MÙA ĐÔNG DỊU DÀNG.
Phương Uyên.
Những ngày mưa dầm lướt thướt từ từ thưa dần. Trời tạnh hẳn. Mùa Đông đã về! Bầu trời mây trắng giăng giăng thật thấp. Gió mùa Đông Bắc tràn về mang theo cái lạnh tê tái, rét mướt. Cây cối trơ cành đứng đìu hiu ven đường.
Hàng ngày, sau mỗi buổi học Uyên thường trở về nhà trên những chuyến xe Lam. “Cuộc đời con người như những chuyến xe, có đón chào ắt có tiễn biệt”. Những ngày buốt giá như thế này Uyên thường hay “triết lý” vẩn vơ. Một cơn gió từ biển thổi vào đem cái lạnh buốt làm Uyên rùng mình hai tay choàng lấy người như giữ lấy hơi ấm rồi ngồi dịch vào bên trong xe… Uyên lơ đãng nhìn phố xá thưa thớt xe cộ. Hai bên đường người người đi lại co ro trong những chiếc áo ấm đủ màu.
Chiếc xe chạy chậm dần rồi dừng lại ở đầu đường Lê Lợi. Bước xuống xe, Uyên rẽ về phố Tăng Bạt Hổ. Hai tà áo dài trắng luấn quấn theo bước chân. Dường như có ai đó đi theo sau lưng…Liếc nhìn nhưng chẳng thấy quen… Uyên ôm chặt tập vở, vờ vuốt lại mái tóc, thong thả bước về nhà.
-Uyên!
Quay lại! Uyên nhìn kỹ vào người vừa gọi mình và ngạc nhiên thốt lên:
-A! Anh Vinh!
Hai năm trước đây sau khi đậu Tú tài, Uyên vào Sài Gòn thi Đại Học Dược. Thi xong thấy kết quả bài làm chẳng khả quan nên Uyên quyết định ghi danh vào Đại học Luật và Văn Khoa. (Hồi đó các Đại học này chỉ ghi danh học rồi thi theo tín chỉ hay thi theo từng đợt chứ không thi tuyển vào trường như những năm sau 1975).
Một buổi sáng, Uyên đến trường Luật để xem thủ tục ghi danh. Trong lúc đang ngơ ngác thì may sao có người đến hỏi thăm và giúp Uyên. Người giúp Uyên đó là anh Vinh. Anh học năm thứ tư Luật. Không quen biết gì nhau nhưng có lẽ lần đầu gặp, anh thấy khuôn mặt Uyên có vẻ “nai” và bộ điệu thì ở “ nhà quê” mới lên tỉnh! Nên “động lòng trắc ẩn” ra tay “nghĩa hiệp” ?
Uyên nhớ mãi buổi trưa hôm đó. Sau khi ghi danh xong, Uyên và anh đi bộ dọc theo con đường trước trường Luật. Con đường với những hàng cây cao rợp bóng. Những chiếc lá me theo gió bay bay vương vướng lên tóc lên bờ vai lên tà áo Uyên, đẹp và thơ mộng vô cùng. Đi bên anh nghe anh kể từ chuyện học đến chuyện ở trọ nhà của người bà con rồi chuyện quê nhà. Uyên biết được quê của anh ở Phan Thiết. Anh hỏi thăm Uyên về gia đình, về Qui Nhơn… Anh nói chuyện vui vẻ và lập luận rất hay! “Luật sư tương lai mà”. Anh Vinh nói nhiều lắm mà bây giờ Uyên chỉ nhớ mang máng một vài ý mà thôi. Nhiều năm sau đó, Uyên mới thấy thấu đáo những câu nói như phương châm giáo dục của Kant là “…không chỉ giảng dạy cho sinh viên các tư tưởng mà còn dạy cho họ biết tư tưởng.” Lúc đó, đầu óc Uyên trống rỗng thế nào ấy? mà chẳng hiểu ý nghĩa của câu nói này. Nhưng có một câu mà Uyên rất thích cho đến bây giờ vẫn thích là : “Tất cả hình thức vị tha, vô vị lợi đều qui về tư lợi như tất cả dòng sông đều quay về biển cả”. Anh phân tích cái đúng, cái sai trong câu. Anh Vinh đã đem đến cho Uyên một tầm nhìn mới mẻ trước mọi vật, hiểu biết thêm về triết lý hay nhân sinh quan của cuộc sống. Trong lòng Uyên luôn ngầm “phục” anh vô cùng…
Tiếng nhạc bên đường vang vang :
“ Con đường nào ta đi,
Với bàn chân nhỏ bé
Con đường chiều thủ đô,
Con đường bụi mờ…” (Con đường tình ta đi-Phạm Duy)
Đường phố Sài Gòn, xe cộ ngược xuôi, người người đông đúc… như rộn ràng theo từng bước chân qua.
Sau đó, Uyên trở về Qui Nhơn học Sư Phạm. Hồi đó ghi danh yêu cầu gởi tài liệu, Uyên phải nộp khoảng 7-8 ngàn đồng cho một năm học. Khoản tiền cũng khá lớn so với cuộc sống của gia đình Uyên! Ngoài các tài liệu, giáo trình của trường Luật gởi như Xã Hội Học của Joseph Fichter, Trần Văn Đĩnh dịch. Kinh Tế Học của Paul Samelson… Anh còn gởi cho Uyên những sách tham khảo mà anh đã học qua như Luật Học Kinh Tế Tạp chí... Kèm theo đó một vài bức thư chỉ là thăm hỏi, kể chuyện…Lời thư lúc nào cũng ân cần, quan tâm như một người anh lo cho em…Nhờ anh mà Uyên đã tiếp cận được các môn học với những cuốn sách rất “khó nuốt” ở trên… Tuy anh Vinh giúp đỡ nhiều, nhưng do không trực tiếp lên giảng đường để trực tiếp nghe giảng nên Uyên không cách gì hiểu hết các kiến thức trong sách. Cuối cùng, Uyên hẹn lại năm sau sẽ thi.
-Anh về hồi nào?
-Anh đến Qui Nhơn sáng nay!
Uyên mời anh vào nhà và biết được anh đã tốt nghiệp Đại Học và xin làm việc tại Đà Lạt.
-Anh ở chơi bao lâu? Uyên đột ngột hỏi.
Ngạc nhiên! Ngước nhìn Uyên. Anh chậm rãi:
-Anh ở đây chơi vài ngày, trở về Phan Thiết. Sau đó, anh mới lên lại Đà Lạt.
Có một điều kỳ lạ! Là cứ mỗi lần gặp ai là Uyên nghĩ ngay đến ngày chia tay. “Trong hội ngộ đã có mầm ly biệt…”.
Uyên nhìn ra bên ngoài. Bầu trời vẫn một màu xám trắng. Không khí vẫn lạnh và khô. Mặt Trời mùa Đông đang chơi trò chơi “trốn tìm” cùng mây gió.
Buổi chiều, anh Vinh đến trường Sư Phạm đón Uyên! Hai người đi bộ dưới những hàng dương. Tiếng gió thổi lao xao hòa cùng tiếng sóng biển vỗ ì ầm vào bãi cát. Vòng qua Eo Nín Thở gió thổi thốc ngược tà áo dài cùa Uyên bay “phần phật”. Một tay cầm tà áo, một tay vuốt lại mái tóc rối, Uyên nhìn ra xa. Biển động! Một màu xám xịt với những con sóng cao cuồn cuộn. Từng đàn hải âu chao nghiêng bay lượn rồi mất dạng. Những chiếc thuyền của người dân xóm chài neo đậu chênh vênh hay nằm yên trên bãi vắng.
-Ra trường, em định chọn nhiệm sở ở chỗ nào?
-Em thích chọn Bình Định cho gần nhà nhưng cũng còn tùy theo vị thứ tốt nghiệp nữa, nên chẳng biết ra sao?
-Nếu không được Bình Định, Uyên chọn lên Đà Lạt đi!
-Ồ! Đâu có nhiệm sở Đà Lạt!
-Thế hả?
Cả hai cùng cười xòa!
Mùa Đông con đường Nguyễn Huệ lúc chiều xuống như dài và rộng ra. Mọi người trong thị xã nhỏ bé hiền hòa này như đều ngại ngùng khi bước ra đường trong khí trời buốt lạnh.
Hai người đi bên nhau suốt đoạn đường, dường như cả hai đều rất ít nói, sợ làm vỡ đi những cảm xúc trong lòng, sợ lay động không gian của buổi chiều hay sợ thời gian trôi qua nhanh?
Chiều cứ xuống chầm chậm! Hoàng hôn buông phủ khắp nơi. Sương trắng giăng giăng cả một vùng biển. Lạnh căm căm và giá rét!
Sáng hôm sau, Uyên có giờ đi dự ở trường Sư Phạm Thực Hành nhưng Uyên xin phép lớp trưởng nghỉ.
Uyên và anh lại đi dạo phố. Trời mưa rây bụi bay bay rồi tạnh lúc nào không biết? Cái rét càng tăng thêm! Quấn lại khăn quàng, Co ro, thọc hai tay vào túi áo mà vẫn thấy cái lạnh len vào cơ thể. Những con đường Qui Nhơn Mùa Đông như còn đang ngái ngủ chưa tỉnh hẳn giấc nồng.
-Vào café Dung nghe nhạc!
Uyên ngại ngùng bước theo! Đây là lần đầu tiên Uyên bước vào đây! (Con gái trước 75 ít ai mạnh dạn đến quán café như con gái bây giờ). Uyên nghĩ : “Mình ngồi với anh Vinh ở đây mà gặp người quen hay các bạn nhị 6 lớp của mình thì thế nào các bạn ấy cũng phao lên rằng : - Mình đi với người…. ” Uyên bật cười.
-Em cười gì vậy?
-Ồ, Không có gì? Em xin lỗi!
Không khí trong quán ấm áp. Hai người ngồi yên, thanh thản nghe nhạc êm dịu trong buổi sáng Mùa Đông.
Những ngày gặp nhau, anh Vinh thường hay nói cho Uyên nghe về các vấn đề Triết Học Hiện Sinh của Kierkegaard Heidegger của Sartre hay Merleau-ponty… Uyên ngồi nghe, dần dần cũng có điều hiểu nhưng thật ra nhiều điều chẳng hiểu gì cả? Anh nói đến cuốn sách làm sôi nổi dư luận thế giới, đó là cuốn Ni Marx, ni Jesus của triết gia nổi tiếng Jean-Francoishevel… Uyên lại càng không hiểu trước những kiến thức quá “triết lý” vượt quá sự suy nghĩ của mình. Vì hồi đó, tư tưởng của Uyên rất đơn giản và tương lai Uyên nghĩ đến cũng chỉ khép kín trong một ngôi trường làng và bầy học sinh bé nhỏ mà thôi.
Những ngày sau đó, sáng chiều anh thường đến trường đón Uyên. Rồi anh chia tay Uyên! Mùa đông dường như khép lại khi anh ra đi.
Uyên ra trường rồi đi dạy. Thỉnh thoảng về thăm nhà Uyên nhận được vài lá thư của anh. Lời thư thỉnh thoảng anh cũng mơ mơ hồ hồ nhưng nhớ gì đó? nhưng sao lúc đó Uyên chẳng để ý, hay do bận rộn dạy dỗ với môi trường mới hay do tư tưởng “bất an” nên Uyên “quên” cả hồi âm.
Biến cố lịch sử Mùa Xuân 75, Uyên không còn có cơ hội thi và tiếp tục học Luật! Và cũng từ đó Uyên cũng mất liên lạc không còn biết gì tin tức về anh nữa?
Uyên thấy dường như đây không phải là tình yêu? Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn Uyên, lúc nào Uyên cũng nhớ đến anh với lòng biết ơn sâu xa.
Mùa Đông với những ngày u ám, với những cơn gió se sắt vả những ngày lạnh lẽo bủa vây…thường là những khoảnh khắc làm cho mọi người cảm thấy cô đơn… Mùa Đông thường làm cho ta nhớ nhung… nhưng đối với Uyên, Mùa Đông bao giờ cũng gợi cho Uyên những cảm xúc êm đềm! Mấy chục năm trôi qua, tuổi chồng chất. Đời người đi vào những năm tháng cuối cùng, Uyên mới nhận ra rằng, có những việc xảy đến, ta không sao ngờ trước được? Mà đời người thì biết bao nhiêu biến cố? Bao nhiêu thăng trầm? Biết bao là sóng gió? Bao nhiêu sự đổi thay? Đến rồi đi, đi rồi đến! Hợp rồi tan, tan rồi hợp! Sắc sắc không không…chỉ khác là mọi sự vật luôn ẩn hiện dưới nhiều sắc thái khác nhau mà thôi! Cuộc sống luôn cần có chữ “Duyên”. Không có duyên với nhau thì không thể nào hạnh ngộ, không thề nào tương phùng...
Mùa Đông năm ấy là Mùa Đông dịu dàng nhất! Với Uyên, cuộc sống này luôn có nhiều gam màu, có nhiều cung bậc cảm xúc, có nhiều giai điệu trầm bỗng…
Và cứ thế! Hàng năm, hàng năm khi Mùa Đông mở cửa bước vào! Uyên như tìm lại được mình trong chính cái bản ngã muôn thuở của một con người. Để rồi sau đó luôn sống an lạc, thanh thàn, hạnh phúc bên người thân, gia đình và bè bạn.
Sài Gòn, tháng11/ 2012.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét