Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

ANH ĐI RỒI-THƠ

ANH ĐI RỒI ! - Irene


Anh đi rồi ! ai đưa em đi dạy
Những chiều mưa ai đón bước em về
Chuyện vui buồn em kể cho ai nghe
Chủ nhật hồng ai đưa em đi dạo .

Anh đi rồi ! cánh tay nào em gối
Bờ vai nào em tựa để làm thơ
Ai khẽ cười vuốt nhẹ mái tóc em
Và lặng yên ngồi bên nghe em hát .

Anh đi rồi ! tháng ngày sao trống vắng
Sáng trưa chiều rệu rã với đơn côi
Ngày tháng hạ mà bỗng dưng chợt buốt
Rồi giá băng tê tái lúc đêm về .

Anh đi rồi ! Mặt Trời không thấy mọc
Không thấy trăng và sao cũng đi đâu ?
Giữa hư không là vũng tối mịt mùng
Em ngồi lại để đếm ngày tháng cũ .

SaiGon,tháng7/2011
Irene.

XIN LỖI - THƠ

XIN LỖI...  Irene.

              

Cho em xin dù một lần xin lỗi
Tại ngày xưa em yếu đuối dại khờ
Không dám nhìn…cũng chẳng dám nhận thư
Để vuột mất một cuộc tình thơ mộng.

Em có hẹn nhưng em không dám đến
Sợ mọi người, ngại chúng bạn dèm pha
Lòng bảo đi nhưng chân không dám bước
Và bây giờ mãi mãi là cách xa.

Tuổi mười tám sao ngu ngơ khờ khạo
Yêu trong lòng mà chẳng dám nói ra
Để hôm nay ngắm lá úa rơi vàng
Mà hối tiếc Mùa Thu qua nhanh thế!

Thôi anh nhé! Chuyện tình mình dang dở
“Bởi vì anh hay tại bởi do em”
Thuyền đã trôi về tận cuối chân trời
Có tiếc nuối muộn màng còn đâu nữa.

Xin lỗi nhau, trăm vạn lần xin lỗi!
Có kiếp sau xin làm lại từ đầu.












CHỈ THẾ THÔI - THƠ

Chỉ Thế Thôi - Thơ - Irene.

              (Phỏng theo ý thơ của N.H).


Ngày ấy chưa gặp anh

Trời đất xung quanh đơn điệu biết dường nào

Cơn gió rì rầm cơn gió thoảng

Mưa là mưa

Và mây chỉ là mây

Xe cộ hững hờ người qua lại

Buồn vui vốn dĩ cuộc đời này.



Rồi một ngày anh đến!

Gió reo vui và mây có nhiều màu

Trăng sao cũng cất lên tiếng hát

Mưa trở nên dịu dàng

Những giận hờn vô cớ

Và chúng mình trở thành thi sĩ tự bao giờ.



Bên nhau

Thời hoa mộng

Ánh mắt nhìn thiết tha

Vòng tay đan rộn rã

Khe khẽ cùng nhau to nhỏ chuyện tình yêu

Chuyện đôi mình buồn ít hơn vui

Chuyện gần, chuyện xa, chuyện dài, chuyện ngắn…

Cả một khung trời đầy hạnh phúc của đôi ta.



Rồi một chiều Thu sương mù

Mây giăng khắp lối

Trời buồn hiu hắt

Con chim đầu cành hót tiễn biệt

“Đưa người hay đưa ta sang sông?”



Thôi xa rồi! đừng nhớ những khi

Thôi đừng giữ những bài thơ em viết!

Chỉ là bâng quơ

Có gì mà tiếc nuối?

Chuyện tình mình cũng chỉ bấy nhiêu thôi…

SÀI GÒN THÁNG SÁU

SÀI GÒN THÁNG SÁU - Thơ - Irene.


    
Sài Gòn tháng sáu trời trở gió
Mây trắng giăng ngang thấp thật gần
Hàng cây xanh mượt mà sũng nước
Vắng anh rồi cùng ai trong mưa.

Tháng sáu mưa lô xô nghiêng ngửa
Mái tóc vương từng giọt ngắn dài
Đôi mắt buồn nỗi niềm cô lẻ
Thấm lạnh đôi vai chợt hững hờ.

Nhớ Sài Gòn mùa mưa ngày cũ
Đi bên nhau ríu rít chuyện trò
Bàn tay nào vụng về đan khẽ
Con fes ti run rẩy lá me bay.

Trời mưa buồn phi trường tiễn biệt
Người ra đi! lặng lẽ trong chiều
Mưa đến mưa đi như bất chợt
Giọt thương giọt nhớ mãi đầy vơi.

Ngồi lại một mình nơi quán vắng
Café  buồn lạnh ngắt chơi vơi
 Phố xá đèn mờ chiều nhập nhoạng  
Sài Gòn tháng sáu trời lại mưa.

HƯƠNG THU

HƯƠNG THU


              Irene.
Tặng “Đôi bạn ngày xưa học chung một lớp…” khóa 11...


Trời vào Thu nhẹ nhàng, mây bồng bềnh trôi, nắng nhạt, gió mơn man, luồn lỏi qua ngọn cây, vòm lá…có những cơn mưa chiều thong dong đến muộn. Sắc Thu làm mềm cây cỏ, làm tươi tắn màu vàng của chùm hoàng yến, đậm đà màu tím biếc của khóm thạch thảo hay hòa vào làm ngòn ngọt thêm mùi hương của những nàng Nguyệt Quế trắng muốt trong vườn.
       Miền Nam tuy không thấy rõ rệt của các mùa trong năm nhưng chú ý chút xíu thì cũng có một thoáng cảm nhận… Nếu thường thơ thẩn ngắm nhìn, lắng nghe khi đất trời chuyển giao giữa các mùa rồi thả hồn theo những đổi thay của vũ trụ thì sẽ thấy được vẻ đẹp khác nhau của trời, mây, cây, lá... Mỗi mùa có những cảnh sắc và những nét đẹp đặc trưng, riêng biệt nhưng Mùa Thu thường để lại trong lòng người những niềm thổn thức hay những nỗi nhớ mênh mang.  
       Sớm tinh mơ, giữa không gian còn yên ắng, giữa se se lạnh của sương mờ, giữa không khí trong lành tinh khôi! Tâm hồn thật bình yên thanh thản đến lạ! Trong giây phút đó bỗng hoài niệm, vấn vương về một thời nào đó xa thật là xa... Thu về cũng thường làm cho tâm hồn chơi vơi rồi miên man nhớ đến những cuộc tình mong manh, mơ hồ tựa như sương khói thoảng qua rồi tan biến nhanh để lại một thoáng hương Thu trong vắt giữa thinh không .
       Khi còn là giáo sinh của trường Sư Phạm Qui Nhơn, hằng ngày theo những chuyến xe lam trên con đường đến lớp, thường vẩn vơ theo cảnh vật, hàng dương với biển xanh, cát vàng, sóng vỗ trắng xóa…rồi một hôm, tôi bắt gặp bên đường đôi bạn…
Hai người luôn đi bên nhau. Tà áo dài trắng bay bay quấn quýt trong gió. Đôi bạn hầu như chẳng chú ý những gì xung quanh vì mãi nói chuyện, vì mãi tranh luận hay vì mãi vui đùa…Có lúc, anh tinh nghịch nhảy lên gờ của lề đường đi chông chênh từng bước, chị đi bên dõi mắt theo từng bước chân… Xe lướt ngang qua, tôi chỉ nghe tiếng cười đùa vang vọng rồi để lại đằng sau lưng hai khuôn mặt hồn nhiên trẻ trung.
Bất kể mưa hay nắng họ vẫn bên nhau trên con đường đến lớp hay về nhà…Những ngày vào Thu nắng vàng trải nhẹ trên các ngọn cây, tay cầm tập vở, đôi bạn thì thầm to nhỏ suốt đoạn đường về…Có những hôm, trong cơn mưa chiều lất phất bay, lấy vạt áo dài che đầu, cả hai líu ríu, chạy vội đến đụt mưa dưới hàng dương bên đường rồi cùng ngắm nhìn mưa rơi rơi từng hạt, từng hạt…rồi lại say sưa nói cho nhau nghe chuyện đất trời...
Không gì lãng mạn cho bằng vào mùa Đông rét buốt, hai người đi sát vào nhau thì thầm nho nhỏ và cũng thật là ấm áp khi thỉnh thoảng có những ánh mắt trao nhau vội vàng trong khi ngoài trời giá lạnh căm căm.
Mùa Xuân đến, xua tan dần những ngày lạnh lẽo. Trời ấm dần lên. Cây cỏ như thay áo mới. Những chồi non lộc biếc nhú ra, hoa đơm nụ rồi khoe sắc. Gió Xuân mơn man trên từng nét mặt ngời ngời trẻ trung. Ngắm đôi bạn dạo bước nhẹ nhàng bên nhau trong buổi sớm mai mà thấy lòng rộn vui…
Tuổi hai mươi nhiều hoài bão, nhiều ước mơ. Nhìn bầu trời toàn màu xanh hy vọng. Nhìn cuộc đời toàn màu hồng tươi vui. Nhìn phía trước là một tương lai tươi sáng… Đôi bạn mạnh mẽ vững tin cùng sánh bước bên nhau trên con đường đang rộng mở thênh thang.
Mùa Thu năm đó tốt nghiệp ra trường. Cả hai đều chọn Bình Định, anh về An Nhơn, chị về An Khê. Dường như mơ hồ có một điều gì đó…? Tên địa danh hai nhiệm sở thoáng nghe hai từ đầu đó là một nơi chốn an bình nhưng hai từ sau ngẫm lại hình như thấy trắc trở và đầy nhiêu khê ?! Nhưng tuổi trẻ mấy ai quan tâm gì? Chỉ chú ý đến khoảng cách không gian, mà con đường Quốc lộ 19, đâu là bao so với :
                   …mấy núi cũng trèo.
Mấy sông … cũng lội, vạn đèo… cũng qua..
Rồi một chiều Thu nắng nhạt, anh đến thăm chị …đi loanh quanh, lên xuống giữa phố huyện xa lạ. Không tìm ra nhau, anh đành mang nỗi buồn vương vấn… trầm tư suốt con đường về.
Một ngày cuối Thu, mưa lất phất bay anh trở lại. Lần này do quyết tâm nên tìm gặp được nhau. Hai người nghẹn ngào, xúc động… ánh mắt nhìn nhau chan chứa làm nhập nhoạng cơn mưa chiều.
Mùa Xuân, về bên mái ấm gia đình, đôi bạn hớn hở đến thăm nhau, phố phường Qui Nhơn rộn vui trong mấy ngày Tết …
Anh đến thăm em đêm ba mươi. Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi. Anh nói với người phu quét đường, xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em…
Mùa xuân đem đến mọi vui tươi. Mùa xuân tràn đầy sức sống, niềm tin và hy vọng. Mùa xuân với muôn ngàn đóa hoa tươi thắm. Mùa Xuân với những mối tình vừa mới chơm chớm…
Mùa Xuân làm thay đổi vạn vật nhưng cũng có những Mùa Xuân làm thay đổi cuộc sống của mọi người… khi lịch sử nước nhà bước sang một trang khác…
Sau mùa Xuân 75, chị trở về tiếp tục công việc giảng dạy ... trong lúc, anh lao đao vất vả với những tháng ngày nối tiếp …
Cuộc sống càng ngày càng trở nên khốn khó… không còn ai dám mơ tưởng gì cho riêng tư…và cứ thế xoay vần theo tạo hóa và:
…vẫn sống, vẫn ăn, vẫn thở…nhưng biết bao giờ mới được nói thẳng những điều… ước mơ… (Tâm ca-Phạm Duy).
Mỗi người có một con đường mà số phận đã định sẵn. Không ai biết trước được điều gì xảy đến…nên cứ bước đi vì không còn cách nào để chọn lựa…
Anh viết bức thư vĩnh biệt mối tình. Chị quay quắt đi tìm muôn hướng…Rồi từng đợt sóng cứ ùa vào, hết trận này đến trận khác.. điên đảo, quay cuồng, hất tung mọi vật, mọi người ra xa, xa thật là xa…
Ờ, thì giờ họ chia tay nhau đã lâu… xa nhau, thì thương, thì nhớ, thì vấn vương, thì nuối tiếc, thì…nhưng trời đất còn thay đổi! Sao lại cứ phải cố giữ mãi những hoài niệm cũ! Sao lại phải thẩn thờ nhớ về một khung trời hoa mộng đã qua…Đương nhiên là không thể nào quên được vì đó là mối tình với nụ hôn đầu tiên ngọt ngào ???
Thời gian đã làm phai mờ đi tất cả, chỉ còn chăng là dư âm ngày cũ và nếu có nhớ, xin hãy nhớ đến nhau như nhớ về mùa Thu cùng với những chiếc lá vàng dội  vào trong cơn mưa chiều lướt thướt…
Bây giờ Thu lại về! Thời khắc đẹp và lãng mạn nhất trong năm. Nắng vàng dịu dàng, lá trên cành đang bắt đầu rùng mình chuyển màu, những hàng cây vươn vai để chuẩn bị thay sắc. Mây xuất hiện nhiều và gió cũng man mác  hơn…Có một chút gì đó bâng khuâng, một chút gì đó lâng lâng, xao xuyến…Hãy để cho lòng mình lắng đọng lại thật sâu … rồi ngày ngày đón chờ những thay đổi của đất trời qua từng giây phút...Lặng im nghe nhịp đập đều đặn của con tim qua từng bước đi thời gian. Thu đem đến cho mọi người nỗi nhớ và Thu cũng đem đến sự tĩnh lặng thăng hoa trong tâm hồn. Mùa Thu làm cho mọi người có những khoảng lặng bình yên…Hãy cố gắng tận hưởng những khoảnh khắc giao hòa tuyệt vời của thiên nhiên để thấy cuộc đời vẫn đẹp, vẫn đáng yêu, vẫn đáng sống…
Hãy nhắm mắt lại, lắng nghe hương Thu đang rón rén, thoảng nhẹ đến gần.

Sài Gòn, tháng 9/2013
Irene.

TẾT QUÊ TÔI

TẾT QUÊ TÔI.

                 Irene. 

         Mấy hôm nay trời Sài Gòn như chuyển tiết lập xuân. Mưa lất phất bay, thời tiết trở nên lành lạnh giống khí hậu miền Trung quê tôi vào những ngày giáp Tết.
Ở đây, bắt đầu từ Giáng Sinh là không khí Tết như đang tràn về trên những hàng cây, trên những con đường, trên khắp phố phường… và làm nao nao lòng tất cả mọi người.
         Sáng nay, tôi vừa nhận được một thùng quà ở ngoài quê gởi vào. Nhìn những món bánh, mứt, những đặc sản riêng biệt của quê mình sao tôi cảm thấy bồi hồi trong dạ. Từ lúc tôi vào miền Nam này để ở với con cái. Cứ mỗi độ xuân về, Tết đến thì bà con bên nội, bên ngoại, chị em bạn bè ngoài đó lại lần lượt gởi cho tôi những món quà quê hương đậm đà tình nghĩa…gợi lại cho tôi biết bao nhiêu kỷ niệm về những ngày Tết êm đềm nơi quê nhà.
         Ở quê tôi, khi mà cái giá rét của Mùa Đông vơi dần đi nhường chỗ cho những tia nắng ấm áp thì dường như đâu đó Mùa Xuân đang hiện diện. Mùa xuân về trên những bãi cỏ xanh mượt, trên những mầm non lộc biếc, trên những đóa hoa mới nở và trên những khuôn mặt rạng rỡ nụ cười...
Tết đến! Rõ nét nhất là khi các chợ đã bắt đầu đông dần lên với những hàng hóa Tết tràn ngập. Từ hàng áo quần cho đến hàng tạp hóa cho đến hàng mứt bánh đến những quang gánh rau trái…rồi đến phố phường người xe rộn rịp, tấp nập.
Tôi quên sao được? Vào những năm cuối thập niên 50, lúc đó tôi còn bé lắm! Không gì vui sướng bằng những ngày Tết. Tết tôi được mặc quần áo mới. Tết sẽ được tha hồ ăn mứt bánh. Tết có tiền lì xì và Tết được đi chơi…Vì thế, tôi trông đến Tết từng ngày. Lòng tôi rộn ràng xen lẫn vui sướng từ lúc mà mẹ tôi bắt đầu may cho chúng tôi những bộ quần áo mới. Mẹ  may tay chứ hồi đó không có nhà nào có máy may. Và lại càng không đến thợ may để may như sau này. Tôi vẫn nhớ những ngày cuối đông ngoài trời rét mướt, trong gian phòng khách, tôi ngồi cạnh mẹ. Dưới ngọn đèn dầu, bên cái “tráp” bằng nhôm đựng đồ may như kim chỉ…Mẹ ngồi may áo, một tay cầm kim, một tay khẽ nâng cái áo lên, may từng mũi kim lên, xuống đều đặn, hết đoạn này đến đoạn khác. Chốc chốc mẹ tôi lại lấy cục sáp ong suốt chỉ để cho chỉ trơn không bị rối. Thỉnh thoảng bà dừng lại để xâu kim hay cắt chỉ. Các chị tôi cũng ngồi xúm xít xung quanh. Có khi, mẹ vừa may vừa kể chuyện Phạm Công Cúc Hoa. Tôi cứ ngồi xích gần, xích gần lại. Sợ nhất là khi mẹ kể đến đoạn hai chị em Nghi Xuân, Tấn Lực ra mộ và mẹ Cúc Hoa hiện về bắt chấy cho con…
Có những lúc khuya quá, tôi lại buồn ngủ và thế là tôi nằm sát vào bên chân mẹ để ngủ trong khi mẹ tôi vẫn miệt mài may áo quần…Những giây phút ấy, bây giờ nhớ lại sao nó êm đềm và ấm áp biết bao! Nó khắc sâu vào trong tâm trí tôi xâu kết thành những mảng ký ức tươi đẹp của một thời thơ ấu.
 Và rồi đến lúc ba tôi bắt đầu đem mấy cây mai ra tỉa lá là lòng tôi như rạo rực hẵn lên. Những ngày sau đó, mẹ tôi chuẩn bị làm dưa món, bánh mứt… chị em tôi lại vui như hội và tôi thấy cái Tết như đang gần kề.
Cả nhà thường ngồi bên cạnh để xem mẹ chuẩn bị làm bánh. Trước tiên là phơi bột, chị tôi hỏi:
-Mạ ơi! Sao mạ phải phơi bột vào buổi tối thế hả mạ?
-Phơi buổi tối lấy sương đêm để bột nó dịu không thì nó sẽ khô khốc không in bánh được.
Khâu phơi bột cũng rất là kỳ công. Đêm mẹ tôi không bao giờ ngủ yên giấc. Cứ chốc chốc, lại trở dậy ra xem. Có đêm sương xuống nhiều quá thì phải đậy sàng bột bằng vải thưa kẽo bột sẽ bị đẫm ướt. Có đêm bất chợt có một cơn mưa nào đó rơi xuống. Thế là phải nhanh chóng chạy ra sân đem bột vào chứ không thì bỏ luôn sàng bột…
Hết bánh in, bánh hồng đến bánh thuẩn, bánh bông lan…rồi rim mứt. Nào là mứt gừng, mứt dừa, mứt bí, mứt me, mứt chùm ruột…nhưng có lẽ thú nhất là chị em tranh nhau vét nồi. Sao mà nó ngon lạ, ngon hơn cả khi được mẹ cho mứt ăn vào những ngày Tết.
Lúc bé, tôi chưa biết gì nhiều nhưng tôi vẫn biết rằng Tết đến mẹ tôi lo toan, sắp đặt mọi việc trước sau. Rồi bỏ rất nhiều công sức ra làm bánh, làm mứt… Mẹ còn phải thức khuya dậy sớm để lo chu toàn cho ngày Tết.
Khi mẹ tôi gói bánh tét, bánh chưng là ba tôi và cả chúng tôi cùng túc trực để phụ giúp. Mẹ gói bánh rất kén chọn lá, lá chuối phải là lá chuối hột thì bánh mới xanh. Lá chuối được phân thành những loại lá đầu, lá khổ rộng thì dùng làm thân bánh, lá bên ngoài…rửa và lau lá sạch đem phơi nắng cho lá mềm. Lạt buộc phải chẻ thật mỏng, chiều dài vừa phải và phải ngâm nước một đêm cho nó mềm mại. Rồi đến khâu chọn mua nếp, mua đậu… Hình ảnh mẹ tôi ngồi nhặt từng hạt thóc, từng hạt gạo tẻ …từ trưa cho đến khi bóng mẹ mờ mờ in rõ dần trên vách trong buổi chiều tàn. 
Thường thường, mẹ tôi vừa làm vừa giải thích, như để truyền những kinh nghiệm… Năm nào cũng vậy, các chị tôi ngồi bên xem mẹ gói bánh, giúp mẹ đưa lá hoặc cột dây…Còn tôi mong sao đến khi gói gần hết nếp là tôi xin một chút nếp để gói một cái bánh nhỏ. Rồi khi bánh bỏ vào thùng để nấu, cái bánh của tôi để lên trên cùng. Trời cuối đông miền Trung rét buốt mà cả nhà ngồi quây quần bên bếp lửa hồng sao mà ấm áp, hạnh phúc vô cùng. Bánh chín tôi vui mừng vì mình có cái bánh nhỏ nhưng không dám ăn chỉ cầm chơi. Cũng nhờ quanh quẩn bên mẹ mà sau này khi ba chị em chúng tôi lớn lên, người nào cũng đều biết chút ít về thêu thùa may vá và làm bánh trái …
Hai ba tháng chạp cúng đưa ông Táo về trời. Không phải như bây giờ ra tiệm mua là có sẵn hết. Mẹ cúng đưa Ông Táo bằng bông chuối và nấu nồi xôi chè. Lễ cúng ông Táo rất là trịnh trọng. Mẹ tôi áo dài chỉnh tề đứng trước bàn mâm lễ khấn vái rất thành khẩn. Không biết mẹ khấn những gì nhưng đứng lâm râm lâu lắm rồi lạy mấy lạy…
Một lần nọ, tôi hỏi:
-Mạ ơi, vì sao mình phải đưa ông Táo về trời?
-Ông Táo là người trông coi bếp núc. Ông ghi chép hết mọi việc làm tốt xấu của mọi người trong nhà năm qua báo cáo lên Ngọc Hoàng. Vì vậy, hàng năm ngày hai ba tháng chạp là ông Táo về chầu trời.
-Rồi ngày mấy ông xuống lại, hả mạ?
-Ngày ba mươi Tết. Khi mà mình cúng rước tổ tiên ông bà thì mình đón ông trở lại.
Từ khi nghe mẹ nói như thế, tôi sợ lắm không dám làm gì xấu. Nhất là không dám chạy vào bếp ăn vụng như trước nữa vì sợ ông sẽ lên tâu với Ngọc Hoàng. Rồi tôi lại nghĩ mấy ngày ông lên trời ở nhà nếu có việc gì xảy ra thì làm sao ông biết? Vì vậy chắc mọi người muốn làm gì tùy thích ông đâu có mà biết mà tâu với Trời nhỉ?
Những ngày cuối năm, ai ai cũng quét dọn nhà cửa. Ba tôi nói đây là phong tục “Tống cựu nghinh tân” nói nôm na là bỏ đi những cái cũ để đón những cái mới. Nhà cửa quét dọn sạch sẽ, bàn thờ tổ tiên trang trí đẹp đẽ, bỏ đi mọi thứ rác rưởi, sắm mới chén bát, mọi vật dụng trong nhà, cắt tóc hay làm mới đầu tóc, may sắm quần áo mới…
Tôi thích nhất là buổi chiều cuối năm. Một buổi chiều bình yên lắng đọng. Mọi người đều dừng lại mọi công việc để quay về bên mái ấm gia đình. Quây quần bên bàn thờ, đoàn tụ bên mâm cơm …Trong giờ khắc này con người như trở về lại với cội nguồn, trở về lại với chính con người thật của mình…rồi ngẫm nghĩ chuyện trong một năm qua.
Năm nào cũng thế, ba tôi luôn nhắc nhở chúng tôi là sau giao thừa thì lời ăn tiếng nói phải cẩn thận. Không gây gỗ, nhăn nhó...phải vui vẻ, niềm nở với mọi người. Ngày mồng một không được bước đến nhà ai trừ nhà của ông bà, cha mẹ hay bà con… Ngày Tết không được quét nhà vì sợ quét nhầm Thần Tài ra khỏi nhà…
Ba mẹ tôi chuẩn bị lễ cúng giao thừa rất là đầy đủ. Một mâm cúng trên bàn thờ gia tiên, một mâm cúng Thiên địa ở trước sân nhà. Mẹ tôi bày mâm ngũ quả thật đẹp. Sau này vào Nam, tôi lại thấy người Nam chưng bày mâm ngũ quả theo tiếng gọi hay gọi trại như : Mãng cầu, trái sung, quả dừa, đu đủ, trái xoài ( cầu sung dừa đủ xài )… Trong lúc ba mạ tôi kính cẩn khấn vái thì tôi lại vào bàn học lấy vở ra học bài. Cái phong tục này tôi rất thích và giữ mãi truyền lại cho các con tôi rồi học trò tôi…Bây giờ cũng thế cứ giao thừa là tôi lại ngồi vào máy vi tính gõ một vài câu mở đầu cho một truyện ngắn nào đó xem như “khai bút đầu năm”.
Giao thừa thường bắt đầu trong khoảng 11g đến 1giờ sáng. Cúng xong ba tôi thường chọn hướng xuất hành đi lễ Chùa. Nhà tôi ở hướng Bắc mà Chùa thì hướng Tây. Có năm xuất hành hướng Đông, thế là cả nhà phải đi theo hướng Đông rồi vòng lại. Có năm xuất hành hướng Nam, cả nhà phải xuất hành ngõ sau…
Hình ảnh cả gia đình tôi xuất hành đầu năm để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp. Ba mạ tôi áo dài khăn đóng đi trước, ba chị em tôi áo dài hớn hở đi sau. Trong lòng mỗi người tràn ngập niềm vui và hạnh phúc. Trước bàn thờ Phật hương trầm nghi ngút, trong giây phút giao thoa giữa năm cũ và năm mới, tôi thành tâm đứng khấn nguyện mọi điều tốt lành đến với mình, với người thân, với đồng bào và với đất nước Việt Nam… Ngoài sân chùa, người người đi lễ hay đến hái lộc đầu năm càng lúc càng đông hòa với tiếng pháo nổ đì đùng vang vang rộn rã.
Ngày Mồng một tôi dậy rất sớm! Xúng xính trong bộ áo quần mới, đi đôi guốc mới. Tôi thấy mình lớn hẳn vì năm mới thêm tuổi mới. Gia đình tập họp đông đủ tại phòng khách. Ba mạ tôi ngồi ở bàn khách, chúng tôi đến bên cạnh và nói lời chúc mừng năm mới. Sau đó, ba mạ tôi lì xì cho chúng tôi.

Từ lúc ba mươi rước tổ tiên ông bà về cùng ăn Tết thì trên bàn thờ lúc nào cũng nghi ngút trầm nhang. Trong mấy ngày Tết, mỗi ngày sửa soạn ba lần để cúng. Sáng cúng bánh, cúng nước, trưa cúng cơm, chiều cúng cơm. Ròng rã từ mồng một cho đến mồng bốn. Đến mồng bốn, cúng đưa ông bà về trời thì mới thôi. Cho nên ba ngày Tết chị em chúng tôi phải lo túc trực cúng kiến không đi chơi đâu được. Thấy mọi người đi chơi mà ao ước! Tôi nói nhỏ với hai chị tôi rằng sau này lớn lên, Tết đến, mỗi ngày tôi chỉ cúng một lần thôi! Các chị tôi cũng đồng ý như vậy! Mấy năm sau khi tôi lớn lên thì tôi thấy ba má tôi đơn giản dần mọi nghi lễ, cúng giỗ không còn như xưa nữa.
Sau này, khi tôi đã trở thành thiếu nữ. Cứ mỗi độ Xuân về niềm vui vẫn thế nhưng tâm hồn tôi bắt đầu biết bâng khuâng, biết xao xuyến khi gió xuân về hay khi nhìn những nụ mai trên cành vừa hé nở và thoáng rung động khi có ánh mắt ai nhìn.
Hai năm học Sư Phạm, Mỗi lần Tết đến, thấy các bạn ở nội trú náo nức thuê xe đùm túm, tay xách nách mang đi về quê ăn Tết thì những giáo sinh ngoại trú như chúng tôi lại thấy nao nao trong lòng. Thầm mong ước rằng, giá mình cũng được về quê ăn Tết như thế?
Rồi tôi trở thành cô giáo ra dạy ở một làng quê. Tết đến lòng tôi náo nức, mong ngóng từng ngày để về nhà . Tâm trạng cô giáo trẻ hớn hở lãnh tháng lương mua sắm thật nhiều quà nào là bánh tráng dừa, bánh tráng củ lang, bánh nổ, bánh hột xoài, đường, đậu, nếp… mang về biếu bố mẹ, biếu người thân trong dịp Tết. Và hân hoan vui sướng khi về nhà nhận được rất nhiều những cánh thiệp chúc Tết của bạn bè.
Ngày Tết lại càng có ý nghĩa hơn khi tôi đã có một gia đình nhỏ. Lúc này Xuân đến lòng càng nôn nao xen lẫn những lo toan. Rồi cũng theo những phong tục của ngày Tết, tôi lo cho mái ấm của mình êm ấm đầy đủ sung túc hạnh phúc.
Bây giờ thì tuổi về hưu, đã có cháu nội, cháu ngoại. Nhìn thấy cháu chắt xum xoe quần áo mới, con cái sắm sửa chuẩn bị Tết theo phong tục cổ truyền của ngày Tết…Lòng tôi cũng nao nao, dường như trong con cháu, tôi lại bắt gặp hình ảnh mình của những ngày xưa hiện về.

Ngày Tết cổ truyền của dân tộc ta có nhiều phong tục hay cần phải duy trì nhưng cũng phải biết chọn lọc những mỹ tục, tập quán tốt, loại đi những hủ tục không đáng có.
Tết Nguyên Đán ở quê tôi, để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp. Tôi vẫn mang theo cố gắng gìn giữ mãi để bây giờ truyền lại cho con cháu. Để thế hệ đi sau biết về cội nguồn, hướng về Tổ Tiên, yêu đồng bào dân tộc, tự hào với truyền thống đất nước… Làm thế nào sống tốt với mọi người, biết cách ăn ở cho có nhân, có nghĩa… thắt chặt tình cảm đối với mọi người trong gia đình tạo mối dây thân ái trong làng xóm trong cộng đồng. Nói chung là  ông cha ta mong muốn tất cả đều hướng đến chân thiện mỹ làm cho cuộc sống chúng ta mỗi ngày một tốt đẹp hơn lên.
Xuân Quý Tỵ đã gần kề, mong sao một năm mới này sẽ đem đến cho mọi người nhiều sức khỏe, ấm no, an vui và hạnh phúc như lời bài hát Câu Chuyện Đầu Năm
Mong đầu năm cuối năm gặp may, Gia đình luôn hạnh phúc sum vầy. Trên bước đường danh lợi rồng mây. Duyên vừa đẹp ý đắp xây. Ôm nàng xuân đẹp vào tay…

Không biết tôi có xưa không nhỉ? Nhưng thật sự từ đáy lòng, tôi rất thích các phong tục cổ truyền ấy và cũng rất thích nhìn thấy hình ảnh mỗi nhà đều dán câu đối đỏ trong ngày Tết:
Năm mới hạnh phúc bình an đến
Ngày xuân vinh hoa phú quý về.

Trời thêm tuổi mới, người thêm thọ
Xuân khắp mọi nơi, phúc khắp nhà.

Sài Gòn, Mùa Xuân 2013.

MÙA XUÂN YÊN BÌNH

MÙA XUÂN YÊN BÌNH.

                                    Irene.
         Bây giờ vừa sang tháng chạp ta là đã nghe không khí Tết lao xao lùa trong gió. Mùa Xuân trở về mang theo hơi thở ấm áp, xua dần đi cái lạnh lẽo của núi đồi, xua tan cái băng giá Mùa Đông. Nàng xuân trẻ trung, tươi tắn, mát mẻ xuất hiện khắp mọi nơi đem đến cho vạn vật một sức sống mới. Đánh thức cả cái xóm nhỏ của cái làng heo hút ở vùng cao này.
         Tối đến, con nít lại tụ tập nô đùa vui vẻ. Người lớn thì bắc ghế ra trước hiên nhà  tụm ba, tụm bảy ngồi quây quần bên nhau uống trà chuyện trò. Quanh đi quẩn lại cũng là những chuyện về ngày Tết…
         Thời tiết dần dần thay đổi mỗi ngày. Ngày không mưa cũng không nắng. Chỉ thấy trời râm mát hơi se lạnh càng làm cho mọi người cái cảm giác nao nao trong lòng, chờ mong từng ngày.
         Sáng nào cũng vậy Hiền có thói quen thức dậy sớm. Ngủ nướng thêm một lát rồi mới ngồi dậy bước xuống giường. Cô khoác vội cái áo len, quấn thêm mấy vòng chiếc khăn quàng cổ cho ấm rồi mới mở cửa bước ra phía sau nhà.
 Trong làn sương sớm lành lạnh của Cao Nguyên. Có ai đó thấp thoáng trong màn sương bên những luống rau? Thì ra Huy chồng của Hiền đang lúi húi chăm sóc, tưới bón…
         -Anh đang làm gì đó? Sửa soạn đi dạy đi kẽo trể, để đó em làm nốt cho!
         -Sáng nay anh nghỉ hai giờ đầu cho nên thong thả rồi đi cũng được.
         -Nhưng mà anh cũng phải nghỉ tay đi, để vào ăn sáng!
         - Ừ, chờ một chút, anh tưới nốt mấy luống rau nữa là xong thôi mà!
         Huy năm nay cũng gần sáu mươi tuổi, còn hơn một năm nữa là đến tuổi hưu rồi. Hai vợ chồng sống với nhau trong căn nhà  nằm dưới chân đồi sát bên ngôi trường Tiểu học. Quê anh ở Phú Yên. Ba mẹ anh bị bệnh rồi lần lượt qua đời trước năm 75. Sau này lập gia đình, anh theo vợ về lập nghiệp ở đây luôn. Hằng ngày, Huy đi dạy, sau giờ dạy về nhà làm vườn trồng rau trái, nuôi mấy con gà, có lúc lại nuôi một vài con heo để tăng thu nhập cho đời sống. Thời gian còn lại rảnh rỗi anh lại viết lách cho các tờ báo. Lâu lâu cũng có chút ít tiền nhuận bút. Với số tiền đó anh lại mua thêm giống cây trồng hay mua vài con gà nuôi. Nhờ vậy quanh năm có rau trái ăn và còn có trứng, có thịt gà…Ngày Tết để dành được con heo bán lấy tiền mua sắm. Anh siêng năng lắm! Đi dạy thì thôi, còn về nhà thì làm việc luôn tay. Anh cũng thường làm giúp cho các người dân trong xóm mấy việc lặt vặt. Thấy vườn rau của ông Tư trồng sát bên thế là anh cũng bắt sâu, nhổ cỏ, bón phân, tưới nước dùm. Tính tình thì hiền hậu cho nên mọi người ai cũng quý mến anh.
         Hiền ngồi xuống bậc thềm, lơ đãng nhìn những luống rau lang tươi tốt. Luống cải xanh non. Những cây cà chua trĩu quả, có chùm trái đã hườm hườm. Giàn mướp với những bông hoa vàng vàng, trái thì mới chòi ra, trái thì lủng lẳng dưới cành. Những cây ớt trái xanh, trái đỏ đan xen nhau…Thoang thoảng trong gió đưa lại hương thơm ngan ngát của hoa chanh, hoa bười. Huy và Hiền thích ngồi bên nhau ở đây để ngắm khu vườn với màu xanh tươi mơn mởn chạy dài xuống tận dưới chân đồi…có lúc mơ màng Huy lại lãng đãng theo những vần thơ của Nguyễn Đình Toàn.
         Khi em về trời xanh và gió mát
         Con đường mòn thơm lá mục quê hương
         Vườn cải ngồng dỗ ong bướm về sân
         Anh nằm đấy buổi trưa và tiếng nắng…
        
         -Anh ơi! Anh hái mấy trái mướp để trưa nay nhà mình nấu canh ăn kẽo để nó già đi mất!
         -Ừ, anh thèm rau lang luộc nên anh có hái một bó, trưa em nhớ luộc nghen!
         -Dạ, nhớ hái cho em mấy trái chanh, mấy trái ớt nữa! Hiền nói vói xuống.
         Lát sau, Huy đưa cái rổ đựng mấy trái mướp non còn phấn trắng, nắm ớt, vài trái chanh tròn tươi xanh mọng nước có cả lá cho Hiền.
         -Hôm nay em không có giờ dạy à?
         -Chiều em mới có giờ.
Hiền đã về hưu nhưng vì cô có chút vốn liếng ngoại ngữ, bằng B Anh văn nên trường đã đề nghị với cô đảm nhận một tuần vài tiết dạy cho học sinh hai khối lớp 4 và 5. Nhờ vậy Hiền cũng cảm thấy vui vì vẫn còn ở bên học sinh.
         Huy ngồi xuống bậc thềm sát bên vợ rồi đưa mắt nhìn những màu xanh ngút ngàn phía trước mặt. Không khí buổi sáng ở đây rất thoáng đãng trong lành. Xa xa là núi đồi trập trùng. Mấy cái nhà sàn của những người dân tộc khi ẩn, khi hiện trong màn sương trắng đục. Tiếng chim chóc hót véo von trong các vòm lá vang vang dội vào trong vách núi. Những con ong, con bướm đủ màu sắc đang chập chờn bay lượn trên những đóa hoa mướp vàng vàng. Không gian trầm lắng yên bình. Huy thấy tâm hồn mình thanh thản nhẹ nhàng một cách kỳ lạ.
         -Anh nè! Mấy cây vạn thọ, mấy cây cúc ra hoa có kịp Tết không anh? Hiền nhìn những luống cây hoa quay lại hỏi chồng.
         -Chắc là kịp! Bây giờ nó đã ra nụ nhiều rồi. Nhưng mà nó ra không kịp thì ra giêng mình vẫn cứ ăn Tết, phải không em? hì hì! Vừa nói anh vừa cười.
Hiền không nói gì. Mỗi khi ngồi ở đây là Hiền thường thả hồn mình về với ngày cũ…
         Hiền mồ côi cha khi còn rất bé. Nhà nghèo, mẹ Hiền phải buôn bán tảo tần hôm sớm nuôi con ăn học. Đậu Tú tài xong Hiền thi và đậu vào trường Sư Phạm Qui Nhơn. Hai năm sau, ra trường Hiền lên dạy Phú Bổn. Mẹ Hiền cũng theo con. Hai mẹ con thuê nhà ở. Hàng ngày Hiền đi dạy còn mẹ thì buôn bán tạp hóa lặt vặt. Cuộc sống của mẹ con Hiền cứ thế tạm gọi là ổn định.
         Hai năm học trong trường Sư Phạm ở Qui Nhơn, Hiền và Huy quen nhau. Huy học trên nàng một khóa. Cuộc thi văn nghệ của lớp, qua một người bạn trong lớp giới thiệu. Huy đến tập dợt, đệm đàn cho Hiền hát. Bài hát Tình Quê Hương của Đan Thọ Hiền hát đơn ca rất thành công trong đêm diễn. Và cũng từ đó hai người yêu nhau.
Huy tốt nghiệp ra trường đổi về dạy ở quê là Phú Yên. Hồi đó chiến tranh nên đường sá xa xôi, cách trở…Thỉnh thoảng nghỉ lễ, anh vội vàng ra Qui Nhơn, vào nội trú thăm Hiền. Hai người lại tay trong tay đi trong sân trường hay đi dạo dọc theo những con đường phố ở Qui Nhơn có lúc ra ngắm biển. Đó là những ngày thơ mộng của một thời giáo sinh.
         Năm sau, Hiền ra trường đi dạy. Với vị thứ đậu ra trường, Hiền chọn lên Phú Bổn. Lúc Hiền mới lên đây, anh cũng thường xuyên lên thăm cô. Phú Bổn một huyện lỵ nhỏ. Khí hậu gần giống Đà Lạt nên mát mẻ dễ chịu. Ở đây, người dân còn rất ít,  phố xá thì chỉ có một vài con đường nhỏ lèo tèo vài ba hàng quán. Hiền có cảm giác như mình đang sống ở một cái ốc đảo nào đó biệt lập. Buồn hắt, buồn hiu!
         Huy và Hiền chưa kịp hứa hẹn gì nhiều cho tương lai thì mùa Xuân 75…
Theo đoàn người di tản Hiền và mẹ chạy theo Tỉnh Lộ 7 xuống Tuy Hòa và tìm gặp được Huy. Anh đưa Hiền về nhà giới thiệu với anh chị và bà con. Sau khi đất nước yên ổn, Hiền và mẹ trở lại Phú Bổn. Hiền tiếp tục đi dạy lại. Rồi mẹ con Hiền dành dụm tích góp mua được đám đất cất nhà.
Mùa Xuân sau anh và Hiền đám cưới. Anh xin đổi lên trên này dạy để được gần Hiền.
Cuộc sống cứ phẳng lặng trôi như dòng sông. Hiền và Huy có được hai con. Bây giờ thì chúng nó đã đi làm. Cô con gái đã có gia đình. Hai vợ chồng đều làm việc tại Phú Bổn và đã cho vợ chồng Hiền một đứa cháu ngoại. Cuối tuần chúng nó lại bồng bế nhau về thăm ông bà`. Còn cậu con trai chưa vợ thì đang làm việc tại Sài Gòn.
Hiền sống êm đềm bên mẹ và chồng con trong cái xóm nhỏ lặng lẽ yên tĩnh này. Cuộc sống giáo viên ngày xưa thì vất vả, cơ cực. Thời bao cấp ai cũng thế nhưng đối với vùng sâu vùng xa như nơi đây thì lại càng khổ sở trăm bề. Vợ chồng phải trồng trọt chăn nuôi thêm. Hiền thì ngoài giờ dạy phụ chồng, phụ mẹ làm vườn rồi mang ra chợ bán.  Khi thì mớ rau, khi thì trái cà, trái mướp…kiếm thêm tiền nuôi con ăn học. Cuộc sống đạm bạc, giản dị nhưng hạnh phúc và an bình.
Bây giờ thì kinh tế khấm khá lên rồi. Tháng nào cũng dư giã chút ít nên hè vừa rồi hai vợ chồng mới sửa lại cái nhà. Nhà cửa giờ đã rộng rãi, khang trang. Mẹ Hiền cũng đã tám mươi tuổi. Thế nhưng nhờ trời cụ vẫn khỏe mạnh.
Hiền quay vào nhà, chế café, nấu bữa ăn sáng. Hiền bưng cháo vào cho mẹ rồi hai vợ chồng vừa ăn sáng vừa nhâm nhi hương vị café Tây Nguyên.
Có một năm cũng vào dịp Xuân về Tết đến. Huy bảo với vợ:
-Em ơi, anh định Tết này mình gói thật nhiều bánh chưng, bánh tét?
-Chi vậy anh?
-Năm nay nhà mình cũng đỡ, con cái hai đứa thì đã ổn định. Nhưng nhìn xung quanh, anh thấy còn rất nhiều người nghèo khổ ở trong xóm mình. Nhiều nhà lại gặp hoàn cảnh cơ cực! Nên anh bàn với em, nếu được thì mình đem một chút bánh biếu Tết cho những gia đình khó khăn đó.
-Đúng đó! Em thấy mình cũng nên đem vào vùng trong cho các đồng bào dân tộc nữa anh à!
-Ừ.
-Em định ra giêng, mỗi tuần em bỏ ra vài ba buổi tối dạy dùm con em những người trong xóm mình học yếu kém như cháu ông Hoành ở sau nhà mình…
-Cũng được nhưng em phải nhắm sức khỏe của mình vì bây giờ tuổi đã lớn, em lại hay đau lưng…
-Dạ, em biết rồi!
Hai người mỉm cười nhìn nhau với ánh mắt đồng thuận. Trong lòng như ấm áp hẳn lên! Mặc dầu hôm nay rất lạnh vì ông Mặt Trời trốn biệt đi đâu mất.

Những ngày sau đó, nhà của vợ chồng Hiền tấp nập, kẻ ra người vào. Huy và cánh đàn ông tất bật lo hái lá chuối sau đồi chất đầy nhà rồi hì hục chẻ lạt…Hiền và các bà trong xóm vút nếp, ngâm nếp, đãi đậu, ướp thịt…Xong đâu đó, tất cả xắn tay áo lên gói bánh. Người biết gói thì ngồi gói người không biết thì xếp lá, cột bánh…mỗi người một tay. Ròng rã thâu đêm suốt sáng bánh đã được gói xong. Các ông nhanh chóng bắc bếp nấu bánh. Mọi người cùng nhau xúm xít têm nước, chụm củi…Lửa các thùng nấu bánh cháy hừng hực khiến cho khuôn mặt ai ai cũng đỏ bừng. Hòa lẫn trong tiếng củi cháy tí tách là  tiếng nói, tiếng cười… làm cho cái xóm nhỏ như nhộn nhịp hẳn lên.
Sáng hai tám, mọi người phân thành từng tốp. Mỗi tốp vài ba người mang bánh đến cho những hộ dân nghèo trong làng. Hiền còn kèm thêm mỗi phần bánh là một bì thư vài ba trăm nghìn để họ sắm Tết. Nhìn nét mặt vui mừng, hớn hở của bà con nhất là những đồng bào người dân tộc, mọi người cảm thấy rộn lên niềm sung sướng. Riêng vợ chồng Hiền thì rạng rỡ hẳn lên. Và cũng từ đó, “tiếng lành đồn xa”, một số người nghe vậy cũng đến đóng góp “của ít lòng nhiều” và thế là “… Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Những tấm lòng đã đem đến Mùa Xuân cho những người nghèo ở vùng cao này mỗi năm thêm ấm cúng no đủ hơn. 
Cứ thế ngày qua tháng lại, vợ chồng Hiền sống chan hòa gần gũi với bà con làng xóm. Chạy qua chạy lại tâm sự cùng nhau. Tối lửa tắt đèn có nhau. Đêm đêm căn nhà lại vang vang tiếng giảng của Hiền, tiếng đọc bài của các em học sinh nghèo.
Và cứ thế, hàng năm khi Đông tàn, Xuân đến! Huy và Hiền cùng bà con trong xóm lại tất bật với công việc giúp đỡ người nghèo…đem đến cho họ một niềm sẽ chia ấm áp. Tuy bận rộn như thế nhưng hai vợ chồng Hiền cảm thấy cuộc đời đáng yêu và  cuộc sống này có ý nghĩa vô cùng.

Buổi chiều của những ngày cuối năm. Một buổi chiều thật yên bình. Hàng cây sau nhà đứng lặng im chờ gió. Không gian như lắng đọng. Một chút nhàn nhạt nắng của cuối chiều còn rơi lại vương vấn trên ngọn cây, trên đồi nương … Xa xa, những mái nhà nằm rải rác dưới lũng thấp tỏa khói bữa cơm chiều. Những làn khói lam mỏng manh quyện vào với đồi núi như ôm ấp, như quyến luyến, như bịn rịn…Hiền bỗng nghĩ đến cuộc sống của những người dân miền núi, muôn đời vẫn thế! Sướng ít khổ nhiều. Thiếu trước hụt sau. Quanh năm lam lũ cùng sương gió. Thế nhưng họ sống với nhau bằng tấm lòng thật thà, có tình, có nghĩa… Hiền yêu mảnh đất này vô cùng! Hiền thương những con người vất vả, nghèo khó ở đây biết bao! Mong sao cho ngày mai cuộc sống của họ càng ngày càng được sung túc và ấm êm hơn!

Ngoài sân, mai đang đơm nụ, cúc chúm chím điệu đàng với những búp nõn xanh, vạn thọ đã hé nở vàng vàng tươi tắn, mấy khóm dã quỳ sắp khoe sắc trong mùa Xuân…Mùa Xuân thật đẹp và cũng thật là yên bình.
Tiếng hát trong trẻo vang lên một bài nhạc xuân làm cho Hiền xao xuyến cả lòng.
Xuân đã đến rồi, reo rắc ngàn hồn hoa xuống đời…(Đón Xuân).

Sài Gòn, Vào Xuân 2013.

LY RƯỢU MỪNG XUÂN

                   Ngoài sân, hoa mai nở vàng báo hiệu mùa xuân đang đến!          Mùa xuân được xem là mùa khởi đầu. Mùa xuân khí...