nở vàng báo hiệu mùa xuân đang đến!          Mùa xuân được xem là mùa khởi đầu. Mùa xuân khí...