Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2015

KỶ NIỆM

KỶ NIỆM.

-->
                                                               Irene.

         Bây giờ, đã là tháng mười một. Ở cái đất phương Nam này những cơn mưa bắt đầu từ từ lẩn trốn nhường cho nắng vàng hanh hao và những cơn gió thoảng. Thỉnh thoảng cũng có một vài đám mây đi lạc bay ngang qua thành phố làm cho không khí ở đây bớt oi nồng.
         Tháng mười một thường làm cho tôi nhớ đến miền Trung thân yêu. Vào thời gian này, thời tiết ngoài đó đã bắt đầu chạm đông, báo hiệu bằng những cơn mưa to hay dai dẳng kéo dài…Tháng mười một cũng làm cho tôi nhớ về những kỷ niệm của một thời cắp sách rồi bồi hồi nhớ lại những ngôi trường, các thầy giáo, cô giáo, các bạn đồng nghiệp và các học sinh của tôi.
         Tôi không sao quên được những kỷ niệm về ngôi trường đầu tiên trong cuộc đời mình đó là trường Mẫu Giáo Quy Nhơn.
         

 Năm 1959, khi tôi đến tuổi đi học mẫu giáo, ba tôi xin cho tôi vào trường. Không phải như bây giờ, trẻ em lên ba là đã đi mẫu giáo. Sau đó phải học mẫu giáo ba năm: Mẫu giáo bé, mẫu giáo nhỡ rồi mẫu giáo lớn hay lớp mầm, lớp chồi, lớp lá gì đó… Còn lúc trước không bắt buộc là phải đi học mẫu giáo mới được vào lớp một nhưng vì ba má tôi thấy sáng nào khi hai chị tôi sửa soạn đi học thì tôi cũng náo nức ôm cái cặp cũ, giã vờ đi học cứ đi ra đi vào. Thấy tôi thích đi học quá nên trường mẫu giáo vừa mới mở là ba tôi cho tôi đi học ngay.
         Ngôi trường vừa mới được thành lập. Đó là ngôi trường Mẫu giáo đầu tiên ở Qui Nhơn, Ngôi trường nằm trên một khuôn viên rộng ngay bên bờ biển Quy Nhơn. Cổng trường hướng ra đường Nguyễn Huệ, lưng quay ra biển. đối diện xeo xéo với trường Nữ Trung Học ( hồi đó là trường Tân Bình).
         Tôi còn nhớ mãi ngôi trường có cái cổng phía trên là cái bảng tên trường màu xanh. Hàng rào xung quanh làm bằng kẽm gai. Trong sân trường sát bờ rào là hàng cây dương liễu, lá rơi đầy gốc và rụng đầy sân cát, lá già màu nâu sẫm và trái dương thì khô khốc đen đen. Trong sân còn có trồng rất nhiều dừa, cây thì cao ngất cây thì thâm thấp mới trồng.
         Trường có hai dãy phòng hay nói đúng hơn là có hai phòng. Phòng ở chính giữa là phòng lớn và rộng nhất dùng làm phòng học. Phía bên phải của phòng học là phòng ăn cũng là phòng y tế.
         Phòng học rộng rãi và thoáng mát. Trên tường trang trí những bức tranh nhưng tranh gì thì tôi không tài nào nhớ rõ. Bàn ghế học sinh ngồi được sơn những màu nhạt như hồng, vàng, xanh. Chúng tôi thường ngồi học trên những chiếc ghế tựa làm bằng gỗ.
         Tôi không biết là lúc đó học sinh đi học có nộp tiền như học sinh bây giờ không? Chỉ thấy đến lớp, chúng tôi được cô giáo chuẩn bị cho việc học rất đầy đủ. Bút chì, màu tô của mỗi học sinh được để trong những cái “lon” ngoài dán giấy màu để phân biệt. Ngoài ra mỗi học sinh có một cái hộp đựng dụng cụ, bên trong là một cái kéo, hồ dán, gôm tẩy, thước…
         Cô giáo đầu tiên dạy tôi, đó là cô Gương. Cô thường mặc chiếc áo dài màu xanh nhạt hay màu vàng mỡ gà. Cô có nụ cười hiền hậu, cử chỉ của cô rất dịu dàng. Tóc cô “phi dê” ngang vai. Tôi không tài nào nhớ nỗi giọng nói của cô Gương như thế nào? Cô là người miền nào? Nhưng có một điều là cô rất nhẹ nhàng, thương yêu chúng tôi. Đối với tôi, cô là người đầu tiên dạy tôi đọc, cầm tay tôi vẽ, kể chuyện hay tập cho tôi những bài hát... Thổi vào tâm hồn tôi những tình cảm trong sáng, đẹp đẽ. Cô khơi gợi trong tôi tình yêu đối với trường lớp, bạn bè và nối kết tôi với những người xung quanh trong cộng đồng.
         Tôi rất thích đi học nên tâm trạng tôi lúc đó rất vui. Sáng nào tôi cũng thức dậy sớm để sửa soạn đi học. Ba tôi chở tôi trên chiếc xe đạp đưa đón hàng ngày. Cũng vì quá thích học nên tôi vẫn còn nhớ một số kỷ niệm về quãng thời gian của năm đầu tiên đi học này.
 Mỗi giờ học chúng tôi thường được cô bố trí ngồi theo nhiều kiểu khác nhau. Hôm nào học có bảng đen thì cô xếp bàn ghế thành hai dãy học sinh ngồi theo thứ tự từ thấp đến cao. Hôm nào học có dụng cụ như tranh ảnh, đồ dùng giáo khoa thì cô giáo lại xếp theo hình chũ U. Có khi xếp theo một dãy ngang hoặc khi chơi trò chơi thì cô lại xếp ghế theo hình tròn.
         Vào đầu mỗi buổi học, mỗi học sinh tự lên hộc tủ lấy hộp đựng dụng cụ và “lon” đựng màu tô của mình. Nếu giờ Tập Vẽ thì cô phát giấy... Nếu giờ Thủ công cô giáo lại phát cho chúng tôi những tờ giấy màu và kéo…
         Mỗi ngày tôi chỉ học một buổi. Buổi sáng học xong một giờ thì nghe tiếng kẻng ra chơi. Cô giáo cho chúng tôi đi hàng một từ phòng học qua phòng ăn. Chúng tôi ngồi vào bàn, trên bàn mỗi học sinh có một phần bánh (thường là bánh biscuit hay bánh champagne) và một li sữa. Ăn xong chúng tôi ra sân chơi.
Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ khuôn mặt hiền hậu và dáng dấp nhanh nhẹn của ông cai trường. Tôi nhớ hình như trong trường chỉ có hai người đó là cô Gương dạy tôi và ông cai trường. Cho nên công việc của ông rất nhiều, ngoài việc mở, đóng cổng ông còn sắp bánh…dọn dẹp phòng ăn, quét phòng học, hành lang, sân trường. Giờ chơi ông còn đứng trông coi chúng tôi chơi đùa, nhiều khi còn phụ cô giáo xếp hàng nữa...
  Sân chơi nằm ở phía sau nhìn ra biển. Trong sân có rất nhiều cái xích đu làm bằng gỗ sơn nhiều màu như hình con thiên nga, con thỏ, con vịt…Cái bập bênh, cái cầu tuột… Mà cũng lạ nghen? Tôi thích đi học như thế! Nhưng không biết vì sao cứ đến giờ chơi, tôi lại bồi hồi nhớ nhà, nhớ ba má… tôi thường thơ thẩn một mình không chơi đùa mà mong sao mau tan học để được ra về.
Khi vào học Sư Phạm Qui Nhơn, tôi được học nhiều về  các phương pháp dạy học, về việc tổ chức lớp học theo những mô hình trên thế giới và sau này khi trở thành giáo viên tôi lại áp dụng các phương pháp dạy học mới kết hợp với việc điều khiển, tổ chức lớp học theo các nước tân tiến… Ký ức tuổi thơ của tôi chợt ùa về thì ra, các phương pháp tổ chức dạy học này cô giáo dạy mẫu giáo của tôi từ những năm cuối thập niên 50 đã áp dụng rồi.
Tôi còn nhớ lờ mờ một vài kỷ niệm của năm học mẫu giáo. Tôi được cô giáo chọn vào đội múa rối của lớp. Thỉnh thoảng cô tập các vai trong Bạch Tuyết Bảy Chú Lùn hay Cô Bé Choàng Khăn Đỏ… Chúng tôi thường đứng bên dưới cái màn che chỉ đưa bàn tay mà trên tay phủ hình những nhân vật như những đồ chơi búp bê rồi tay mình cứ nhúc nhích di chuyển qua lại…chứ tôi không nhìn thấy những người đang xem ngồi ở bên dưới.
Ở nhà, tối nào tôi cũng học theo mấy người chị. Do là ba tôi đã dạy tôi biết được mặt chữ của 29 chữ cái và các số từ 1 đến 10 nên đi học mẫu giáo tôi học rất giỏi. Có một lần hình như vào cuối năm học thì phải? Cô bảo tôi lên viết số từ 1 đến 10 (mà hình như học mẫu giáo lúc đó chưa yêu cầu là phải viết). Tôi lên bảng và viết : 1,2.3…8,9,0. Thay vì viết số 10 tôi quên mất nên viết số 0. Cô Gương cười, xoa đầu tôi và thêm số 1 vào trước số 0. Thế nhưng tôi là người duy nhất trong lớp biết viết số và kết quả cuối năm học, tôi được xếp hạng thứ nhất.
Tôi được đứng nhất lớp và đi lãnh phần thưởng tại trường Mai Xuân Thưởng. Tôi nhớ buổi chiều hôm ấy, cả nhà rộn rịp hẳn lên! Chị tôi dẫn tôi đi lãnh phần thưởng bằng cyclo còn ba tôi thì đi bên cạnh bằng xe đạp. Chỗ phát thưởng hình như là Hội Trường rất đông học sinh và phụ huynh. Mẫu giáo được phát trước. Cô giáo dẫn tôi lên bục. Một người nào đó trao phần thưởng cho tôi. Phần thưởng gói trong tờ giấy kiếng to và nặng quá! Tôi không làm sao bưng nỗi. Cuối cùng cô giáo phải bưng dùm rồi đưa xuống dãy ghế bên dưới giao cho ba tôi… Khi về đến nhà là cả nhà ra đón rồi tất cả vào phòng khách. Phần thưởng được mở ra: Hai ram vở, một bộ sách lớp năm (lớp một) và những cuốn sách truyện gì đó lâu quá không nhớ nỗi, một cái cặp táp, một cái mũ, một cái áo đầm sọc xanh trắng, một số khăn lông lớn, khăn nhỏ…một hộp đựng bút, một hộp màu tô, một hộp bút chì đen… tôi vẫn còn nhớ từng món vì nhiều năm sau đó ba tôi thỉnh thoảng vẫn thường nhắc đến trong niềm vui.
Tuy lãnh phần thưởng nhiều thế mà tôi vẫn không vui vì khi lãnh xong đi xuống bên dưới. Tôi nhìn thấy trong phần thưởng của bạn đứng thứ ba sau tôi, con của ông trưởng ty Ngân Khố có trái táo (Lúc đó trái táo rất quý. Thường thường táo hay lê là nhập từ Pháp mà Qui Nhơn chỉ có một tiệm bán duy nhất là ở đường Gia Long). Tôi nghĩ “Ước gì phần thưởng của mình có trái táo như thế nhỉ!”  Và thế là tôi cứ buồn buồn không vui!
…Còn rất nhiều kỷ niệm về ngôi trường, về cô giáo đầu tiên trong cuộc đời tôi nhưng đã là kỷ niệm thì làm sao mà viết hết thành văn bản hay nói hết thành lời mà hãy để trái tim mình lưu giữ mãi những kỷ niệm thân thương đó.
Trong lời comment trên trang Sư Phạm Qui Nhơn, bạn Thiên Ái có nhắc lại câu nói của nhà văn Haruki Marukami trong tác phẩm Kafka on the shore :
 “ Những kỷ niệm làm sưởi ấm tâm hồn nhưng đôi lúc cũng làm tan nát cõi lòng”
Thật đúng như thế! Kỷ niệm dù vui hay buồn, hạnh phúc hay đau khổ cho dù làm cho tâm hồn ta ấm áp hay tái tê cũng vẫn lưu giữ trong ta những khoảnh khắc đáng quý, đáng trân trọng! Cho nên nếu cho tôi ước muốn, tôi cũng sẽ như nhạc sĩ Xuân Phương trong bài Mong ước kỷ niệm xưa : “…Nếu có ước muốn trong cuộc đời này. Hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại, bên nhau tháng ngày, trao nhau những hoài niệm để nụ cười còn mãi trên hàng mi, trên bờ môi và trong những kỷ niệm xưa…”

Ngày xưa, các thầy, cô tôi không có một ngày nào để cho những người học sinh như chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn! Nhưng sự tri ân về những người thầy luôn khắc sâu trong tâm, trong trái tim của mỗi người học trò cho đến suốt cuộc đời mình.  
Hôm nay, ngày Hiến Chương Nhà Giáo 20 tháng 11 lại về! Cho tôi xin gởi những đóa hoa tươi thắm để tri ân các thầy giáo, cô giáo đã dạy tôi nên người và cầu mong tất cà những người đã từng đứng hay đang đứng trên bục giảng luôn luôn được bình an, sức khỏe và có nhiều niềm vui, may mắn trong cuộc sống!

14/11/2012.
Irene.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LY RƯỢU MỪNG XUÂN

                   Ngoài sân, hoa mai nở vàng báo hiệu mùa xuân đang đến!          Mùa xuân được xem là mùa khởi đầu. Mùa xuân khí...