MẸ QUÊ.
Irene
Vườn rau, vườn rau xanh ngắt một màu
Có đàn, có đàn gà con nương náu
Mẹ quê. Mẹ quê vất vả trăm chiều
Nuôi đàn, nuôi một đàn con chắt chiu…(Bà mẹ quê-Phạm Duy).
Bài hát làm tôi nhớ đến mẹ chồng tôi.
Nhà chồng tôi ở một vùng quê có những cánh đồng lúa chín vàng, có những lũy tre xanh soi bóng xuống dòng sông Côn trong vắt êm xuôi. Mẹ chồng tôi là một người đàn bà quanh năm vất vả, tay lấm chân bùn, một nắng hai sương bận rộn với công việc ruộng đồng. Một người mẹ suốt đời luôn tần tảo, khó nhọc.
Khi tôi biết bà, lúc đó bà cũng đã gần sáu mươi tuổi. Dáng bà cao, gầy. Vô số nếp nhăn hằn lên khuôn mặt đen sạm vì dầm mưa dãi nắng. Bà thường mặc chiếc áo bà ba màu nâu bạc màu, quần đen…
Sau ngày cưới của tôi là bà vội vã về quê, bà nói:
-Má dìa nghen! Dìa để gặt nốt đám ruộng…
Lần đầu biết bà là đã thấy bà bận bịu với công việc…
Tháng chín năm đó, tôi về quê nhân dịp giỗ cha chồng. Xe đò đi từ Qui Nhơn đến chợ An Nhơn dừng lại. Chúng tôi dùng xe đạp đi tiếp nên về đến nhà thì trời đã trưa. Nghe chúng tôi về, bà từ nhà sau chạy lên vui mừng khôn xiết:
-Đi đường mệt không con, đã ăn gì chưa?...
-Dạ…dạ…
Bà quay xuống bếp, một lát sau bưng lên một mâm…để cho chúng tôi lót dạ buổi sáng.
-Hai đứa ăn đi!
Rồi vội quầy quả ra sau, tiếp tục sửa soạn các món để cho ngày giỗ…
Có lẽ đó là lần đầu tiên tôi biết đến một ngày giỗ ở quê. Một mình bà đảm đương chuyện nấu nướng. Các loại bánh trái thì đã làm từ vài ngày trước. Ngoài ra không biết bao nhiêu là món ăn! Năm, bảy nồi lớn nấu những món chính và điều làm tôi ngạc nhiên là các món xào! Rất nhiều loại : có đến hàng trăm dĩa xếp chồng lên nhau...Tôi tự nhủ: -Không biết làm gì mà nhiều thế? Nhưng khi bà con, mọi người đến ăn giỗ, lúc đó tôi mới hiểu ra. Ở nông thôn là một quần tụ họ hàng sống xúm xít bên nhau, sống từ bao đời nay. Tất cả đều có quan hệ mật thiết với nhau nên ngày giỗ rất đông, hầu như cả làng, cả xóm, xa gần cùng kéo nhau đến giỗ.
Về đây, tôi mới biết được những công việc của nhà nông. Không biết một ngày ở đây bắt đầu từ lúc nào và kết thúc từ đâu?! Cứ thấy làm lụng suốt ngày. Hết chuyện này cho đến chuyện nọ. Ăn cơm tối xong, trăng vừa lên, mẹ đã ra phía trước nhà cắt rau. Khi cả nhà đi ngủ vẫn thấy bà thấp thoáng trong vườn…Không biết bà có đi ngủ không? mà gà gáy lần thứ nhất, đã thấy bà nhóm bếp. Ánh lửa hồng bập bùng, tiếng gạo sôi lụp bụp, bóng bà in nghiêng trên vách…gà gáy lần thứ hai, bà trở ra vườn…gà gáy lần thứ ba…gánh đôi quang thúng lên vai, chân bước nhanh ra ngõ cho kịp buổi chợ phiên buổi sớm mai.
Thân gầy gò, trên vai đôi quang gánh. Trong thúng chỉ là rau, quả, trái cây…trong vườn. Thế mà ngày này qua tháng nọ, những bước chân của mẹ tất bật khắp mọi nơi: từ chợ An Thái qua Bình Nghi, Cây Xoài Một… Chợ Mỹ Yên cho đến chợ Thuận Truyền…lặn lội mua bán kiếm từng đồng tiền nuôi cả đàn con ăn học.
Buổi sáng ở quê. khi nắng đã lên ngang đầu ngọn tre, bước ra vườn, không gian trong lành thoáng đãng. Gió thổi mát mẻ. Tiếng chim chóc hót ríu rít. Ong bướm bay chập chờn trên những khóm hoa vàng của giàn bầu bí…đi men theo bờ ruộng, hai bên đồng lúa xanh mướt. Dưới ruộng tiếng quẫy đuôi của chú cá hay tiếng bì bõm của ếch nhái…Từ xa, mẹ chồng tôi đã về. Chân đi thoăn thoắt, tay ôm đôi quang thúng…
“…Và bà mẹ quê, gà gáy trên đầu ngọn tre. Và bà mẹ quê, chợ sớm đi chưa thấy về…”
-Má đi chợ về sớm?
-Ừa, phiên chợ chỉ họp một lát thôi. Hai đứa đã ăn gì chưa?
-Dạ chưa!
Bà vào bếp, một lát sau bưng lên một mâm để ăn sáng gồm mấy tô cháo đậu xanh và đĩa cá bống kho khô má đã nấu lúc khuya...
Ăn xong, tôi theo bà xuống bếp, trong thúng, chỉ có vỏn vẹn một mớ cá. Vừa làm cá bà vừa nói:
-Cá ở sông Côn quê mình mùa này rất béo và ngon.
Mẹ sửa soạn bữa trưa. Thoáng chốc, bưng lên một mâm đầy thức ăn gồm tô canh cá đồng nấu chua, đĩa trứng tráng, một dĩa cá rô chiên giòn, tô mắm chưng, rau muống luộc, đĩa rau sống, chén nước mắm trái ớt xanh…Những quả trứng vịt, trứng gà là do gà vịt nuôi trong nhà, còn tất cả các loại rau đều hái ở trong vườn. Bữa cơm thật ngon!
Buổi trưa bà chẳng chợp mắt. Tìm bà là ra vườn…Khi thì bà lom khom dưới ruộng, có lúc quanh quẩn bên giàn mướp, giàn đậu…, lúc đang lúi húi bên luống cà, luống rau hay đang chăm sóc đàn gà …
Nghỉ hè, chúng tôi thường về quê và ở lại lâu hơn. Tôi hay theo bà ra thửa ruộng bên nhà. Đến vụ mùa, mẹ suốt ngày ở dưới ruộng, gặt lúa, bó lúa, đập lúa…phơi lúa. Hết vụ, lại thấy má làm đất, làm cỏ, gieo, sạ…Một lần nọ, thấy mẹ vất vả cả ngày, tôi quyết định xuống ruộng làm giúp. Không ngờ mới bước xuống, chân đã lún sâu trong sình không sao nhấc lên nổi, rồi không biết luống cuống thế nào mà lại vấp trúng đá chảy máu…từ đó bà không cho tôi bước chân xuống ruộng nữa.
Hôm tôi sinh cháu đầu lòng, mẹ mừng lắm! Tất tưởi thu xếp công việc trên quê để xuống. Mẹ xông, hơ…cho cả hai mẹ con. Lo nấu ăn, giặt giũ cho cả nhà, mọi việc lo tất tần tật… hồi đó khổ không có chuyện thuê người làm như bây giờ nên cáng đáng hết mọi việc…Vừa lo cho tôi, vừa lo việc ở quê, một cảnh hai quê thật là vất vả cho mẹ vô cùng ! Rồi cứ mỗi lần thư thả công việc trên quê bà lại xuống thăm con, thăm cháu. Mấy đứa con tôi mừng lắm vì mỗi lần như thế chúng lại được ăn những món quà quê nhà . Có gì trong vườn thì để dành đem cho con cho cháu: nào là mớ đậu ngự, buồng chuối dạ hương, chục trứng gà so, mấy trái sabôchê chín cây, mấy trái ổi, trái cam sành…
Những ngày mẹ xuống chơi là tôi được thong thả hơn vì mỗi trưa đi dạy về không còn phải tất bật để lo chuyện chợ búa. Về đến nhà là mẹ đã dọn cơm sẵn. Nhà cửa lúc nào cũng sạch sẽ gọn gàng. Mẹ giỏi nấu nướng nên làm nhiều món ăn…vì vậy, những lần mẹ xuống thăm là cả nhà vui lắm.
Buổi tối ngồi cạnh mẹ, nghe bà kể chuyện quê nhà, chuyện bà con…rồi chuyện của mẹ. Qua câu chuyện, tôi mới biết được mười tám tuổi bà đã về làm dâu một gia đình kha khá trong vùng. Ba chồng tôi là thầy thông…chữa bịnh. Tuy nhà chồng có của ăn của để nhưng mẹ vẫn phải vất vả lam lũ với công việc vì có bà mẹ chồng và các cô em chồng khó tính. Chồng mất sớm, bà lại lo tần tảo nuôi con. Mười đứa con, mà nhiều lần mẹ phải khóc vì chia lìa. Đứa chết vì bệnh tật, đứa lìa đời vì súng đạn, anh Tư học y ở Hà Nội, năm 1954 chia đôi đất nước không biết tin tức. Còn lại anh Bảy đi lính, bốn người sau còn nhỏ. Chiến tranh bùng nổ, nhà cửa sập đổ vì bom đạn. Bà dẫn đàn con lội qua sông Côn rồi chạy xuống Qui Nhơn. Chiến tranh cũng đã cướp đi một vài đứa con của mẹ, bà không có thời gian để khóc vì còn để lo cho những đứa còn lại. Ở Qui Nhơn, bà lại ngược xuôi chạy chợ nuôi đàn con ăn học…Sau 75, bà trở về quê nhà, dựng lại ngôi nhà trên mảnh đất cũ, lập bàn thờ để nhang khói cho tổ tiên ông bà và chồng…rồi hàng ngày lại tiếp tục công việc nhà nông.
Thân gầy guộc mong manh là thế nhưng mẹ chẳng ngại điều gì, một mình vào ra thui thủi trong căn nhà, quanh quẩn bên mảnh vườn và những đám ruộng…không sợ đêm tối, không ngại ngùng nắng mưa…không dựa dẫm vào ai…hình như mẹ được hun đúc bởi ý chí mạnh mẽ kiên cường của người phụ nữ vùng đất võ.
Hình ảnh của mẹ in đậm trong tôi. Hằng năm, cứ vào những ngày cuối năm, trong không khí hối hả bận rộn…Một buổi chiều… Mưa lất phất bay, bà từ trên quê xuống. Trên đầu đội một cái thúng, trên vai đôi quang gánh. Cả nhà vui mừng chạy ra đón. Mấy đứa con tôi tíu tít chung quanh. Bà soạn ra, vài ba nãi chuối để đặt lên bàn thờ ngày Tết, mấy đòn bánh tét, mấy cặp bánh chưng, các loại bánh trái…một vài gói mứt gừng, mứt dừa…
-Má làm gì cho cực…
Chồng tôi ái ngại vì thấy má vất vả. Còn tôi thì cảm động và nghẹn ngào...
Tôi bưng li nước mời bà:
-Má ăn gì chưa? Con dọn cơm…
-Rồi, đi chợ dìa ăn vội chén cơm…Thôi bây giờ phải dìa cho kịp chuyến xe.
Chồng tôi xua tay:
-Trời! Mới xuống mà. Ở chơi, mai dìa.
-Úy trời, không được đâu! Công việc trên quê còn nhiều. dìa để còn cắt mấy luống rau, mai bán cho kịp buổi chợ cuối năm.
Vừa nói bà vừa đứng dậy, ôm mấy đứa con tôi vào lòng, ngoảnh lại bịn rịn:
-Để má dìa! Hôm nào ra giêng thư thư… má lại xuống chơi.
Cả nhà theo bà ra cổng, nhìn theo dáng bà quầy quả đi nhanh khuất sau con phố. Xa xa, rộn rã tiếng pháo đì đùng của ngày cuối năm.
Bà sống tằn tiện, chắt chiu, không phung phí. Không đòi hỏi gì ở các con. Thỉnh thoảng, tôi và mấy cô em chồng gởi về cho bà những chiếc áo len, khăn choàng, quần áo…bà không dám mặc lại cứ cất dành. Để rồi, hàng ngày trên người cũng chỉ là chiếc áo nâu sờn bạc, quần đen cũ với một vài miếng vá…
Những năm sau khi bà đã ngoài tám mươi, để mẹ khỏi vất vả với công việc. Ông anh chồng tôi quyết định bán ngôi nhà và mảnh đất ấy cho ông chú trong họ và để có thể kéo bà ra khỏi những công việc của vùng quê đó, đưa bà lên thị trấn Phú Phong ở với vợ chồng anh. Bà nghe theo, chẳng nói năng gì. Nhưng từ đó những buổi trưa hay những buổi chiều…bà thường ngồi lặng lẽ một mình nhìn ra đầu ngõ, nhớ về nơi quê nhà rồi sụt sùi nước mắt chảy ròng…
Những lần xuống Qui Nhơn thăm chúng tôi cũng thưa dần, thưa dần…và rồi không còn thấy nữa.
Không mắc chứng bệnh gì cả cho đến một ngày mẹ cứ yếu dần, yếu dần và ra đi ở tuổi chín hai. Tôi dọn áo quần cho mẹ lần cuối để… thì thấy toàn là những chiếc quần áo mới, mẹ cất kỹ, xếp ngay ngắn thơm thơm mùi long não…
Một đời người vất vả! Không một ngày nào thong dong! Sống tiết kiệm! Sống chắt chiu! Tất cả hy sinh cho con, cho cháu…
Mẹ chưa hề biết ngày 8/3 hay ngày 20/10 là ngày gì? Mẹ chẳng trông mong đến sự tôn vinh!? Mẹ sống và làm mọi việc trong thầm lặng. Điều duy nhất mà mẹ có, đó là cả một tấm lòng, một tình thương yêu bao la đối với đàn con của mẹ.
Tháng mười, 2014.
Irene.
Vườn rau, vườn rau xanh ngắt một màu
Có đàn, có đàn gà con nương náu
Mẹ quê. Mẹ quê vất vả trăm chiều
Nuôi đàn, nuôi một đàn con chắt chiu…(Bà mẹ quê-Phạm Duy).
Bài hát làm tôi nhớ đến mẹ chồng tôi.
Nhà chồng tôi ở một vùng quê có những cánh đồng lúa chín vàng, có những lũy tre xanh soi bóng xuống dòng sông Côn trong vắt êm xuôi. Mẹ chồng tôi là một người đàn bà quanh năm vất vả, tay lấm chân bùn, một nắng hai sương bận rộn với công việc ruộng đồng. Một người mẹ suốt đời luôn tần tảo, khó nhọc.
Khi tôi biết bà, lúc đó bà cũng đã gần sáu mươi tuổi. Dáng bà cao, gầy. Vô số nếp nhăn hằn lên khuôn mặt đen sạm vì dầm mưa dãi nắng. Bà thường mặc chiếc áo bà ba màu nâu bạc màu, quần đen…
Sau ngày cưới của tôi là bà vội vã về quê, bà nói:
-Má dìa nghen! Dìa để gặt nốt đám ruộng…
Lần đầu biết bà là đã thấy bà bận bịu với công việc…
Tháng chín năm đó, tôi về quê nhân dịp giỗ cha chồng. Xe đò đi từ Qui Nhơn đến chợ An Nhơn dừng lại. Chúng tôi dùng xe đạp đi tiếp nên về đến nhà thì trời đã trưa. Nghe chúng tôi về, bà từ nhà sau chạy lên vui mừng khôn xiết:
-Đi đường mệt không con, đã ăn gì chưa?...
-Dạ…dạ…
Bà quay xuống bếp, một lát sau bưng lên một mâm…để cho chúng tôi lót dạ buổi sáng.
-Hai đứa ăn đi!
Rồi vội quầy quả ra sau, tiếp tục sửa soạn các món để cho ngày giỗ…
Có lẽ đó là lần đầu tiên tôi biết đến một ngày giỗ ở quê. Một mình bà đảm đương chuyện nấu nướng. Các loại bánh trái thì đã làm từ vài ngày trước. Ngoài ra không biết bao nhiêu là món ăn! Năm, bảy nồi lớn nấu những món chính và điều làm tôi ngạc nhiên là các món xào! Rất nhiều loại : có đến hàng trăm dĩa xếp chồng lên nhau...Tôi tự nhủ: -Không biết làm gì mà nhiều thế? Nhưng khi bà con, mọi người đến ăn giỗ, lúc đó tôi mới hiểu ra. Ở nông thôn là một quần tụ họ hàng sống xúm xít bên nhau, sống từ bao đời nay. Tất cả đều có quan hệ mật thiết với nhau nên ngày giỗ rất đông, hầu như cả làng, cả xóm, xa gần cùng kéo nhau đến giỗ.
Về đây, tôi mới biết được những công việc của nhà nông. Không biết một ngày ở đây bắt đầu từ lúc nào và kết thúc từ đâu?! Cứ thấy làm lụng suốt ngày. Hết chuyện này cho đến chuyện nọ. Ăn cơm tối xong, trăng vừa lên, mẹ đã ra phía trước nhà cắt rau. Khi cả nhà đi ngủ vẫn thấy bà thấp thoáng trong vườn…Không biết bà có đi ngủ không? mà gà gáy lần thứ nhất, đã thấy bà nhóm bếp. Ánh lửa hồng bập bùng, tiếng gạo sôi lụp bụp, bóng bà in nghiêng trên vách…gà gáy lần thứ hai, bà trở ra vườn…gà gáy lần thứ ba…gánh đôi quang thúng lên vai, chân bước nhanh ra ngõ cho kịp buổi chợ phiên buổi sớm mai.
Thân gầy gò, trên vai đôi quang gánh. Trong thúng chỉ là rau, quả, trái cây…trong vườn. Thế mà ngày này qua tháng nọ, những bước chân của mẹ tất bật khắp mọi nơi: từ chợ An Thái qua Bình Nghi, Cây Xoài Một… Chợ Mỹ Yên cho đến chợ Thuận Truyền…lặn lội mua bán kiếm từng đồng tiền nuôi cả đàn con ăn học.
Buổi sáng ở quê. khi nắng đã lên ngang đầu ngọn tre, bước ra vườn, không gian trong lành thoáng đãng. Gió thổi mát mẻ. Tiếng chim chóc hót ríu rít. Ong bướm bay chập chờn trên những khóm hoa vàng của giàn bầu bí…đi men theo bờ ruộng, hai bên đồng lúa xanh mướt. Dưới ruộng tiếng quẫy đuôi của chú cá hay tiếng bì bõm của ếch nhái…Từ xa, mẹ chồng tôi đã về. Chân đi thoăn thoắt, tay ôm đôi quang thúng…
“…Và bà mẹ quê, gà gáy trên đầu ngọn tre. Và bà mẹ quê, chợ sớm đi chưa thấy về…”
-Má đi chợ về sớm?
-Ừa, phiên chợ chỉ họp một lát thôi. Hai đứa đã ăn gì chưa?
-Dạ chưa!
Bà vào bếp, một lát sau bưng lên một mâm để ăn sáng gồm mấy tô cháo đậu xanh và đĩa cá bống kho khô má đã nấu lúc khuya...
Ăn xong, tôi theo bà xuống bếp, trong thúng, chỉ có vỏn vẹn một mớ cá. Vừa làm cá bà vừa nói:
-Cá ở sông Côn quê mình mùa này rất béo và ngon.
Mẹ sửa soạn bữa trưa. Thoáng chốc, bưng lên một mâm đầy thức ăn gồm tô canh cá đồng nấu chua, đĩa trứng tráng, một dĩa cá rô chiên giòn, tô mắm chưng, rau muống luộc, đĩa rau sống, chén nước mắm trái ớt xanh…Những quả trứng vịt, trứng gà là do gà vịt nuôi trong nhà, còn tất cả các loại rau đều hái ở trong vườn. Bữa cơm thật ngon!
Buổi trưa bà chẳng chợp mắt. Tìm bà là ra vườn…Khi thì bà lom khom dưới ruộng, có lúc quanh quẩn bên giàn mướp, giàn đậu…, lúc đang lúi húi bên luống cà, luống rau hay đang chăm sóc đàn gà …
Nghỉ hè, chúng tôi thường về quê và ở lại lâu hơn. Tôi hay theo bà ra thửa ruộng bên nhà. Đến vụ mùa, mẹ suốt ngày ở dưới ruộng, gặt lúa, bó lúa, đập lúa…phơi lúa. Hết vụ, lại thấy má làm đất, làm cỏ, gieo, sạ…Một lần nọ, thấy mẹ vất vả cả ngày, tôi quyết định xuống ruộng làm giúp. Không ngờ mới bước xuống, chân đã lún sâu trong sình không sao nhấc lên nổi, rồi không biết luống cuống thế nào mà lại vấp trúng đá chảy máu…từ đó bà không cho tôi bước chân xuống ruộng nữa.
Hôm tôi sinh cháu đầu lòng, mẹ mừng lắm! Tất tưởi thu xếp công việc trên quê để xuống. Mẹ xông, hơ…cho cả hai mẹ con. Lo nấu ăn, giặt giũ cho cả nhà, mọi việc lo tất tần tật… hồi đó khổ không có chuyện thuê người làm như bây giờ nên cáng đáng hết mọi việc…Vừa lo cho tôi, vừa lo việc ở quê, một cảnh hai quê thật là vất vả cho mẹ vô cùng ! Rồi cứ mỗi lần thư thả công việc trên quê bà lại xuống thăm con, thăm cháu. Mấy đứa con tôi mừng lắm vì mỗi lần như thế chúng lại được ăn những món quà quê nhà . Có gì trong vườn thì để dành đem cho con cho cháu: nào là mớ đậu ngự, buồng chuối dạ hương, chục trứng gà so, mấy trái sabôchê chín cây, mấy trái ổi, trái cam sành…
Những ngày mẹ xuống chơi là tôi được thong thả hơn vì mỗi trưa đi dạy về không còn phải tất bật để lo chuyện chợ búa. Về đến nhà là mẹ đã dọn cơm sẵn. Nhà cửa lúc nào cũng sạch sẽ gọn gàng. Mẹ giỏi nấu nướng nên làm nhiều món ăn…vì vậy, những lần mẹ xuống thăm là cả nhà vui lắm.
Buổi tối ngồi cạnh mẹ, nghe bà kể chuyện quê nhà, chuyện bà con…rồi chuyện của mẹ. Qua câu chuyện, tôi mới biết được mười tám tuổi bà đã về làm dâu một gia đình kha khá trong vùng. Ba chồng tôi là thầy thông…chữa bịnh. Tuy nhà chồng có của ăn của để nhưng mẹ vẫn phải vất vả lam lũ với công việc vì có bà mẹ chồng và các cô em chồng khó tính. Chồng mất sớm, bà lại lo tần tảo nuôi con. Mười đứa con, mà nhiều lần mẹ phải khóc vì chia lìa. Đứa chết vì bệnh tật, đứa lìa đời vì súng đạn, anh Tư học y ở Hà Nội, năm 1954 chia đôi đất nước không biết tin tức. Còn lại anh Bảy đi lính, bốn người sau còn nhỏ. Chiến tranh bùng nổ, nhà cửa sập đổ vì bom đạn. Bà dẫn đàn con lội qua sông Côn rồi chạy xuống Qui Nhơn. Chiến tranh cũng đã cướp đi một vài đứa con của mẹ, bà không có thời gian để khóc vì còn để lo cho những đứa còn lại. Ở Qui Nhơn, bà lại ngược xuôi chạy chợ nuôi đàn con ăn học…Sau 75, bà trở về quê nhà, dựng lại ngôi nhà trên mảnh đất cũ, lập bàn thờ để nhang khói cho tổ tiên ông bà và chồng…rồi hàng ngày lại tiếp tục công việc nhà nông.
Thân gầy guộc mong manh là thế nhưng mẹ chẳng ngại điều gì, một mình vào ra thui thủi trong căn nhà, quanh quẩn bên mảnh vườn và những đám ruộng…không sợ đêm tối, không ngại ngùng nắng mưa…không dựa dẫm vào ai…hình như mẹ được hun đúc bởi ý chí mạnh mẽ kiên cường của người phụ nữ vùng đất võ.
Hình ảnh của mẹ in đậm trong tôi. Hằng năm, cứ vào những ngày cuối năm, trong không khí hối hả bận rộn…Một buổi chiều… Mưa lất phất bay, bà từ trên quê xuống. Trên đầu đội một cái thúng, trên vai đôi quang gánh. Cả nhà vui mừng chạy ra đón. Mấy đứa con tôi tíu tít chung quanh. Bà soạn ra, vài ba nãi chuối để đặt lên bàn thờ ngày Tết, mấy đòn bánh tét, mấy cặp bánh chưng, các loại bánh trái…một vài gói mứt gừng, mứt dừa…
-Má làm gì cho cực…
Chồng tôi ái ngại vì thấy má vất vả. Còn tôi thì cảm động và nghẹn ngào...
Tôi bưng li nước mời bà:
-Má ăn gì chưa? Con dọn cơm…
-Rồi, đi chợ dìa ăn vội chén cơm…Thôi bây giờ phải dìa cho kịp chuyến xe.
Chồng tôi xua tay:
-Trời! Mới xuống mà. Ở chơi, mai dìa.
-Úy trời, không được đâu! Công việc trên quê còn nhiều. dìa để còn cắt mấy luống rau, mai bán cho kịp buổi chợ cuối năm.
Vừa nói bà vừa đứng dậy, ôm mấy đứa con tôi vào lòng, ngoảnh lại bịn rịn:
-Để má dìa! Hôm nào ra giêng thư thư… má lại xuống chơi.
Cả nhà theo bà ra cổng, nhìn theo dáng bà quầy quả đi nhanh khuất sau con phố. Xa xa, rộn rã tiếng pháo đì đùng của ngày cuối năm.
Bà sống tằn tiện, chắt chiu, không phung phí. Không đòi hỏi gì ở các con. Thỉnh thoảng, tôi và mấy cô em chồng gởi về cho bà những chiếc áo len, khăn choàng, quần áo…bà không dám mặc lại cứ cất dành. Để rồi, hàng ngày trên người cũng chỉ là chiếc áo nâu sờn bạc, quần đen cũ với một vài miếng vá…
Những năm sau khi bà đã ngoài tám mươi, để mẹ khỏi vất vả với công việc. Ông anh chồng tôi quyết định bán ngôi nhà và mảnh đất ấy cho ông chú trong họ và để có thể kéo bà ra khỏi những công việc của vùng quê đó, đưa bà lên thị trấn Phú Phong ở với vợ chồng anh. Bà nghe theo, chẳng nói năng gì. Nhưng từ đó những buổi trưa hay những buổi chiều…bà thường ngồi lặng lẽ một mình nhìn ra đầu ngõ, nhớ về nơi quê nhà rồi sụt sùi nước mắt chảy ròng…
Những lần xuống Qui Nhơn thăm chúng tôi cũng thưa dần, thưa dần…và rồi không còn thấy nữa.
Không mắc chứng bệnh gì cả cho đến một ngày mẹ cứ yếu dần, yếu dần và ra đi ở tuổi chín hai. Tôi dọn áo quần cho mẹ lần cuối để… thì thấy toàn là những chiếc quần áo mới, mẹ cất kỹ, xếp ngay ngắn thơm thơm mùi long não…
Một đời người vất vả! Không một ngày nào thong dong! Sống tiết kiệm! Sống chắt chiu! Tất cả hy sinh cho con, cho cháu…
Mẹ chưa hề biết ngày 8/3 hay ngày 20/10 là ngày gì? Mẹ chẳng trông mong đến sự tôn vinh!? Mẹ sống và làm mọi việc trong thầm lặng. Điều duy nhất mà mẹ có, đó là cả một tấm lòng, một tình thương yêu bao la đối với đàn con của mẹ.
Tháng mười, 2014.
Irene.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét