HẠNH PHÚC ĐẦU XUÂN.
Irene.
Mùa xuân đã về với đất trời, đến với những phố phường, những hàng cây, tràn ngập khắp các chợ hoa, trên những khuôn mặt tươi vui rạng rỡ của mọi người… Tết đến rồi! Tuy đã vào sống hẳn ở Sài Gòn nhưng năm nào tôi và các con cũng về Qui Nhơn ăn Tết. Năm nay, cô con gái lớn của tôi sinh em bé nên cả nhà không thể về quê ăn Tết được.
Sài Gòn, một thành phố sôi động. Người đông, xe cộ nhộn nhịp, nhà cửa chi chít. Sài Gòn bây giờ cũng như là “Một ngôi nhà chung”. Dân tứ xứ, người ở khắp mọi nơi trong nước từ Bắc vào Trung đổ xô vào đây tụ hội. Học sinh các tỉnh về đây học hành, tốt nghiệp ra trường có việc làm tốt nên ở lại không về quê nữa. Có người vào Sài Gòn tìm kiếm công việc hoặc làm ăn thuận lợi nên quyết định lập nghiệp ở cái nơi “ Đất lành chim đậu”này. Thế nhưng cứ đến Tết theo phong tục, mọi người lại kéo nhau về quê mình sum họp bên gia đình.
Ở đây, mỗi người có một lối sống riêng. Ai biết nhà nấy, suốt ngày đi làm, tối về cơm nước, nghỉ ngơi để ngày mai tiếp tục công việc, không quan tâm đến mọi người xung quanh. Thỉnh thoảng, trong xóm mọi người gặp nhau quen mặt thì gật đầu chào, hỏi thăm vài câu xã giao… hình như cũng không có thời gian nhiều để qua lại ngồi chơi tâm sự…
Ngày Tết lại càng buồn! Đường phố thưa thớt người hơn. Xóm vắng vẻ. Nhà ai cũng đóng cửa rồi kéo nhau đi về quê hay đi chơi xa không có tục lệ thăm viếng chúc Tết hàng xóm láng giềng như ở miền Trung mình.
Năm nay vợ chồng con trai tôi từ Đà Nẵng xin nghỉ làm sớm vào ăn Tết với tôi. Để trong gia đình có không khí như hồi xưa và cũng để bớt nhớ Tết quê nhà nên tôi bày ra làm đủ thứ : Nào là các loại mứt, làm bánh, dưa chua củ kiệu, thịt …Tôi định ngày hai mươi bảy gói một ít bánh chưng, bánh tét nhưng mấy đứa nhỏ bàn:
- Mẹ làm nhiều sẽ mệt, đau lưng…rồi ốm thì khổ. Với lại mẹ xem cả xóm có ai nấu đâu? Hay mẹ thích bánh ngoài mình gói thì nhờ chị Hương con dì gởi vào. Nghe nó nói cũng đúng nên thôi.
Chiều cuối năm, hai mươi chín tháng chạp ( Năm nay không có ba mươi). Cả nhà xúm xít giúp tôi nấu bữa cơm cúng rước ba tụi nhỏ. Ăn uống xong cũng gần mười giờ. Mấy đứa con tôi dọn dẹp, sắp sẵn bàn thờ chờ cúng giao thừa…
Tôi vào phòng nằm nghỉ, trong lòng cứ buồn buồn nhớ Qui Nhơn! Nhớ những ngày tháng Tết xưa cũ , nhớ những mùa xuân hạnh phúc nơi quê nhà.
Một mùa xuân nào đó đã xa…
Tiếng con gà trống của nhà hàng xóm gáy vang! Tôi giật mình thức dậy, ngước nhìn ra ngoài, trời vẫn còn tối, định nằm thêm một lát nhưng nghĩ đến hôm nay là ba mươi Tết còn biết bao nhiêu công việc nên vội tung mền ngồi dậy! Bên cạnh Huân chồng tôi và hai con đang ngủ say. Nhè nhẹ, tôi vén mùng bước xuống giường.
Ngoài đường, trong màn sương sớm, trời lạnh giá.Tôi kéo cao cổ áo, gài nút chiếc áo len. Rét quá! Tuy sớm thế nhưng đã có nhiều người đi. Hai bên phố, những hàng quán cũng mở cửa đang chưng bày hàng hóa cho kịp bán trong ngày cuối năm. Trước mỗi nhà những nồi bánh chưng, bánh tét lửa hồng đỏ rực, khói tỏa lên cao. Càng gần đến chợ thì lại càng nhộn nhịp hơn. Hàng bày bán tràn ra cả ngoài đường, hình ảnh hiếm thấy trong giai đoạn thời bao cấp của thập niên tám mươi này.
Tôi vội vã xếp hàng mua thịt. Người chờ mua đứng thành một hàng dài. Cả tháng nay để dành không dám ăn. Hôm nay, mua về cúng ba mươi và còn để ăn trong mấy ngày Tết. Gạo thì đã mua tuần trước. Thấy tôi có con nhỏ nên cô giáo trong trường đi xếp hàng dùm, cô đến sớm đặt sẵn “cục gạch” dành chỗ nên tôi đạp xe xuống là mua nhanh chóng. Nếp, đường, đậu, dầu, bột ngọt, tiêu, pháo…mỗi thứ một ít được phân phối theo sổ mua hàng của nhà trường tiêu chuẩn của giáo viên. Tôi nhớ thời gian sau 75, tôi chỉ mới hai mươi mốt tuổi, còn độc thân. Trở lại tiếp tục nghề dạy học. Lúc đó chưa có sổ mua gạo và tem phiếu mua thực phẩm. Lần đầu tiên trường phân mỗi người 10kg gạo. Giáo viên trong miền Nam chưa quen cái cảnh phân chia hàng hóa, ai cũng e ngại không dám đem về. Tôi và mấy cô giáo nữa gởi nhờ bác cai trường giữ hộ đến tối mới dám xuống lấy đem về. Còn nhiều điều nữa mà cho đến nhiều năm sau tôi vẫn chưa thích nghi được …Giai đoạn bao cấp kéo dài và càng ngày cuộc sống càng trở nên khó khăn…
Tôi lập gia đình sinh con, khi nuôi con lại càng túng bấn. Hai vợ chồng phải “ thắt lưng buộc bụng ” mà vẫn không đủ tiền mua sữa cho con…Hai đứa nhỏ ốm nhom cứ bịnh hoài…Bây giờ, hai đứa nhỏ đã đến tuổi học cấp một.
Khi tôi đi chợ về đến nhà thì trời đã trưa. Thấy tôi, anh nói :
- Anh và hai con ăn sáng với bánh tét rồi ! Bây giờ em và con ở nhà, anh ra kia xem có chậu hoa nào rẻ mua về chưng Tết.
Tôi biết anh rất thích hoa. Tết nào anh ấy cũng thích một cây mai vàng để ở phòng khách nhưng năm nay do mưa nhiều, trời lại rét hơn mọi năm nên cây mai trồng, mặc dầu anh đã trảy lá hơn cả nửa tháng nay mà bây giờ chỉ mới ra nụ bé xíu.
Tôi nhìn vào bếp thấy Huân chẻ hết đống củi và chất gọn gàng để dành thổi mấy ngày Tết. Tôi chế biến thực phẩm nhóm bếp nấu các món ăn. Xong đâu đó, quay ra định giặt thau đồ nhưng Huân đã giặt tử lúc nào. Áo quần phơi một dây dài. Anh ấy, trước đây lúc còn độc thân đi dạy có biết lo toan gì đâu? Chỉ vui chơi với bạn bè. Thế mà từ khi lập gia đình, anh biết lo lắng . Huân rất chịu khó, việc gì nặng nhẹ trong nhà anh cũng đều làm hết. Thấy tôi bận rộn chuyện trường lớp, tất bật chợ búa, lo chăm sóc, dạy dỗ hai con nên anh cũng chung lưng gánh vác chẳng nề hà gì cả. Tính tình anh hiền lành, dễ chịu lại thương yêu quan tâm đến vợ con. Thật sự, hai vợ chồng chỉ sống với đồng lương giáo viên ít ỏi và vài ba hàng hóa phân phối … cả nhà cố gắng sống gói ghém trong đó. Nhiều lúc thấy cuộc sống gia đình quá khó khăn, ngoài giờ đi dạy anh đi làm thêm đủ nghề từ sơn cửa, sửa điện, lắp ống nước rồi quét vôi các trường học…Tuy rất khó khăn về vật chất nhưng chúng tôi sống rất êm ấm, hạnh phúc.
Tôi quét dọn lại nhà cửa. Những cái bánh chưng, bánh tét tự tay tôi gói mới vớt hồi hôm được xếp theo từng loại. Mứt gừng, mứt dừa, mứt đậu trắng... Bánh in, bánh phục linh, bánh thuẫn… xếp trong quả cũng do hai vợ chồng làm rồi đến củ kiệu dưa món. Bà nội bọn nhỏ trên quê gởi xuống cho vài cân thịt nên tôi làm thịt dầm mắm và vài cây tré. Bây giờ, tôi còn nấu một nồi thịt kho tàu, thịt kho trứng, một nồi giò nấu măng. Thế là năm nay trong nhà tương đối đầy đủ. Ngày Tết, theo tục lệ của mình, ai cũng muốn sửa soạn trong nhà cho thật tươm tất để còn mời bà con, khách khứa đến chơi xuân.
Trời đã trưa, vẫn chưa thấy Huân về. Tôi gọi hai con đang chơi trước ngõ vào nhà tắm rửa, cho hai đứa ăn trưa rồi lên giường ngủ. Hồi hôm hai vợ chồng thức canh nồi bánh tét nên bây giờ buồn ngủ. Tôi thiếp đi lúc nào không biết.
Khi giật mình tỉnh giấc thì đã ba giờ chiều. Huân vẫn chưa về. Tôi nghĩ : Không biết anh đi đâu mà lâu vậy ? Trong lòng lo lắng nhưng đã đến giờ nên tôi thay đồ cho hai con rồi chở xuống ngoại cúng rước ông bà.
Ngoài đường, chiều ba mươi tết ai ai cũng vội vã. Nhà hai bên dãy phố đang dọn dẹp, chưng bày phòng khách. Những chậu hoa mai, hoa cúc, vạn thọ …vàng rực. Từng chậu hoa cũng đang được chở về mọi nhà. Trong cái tất bật của những giờ khắc cuối năm, tôi thấy lòng mình cũng nôn nao.
Tôi phụ với mẹ và mấy chị sửa soạn mâm cúng, đặt lên bàn thờ. Mấy đứa nhỏ xúm xít ngoài sân đốt pháo. Tiếng nổ đì đạch, đì đùng nghe cũng vui tai.
Khi tôi chở hai con về nhà thì ngoài đường đã lác đác lên đèn…Mở cánh cổng, nhà đã sáng đèn. Giữa phòng khách một chậu mai, hoa nở vàng rực, Những búp nụ xanh nõn dày đặc…Nghe tiếng mở cửa, Huân từ nhà sau vội chạy lên. Mặt mày, tay chân dính đầy nhọ…thì ra anh đang nấu bếp.
- Chậu mai đẹp không em? Chợ hoa giá cao quá! Anh phải đạp xe về tận quê mình, chú Dư cho anh một chậu.
- Anh về mấy giờ sao không xuống đón mẹ con em về.
- Anh về thì thấy em và con đi rồi nên anh dọn dẹp phòng khách chưng cây mai rồi nấu cúng ba mươi luôn. Định xong đâu đó rồi mới xuống…
Theo chân anh, tôi bước xuống bếp, thức ăn anh đã bày vào mâm, tôi đặt lên bàn thờ rồi thành kính cúng ông bà.
Ăn uống dọn dẹp xong, hai vợ chồng sửa soạn cây mai. Anh lấy những thiệp chúc Tết treo vào, con Katy cũng bắt chước cầm cái thiệp gắn lên cành mai, thằng Jean thì lăng xăng chạy qua chạy lại…Tôi lau bàn khách, sắp bộ bình trà, mấy li rượu…Anh mở tủ lấy chai rượu “Nàng Hương” được phân phối hàng Tết đem ra chưng để mấy ngày xuân mời khách…Hai đứa nhỏ “quậy”một hồi thấm mệt lăn quay ra ghế salon ngủ say…Tiếng pháo giao thừa bắt đầu vang lên giòn giã! Tiễn biệt năm cũ để đón chào một năm mới. Trong giờ phút thiêng liêng đó lòng tôi tràn ngập niềm vui…Nàng xuân hạnh phúc đang khẽ khàng bước vào ngôi nhà bé nhỏ của chúng tôi…
- Mẹ ơi! Giao thừa rồi!
Tôi giật mình! thì ra những suy nghĩ đã đưa tôi trở về những ngày tháng hạnh phúc …Khi tôi bước ra thì các con, cháu, dâu, rễ…áo quần chỉnh tề. Thằng con đưa ba nén nhang cho tôi. Tôi đứng trước, cả nhà đứng sau lưng…Bàn thờ chồng tôi khói hương nghi ngút. Tôi cầu nguyện sang năm mới mọi người trong gia đình được sức khỏe bình an.
Mấy con tôi lần lượt chúc :
- Chúc mẹ năm mới nhiều sức khỏe!
Cherry con bé cháu ngoại thấy tôi mặc áo dài nên nảy giờ cứ quấn quýt bên chân :
- Năm mới ngoại mặc áo đẹp quá!Chúc ngoại sống lâu mạnh khỏe!
Cả nhà bật cười ồ!
Tôi đưa phong bao lì xì và ôm nó vào lòng. Ngước nhìn lên tấm hình trên bàn thờ, dường như anh ấy đang mỉm cười với cả nhà.
Tôi cắt quả dưa hấu. Đầu năm thấy đỏ tươi, cả nhà vui mừng cùng nhau hát vang :
…Cầm tay nhau bước trong giao thừa đón xuân đang về với tình yêu. Trái đất này, ta cùng bao người, nhìn nhau ánh mắt hân hoan với bao niềm yêu thương cuộc đời…
….
Ta đi bên nhau đón xuân đang về tới!
Hồn hòa vào cùng với đất trời
Xin nâng li lên chúc nhau thêm hạnh phúc
Cuộc đời mãi thắm tươi…
( Khúc giao mùa-Huy Tuấn )
Tôi thấy vui quá! Hạnh phúc quá! Năm mới những điều an lành đến với mọi người. Hiện tại tôi được sống trong tình yêu thương của con cháu. Tuổi về chiều, hàng ngày được vui vầy bên con, cháu thế là hạnh phúc nhất. Tôi thấy lòng mình rộn vui trong giờ khắc giao thừa và trong mùa xuân mới này.
Ngoài kia, pháo hoa đang nổ sáng rực cả bầu trời! Chào đón năm Nhâm Thìn!
Sài Gòn, ngày đầu năm.
Irene.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét