Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

MÙA XUÂN YÊN BÌNH

MÙA XUÂN YÊN BÌNH.

                                    Irene.
         Bây giờ vừa sang tháng chạp ta là đã nghe không khí Tết lao xao lùa trong gió. Mùa Xuân trở về mang theo hơi thở ấm áp, xua dần đi cái lạnh lẽo của núi đồi, xua tan cái băng giá Mùa Đông. Nàng xuân trẻ trung, tươi tắn, mát mẻ xuất hiện khắp mọi nơi đem đến cho vạn vật một sức sống mới. Đánh thức cả cái xóm nhỏ của cái làng heo hút ở vùng cao này.
         Tối đến, con nít lại tụ tập nô đùa vui vẻ. Người lớn thì bắc ghế ra trước hiên nhà  tụm ba, tụm bảy ngồi quây quần bên nhau uống trà chuyện trò. Quanh đi quẩn lại cũng là những chuyện về ngày Tết…
         Thời tiết dần dần thay đổi mỗi ngày. Ngày không mưa cũng không nắng. Chỉ thấy trời râm mát hơi se lạnh càng làm cho mọi người cái cảm giác nao nao trong lòng, chờ mong từng ngày.
         Sáng nào cũng vậy Hiền có thói quen thức dậy sớm. Ngủ nướng thêm một lát rồi mới ngồi dậy bước xuống giường. Cô khoác vội cái áo len, quấn thêm mấy vòng chiếc khăn quàng cổ cho ấm rồi mới mở cửa bước ra phía sau nhà.
 Trong làn sương sớm lành lạnh của Cao Nguyên. Có ai đó thấp thoáng trong màn sương bên những luống rau? Thì ra Huy chồng của Hiền đang lúi húi chăm sóc, tưới bón…
         -Anh đang làm gì đó? Sửa soạn đi dạy đi kẽo trể, để đó em làm nốt cho!
         -Sáng nay anh nghỉ hai giờ đầu cho nên thong thả rồi đi cũng được.
         -Nhưng mà anh cũng phải nghỉ tay đi, để vào ăn sáng!
         - Ừ, chờ một chút, anh tưới nốt mấy luống rau nữa là xong thôi mà!
         Huy năm nay cũng gần sáu mươi tuổi, còn hơn một năm nữa là đến tuổi hưu rồi. Hai vợ chồng sống với nhau trong căn nhà  nằm dưới chân đồi sát bên ngôi trường Tiểu học. Quê anh ở Phú Yên. Ba mẹ anh bị bệnh rồi lần lượt qua đời trước năm 75. Sau này lập gia đình, anh theo vợ về lập nghiệp ở đây luôn. Hằng ngày, Huy đi dạy, sau giờ dạy về nhà làm vườn trồng rau trái, nuôi mấy con gà, có lúc lại nuôi một vài con heo để tăng thu nhập cho đời sống. Thời gian còn lại rảnh rỗi anh lại viết lách cho các tờ báo. Lâu lâu cũng có chút ít tiền nhuận bút. Với số tiền đó anh lại mua thêm giống cây trồng hay mua vài con gà nuôi. Nhờ vậy quanh năm có rau trái ăn và còn có trứng, có thịt gà…Ngày Tết để dành được con heo bán lấy tiền mua sắm. Anh siêng năng lắm! Đi dạy thì thôi, còn về nhà thì làm việc luôn tay. Anh cũng thường làm giúp cho các người dân trong xóm mấy việc lặt vặt. Thấy vườn rau của ông Tư trồng sát bên thế là anh cũng bắt sâu, nhổ cỏ, bón phân, tưới nước dùm. Tính tình thì hiền hậu cho nên mọi người ai cũng quý mến anh.
         Hiền ngồi xuống bậc thềm, lơ đãng nhìn những luống rau lang tươi tốt. Luống cải xanh non. Những cây cà chua trĩu quả, có chùm trái đã hườm hườm. Giàn mướp với những bông hoa vàng vàng, trái thì mới chòi ra, trái thì lủng lẳng dưới cành. Những cây ớt trái xanh, trái đỏ đan xen nhau…Thoang thoảng trong gió đưa lại hương thơm ngan ngát của hoa chanh, hoa bười. Huy và Hiền thích ngồi bên nhau ở đây để ngắm khu vườn với màu xanh tươi mơn mởn chạy dài xuống tận dưới chân đồi…có lúc mơ màng Huy lại lãng đãng theo những vần thơ của Nguyễn Đình Toàn.
         Khi em về trời xanh và gió mát
         Con đường mòn thơm lá mục quê hương
         Vườn cải ngồng dỗ ong bướm về sân
         Anh nằm đấy buổi trưa và tiếng nắng…
        
         -Anh ơi! Anh hái mấy trái mướp để trưa nay nhà mình nấu canh ăn kẽo để nó già đi mất!
         -Ừ, anh thèm rau lang luộc nên anh có hái một bó, trưa em nhớ luộc nghen!
         -Dạ, nhớ hái cho em mấy trái chanh, mấy trái ớt nữa! Hiền nói vói xuống.
         Lát sau, Huy đưa cái rổ đựng mấy trái mướp non còn phấn trắng, nắm ớt, vài trái chanh tròn tươi xanh mọng nước có cả lá cho Hiền.
         -Hôm nay em không có giờ dạy à?
         -Chiều em mới có giờ.
Hiền đã về hưu nhưng vì cô có chút vốn liếng ngoại ngữ, bằng B Anh văn nên trường đã đề nghị với cô đảm nhận một tuần vài tiết dạy cho học sinh hai khối lớp 4 và 5. Nhờ vậy Hiền cũng cảm thấy vui vì vẫn còn ở bên học sinh.
         Huy ngồi xuống bậc thềm sát bên vợ rồi đưa mắt nhìn những màu xanh ngút ngàn phía trước mặt. Không khí buổi sáng ở đây rất thoáng đãng trong lành. Xa xa là núi đồi trập trùng. Mấy cái nhà sàn của những người dân tộc khi ẩn, khi hiện trong màn sương trắng đục. Tiếng chim chóc hót véo von trong các vòm lá vang vang dội vào trong vách núi. Những con ong, con bướm đủ màu sắc đang chập chờn bay lượn trên những đóa hoa mướp vàng vàng. Không gian trầm lắng yên bình. Huy thấy tâm hồn mình thanh thản nhẹ nhàng một cách kỳ lạ.
         -Anh nè! Mấy cây vạn thọ, mấy cây cúc ra hoa có kịp Tết không anh? Hiền nhìn những luống cây hoa quay lại hỏi chồng.
         -Chắc là kịp! Bây giờ nó đã ra nụ nhiều rồi. Nhưng mà nó ra không kịp thì ra giêng mình vẫn cứ ăn Tết, phải không em? hì hì! Vừa nói anh vừa cười.
Hiền không nói gì. Mỗi khi ngồi ở đây là Hiền thường thả hồn mình về với ngày cũ…
         Hiền mồ côi cha khi còn rất bé. Nhà nghèo, mẹ Hiền phải buôn bán tảo tần hôm sớm nuôi con ăn học. Đậu Tú tài xong Hiền thi và đậu vào trường Sư Phạm Qui Nhơn. Hai năm sau, ra trường Hiền lên dạy Phú Bổn. Mẹ Hiền cũng theo con. Hai mẹ con thuê nhà ở. Hàng ngày Hiền đi dạy còn mẹ thì buôn bán tạp hóa lặt vặt. Cuộc sống của mẹ con Hiền cứ thế tạm gọi là ổn định.
         Hai năm học trong trường Sư Phạm ở Qui Nhơn, Hiền và Huy quen nhau. Huy học trên nàng một khóa. Cuộc thi văn nghệ của lớp, qua một người bạn trong lớp giới thiệu. Huy đến tập dợt, đệm đàn cho Hiền hát. Bài hát Tình Quê Hương của Đan Thọ Hiền hát đơn ca rất thành công trong đêm diễn. Và cũng từ đó hai người yêu nhau.
Huy tốt nghiệp ra trường đổi về dạy ở quê là Phú Yên. Hồi đó chiến tranh nên đường sá xa xôi, cách trở…Thỉnh thoảng nghỉ lễ, anh vội vàng ra Qui Nhơn, vào nội trú thăm Hiền. Hai người lại tay trong tay đi trong sân trường hay đi dạo dọc theo những con đường phố ở Qui Nhơn có lúc ra ngắm biển. Đó là những ngày thơ mộng của một thời giáo sinh.
         Năm sau, Hiền ra trường đi dạy. Với vị thứ đậu ra trường, Hiền chọn lên Phú Bổn. Lúc Hiền mới lên đây, anh cũng thường xuyên lên thăm cô. Phú Bổn một huyện lỵ nhỏ. Khí hậu gần giống Đà Lạt nên mát mẻ dễ chịu. Ở đây, người dân còn rất ít,  phố xá thì chỉ có một vài con đường nhỏ lèo tèo vài ba hàng quán. Hiền có cảm giác như mình đang sống ở một cái ốc đảo nào đó biệt lập. Buồn hắt, buồn hiu!
         Huy và Hiền chưa kịp hứa hẹn gì nhiều cho tương lai thì mùa Xuân 75…
Theo đoàn người di tản Hiền và mẹ chạy theo Tỉnh Lộ 7 xuống Tuy Hòa và tìm gặp được Huy. Anh đưa Hiền về nhà giới thiệu với anh chị và bà con. Sau khi đất nước yên ổn, Hiền và mẹ trở lại Phú Bổn. Hiền tiếp tục đi dạy lại. Rồi mẹ con Hiền dành dụm tích góp mua được đám đất cất nhà.
Mùa Xuân sau anh và Hiền đám cưới. Anh xin đổi lên trên này dạy để được gần Hiền.
Cuộc sống cứ phẳng lặng trôi như dòng sông. Hiền và Huy có được hai con. Bây giờ thì chúng nó đã đi làm. Cô con gái đã có gia đình. Hai vợ chồng đều làm việc tại Phú Bổn và đã cho vợ chồng Hiền một đứa cháu ngoại. Cuối tuần chúng nó lại bồng bế nhau về thăm ông bà`. Còn cậu con trai chưa vợ thì đang làm việc tại Sài Gòn.
Hiền sống êm đềm bên mẹ và chồng con trong cái xóm nhỏ lặng lẽ yên tĩnh này. Cuộc sống giáo viên ngày xưa thì vất vả, cơ cực. Thời bao cấp ai cũng thế nhưng đối với vùng sâu vùng xa như nơi đây thì lại càng khổ sở trăm bề. Vợ chồng phải trồng trọt chăn nuôi thêm. Hiền thì ngoài giờ dạy phụ chồng, phụ mẹ làm vườn rồi mang ra chợ bán.  Khi thì mớ rau, khi thì trái cà, trái mướp…kiếm thêm tiền nuôi con ăn học. Cuộc sống đạm bạc, giản dị nhưng hạnh phúc và an bình.
Bây giờ thì kinh tế khấm khá lên rồi. Tháng nào cũng dư giã chút ít nên hè vừa rồi hai vợ chồng mới sửa lại cái nhà. Nhà cửa giờ đã rộng rãi, khang trang. Mẹ Hiền cũng đã tám mươi tuổi. Thế nhưng nhờ trời cụ vẫn khỏe mạnh.
Hiền quay vào nhà, chế café, nấu bữa ăn sáng. Hiền bưng cháo vào cho mẹ rồi hai vợ chồng vừa ăn sáng vừa nhâm nhi hương vị café Tây Nguyên.
Có một năm cũng vào dịp Xuân về Tết đến. Huy bảo với vợ:
-Em ơi, anh định Tết này mình gói thật nhiều bánh chưng, bánh tét?
-Chi vậy anh?
-Năm nay nhà mình cũng đỡ, con cái hai đứa thì đã ổn định. Nhưng nhìn xung quanh, anh thấy còn rất nhiều người nghèo khổ ở trong xóm mình. Nhiều nhà lại gặp hoàn cảnh cơ cực! Nên anh bàn với em, nếu được thì mình đem một chút bánh biếu Tết cho những gia đình khó khăn đó.
-Đúng đó! Em thấy mình cũng nên đem vào vùng trong cho các đồng bào dân tộc nữa anh à!
-Ừ.
-Em định ra giêng, mỗi tuần em bỏ ra vài ba buổi tối dạy dùm con em những người trong xóm mình học yếu kém như cháu ông Hoành ở sau nhà mình…
-Cũng được nhưng em phải nhắm sức khỏe của mình vì bây giờ tuổi đã lớn, em lại hay đau lưng…
-Dạ, em biết rồi!
Hai người mỉm cười nhìn nhau với ánh mắt đồng thuận. Trong lòng như ấm áp hẳn lên! Mặc dầu hôm nay rất lạnh vì ông Mặt Trời trốn biệt đi đâu mất.

Những ngày sau đó, nhà của vợ chồng Hiền tấp nập, kẻ ra người vào. Huy và cánh đàn ông tất bật lo hái lá chuối sau đồi chất đầy nhà rồi hì hục chẻ lạt…Hiền và các bà trong xóm vút nếp, ngâm nếp, đãi đậu, ướp thịt…Xong đâu đó, tất cả xắn tay áo lên gói bánh. Người biết gói thì ngồi gói người không biết thì xếp lá, cột bánh…mỗi người một tay. Ròng rã thâu đêm suốt sáng bánh đã được gói xong. Các ông nhanh chóng bắc bếp nấu bánh. Mọi người cùng nhau xúm xít têm nước, chụm củi…Lửa các thùng nấu bánh cháy hừng hực khiến cho khuôn mặt ai ai cũng đỏ bừng. Hòa lẫn trong tiếng củi cháy tí tách là  tiếng nói, tiếng cười… làm cho cái xóm nhỏ như nhộn nhịp hẳn lên.
Sáng hai tám, mọi người phân thành từng tốp. Mỗi tốp vài ba người mang bánh đến cho những hộ dân nghèo trong làng. Hiền còn kèm thêm mỗi phần bánh là một bì thư vài ba trăm nghìn để họ sắm Tết. Nhìn nét mặt vui mừng, hớn hở của bà con nhất là những đồng bào người dân tộc, mọi người cảm thấy rộn lên niềm sung sướng. Riêng vợ chồng Hiền thì rạng rỡ hẳn lên. Và cũng từ đó, “tiếng lành đồn xa”, một số người nghe vậy cũng đến đóng góp “của ít lòng nhiều” và thế là “… Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Những tấm lòng đã đem đến Mùa Xuân cho những người nghèo ở vùng cao này mỗi năm thêm ấm cúng no đủ hơn. 
Cứ thế ngày qua tháng lại, vợ chồng Hiền sống chan hòa gần gũi với bà con làng xóm. Chạy qua chạy lại tâm sự cùng nhau. Tối lửa tắt đèn có nhau. Đêm đêm căn nhà lại vang vang tiếng giảng của Hiền, tiếng đọc bài của các em học sinh nghèo.
Và cứ thế, hàng năm khi Đông tàn, Xuân đến! Huy và Hiền cùng bà con trong xóm lại tất bật với công việc giúp đỡ người nghèo…đem đến cho họ một niềm sẽ chia ấm áp. Tuy bận rộn như thế nhưng hai vợ chồng Hiền cảm thấy cuộc đời đáng yêu và  cuộc sống này có ý nghĩa vô cùng.

Buổi chiều của những ngày cuối năm. Một buổi chiều thật yên bình. Hàng cây sau nhà đứng lặng im chờ gió. Không gian như lắng đọng. Một chút nhàn nhạt nắng của cuối chiều còn rơi lại vương vấn trên ngọn cây, trên đồi nương … Xa xa, những mái nhà nằm rải rác dưới lũng thấp tỏa khói bữa cơm chiều. Những làn khói lam mỏng manh quyện vào với đồi núi như ôm ấp, như quyến luyến, như bịn rịn…Hiền bỗng nghĩ đến cuộc sống của những người dân miền núi, muôn đời vẫn thế! Sướng ít khổ nhiều. Thiếu trước hụt sau. Quanh năm lam lũ cùng sương gió. Thế nhưng họ sống với nhau bằng tấm lòng thật thà, có tình, có nghĩa… Hiền yêu mảnh đất này vô cùng! Hiền thương những con người vất vả, nghèo khó ở đây biết bao! Mong sao cho ngày mai cuộc sống của họ càng ngày càng được sung túc và ấm êm hơn!

Ngoài sân, mai đang đơm nụ, cúc chúm chím điệu đàng với những búp nõn xanh, vạn thọ đã hé nở vàng vàng tươi tắn, mấy khóm dã quỳ sắp khoe sắc trong mùa Xuân…Mùa Xuân thật đẹp và cũng thật là yên bình.
Tiếng hát trong trẻo vang lên một bài nhạc xuân làm cho Hiền xao xuyến cả lòng.
Xuân đã đến rồi, reo rắc ngàn hồn hoa xuống đời…(Đón Xuân).

Sài Gòn, Vào Xuân 2013.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LY RƯỢU MỪNG XUÂN

                   Ngoài sân, hoa mai nở vàng báo hiệu mùa xuân đang đến!          Mùa xuân được xem là mùa khởi đầu. Mùa xuân khí...