QUI NHƠN NGÀY THÁNG CŨ (PHẦN 4).
Irene
* Cám ơn Thầy Cô Phạm Ngọc Hài - Lê Thị Bạch Liên, Anh Chị Nguyễn Trác Hiếu - Lê Thị Bạch Yến, Anh Chị PhạmLê Huy - Bùi Kim Loan đã gởi nhiều thông tin và hình ảnh giúp tôi hoàn thành bài viết này.
* Cám ơn Thầy Cô Phạm Ngọc Hài - Lê Thị Bạch Liên, Anh Chị Nguyễn Trác Hiếu - Lê Thị Bạch Yến, Anh Chị PhạmLê Huy - Bùi Kim Loan đã gởi nhiều thông tin và hình ảnh giúp tôi hoàn thành bài viết này.
* NHỮNG BÓNG HỒNG QUI NHƠN XƯA.
Nói đến con gái Qui Nhơn - Bình Định, người ta thường nhớ đến câu ca dao:
“Ai về Bình Định mà coi
Con gái Bình Định múa roi đi quyền”
Cứ ngỡ rằng con gái vùng đất võ nghệ là ai ai cũng có dáng người rắn chắc, mạnh mẽ với khí phách hào hùng,… suốt ngày luyện võ chỉ biết gậy gộc, gươm đao… chứ không phải là “tuýp” con gái “công dung ngôn hạnh” thướt tha, yểu điệu thục nữ, kín cổng cao tường…
Thật ra, có đến Qui Nhơn vào thập niên năm, sáu, bảy… mươi mới tận mắt thấy các cô thiếu nữ nơi đây khác hẳn với những suy nghĩ trên. Rồi một khi gặp, nét đẹp của họ đã khiến không biết bao nhiêu thanh niên phải ngẩn ngơ “chân đi không rời”.
Như tôi đã nói trong các phần đầu, Qui Nhơn là nơi “đất lành chim đậu” ngoài người địa phương là Bình Định – Qui Nhơn còn là nơi hội tụ của những Người Hoa, Ấn Độ, Bắc di cư, Huế, Đà Nẵng, Quảng… Cũng trong giai đoạn này, có nhiều gia đình trong giới trí thức, công chức nhà nước được bổ nhiệm đến đây và nhất là bắt đầu từ sau năm 1962 khi trường Sư Phạm được mở ra thì lại càng có thêm nhiều “Bóng Hồng” thấp thoáng xuất hiện trong thị xã. Do vậy, con gái ở đây mang vẻ đẹp đa dạng của nhiều vùng miền - “Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười”.
Dạo đó tuy còn nhỏ nhưng tôi cũng đã rất ngưỡng mộ trước vẻ đẹp của các cô, các chị. Tôi gọi các cô, các chị là những “Bóng hồng” vì vẻ đẹp tự nhiên, tinh khiết. Ngoài ra, các cô, các chị còn có dáng dấp sang trọng, quí phái, mang vẻ khuê các, dịu dàng…
Theo trí nhớ của tôi, không theo một thứ tự nào cả, tôi xin kể lại như một sự tôn vinh và nếu có quên một “Bóng Hồng nào đó” là vì do nhiều quá! Tôi không làm sao mà nhớ hết được!
Xe hoa Lễ Hai Bà Trưng ở Qui Nhơn
Ngày đó, vào mùa xuân, thị xã Qui Nhơn thường tổ chức lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng, mọi người háo hức đi xem. Tôi nhớ nhất là hình ảnh Hai Bà Trưng oai phong trên mình voi cùng các quân sĩ (nữ) như đang xông pha ra trận. Những người xung quanh, ai cũng trầm trồ trước vẻ đẹp của Trưng Trắc và Trưng Nhị.
Trưng trắc là chị Phạm Thị Quang Ninh, do lâu ngày tôi không nhớ nổi! Nhưng Trưng Nhị thì tôi nhớ vì người đóng vai đó chính là chị Lê thị Bạch Liên (con gái cô Sự).
Phạm Thị Quang Ninh (Trưng Trắc) – Lê Thị Bạch Liên (Trưng Nhị)
Chị Bạch Liên có một vẻ đẹp thùy mị. Nước da trăng trắng. Đôi mắt đen tròn. Khuôn mặt bầu bĩnh. Nhà của chị ở đường Lê Lợi. Vì ở gần nhà nên hằng ngày, tôi thường thấy chị đi học trong chiếc áo dài trắng. Lúc nào trông chị cũng rất xinh. Dáng đi của chị sang trọng.
Chị Bạch Liên còn có hai cô em gái rất xinh đó là Lê Thị Bạch Yến và Lê Thị Bạch Nga. Chị Bạch Yến có vẻ đẹp hiền hậu. Chị cười rất có duyên. Vóc dáng nhỏ nhắn nhưng cân đối. Giọng nói nhỏ nhẹ, rất ư là dịu dàng. Bạch Nga học cùng trường Nữ Trung Học với tôi, bạn ấy cũng rất xinh đẹp và hiền dịu.
Lê Thị Bạch Liên
Trong phong trào văn nghệ nổi đình nổi đám ở Qui Nhơn lúc bấy giờ phải nói đến ban nhạc xuất phát từ nhà cô Kim Liên. Cô người gốc Bắc. Nhà cô ở số 81 đường Tăng Bạt Hổ. Cô là nữ sinh trường Cường Đễ. Hằng ngày, cô thường mặc chiếc áo dài trắng đi học. Có khi lại thấy cô trong những chiếc áo dài màu xanh nhạt, vàng nhạt hay tím hoa cà mỗi khi trình diễn văn nghệ. Cô có mái tóc uốn dài, chải rối (mốt thời bấy giờ). Gương mặt với nụ cười tươi tắn. Chiếc eo nhỏ, dáng đi uyển chuyển. Cô không những đẹp mà còn sở hữu một giọng hát rất hay. Nghe cô Kim Liên trình bày những bản nhạc thời bấy giờ mới ấm áp và ngọt ngào làm sao. Nhìn cô ấy là đã thấy toát lên tính cách nghệ sĩ.
Kim Liên và Lê Thị Bạch Yến
Cô có người em ruột là cô Kim Lan cũng khá xinh xắn.
Cũng trong phong trào văn nghệ lúc đó, có hai cô hát rất hay nhưng cùng tên là Tuyết Hoa. Để phân biệt mọi người gọi là Tuyết Hoa A, Tuyết Hoa B.
Cô Tuyết Hoa A có khuôn mặt hiền hậu, có giọng hát trầm ấm, ngọt ngào và là em gái của ca sĩ Đắc Đăng (Đắc Đăng là một ca sĩ hát hay nổi tiếng trong ban nhạc của cô Kim Liên. Tôi thích nhất là khi ông hát bài Kiếp Nghèo của nhạc sĩ Lam Phương).
Tuyết Hoa A và ái nữ
Cô Tuyết Hoa B có nụ cười tươi sáng, có giọng hát cao và khỏe. Ngoài ra cô còn có vóc người cân đối với vòng eo nhỏ xíu.
Cả hai cô đều xinh đẹp và hát hay.
Chị Văn Thị Huệ - nữ sinh Trung Học Kỹ Thuật Qui Nhơn - vừa đẹp người lại đẹp nết, hát rất hay nhạc phẩm Ngày Xưa Hoàng Thị. Hồi đó tôi thấy chưa có ai ở Qui Nhơn hát bài này hay hơn chị. Thuở ấy tuy đã xa, xa lắm rồi nhưng giọng hát ngọt ngào đầy truyền cảm của chị đến giờ vẫn còn văng vẳng trong trí tôi.
Trong giới giáo viên lúc bấy giờ ai cũng biết Cô Công Tằng Tôn Nữ Ngọc Lan con của ông Bửu Giá, nhà cô ở góc đường Lê Thánh Tôn - Phan Bội Châu. Cô có vóc người nhỏ nhắn, yểu điệu. Khuôn mặt hơi gầy. Đôi mắt đẹp. Cô là giáo viên trường Ấu Triệu, sau này lên làm Thanh Tra của Ty Giáo Dục Bình Định. Cô Ngọc Lan có dáng gầy gầy nên đi rất nhẹ. Mỗi khi cô cười trông cô thật xinh và rạng rỡ.
Cô Công Tằng Tôn Nữ Ngọc Minh, là em gái của cô Ngọc Lan. Trái với chị, cô Ngọc Minh trông tính cách mạnh mẽ hơn. Cô có khuôn mặt bầu bĩnh tròn trịa với nụ cười rạng ngời tươi tắn. Cả người cô toát lên sự trẻ trung đầy sức sống.
Tất cả giáo sư và nữ sinh trường Nữ Trung Học ai cũng biết cô giáo Ngọc Anh, một cô giáo đẹp “mê hồn”. Mỗi lần đến giờ cô, chúng tôi cứ ngẩn ngơ nhìn cô từ mái tóc, đôi mắt, cái mũi, miệng nụ cười, giọng nói… cho đến những chiếc áo dài… Hình như tạo hóa đem đến cho cô tất cả những nét đẹp. Do cô đẹp quá! Nên phần đông học trò chẳng tập trung vào bài cô giảng, trong đó có tôi. Vì vậy môn Hóa học của cô, tôi học “bết” nhất.
Trường Cường Để là một trường trung học nổi tiếng trong thị xã. Nổi tiếng về học tập, nổi tiếng về các phong trào văn nghệ, thể thao… nổi tiếng về các nữ sinh. Thời bấy giờ các cô nữ sinh của trường phần nhiều rất đẹp. Có nhiều “Bóng Hồng” đã làm ngây ngất bao người. Trong các cô nữ sinh đẹp nổi tiếng của trường Cường Đễ vào thập niên 60 có rất nhiều cô học trò đã làm “điên đảo” những anh công chức, hay những thầy giáo trẻ mới ra trường (tuy là thầy giáo và học trò nhưng thật sự về tuổi tác thầy hơn trò chỉ bốn, năm tuổi).
Chị Tố Mai có mái tóc uốn dài. Dáng người cân đối. Có một lần, tôi gặp chị ấy vào một buổi chiều ở đường Gia Long. Chị khoác tay thầy Tri (Thầy Tri là một thầy giáo trẻ mới ra trường, giảng dạy tại trường Cường Đễ Chắc lúc đó hai người mới cưới nhau). Mùa đông, trời về chiều lành lạnh, chị mặc ngoài một chiếc áo khoác màu đỏ có mũ. Màu đỏ nổi bật trên nước da trắng, trông chị đẹp sang trọng và rất Tây khiến những người dạo phố đều quay lại nhìn ngơ ngẩn.
Tôn Nữ Thị Nguyệt (1967)
Chị Tôn Nữ Thị Nguyệt cũng là học sinh trường Cường Đễ sau này vợ thầy Vương Quốc Tấn - một giáo sư trẻ của trường Cường Đễ dạy môn Lý Hóa rất nổi tiếng. Chị Nguyệt có khuôn mặt sáng, với những đường nét thanh tú. Vóc người cao cao, chị thường mặc những chiếc áo dài lụa ôm sát thân hình với cái eo nhỏ xíu. Dáng đi thật là tha thướt. Cả người chị toát lên vẻ đẹp sang trọng, quý phái.
Một buổi chiều cuối năm, tôi gặp lại chị. Chị lái xe jeep trắng, chị mặc chiếc áo dài gấm màu vàng, thắt chiếc khăn san trắng bay bay, chạy qua những con đường phố Qui Nhơn lộng gió. Rất đẹp! Nhiều người ngẩn ngơ nhìn theo…
Tôn Nữ Thị Nguyệt (1969)
Chị Phố Châu vợ của thầy Tri Tài cũng là một “Bóng Hồng” nổi tiếng lúc đó. Chị rất đẹp. Đôi mắt sáng, nước da trắng mịn màng. Vóc người mảnh mai, cân đối.
Chị Bích Hương vợ thầy Trĩ cũng mang vẻ đẹp thùy mị, kín đáo. Chị Tạ Thị Bích Lệ, chị Tạ Thị Lan Anh nhà ở đường Gia Long sát bên Đình Cẩm Thượng cũng rất là xinh...
Có lẽ do thành phố nhỏ nên đi lên, đi xuống đều gặp nhau và cô nào xinh, chị nào đẹp là mọi người đều biết tiếng. Dạo đó, có cô Oanh đẹp vô cùng. Cô là giáo viên nhưng dạy trường nào không rõ vì lúc đó tôi còn nhỏ quá. Tuy lâu ngày nhưng tôi vẫn nhớ, điểm đặc biệt là cô có mái tóc uốn xỏa dài xuống như minh tinh màn bạc của Pháp Brigitte Bardot.
Năm 1962, trường Sư Phạm Qui Nhơn được thành lập. Đây là ngôi trường Sư Phạm đầu tiên của miền Trung (từ Quảng Trị cho đến Bình Thuận). Nhiều “người đẹp”đã hội tụ về thành phố Biển. Qui Nhơn thời đó lại dập dìu những “Bóng Hồng”.
Bích Khê, cô giáo sinh Khóa 1 Sư Phạm Qui Nhơn, cô Tôn Nữ đài các, quý phái đã làm cho Trịnh Công Sơn trầm tư bao đêm trên bãi biển Qui Nhơn để cuối cùng bài Biển Nhớ ra đời, một tình khúc nổi tiếng trong suốt nửa thế kỷ qua:
“… Ngày mai em đi biển nhớ tên em gọi về, triều sương ướt đẫm cơn mê, trời cao níu bước Sơn Khê… ”.
“… Căn nhà đầu đường Cường Để nhìn ra phi trường Qui Nhơn, nơi đã chứng kiến biết bao kỷ niệm vui buồn của anh Sơn, của Bích Khê… ” - (Trích trong Wikipedia.org ).
Khóa 1 trường Sư phạm Qui Nhơn còn có chị Phượng người Huế, đẹp nổi tiếng! Một nét đẹp rất Tây. Chị cao khoảng gần 1m70. Cũng vì cao quá (so với thời đó) nên mọi người thường gọi chị là Phượng De Gaulle.
Năm 1963, tướng Dương Văn Minh, Tôn Thất Đính, Trần Văn Đôn ra thăm Qui Nhơn. Các trường học trong thị xã chọn những cô học sinh đẹp như trường Sư Phạm cử chị Phượng, Hội Đồng Giáo Sư trường Cường Đễ chọn chị Nguyệt và một người nữa (quên tên), đại diện học sinh Qui Nhơn đi trao vòng hoa.
Trong thị xã, ai cũng biết đến ông phó Văn. Con gái lớn của ông là chị Tôn Nữ Hoàng Hoa. Ngoài vẻ đẹp ra, chị Hoàng Hoa còn nổi tiếng thơ văn và thể thao. Môn thể thao bóng tròn của trường Cường Để dạo đó chị luôn là thủ môn. Sau này chị vào học Sư phạm Qui Nhơn chị cũng nổi tiếng xinh đẹp và thơ văn.
Ai ở Qui Nhơn dạo đó cũng đều biết đến những cô con gái đẹp nổi tiếng của bà Mai Ngôn đó là cô Tuyết Liên, Tuyết Minh, Tuyết Nhung, Tuyết Hườn, Tuyết Bảo… Cô nào cũng đẹp, cũng xinh, cũng duyên dáng…
Tiệm chụp ảnh Hồng Hà có các cô con gái thật xinh đó là Khánh Vân, Khánh Tuyết, Khánh Hồng, Khánh Hà…
Đường Phan Bội Châu gần tiệm kem Phi Điệp đối diện Tuyết Trắng là tiệm ăn Hương Bình, có cô con gái tên là Vân Nga xinh đẹp, nổi tiếng một thời.
Chị Mỹ Hòa, Hiệu trưởng trường Tiểu Học Ấu Triệu vào những năm trước 1975, rất duyên dáng. Gặp chị, ngoài những nét đẹp hiền dịu trên khuôn mặt, chúng ta còn thấy được sự đức độ nhiệt tâm của một nhà giáo qua tính tình của chị. Cho đến bây giờ tuy lớn tuổi nhưng chị vẫn còn giữ được phong cách của một nhà mô phạm.
Chị Kim Thoa một giáo sinh trường Sư Phạm Qui Nhơn đẹp nổi tiếng. Chị người Huế với giọng nói ngọt ngào. Chị có mái tóc buông dài. Khuôn mặt trái xoan, sóng mũi dọc dừa và nụ cười rạng rỡ. Rất nhiều người trong “rừng mai” trồng cây “si” chị. Sau ngày ra trường chị là giáo viên trường Tiểu Học Ấu Triệu, tôi là một giáo sinh đi thực tập ngưỡng mộ vẻ đẹp của chị.
Chị Mộng Trâm, một giáo sinh Khóa 6, Sư Phạm Qui Nhơn cũng từng là một trong những “Bóng Hồng” của trường Cường Đễ. Chị có làn da trắng mịn màng, mái tóc đen mượt xỏa dài. Mỗi khi chị cười đôi má lún đồng tiền xinh ơi là xinh!
Trường Sư phạm Qui Nhơn với mười ba khóa có vô số “Bóng Hồng” nhưng tôi không làm sao mà nhớ hết được, có bạn nào giúp tôi nhớ lại không nhỉ?
Chị Hồng Ngọc con của bác sĩ Trương Sĩ Hoàn. Hồng Ngọc có nước da trắng hồng. Đôi mắt tròn, cái mũi thanh tú và đôi môi hồng. Chị có vóc người tròn trịa. Tôi thường thấy chị mặc áo pull quần tây ống túm (mốt thời bấy giờ), cả người chị toát lên sự tươi mát, trẻ trung và năng động rất Tây.
Chị Lành nhà ở 69 Tăng Bạt Hổ là nữ sinh trường Cường Để rồi Nữ Trung Học nổi tiếng một thời. Chị có khuôn mặt phúc hậu. Đôi mắt tròn, đen láy. Nụ cười rất có duyên. Chị sở hữu một mái tóc đen, thẳng và dày vừa chấm ngang eo. Tính tình hiền hậu sau này chị là một Nữ Hộ Sinh đầy tâm đức.
Chị Trần Thị Lạt ở trọ nhà 75 đường Tăng Bạt Hổ. Chị có mái tóc mây dày và đen nhánh. Nước da trắng, đôi mắt đen tròn… Chị sở hữu một nét đẹp tự nhiên. Nét đẹp của chị đã khiến nhiều thanh niên ngây ngất và làm cho các nhiếp ảnh gia của các tiệm chụp hình phải chọn hình chị làm mẫu treo trước ô kính cửa tiệm. Mỗi khi đi ngang qua tiệm chụp hình Bác Ái, nhiều người dừng chân lại nhìn tấm hình người con gái mặc áo ca rô, hai tay cầm vành mũ… Rồi thốt lên “Sao mà xinh quá!”.
Chị Thùy Hân nhà ở đường Nguyễn Du. Chị là học sinh trường Nữ Trung Học. Chị có mái tóc ngắn. Đôi mắt tròn to, mũi dọc dừa, miệng cười rất xinh, hai má bầu bĩnh. Khi chị nói, giọng Bắc 54 của chị nghe rất nhẹ nhàng.
Đường Nguyễn Du cũng có nhiều người đẹp trong đó có chị Kiều. Chị Kiều có khuôn mặt xinh xắn. Mái tóc dài chấm ngang eo. Chị có dáng người thon nhỏ. Tôi thường nhìn theo chị mỗi khi chị đi ngang nhà, dáng đi của chị thật là tha thướt!
Chị Kim Thước người Phú phong xuống Qui Nhơn đi học ở trọ nhà người bà con đường Tăng Bạt Hổ trước Chùa Tỉnh Hội rất xinh đẹp. Khi nghe tin chị lên xe hoa về nhà chồng đã không khiến biết bao nhiêu người “cuộn mình trong chăn”… trong số đó có người làm thơ:
“… Trả lại em trong chuyện tình đôi lứa
Ngày mai sau, tình chân thật hôm nay
Bởi luyến lưu trong những phút giây này
Đối với em vẫn sẽ là vô nghĩa… ”
Tiệm Phổ Thông nằm trên đường Gia Long có cô con gái dễ thương đó là chị Diệu Huyền. Chị có nét đẹp đài các, duyên dáng, vóc người nhỏ nhắn xinh xinh. Ai gặp chị nghe chị nói chuyện đều thấy chị nói với giọng Huế rất nhẹ.
Vào thời đó tôi thường nghe các chị của tôi trầm trồ về một chị người Ấn Độ học trường Nữ Trung Học đó là chị Thủy. Đúng vậy! Chị Thủy có nét đẹp lôi cuốn, với đôi mắt to, đen láy. Mái tóc đen hơi quăn. Hai má lúm đồng tiền, nụ cười rất có duyên.
Trường Nữ Trung Học là trường nổi tiếng về các cô nữ sinh đẹp người, đẹp nết, học giỏi… như Thanh Tâm A, Thanh Tâm B, Mộng Mai, Kim Anh, …sau này lớp tôi cũng có nhiều bạn rất xinh đẹp như Nguyễn Thị Hiên, Kim Chi, Võ Lan, Nguyên Phương…v.v…và v.v…
Chị Thanh Tâm B, nhà ở góc đường Nguyễn Công Trứ - Cường Để, chị có một vẻ đẹp thùy mị, dịu dàng. Nước da trắng sáng. Khuôn mặt tròn, đôi mắt đen, to, lông mi cong vút. Cái mũi nhỏ cao thanh tú. Miệng nhỏ với nụ cười xinh. Ngoài ra, tánh tình hiền hậu, với giọng Bắc rất êm nhẹ. Chúng tôi học lớp sau chị, thấy chị đẹp nên mỗi khi gặp chị trong sân trường thường hay trầm trồ, ca ngợi.
Còn rất nhiều! Nhiều, nhiều lắm! Tôi không thể làm sao kể hết được!
Trường Bồ Đề, Nhân Thảo, Trinh Vương cũng có rất nhiều chị vô cùng xinh đẹp! Nhưng sao lúc này, khi viết thì tôi không thể nhớ nổi? Cũng hơn nữa thế kỷ rồi còn gì!
Đã qua bao nhiêu năm tháng, dù vật đổi sao dời, dù trải qua bao sự đổi thay thời cuộc, đổi thay của lòng người… Nhưng hình ảnh đẹp của các cô, các chị vẫn khắc sâu trong ký ức của tôi. Rồi một lúc nào đó thoáng nhớ, thì những bóng hình các cô, các chị lại hiện ra, tươi sáng, sang trọng… như một bức tranh với rất nhiều bông hoa đủ màu sắc tuyệt đẹp, lấp lánh vô ngần!
Một lần nữa, tôi xin tôn vinh vẻ đẹp những “Bóng Hồng” của Qui Nhơn Ngày Tháng Cũ!
Tháng bảy, 2015
Irene
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét