Tôi có thói quen đi dạy sớm. Không biết cái thói quen này có từ lúc nào? À mà phải rồi Hình như là lúc các con tôi bắt đầu đi học xa. Buổi sáng thức dậy, anh nhà tôi ra sạp báo đầu đường mua một tờ báo, ghé quán café gần đó vừa đọc vừa nhâm nhi, sau đó mới đi làm. Còn tôi cũng sửa soạn lên xe ra khỏi nhà đi dạy khi thành phố mới trở mình.
Nhà tôi không xa trường mấy. Đi hết một con đường thì đến trường. Nhà ba má tôi cũng trên con đường này. Cho nên sáng nào tôi cũng ghé lại. Xem sức khỏe của má thế nào? Rồi ngồi ở sân giữa, dưới gốc cây ngọc lan, uống một ly café sữa, ăn một chút gì để điểm tâm rồi lên xe, đạp chầm chậm, thong thả đến trường và thấy trong người thật thoải mái nhẹ nhàng.
Đến lớp, để cái túi xách lên bàn rồi bước ra hành lang. Tôi nhìn xuống sân trường.
Tôi yêu mùa thu, tuy Quy Nhơn không có mùa thu nhưng bầu trời vẫn có những đám mây trắng bồng bềnh trôi và có từng cơn gió nhẹ của lúc giao mùa. Vì yêu mùa thu nên tôi nhận biết và nhạy cảm với những đổi thay của các cây cối trong sân trường: Hàng phượng sân trước lá ngả sang sắc vàng, chỉ cần một cơn gió hay một lay động nhẹ, những chiếc lá li ti sẽ rơi lả tả xuống cả một khoảng sân. Những cây bàng giữa sân lá đã sẫm màu hơn, chỉ chờ mùa đông đến là choàng áo đỏ. Vài cây sứ, lá rụng trơ cành chỉ còn sót lại vài chùm hoa trắng, đang cố gắng lan tỏa mùi thơm thoang thoảng. Các nàng ô môi đứng trước cửa các lớp học vẫn cố buông rủ những chùm hoa vàng cuối cùng.
Ngôi trường nằm ngay trung tâm thành phố nhưng rất yên tĩnh nhờ nó nằm khuất lấp ở một góc đường. Tôi yêu ngôi trường lắm Nó gắn bó với tôi từ thời tôi còn học Tiểu học. Mỗi phòng học, mỗi bậc thềm hay góc sân trường đều để lại cho tôi nhiều kỉ niệm thân thương, gợi nhớ tuổi ấu thơ vô tư, hồn nhiên cắp sách đến trường…Bây giờ là cô giáo, tôi lại được may mắn về giảng dạy tại ngôi trường xưa.
Học sinh lũ lượt kéo đến mỗi lúc một đông. Chúng lay động sự im lìm của các lớp học, phá tan sự tĩnh lặng của sân trường. Chúng đi lại, chạy nhảy khắp nơi, nói chuyện vui đùa… Những chú chim trên cành cây cao ghé mắt nhìn xuống rồi cất tiếng hót ríu rít. Nắng vàng rắc nhẹ xuống cũng là lúc tiếng trống vang lên báo hiệu giờ vào lớp. Sân trường bây giờ vắng vẻ chỉ có tiếng gió thổi lao xao.
Tôi vừa chấm dứt bài giảng,cô giáo viên trực xuất hiện trước cửa lớp:
- Chị Uyên Xuống phòng giáo viên có người cần gặp chị
Tôi vội vàng hướng dẫn bài luyện tập. Gởi lớp cho thầy giáo bên cạnh, xuống cầu thang.
Bước vào phòng, tôi thấy một người đàn ông nhưng mãi đến khi nghe
giọng nói và nụ cười quen quen:
- Uyên
Thoáng một giây sững sờ:
- Ồ, Phúc
Nỗi nhớ òa vỡ, muốn chạy đến nhưng hai chân tôi cứ đờ ra, tôi lắp bắp:
- Phúc về… lúc nào?
- Phúc về được vài ngày rồi, Uyên khỏe không? Nhìn chiếc áo dài vàng tôi đang mặc, Phúc cười cười hỏi nhỏ:
- Bây giờ, Uyên không còn thích màu tím nữa à?
“ Thôi áo em rồi không còn tím nữa
Thôi hoa vàng mây trắng sẽ bay qua…”
Ngày xưa khi mới quen, Phúc rất thích tôi mặc áo màu tím nhưng từ dạo Phúc ra đi, tôi không còn tha thiết với màu tím nữa.
Tôi không trả lời, cứ tíu tít hỏi từ chuyện gia đình đến công việc, dễ chừng mười mấy năm mới gặp lại. Khi nói đến gia đình giọng Phúc trầm xuống: - Chuyện gia đình của Phúc buồn lắm chẳng đi đến đâu, chúng mình mới ly hôn.
- Phúc lúc nào cũng vậy. Tính thì nghệ sĩ, sống thì rất phóng khoáng. Mà cuộc sống gia đình cần một mẩu người khác kìa
- Đâu phải lỗi do Phúc Phúc chống chế biện hộ.
Thôi đừng nói nữa… Ngày xưa cũng vì cái tính bất cần đời của Phúc mà Uyên ngại... Uyên được nuôi dưỡng trong một gia đình có một cuộc sống ngăn nắp đều đặn, chừng mực. Học xong trung học, tốt nghiệp Tú tài vào Sư Phạm ra trường đi dạy học. Sống một cuộc sống mô phạm, lúc nào cũng giữ gìn danh thơm tiếng tốt cho đến ngày lấy chồng sinh con… rồi cũng xây dựng gia đình trong một khuôn khổ đã định sẵn. Cuộc đời cứ thế như những vòng tròn lăn đều đặn theo thời gian.
Còn Phúc, sau 75 anh cũng nộp đơn xin đi dạy lại. (Phúc học Sư Phạm Qui Nhơn khóa 12 ) nhưng với thái độ bất cần, không muốn ghép mình vào một khuôn khổ. Cuối cùng anh bỏ dạy.
Mùa thu ấy Uyên lấy chồng. Mùa thu ấy Phúc ra đi. Rồi Phúc tìm vui ở nơi chân trời xa ấy còn Uyên sống phẳng lặng bên chồng con.
Thấy Uyên trầm ngâm nhìn ra sân trường:
- Sao thế Uyên?
- Ồ Không có gì Uyên giật mình, nói qua chuyện khác.
- Phúc về Việt Nam được bao lâu?
- Nửa tháng, một tháng cũng chưa biết Phúc đột ngột đứng dậy.
- Thôi, Phúc về Để Uyên dạy. Tối nay, Phúc ghé nhà thăm gia đình Uyên.
Tôi đưa ra tận cổng trường, Phúc quay lại:
- Uyên ơi ngày xưa mình hay đứng ở đây đợi tiếng trống tan trường.
Tôi mỉm cười:
- Ừ! Ngày xửa ngày xưa …quá lâu rồi Sao nghe như trong chuyện cổ tích.
Phúc quay lại, hất hất mái tóc, nheo mắt nhìn tôi cười. Phúc đi rồi Tôi thẩn thờ bước vào lớp.
Có những người lặng lẽ đi qua đời mình, để lại cho mình những mùa thu và những nỗi nhớ.
Buổi tối, Phúc đến thăm gia đình tôi. Chồng tôi tiếp đón Phúc vui vẻ, lịch sự. Phúc thì hồ hởi, kể chuyện huyên thuyên. Phúc mời chúng tôi đến dự tiệc kỉ niệm ngày trở về của anh.
Khi chúng tôi đến nhà hàng của khách sạn Qui Nhơn thì mọi người đã có mặt đông đủ. Thấy vợ chồng tôi đến, Phúc ra tận cửa đón vào bàn tiệc rồi kéo ghế ngồi sát bên tôi. Phúc hỏi, nói chuyện với tôi. Anh quên bạn bè xung quanh, quên mất mình là người tổ chức bữa tiệc. Thái độ vồn vã của Phúc đối với tôi, khiến chồng tôi hơi khó chịu. Cuối cùng tôi phải nhắc, anh mới đứng lên đi quanh bàn tiệc thăm hỏi bạn bè.
Tính Phúc là vậy, thích gì làm nấy, chẳng để ý chung quanh, chẳng quan tâm đến mọi người nghĩ gì. Tôi thì ngược lại, lúc quen nhau, mỗi lần hai đứa đi ra đường. Tôi cứ nơm nớp sợ gặp người quen, sợ gặp bạn bè, sợ gặp phụ huynh, sợ gặp học sinh…nói chung là sợ đủ thứ
Phúc là người có đạo. Tôi lại rất thích tìm hiểu về tôn giáo. Vì thế nhiều lúc đi bên Phúc hàng giờ cũng chỉ để nghe Phúc nói về Thiên Chúa, về những lời Chúa dạy hay lắng nghe Phúc hát Thánh ca. Tôi thường theo Phúc đến Nhà Thờ vào mỗi sáng hay chiều Chủ nhật. Tôi thích sự tĩnh lặng và không khí trang nghiêm ở nơi này.
Tôi và Phúc hợp nhau về “gu thẩm mĩ”. Thích nhạc Trịnh, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng,Vũ Thành An…Cả hai đều thích Bài Không tên số 5:
Dễ thương nhất là câu:
“…Quấn quýt vân vê tà áo. Run run đôi môi nở chào. Tiếng nói thơ dại ngày ấy. Bây giờ mộng đời bay cao…”
Tâm đắc nhất là câu: “ Hãy đến chia nhau nghèo khó. Quên lo tương lai mịt mù. Hãy cố yêu người mà sống. Lâu rồi đời mình cũng qua…”
Hai đứa đều thích hội họa. Thích tranh của Picasso.
Và cả hai đều thích đi ăn chè. Dạo đó Qui Nhơn có một quán chè ngon mà cũng yên tĩnh nằm ở đường Võ Tánh nay là Lê Hồng Phong. Lần nào cũng vậy, đi chơi mỏi chân là hai đứa lại vào đây.
Hình như tôi và Phúc có duyên nhưng lại không có nợ Cho nên cả hai cứ kết bạn và thấy như thế là đủ. Chẳng cần tiến xa thêm.
Trước khi Phúc đi. Phúc đến gặp tôi. Hôm đó tôi xin nghỉ dạy. Tôi và Phúc ngồi khuất trong một quán café. Tôi nói nhiều lắm Còn Phúc thì chỉ ngồi nghe. Cuối cùng tôi nói trong niềm cảm xúc: Hai chúng minh đã chọn hai hướng đi khác nhau nhưng lúc nào Uyên cũng nhớ câu nói của Phúc
“ Tình bạn của chúng mình rất tuyệt vời, có khi còn trên cả tình yêu.”
Phúc cầm tay tôi, đó là lần đầu tiên Phúc cầm tay tôi, kể từ khi hai đứa quen nhau. Siết chặt:
- Phúc sẽ nhớ mãi ngày hôm nay
Rồi từ đó đến nay đã qua bao mùa thu. Và cứ hằng năm khi mùa thu đến Nỗi nhớ trong tôi được đánh thức và tôi lại thẫn thờ:
“…Và từng thu chết từng thu chết
Vẫn dấu trong tim bóng một người.”
( Hai sắc hoa ti gôn-TTKH )
Cuộc sống xoay vần. Thu qua Đông đến Xuân sang Hạ về Ngày tháng trôi. Cuộc đời như một dòng sông: Lúc phẳng lặng, lúc êm đềm, khi sóng gió, có khi lại thăng trầm. Phúc và tôi lặn ngụp trong dòng sông ấy Tuy không ở bên nhau nhưng khi nghe Phúc gặp những sóng gió, tôi quặn thắt lòng đau. Lúc tôi gặp thăng trầm, Phúc xót xa rạn vỡ.
Sáng nay thức dậy Uyên thấy bầu trời nhiều mây. Cơn gió nhè nhẹ chuyển mùa. Chiếc lá trên cành ngả sang sắc vàng. Ô hay Mùa thu đến tự bao giờ. Uyên bước đến bên cửa sổ hướng mắt nhìn về phía trời xa xăm Ước mong cho người ấy mãi mãi hạnh phúc.
Sài Gòn, Tháng 10/2011
IRENE
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét