Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2015

NGÔI TRƯỜNG MẾN YÊU

NGÔI TRƯỜNG MẾN YÊU !

--> 
                                    Irene.

Tháng chín không chỉ là nắng nhạt, lá ngả sang màu, bầu trời xanh lơ với những đám mây... mà còn làm cho tâm hồn tôi bồi hồi và rồi lại nhớ đến Thanh Tịnh:
 Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường…
Tháng chín gợi nhớ những ngày đầu tiên đi học. Tôi quên sao được, Qui Nhơn vào cuối thu năm 1960, ba tôi đèo tôi trên chiếc xe đạp chở tôi đến trường. Ngôi trường Nữ Tiểu Học Ấu Triệu tôi đã có một vài lần đến vì các chị tôi cũng học ở đây nhưng sao hôm nay tôi bỗng dưng thấy nó to lớn lạ thường.
 Cô giáo vui vẻ xoa đầu và đưa tôi vào lớp. Cô giáo ấy chính là cô Sự Hiệu Trưởng cũng là cô giáo dạy tôi đầu tiên ở bậc Tiểu Học, lớp năm (bây giờ là lớp Một). Cô Sự trong mắt tôi lúc bấy giờ là một cô giáo đẹp và sang trọng vô cùng.
Lên lớp tư (lớp hai) nửa năm đầu tôi học với cô Tư người Bắc. Cô rất dịu dàng, giọng nói của cô rất êm ái. Rồi cô về hưu và tôi học với cô Hồng (người Huế). Cô Hồng nhẹ nhàng và rất yêu thương tôi.
 Lớp ba, cô Ngọc Lan (con gái của ông Bửu Giá) dạy tôi và cũng trong năm này cô Lan lên làm Hiệu Trưởng thay cô Sự ( cô Sự lên làm Thanh Tra).
 Lớp nhì tôi học cô Hồng (người Bắc), cô hơi mập, cô rèn chữ cho chúng tôi rất kỹ và dạy thêu thùa, may vá.
 Sang đến lớp nhất, tôi được học với cô Bích (người Bắc chồng của cô là Nha sĩ Đào). Trong năm học này mỗi lần giờ Tập vẽ cô Bích giới thiệu một thầy giáo dạy sau này tôi mới biết đó là thầy Bùi Thường. Cả lớp chúng tôi ngưỡng mộ về những bài vẽ về hoa lá, phong cảnh, tĩnh vật, chân dung… của thầy và ấn tượng đó khắc sâu trong tôi cho đến bây giờ.
Lúc còn bé trong mắt tôi cô giáo dạy tôi là đẹp nhất. Cho dù cô có ốm, mập, cao, thấp, già hay trẻ … cô vẫn là tuyệt vời!  
Ngôi trường Ấu Triệu nằm ở một góc đường Tăng Bạt Hổ-Trần Bình Trọng. Khi xưa, trường trồng rất nhiều dừa và những cây bông giấy đủ màu: hồng, cam, vàng, tím…trong sân còn có trồng một vài cây phượng. Ngôi trường rất yên tĩnh vì chung quanh trường là các công sở. Trường lại cách xa nhà dân. Trường có ba dãy gộp thành hình chữ U. Vì là trường con gái nên học sinh rất hiền lành. Những buổi học êm ả. Tuổi thơ tôi cũng phẳng lặng theo cây cảnh của mỗi mùa. Những ngày nắng ráo, giờ chơi nào tôi cũng thơ thẩn ra phía sau trường hái những cành hoa ti gôn màu hồng tươi tắn leo bên bờ rào tràn ra cả mặt đất, những bông hoa ngũ sắc, những hoa dại tim tím, vàng vàng… hay theo các bạn bắt bướm, chuồn chuồn… Chơi các trò chơi con gái như nhảy dây, ô làng, chuyền thẻ, u mọi, nhảy chuông… Những ngày mưa, che dù, đội mũ lội nước đi ra phía sau nhà ông cai mua một miếng khoai lang chiên nóng hổi hay một vài trái ổi sẻ chua chua giòn giòn hoặc một chùm me chín... Những món ăn của tuổi học trò thật là hấp dẫn và thú vị!
Mùa hè đến! Khi những chùm hoa phượng nở và những chú ve
 kêu râm ran là lúc chúng tôi tạm biệt mái trường được nghỉ hè ba tháng…
Từ ngôi trường Tiểu học này các cô giáo đã xây dựng cho tôi cái nền tảng vững chắc ban đầu. Dạy cho tôi nhiều kiến thức về việc học chữ nghĩa cho đến lịch sử, địa lý, quan sát… Các cô giáo đã dạy cho tôi cách đi đứng, ăn nói cho đến thêu thùa may vá… hình thành trong tôi tình yêu với gia đình, thầy cô, bạn bè trường lớp cho đến tình yêu đồng bào, đất nước… Cứ hàng năm, hàng năm tiếng trống trường vang lên rộn rã và ngày qua ngày tiếng trống lại êm đềm cứ thế, kéo dài suốt thời thơ ấu của tôi. Năm học 1964-1965, tôi tạm biệt mái trường bước lên bậc trung học…
Năm 1974, tôi học năm thứ hai trường Sư Phạm Qui Nhơn. Lần này tôi có dịp quay trở lại ngôi trường Ấu Triệu là giáo sinh thực tập. Tuy vậy nhưng tôi vẫn mang trong lòng cái cảm xúc của một người học trò cũ về thăm lại trường xưa. Tôi bồi hồi nhìn từng lớp học, bảng đen, bàn ghế gỗ…. Nhớ từng chỗ ngồi, từng bậc thềm, ghế đá, khoảng sân chơi hay dưới những gốc cây quen thuộc ...
Rồi tôi tốt nghiệp ra trường lên đường đi dạy.
Sau 75 tôi tiếp tục đi dạy lại và điều bất ngờ là tôi có quyết định về trường Ấu Triệu.
Đợt đầu tiên về trường khoảng mười giáo viên nữ và một chị phụ trách trưởng. Tôi được giao chủ nhiệm lớp năm.
Dạo đó, lớp năm tôi chủ nhiệm, học sinh của tôi có một số là người Hoa ở phố Gia Long hay Bạch Đằng, một số em khác có cha đang đi học tập cải tạo, một số khác con dân chung quanh địa bàn khu vực Nhà Thờ Lớn hay xóm Nhà Đèn… Các em rất ngoan và chăm chỉ học hành. Tôi chỉ giảng dạy các em trong một khoảng thời gian ngắn là ba tháng (từ cuối tháng tư đến cuối tháng sáu) phải hoàn tất xong chương trình của bậc Tiểu Học. Cho nên cô trò ra ra sức dạy và học. Dù bận rộn nhưng cô trò quyến luyến và thương mến nhau vô cùng.
Tôi gắn bó với ngôi trường cũng như yêu thương học sinh của mình. Tôi biết rằng tôi chỉ có một hoài bão, một niềm đam mê duy nhất đó là con đường giảng dạy. Tuy rằng những ngày đầu tiên đó, tôi rất bỡ ngỡ với các phương pháp giảng dạy với công việc chủ nhiệm lớp và những kinh nghiệm của người thầy thì còn rất nhiều non nớt… nhưng với tâm huyết và lòng nhiệt tình tôi đã khắc phục từ từ những yếu kém.
Thú thật những ngày ấy nhà trường giao tôi việc gì tôi cũng nhận và cố gắng làm vì niềm vui sướng tột cùng là mình được dạy học sinh ngay chính ngôi trường mà mình yêu mến.
Thế nhưng trong bao nhiêu năm tháng trôi qua tôi cứ ngỡ rằng tên trường Ấu Triệu là tên của bà Triệu Thị Trinh cho đến một hôm nhà trường bảo bác bảo vệ khiêng ra một tấm bảng để tôi dán danh sách học sinh các lớp chuẩn bị năm học mới. Thì ra đó là bảng Tiểu sử bà Ấu Triệu. Bà không phải là Bà Triệu cỡi voi phất cờ khởi nghĩa trên núi Nưa ở Thanh Hóa như tôi nghĩ mà là một nhà yêu nước, một phụ nữ tên thật là Lê Thị Đàn hy sinh vì nước trong phong trào Đông Du do cụ Phan Bội Châu đề xướng ở giai đoạn lịch sử đầu thế kỷ 20. Bây giờ tình cờ tôi đọc cuốn Nội San Hội Ngộ 50 năm Sư Phạm Quy nhơn (1962-2012) của Huế phát hành ngày 12/08/1012 có bài Câu Chuyện Về Cái Tên Trường Ấu Triệu của Hà Thanh Huyền (Hà Văn Thành), tôi càng hiểu rõ hơn về tiểu sử bà Ấu Triệu. Tôi xin cám ơn tác giả đã cho biết đầy đủ về người mang tên ngôi trường mà tôi yêu mến.
Năm 1976 trường đổi tên là trường PTCS cấp 1 Lê Lợi. Trường không còn là trường Nữ mà có cả Giáo viên và học sinh Nam . Tôi nhớ có nhiều lần cô Lê Thị Thuận Hiệu trưởng xin các cấp khôi phục lại tên cũ là Ấu Triệu nhưng không được vì tên trường phải gắn liền với tên của phường là Lê Lợi và bây giờ tên trường là Tiểu Học Lê Lợi Qui Nhơn.
Tuy tên trường đã thay đổi, dù hiện trạng cũ của ngôi trường  không còn, cho dù trường đã xây dựng lên những dãy lầu mới và cho đến bây giờ dù trường khang trang, to lớn đồ sộ hơn nhưng người dân ở dây vẫn quen gọi tên là Trường Ấu Triệu. Riêng tôi vẫn giữ mãi ký ức của ngôi trường mến yêu.
Suốt một thời gian dài giảng dạy dưới mái trường Ấu Triệu có rất nhiều chuyện vui buồn. Những buổi sáng đến trường sớm! Một mình tôi thơ thẩn dạo quanh sân. Ngắm những cây lá còn đọng những hạt sương đêm hay đang từ từ òa vỡ trong nắng sớm! Hay lắng nghe tiếng hót ríu rít của những chú chim trên cành cao. Những buổi học hăng say với bài giảng hay ngắm nhìn những khuôn mặt ngây thơ của học sinh khi chúng làm bài. Những buổi trưa yên ắng, một mình trong lớp học để dõi theo từng dòng chữ để chấm bài cho học sinh. Những buổi chiều, tan trường! Học sinh đã về hết, tôi cũng ngồi nán lại để hòa vào cái êm êm khi chiều xuống . Có lúc lại cùng cô bạn ngồi trên chiếc ghế đá tâm sự cho đến khi màn đêm buông phủ mới lên xe trở về nhà. Những đêm trăng, tan cuộc họp, chúng tôi vẫn còn nấn ná giữa sân trường. Dưới ánh trăng soi rọi qua những cành cây kẽ lá. Ban đêm, ngôi trường yên tĩnh quá! Dường như tôi nghe được tiếng đất trở mình và cả tiếng côn trùng rên rĩ.
 Tôi đã gần gũi với ngôi trường qua bao mùa mưa, nắng, gió, bão…qua bao sự đổi thay của cả cảnh và người. Buồn vui với sự ra đi hay đến của những đồng nghiệp. Vui buồn với lớp lớp học sinh vào trường hay ra trường…
…Và nay người chèo đò phải chống sào ngơi nghỉ vì sức tàn cạn kiệt… và trong những tháng ngày còn lại này, một sớm mai hay buổi chiều tà, trưa êm ả hay đêm tĩnh mịch dấy lên nỗi nhớ! Lòng tôi chợt ấm áp khi nghĩ về mái trường xưa. Cái nôi đã ru tôi suốt thời thơ ấu. Thôi, thì một lần này cho tôi xin được tri ân mái trường mà suốt cuộc đời này tôi yêu mến! Tôi xin cám ơn tất cả những cô giáo, những bạn bè, những đồng nghiệp và những học trò của tôi!
Hình ảnh về ngôi trường Ấu Triệu Qui Nhơn luôn sống mãi trong ký ức của tôi!

Sài Gòn, tháng 9/2012.
Irene.

Hình 1: Lúc Ren còn là học trò. R..đứng bên cạnh cô giáo, Thanh Bình mặc áo đầm cách R..một bạn, Hoài Thanh (học lớp 6/k11spqn) đứng hàng thứ hai sau Ren và Bình, sau lưng bạn mặc bộ quần áo sọc ngang.
Hình 2: Lúc này trường đổi tên là PTCSC1Lê Lợi- Ren mới đổi về trường giảng dạy năm 1975-1976.
Hình 3: Cô giáo và học sinh - Tên trường bây giờ là trường Tiểu Học Lê Lợi Qui Nhơn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LY RƯỢU MỪNG XUÂN

                   Ngoài sân, hoa mai nở vàng báo hiệu mùa xuân đang đến!          Mùa xuân được xem là mùa khởi đầu. Mùa xuân khí...