Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2015

TIẾNG VĨ CẦM TRONG ĐÊM

TIẾNG VĨ CẦM TRONG ĐÊM.

-->
                                             Irene.

         Tuổi học trò có hoa, có lá, có nắng và mây…Tuổi học trò trong trẻo hồn nhiên với những suy tư vu vơ…Ai cũng có một thời và chỉ có một thời như thế! Để được vui, được buồn, được giận, được hờn và có được những tình cảm trong sáng, tinh khôi của một thời áo trắng nhiều mộng mơ…
Thời thơ mộng nhất là thời Trung học. Cứ hằng năm khi mùa thu đến! Tôi lại ríu rít cùng các bạn rủ nhau đến trường. Dạo đó, chúng tôi gồm ba người bạn gái chơi với nhau rất thân. Chúng tôi học cùng trường, cùng lớp, nhà lại ở cùng một con đường. Ngày ngày dù mưa hay nắng, con đường Nguyễn Du cũng rộn rã tiếng cười nói đùa vui của ba chúng tôi.

 Sáng nào cũng vậy, khi ánh bình minh vừa lóe sáng thì Ngọc Hiền từ trên đầu đường bước ra khỏi nhà đi xuống nhà tôi, chưa đến ngõ là Hiền đã gọi vang. Sau đó hai chúng tôi qua nhà Thanh Thủy. Thế là ba đứa tung tăng sánh bước bên nhau tíu tít chuyện trò. Cùng con đường Nguyễn Du ấy, thỉnh thoảng cũng có một số bạn cùng lớp như Thúy Minh, Phan Biên, Đỗ Hoa thế là sáu đứa chúng tôi dàn hàng ngang đi đến trường rộn vang tiếng cười nói. Chúng tôi là dân trường Nữ nên cũng có nhiều cái nghịch của con gái, nhiều không làm sao kể hết được? Đến trường chúng tôi vẫn lại xúm xít bên nhau. Khi thì ngồi trong lớp ôn bài, tán gẫu. Khi thì dạo trong sân trường tâm sự dưới những hàng dương. Khi thì dạo biển ăn hàng mỗi khi có giờ trống. Lúc thì nghịch ngợm chọc phá bạn bè có khi với cả thầy cô giáo nữa…
 Những buổi tan trường, chúng tôi lại cùng nhau vui đùa rộn rã trên đường về…Thế nhưng thấy thấp thoáng có “ai đó” ghé mắt nhìn thì chúng tôi lại “tỏ vẻ” dịu dàng thướt tha trong tà áo dài trắng. Thỉnh thoảng có người bám theo sau hay một dân “húi cua” nào đó cần “gặp” một trong ba đứa!? Anh ta trao vội vàng một phong thư ép trong quyển sách rồi luống cuống quay đi, để cho người “nhận” nhiều cảm xúc bâng khuâng.
Nhà tôi và nhà Thủy cách nhau hai căn nên tôi thường qua nhà Thủy mỗi khi cần hỏi về bài vở hay chuyện ở lớp. Thường thường hai đứa hay đứng nói chuyện trước cổng bên cây dừa. Nhiều lúc nói say sưa quên cả thời gian cho đến khi nghe tiếng chị tôi gọi về ngủ, tôi mới lật đật chạy về. Ba chúng tôi đều là người gốc Huế giọng nói âm vực giống nhau nên lại càng hợp. Khi mùa hè đến! Ba tháng nghỉ học, hằng ngày chúng tôi vẫn thường xuyên gặp nhau, vẫn bên nhau trò chuyện, vui đùa hay chơi những trò chơi con gái.
Trong ba chúng tôi, Hiền là con đầu, tôi là con út, Thủy là con giữa lại có anh trai kề. Dạo đó, chúng tôi học lớp 11 thì anh ấy đang học đại học ở Sài Gòn. Lúc trước, khi anh còn đi học ở Cường Để, Mỗi lần tôi và Hiền đến rủ Thủy đi học mà gặp anh là hai đứa “e lệ thẹn thùng” “chớp chớp mắt” không dám nhìn anh ấy. Ngược lại, anh của Thủy cũng “luống cuống” khi đối diện với chúng tôi . Thế nhưng Hiền và tôi cũng “nghịch” vô cùng. Hai đứa thường hay nhỏ to gán ghép cho nhau. Hiền “cắp đôi” tôi với anh ấy, còn tôi thì “cắp đôi” lại, rồi cả hai cùng rúc rích cười nhưng không bao giờ để hé lộ ra cho Thủy biết.
 Bây giờ anh đi học Sài Gòn, mỗi lần anh về thăm nhà, tôi thấy anh ra vẻ người lớn! Cái dáng thư sinh cao cao, với đôi kính cận trông anh lại càng trí thức hơn. Gặp tôi và Hiền anh mạnh dạn chào hỏi, còn tôi và Hiền thì cứ lí nhí trả lời. Dạo đó, chúng tôi nhát và hiền lắm! Tính tôi lại hay “mắc cỡ” nên thấy anh là tôi vội tránh ngay.
Có hôm gặp anh ấy ngay ở cổng nhà, tôi cuống cuồng không biết như thế nào mà suýt đánh rớt chiếc cặp còn Hiền thì đi sau lưng tôi nên cô ấy vội vàng nép sau cánh cổng. Có hôm, thấy chúng tôi, anh vội chào  thì Hiền và tôi như “sượng” lại mở không ra lời và chẳng biết nói gì chỉ cúi đầu. Nếu anh có hỏi là chúng tôi dạ dạ, thưa thưa lí nhí trong cổ họng, bao nhiêu sự liến thoắng hằng ngày vốn có của tôi, nó bay đi đâu mất tiêu.
Thật sự mà nói có nhiều lần tôi cũng bắt gặp ánh mắt của anh nhìn tôi trìu mến. Không biết anh có nhìn Hiền như thế không? Chứ riêng tôi, trong thoáng chốc tôi cũng thấy tâm hồn mình có một cái gì đó mơ màng, bồi hồi lẫn xao xuyến. Tuổi mười sáu, mười bảy thường thơ thẩn cùng trăng sao với những suy nghĩ vẩn vơ hay bâng khuâng thả hồn đi hoang cùng mây gió nhưng mau chóng quên. Rồi ngày qua tháng lại dần dần cũng bay đi theo gió mây.
Mùa hè năm 71, cả ba chúng tôi đều đậu tú tài Bán. Thủy đi làm Ngân hàng còn tôi và Hiền tiếp tục học 12. Năm học này vì không có Thủy cùng đến trường nên tôi và Hiền đi học buồn thiu.
Năm 72, đậu tú tài Toàn. Thúy Mình, Phan Biên vào Nha Khoa còn lại chúng tôi vào Sư Phạm khóa 11. Ngọc Hiền Lớp 2, Đỗ Hoa lớp 3 còn tôi lớp 6. Năm 1974,  ba chúng tôi ra trường đi dạy.
Ngôi trường làng, đàn học sinh với những bài giảng đã chiếm hết thời gian của một cô giáo trẻ mới ra trường xa nhà như tôi. Tôi bỏ lại sau lưng thành phố biển với một thời thơ mộng của tuổi học trò.
Một lần nọ, về nhà để dự đám cưới Thủy, tôi gặp lại anh. Anh bây giờ đã là Thiếu Úy. Lệnh Tổng Động Viên, anh vội xếp bút nghiên  theo việc đao binh. Cũng cặp kính cận ấy nhưng trông anh khác xưa nhiều. Anh không còn cái vẻ thư sinh như hồi đi học. Nước da đen sạm, tóc hớt cao trông anh oai hùng, rắn rõi, phong trần trong bộ đồ treillis. Gặp tôi anh cũng dạn dĩ hơn, vồn vã, tươi cười nói chuyện hỏi thăm ân cần hơn chứ không nói năng “nhát gừng” như xưa. Qua câu chuyện tôi biết được anh đang đóng quân một tiền đồn heo hút nào đó ở Quảng Ngãi.
Rồi một hôm, từ chiến trường xa xôi anh vào thị xã hỏi thăm và đi tìm gặp chị của tôi dạy ở Quảng Ngãi. Nói chuyện loanh quanh chỉ với mục đích hỏi thăm tôi. Nghe tôi ra trường đi dạy ở Bồng Sơn, anh lo lắng vì nơi tôi dạy rất nguy hiểm. Anh hứa chuyến về phép sắp đến, anh sẽ vào thăm tôi.
Thế rồi cuộc chiến càng ngày càng khốc liệt. Con người oằn mình trong bom đạn của chiến tranh. Ranh giới giữa cái sống và cái chết rất mỏng manh nên tương lai là một cái gì đó mơ hồ không ai biết trước và cũng không ai muốn nghĩ đến như thế nàò? Tôi không gặp anh từ dạo ấy và lời hứa vào thăm tôi, anh vẫn chưa thực hiện được.
Biến cố lịch sử 75, tất cả dừng lại! Cuộc chiến chấm dứt! Mọi người trở về với gia đình. Tôi về lại Qui Nhơn. Một  thời gian sau, tôi tiếp tục trở lại nghề dạy học. Khoảng thời gian này tôi thường qua lại chơi với Thủy và biết tin là anh đang đi học tập cải tạo. Tính tôi lại hay e dè nên ngài ngại không dám gởi một lời dù đó là lời hỏi thăm đến anh. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy sao hồi đó mình thờ ơ đến vậy?
Mấy năm sau, hết thời gian cải tạo anh trở về. Giai đoạn này là thời bao cấp nên cuộc sống tất cả mọi người đều rất khó khăn. Gặp tôi, anh chỉ nhìn tôi với nụ cười buồn buồn. Còn tôi do bản tính “ngại ngùng” nên chẳng biết nói gì với anh?
Một tối nọ, sau khi ăn cơm xong, tôi qua nhà Thủy chơi. Thường thường cuối tuần Thủy từ nhà chồng hay về nhà thăm ba mẹ. Thừa dịp này, hai chúng tôi mới gặp nhau hàn huyên tâm sự.
Thói quen, tôi mở then cài cổng bước vào sân, nhìn vào bên trong chẳng thấy Thủy và cũng chẳng thấy ai? Đang phân vân không biết tuần này Thủy có về chơi không? Thì tôi nghe tiếng đàn vọng ra từ phòng trong. Ngạc nhiên xen lẫn thích thú! Vào những năm sau 75 hầu như những loại nhạc trước đây ở miền Nam đều bị cấm, với lại những tập nhạc hay băng đĩa mọi người đều đem nộp hết cho nhà nước. Cho nên không còn có gì để nghe. Vì vậy việc nghe nhạc với những giai điệu quen thuộc một thời đối với tôi rất khát khao.
 Tôi tò mò bước lần vào bên trong và nhìn vào. Thật bất ngờ! Đứng tựa bên cửa sổ là anh của Thủy đang say sưa kéo violon. Lạ thật! Đã nhiều năm tôi quen với Thủy, qua lại hàng ngày, tôi có  thấy anh chơi đàn Violon bao giờ đâu nhỉ? Đứng ngoài hiên, tôi nhìn anh. Dưới cặp kính, đôi mắt anh nhắm lại mơ màng thả hồn qua tiếng đàn. Đây là lần đầu tiên tôi được thấy một người sử dụng loại nhạc cụ này. Đàn được đặt lên vai trái, cằm anh tựa lên đàn, tay trái cầm đàn và bấm các nốt trên cần đàn, tay phải cầm vĩ để kéo… Tôi ngắm anh đàn, cả người anh như hòa vào giai điệu… Do sợ có ai bắt gặp, nên tôi vội lùi lại nép bên cửa. Giai điệu của bài Hương Xưa vang êm trong đêm tĩnh mịch. Tiếng nhạc du dương làm sao! Khi nhẹ nhàng buông lơi, khi dìu dặt khi thì thánh thót… Trước đây, tôi đã biết và thích nhạc của Cung Tiến như bài Thu Vàng, Hoài Cảm, Hương Xưa… nhưng bài Hương Xưa là tôi thích nhất. Có thể nói Hương Xưa là một tác phẩm quý hiếm của nhạc sĩ. Tác giả ảnh hưởng những âm hưởng của nhạc cổ điển Châu Âu như Mozart và Beethoven ở vào thế kỷ 18 nên Cung Tiến soạn tác phẩm này nghiêng về nhạc giao hưởng thính phòng. Bản nhạc ra đời vào khoảng năm 1955.
Tôi mãi mê thả hồn theo tiếng nhạc. Tiếng vĩ cầm du dương khi thì kéo lướt nhẹ nhàng, khi thì buông lơi trên phím…
Người ơi, một chiều nắng tơ vàng hiền hòa hồn có mơ xa. Người ơi, đường xa lắm con đường về làng dìu mấy thuyền đò…
 Lúc thì réo rắt khi anh gãy từng nốt nhạc tới đoạn điệp khúc…
Ôi! Những đêm dài hồn vẫn mơ hoài một kiếp xa xôi. Buồn sớm đưa chân cuộc đời. Lời Đường Thi Nghe vẫn rền trong sương mưa…
Tiếng đàn kéo lúc nhanh, lúc chậm. Khi lơi lả, lúc thì rung lên có khi lại ngân dài…Giai điệu toát lên một sự trầm buồn, nức nở xen lẫn tiếc nuối. Tôi có cảm tưởng mình đang ở trên chiếc thuyền lướt nhẹ trên dòng sông trong một buổi chiều êm ả, buồn mênh mang trong cảnh trời mây, sóng nước mịt mùng … tâm hồn tôi bay bổng, lơ lững như trở về một thời nào xa rất xa…
Tiếng vĩ cầm cứ âm vang thánh thót trong đêm. Mơ mơ hồ hồ. Hư hư thực thực. Ôi! Thật là tuyệt diệu! Khoảnh khắc hiếm mấy khi bắt gặp trong cuộc đời. Cũng có thể đã lâu tôi không được nghe nhạc cho nên như người khát nước gặp được dòng suối mát. Như băng giá gặp được lò sưởi hay như con chim nhốt trong lồng nay được thả lên bầu trời cao rộng mênh mông…
Và thế là tôi cứ say sưa thả hồn theo điệu nhạc, tâm hồn tôi mênh mang, chơi vơi bay bổng theo những xúc cảm tuyệt diệu… rồi không biết tôi đứng nghe như thế trong bao lâu và tiếng đàn kéo dài rồi dứt lúc nào tôi cũng chẳng rõ? Tôi vẫn đứng đó một mình ngơ ngẩn trong đêm. Trăng tháng tám sáng tỏ soi rọi xuyên qua kẽ lá của những chiếc tàu dừa lung linh, huyền ảo tạo nên những vệt sáng tối giống như một bức tranh Thủy mạc…
-Ủa, em đứng đây từ bao giờ? Anh của Thủy ra đến bên cạnh tôi lúc nào mà tôi chẳng hay biết?
Tôi giật mình quay lại, tim đập nhanh như là bị bắt quả tang
đang làm một điều gì? Tôi lúng túng :
-Dạ…Dạ… em qua tìm Thủy!
-Thủy mới vừa trở về bên nhà chồng rồi!
-Dạ, thôi em về!
-À, mà R. này…
Tôi quay lại nhìn anh. Khuôn mặt anh và nhất là đôi mắt anh
như sáng lên:
         -Em có thích bài Hương Xưa không?
         -Dạ, em rất thích!
         -Vậy thì hôm nào em qua chơi, anh sẽ đàn cho em hát.
         -Dạ, nhưng mà… em không thuộc…với lại… em hát dở lắm…
Tôi nói lắp bắp và vội vàng đi nhanh về nhà không dám ngước lên nhìn anh. Đêm hôm ấy giai điệu trầm trầm của bản nhạc Hương Xưa và tiếng đàn vĩ cầm cứ vang vang nhẹ nhàng buồn buồn bên tai rồi đi vào trong giấc ngủ của tôi.
Sau đó, tôi cũng tập hát cho thật thuộc lời bài hát nhưng tôi biết rằng mình chẳng bao giờ dám ngồi hát cho anh nghe.
Một lần chị Vân của Thủy tâm sự với chị của tôi rằng: “Em của mình thích R…lúc trước nó định… nhưng dạo đó đời lính gian khổ quá làm nó ngại ngần. Sau 75 thì cuộc sống vất vả nó lại càng không dám…! Bây giờ thì hiện tại và tương lai mù mịt…Chắc cậu ta đành giữ kín luôn…”
Tôi rất cảm động khi biết được tình cảm của anh ấy! Nhưng lúc đó tôi cũng ngây ngô, chẳng nghĩ được gì? Chẳng biết nói gì và lại chẳng biết thể hiện với anh ấy như thế nào cả?
Rồi tôi bận rộn trong công việc ở trường, giảng dạy học sinh ở lớp. Môi trường mới này, có nhiều điều tôi phải làm quen để thích nghi. Anh ấy cũng lo đi tìm việc để sống nhưng dạo đó cũng chỉ có những công việc lao động nên suốt ngày ai cũng quần quật với công việc … và rồi cứ thế những nghiệt ngã của đời thường như những con sóng ập đến cuốn mọi người ra xa rồi nhấn chìm hết tất cả, mất hút hay trôi dạt mỗi người một phương trời…
Thủy theo chồng đi ra nước ngoài theo diện người Hoa. Ba má Thủy bán nhà đem gia đình vào Sài Gòn và tôi không còn biết tin tức gì nữa cả?
Không biết sau bao nhiêu năm? Rất tình cờ! tôi nghe được tin rằng : Thủy bảo lãnh gia đình và cả anh ấy ra định cư ở nước ngoài. Anh đã có một mái ấm gia đình hạnh phúc. Tôi rất mừng và mong anh có được nhiều niềm vui bên những người thân!
Bây giờ thì rất nhiều lần tôi nghe lại bài Hương Xưa do rất nhiều ca sĩ thể hiện hay qua những dàn nhạc giao hưởng hòa tấu nhưng không bao giờ tôi tìm lại được cảm xúc như một lần được nghe tiếng vĩ cầm trong đêm ngày ấy!?
Tuần trước, Người bạn cùng học lớp 6 khóa 11 Sư Phạm Qui Nhơn, trên con đường lái xe đi làm, gọi phone hỏi thăm và nói chuyện với tôi. Bạn ấy nói :
-R. có thích bài Hương Xưa của Cung Tiến không? Mình rất thích bài náy!
Và bạn ấy đã hát cho tôi nghe qua điện thoại với giọng “mộc”...
…Người ơi, chiều nào có nắng vàng hiền hòa sưởi ấm nơi nơi. Người ơi, chiều nào có thu về cho tôi nhặt lá thu rơi...
Khi nghe bạn tôi hát. Tự dưng những giai điệu của bản nhạc Hương Xưa qua tiếng đàn vĩ cầm trong đêm hôm ấy như sống lại trong tôi. Thật êm ái và thật là nhẹ nhàng vang lên! Tôi như tìm lại một thoáng cảm xúc ngày xưa trong phút chốc rồi tan biến… Tôi thở dài tiếc nuối.
Mùa thu nức nở ơ ớ
Tiếng thở ơ ơ ơ dài
Tiếng vĩ cầm, buồn ơi mùa thu ơi!
…              (Thu ca điệu ru đơn- Phạm Duy)

Sài Gòn, tháng 11/2012.
         Irene.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LY RƯỢU MỪNG XUÂN

                   Ngoài sân, hoa mai nở vàng báo hiệu mùa xuân đang đến!          Mùa xuân được xem là mùa khởi đầu. Mùa xuân khí...