Tiếng đàn guitar, tiếng hát của thằng cháu dìu dặt vang lên trong đêm:
Dìu nhau đi trên phố vắng. Dìu nhau đi trong ánh sáng. Dắt hồn về giấc mơ vảng. Nhẹ nhàng dìu nhau đi chung một niềm thương… (Thương Tình Ca – Phạm Duy )
Lòng tôi như lắng đọng. Thật kỳ lạ! Cứ mỗi lần nghe giai điệu của bài hát này, tôi lại nhớ quay quắt đến những con người, đến những con đường thân quen ở Qui Nhơn: Gia Long, Võ Tánh, Phan Bội Châu, Cường Để, Tăng Bạt Hổ, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn… vào những thập niên sáu mươi, bảy mươi và rồi hình ảnh chị tôi lại hiện rõ trong tôi.
Chị tôi hơn tôi năm tuổi. Trong ba chị em kề nhau, chị là người nhỏ con nhất. Dáng người chị mảnh khảnh, thướt tha trong chiếc áo dài trắng. Chị đi nhẹ nhàng, uyển chuyển. Khi chị cất tiếng hát, đôi mắt của chị sáng long lanh thả hồn theo giai điệu làm cho giọng hát trở nên sâu lắng, mượt mà và lôi cuốn.
Chị yêu thơ nhạc từ lúc còn rất bé. Chị thuộc rất nhiều thơ và chép nắn nót vào trong những cuốn sổ tay. Bài hát nào mới ra là chị biết ngay và tìm mua…rồi những ngày sau đó, ngày nào chị cũng tập hát. Và thế là chị truyền vào tôi niềm say mê thơ nhạc tự lúc nào không biết? Tôi còn nhớ mãi! Chị thường ngồi ở chiếc bàn học bên cửa sổ ngắm nhìn bầu trời xanh rồi say sưa hát bài Người em sầu mộng, nổi tiếng một thời:
"…Ai bảo em là giai nhân cho đời em u sầu. Ai bảo em ngồi bên song cho vương nợ thi nhân… Em chỉ là em gái thôi, người em sầu mộng của muôn đời… Vằng vặc muôn thu nét tuyệt vời…"
Chị rất lãng mạn. Học đệ ngũ, đệ tứ… chị đã lãng đãng theo những vần thơ tình của Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương, Lưu Trọng Lư, TTKH…
Thấy chị tôi mơ màng theo thơ nhạc. Ba tôi rất lo nên thường quan tâm đến chị. Ba tôi tìm một thầy giáo dạy kèm cho chị và các bạn cùng học. Chị học rất khá lại thông minh. Thế rồi không biết thế nào mà trong năm, sáu cô học trò xinh đẹp, thầy giáo học lớp đệ nhị (lớp 11) để ý và yêu một cô học trò lớp đệ tứ (lớp 9). Ba tôi biết được chuyện, tìm cách can ngăn, khuyên chị chuyên tâm lo chuyện học hành. May sao năm học đó, chị thi đậu bằng Trung học Đệ Nhất Cấp. Và chuyện tình thầy trò cũng chỉ mới thoáng qua và cũng dễ tan biến.
Ở nhà, phòng của ba chị em tôi nằm trên lầu, còn phòng ba má tôi thì ở dưới lầu nên những buổi tối chị em tha hồ hát hò, kể chuyện hay đùa giỡn. Có nhiều hôm, ngoài trời mưa rả rích, mọi người tắt đèn đi ngủ hết. Chúng tôi leo lên giường, trong đêm khuya lặng yên nằm nghe chị hát:
"Trời thu mưa bay bay, mà lòng ai như say. Hoa lá rơi đầy, từng giọt mưa rơi rơi…"
Hay:
"Cho tôi ép nốt dòng dư lệ
Nhỏ xuống thành thơ khóc chút duyên…"
Cứ thế, không biết tự bao giờ, tuổi thơ của tôi đã thấm đẫm những bài nhạc, những câu thơ và rồi cứ thế đi thẳng vào tâm hồn tôi.
Nói cho cùng thì lúc bấy giờ tôi chỉ là cô bé chưa biết hết ý nghĩa của những bài hát, những bài thơ… và cũng chẳng biết tác giả là ai? Nhưng mà vẫn thấy thích những giai điệu, những âm thanh mượt mà của nhạc và thơ .
Có thể nói rằng, cho đến ngày hôm nay, tôi lõm bõm được một chút thơ văn là nhờ chị đã đem đến cho tôi, thổi vào hồn tôi và thỉnh thoảng tôi cũng lãng đãng theo cảnh trời mây non nước…
Những năm đầu thập niên sáu mươi, Cách nhà tôi vài căn có nhà cô ca sĩ Kim Liên và ban nhạc với Bão Tố, Xuân Điềm, Xuân Lạ, Đắc Đăng… Lúc đó ở Qui Nhơn chỉ có một ban nhạc duy nhất. Chị em chúng tôi thường qua xem họ tập dợt và cuối tuần họ tổ chức trình diễn Đại Nhạc Hội tại hội trường Kim Khánh (sau này là hội trường Quang Trung).
Tôi còn nhớ! Chị tôi vì rất thích văn nghệ nên cứ xin ba má cho chúng tôi đi xem. Những tối đi xem văn nghệ, chị em chúng tôi lúc nào cũng hớn hở mặc đồ đẹp. Chúng tôi đến rất sớm ngồi ngay hàng đầu, xem say mê! Cô Kim Liên ngọt ngào với bài hát Lá Thư Miền Trung. Xuân Điềm nỗi niềm với bài Kiếp Nghèo… Bản tính lúc bé thích sôi động một chút nên dạo đó tôi rất thích Bão Tố hát bài “ Chiếc đồng hồ tay” với những giai điệu nhanh, vui nhộn :
"Tích tắc! tích tắc! Cái đồng hồ này. Tôi mang trong tay cái đồng hồ tay…"
Qui Nhơn những năm đó rất yên bình. Đến nỗi nhà chẳng cần “cửa đóng then cài” . Mọi người sống với nhau rất hiền hòa. Phố xá gần gũi quen thuộc như trong thị trấn nhỏ được tả trong Englist for today. Buổi sáng, khi trời còn mờ mờ trong màn sương thì những người buôn bán lục đục sửa soạn ra chợ sớm. Các bà với những thúng cá, rổ tôm… tươi roi rói! Từ Khu Hai mang ra chợ. Tiếng guốc của họ khua “lốc cốc” vang vang trên vỉa hè. Những chiếc xe Lam chở hàng hóa từ bến xe xuống. Những người gánh rau từ Khu Sáu hay từ đường Bạch Đằng đến chợ. Một lát sau, chiếc xe đạp của ông Ấn Độ chở sữa dê đi ngang qua. Sau đó một chút những chiếc cyclo chở các cô giáo hay thỉnh thoảng một vài thầy giáo đạp xe thong thả đi dạy. Các chú, các bác đến các công sở làm việc. Trên lề đường học sinh lũ lượt đi học… các cô, các bà đi chợ…Một lát sau, ông cảnh sát hai tay sau lưng đi bộ từ từ ngang qua để xem trật tự xóm làng, đường phố…Sáng thứ hai, đúng 7 giờ, khi cái radio nhà tôi cất lên bài chào cờ thì đồng thời lúc đó, tất cả trường học, công sở, trại lính…đều đồng loạt chào cờ. Một xã hội trật tự, có tổ chức. Cuộc sống đều đặn rất yên ổn và an bình.
Chị tôi học Tiểu học Ấu Triệu rồi Nữ Trung học. Từ bé chị tham gia trong các ban Văn Nghệ của trường. Chi tham gia trong đội múa Hai Bà Trưng của Qui Nhơn.
Vào tối thứ bảy, chị hay dẫn chúng tôi dạo phố Gia Long. Nhà tôi ở Tăng Bạt Hổ đi vòng qua Lê lợi ngược lên Gia Long. Đường Gia Long có nhiều đoạn vỉa hè rộng như (đoạn trước nhà hàng Ngũ Châu). Ba chị em đều mặc áo dài tung tăng trên phố. Tôi nhớ lần nào dạo phố là cũng có những anh đi theo hoặc đến làm quen hoặc chào hỏi, nói chuyện với chị… Chị dẫn chúng tôi vào Khánh Hưng xem sách, nhạc…rồi mỗi người chọn mua một bản nhạc theo ý thích của mình. Đến Đại Chúng mua bút mực, tập vở… Lâu lâu chị lại cho chúng tôi đi ăn kem ở Phi Điệp hay Mỹ Ly ở đường Phan Bội Châu. Có khi lại ghé tiệm bánh kẹo Hóa Hưng mua bì bánh kem hay kẹo lạc…
Lúc bấy giờ, đường phố ít xe cộ. Giữa đường thỉnh thoảng mới có một vài chiếc xe đạp, xe cyclo , phần đông tất cả mọi người đều đi bộ. Những năm đó Qui Nhơn có rất nhiều chị xinh đẹp và duyên dáng. Đường Tăng Bạt Hổ có chị Lành, chị Hồng Ngọc (con gái của bác sĩ Hoàng). Đường Nguyễn Du có chị Hân, chị Ngọc Anh, chị Kiều …Đường Lê Lợi có chị Bạch yến (con gái cô Sự)… Đường Phan Bội Châu có chị Ngọc Minh…Con ông Phó Văn thì có chị Hồng Hoa, Hồng Hà…Mấy chị con gái bà Mai Ngôn… còn nhiều, nhiều nữa mà tôi không nhớ rõ tên các chị được.
Năm 1963 chị tôi tham gia phong trào sinh viên, học sinh biểu tình chống chính quyền đàn áp Phật Giáo. Tôi cứ nhớ mãi hình ảnh chị tiều tụy sau ngày tuyệt thực nhưng đôi mắt rất là cương quyết.
Năm 1968, đậu Tú Tài, chị tôi vào Sư Phạm Qui Nhơn khóa 7. Khoảng thời gian này có rất nhiều người theo chị. Ba má tôi rất khó! Cho nên mỗi khi chị đi chơi đâu phải xin phép hoặc bắt buộc phải dẫn chúng tôi theo. Cũng vì theo chị cho nên tôi thấy những con đường Qui nhơn đẹp và lãng mạn. Những buổi chiều khi nắng đã tắt. Trên hè phố của con đường Cường Để, chị thướt tha trong tà áo dài trắng. Hai bên đường những cặp mắt ngơ ngẩn nhìn theo. Một chiếc xe vespa chạy ngang qua người lái xe ngoái đầu nhìn lại. Có khi một vài người nào đó bám theo sau rồi tìm cách làm quen… rồi hai người đi chầm chậm dưới những hàng cây.
Chị cũng có cảm tình một vài người rồi nhận lời vài cuộc hẹn hò. Những chiều thứ bảy các anh chị đi bên nhau dập dìu trên những con đường như Võ Tánh, Phan Bội Châu, Gia Long… phố xá rộn vui dưới ánh nắng tươi hồng hay trong những chiều gió lộng. Ôi! Thật là một thời thơ mộng và lãng mạn.
Học ở trường Sư Phạm chị tích cực tham gia các phong trào nhất là Văn nghệ. Tôi cứ nhớ mãi có những buổi chiều đông, ngoài trời rét mướt. Nằm trong căn phòng quấn chăn ấm áp nghe chị tập đi, tập lại những bài hát. Chị say sưa hát bài Thiên Thai của Văn Cao. Giọng chị lúc trầm, lúc bỗng, khi chậm rãi, khi dồn dập, khi thì ngân dài…
Mỗi khi trình diễn văn nghệ, chị thường dẫn chúng tôi đi xem ở Quân Y Viện hay ở trường Sư Phạm. Hôm tiệm café Lệ Đá (Nhà bạn của chị) ở đường Võ Tánh khai trương chị có lên hát giúp vui được mọi người vỗ tay tán thưởng.
Năm 1970 chị tốt nghiệp ra trường. Nhiệm sở của chị là đảo Bình Ba - Cam Ranh.
Ra trường chẳng bao lâu thì chị lập gia đình. Anh là một trong số người theo chị và cũng là dân Cường Để rồi học Đại học Cần Thơ. Anh và chị có mối tình thật đẹp. Mỗi lần từ Sài Gòn về, hai người tay trong tay dìu nhau trên phố. Những con đường ở Qui Nhơn là nơi đón bước chân anh chị, ghi dấu biết bao nhiêu kỷ niệm đẹp và trở thành những con đường tình ta đi.
Chị theo anh vào Nam dạy học. Năm 1975, vì là Hiệu Trưởng một trường Trung Học nên anh đi học tập cải tạo. Còn chị vẫn đi dạy nuôi con chờ anh về. Sau đó, cả nhà đùm túm trở về quê. Quê chồng của chị nghèo lắm! Một làng ở miền Trung đầy nắng gió mưa bão. Đất đai khô cằn, ngoài cây dừa ra chẳng có gì? Thế mà mảnh đất ấy đã nuôi sống, che chở cho chị và gia đình qua những ngày khốn khó.
Ở trường, chị làm Chủ tịch Công Đoàn, Trưởng ban Văn Nghệ, Giáo Viên Dạy Giỏi… Chị rất năng nổ trong mọi công việc trường lớp. Giọng chị hát mang âm hưởng miền Trung nên phù hợp với những bài như Khúc Tâm Tình Người Hà Tĩnh…
Thời bao cấp, ngoài dạy dỗ ra chị làm đủ nghề. Trông coi một vườn dừa rồi nấu dầu dừa, nấu rượu, nấu dầu tràm. Nuôi heo, gà… Bán thuốc tây. Những năm đó ngành y tế còn hạn chế nên chị bán thuốc tây cho bà con trong thôn xã chữa lành được nhiều bệnh. Tiếng lành đồn xa nên khắp vùng tin tưởng và mỗi khi đau ốm lại đến với chị.
Tuy bận rộn nhưng chị vẫn dành thời gian cho âm nhạc. Tôi còn nhớ mỗi lần ở Qui Nhơn có đoàn nào về hát là chiều hôm đó, chị dẫn con cái từ Sông Cầu ra gởi cho má tôi rồi đi xem. Xem về chị trầm trồ và hát đi, hát lại các bài hát cho đến khuya. Sáng hôm sau lại trở về sớm tiếp tục công việc thường nhật.
Vào mỗi dịp hè, tôi và người chị kề lại dắt con cái vào nghỉ hè nhà chị ở trong quê. Tối đến, mọi người quây quần ngoài sân, lũ trẻ nô đùa còn ba chị em hàn huyên tâm sự. Những buổi trưa ba chị em nằm với nhau, nghe chị hát lại các bài hát tiền chiến (mà vào những năm đó loại nhạc này nhà nước cấm). Chúng tôi như khát lâu ngày nay được uống nước cho nên tha hồ thỏa thích nghe một cách say mê. Có lúc cao hứng lại cùng nhau đồng thanh hát vang một bản tình ca nào đó.
Chị giỏi lắm! Tính lại nhanh nhẹn thêm cái “gu” thẩm mỹ. Một mình tự vẽ lập lăng, thiết kế, bản vẽ… rồi kêu thợ xây một ngôi biệt thự đẹp nhất xã. Ai đi ngang qua cũng trầm trồ.
Thế rồi một cơn bạo bệnh đến với chị và chị ra đi ở tuổi tứ tuần. Những ngày trước khi ra đi, chị đã tự mình thu vào băng catsette một số bài hát mà chị yêu thích. Cuộc đời như một bản thương tình ca…
…Dìu mhau sang bên kia thế giới. Dìu nhau nương thân ven chín suối. Dắt dìu về chốn xa vời, đời đời dìu nhau đưa nhau vào nghìn thu…
Chị yêu cuộc sống này vô cùng nhưng chị cũng mạnh mẽ chấp nhận cái lẽ vô thường của cuộc sống. Chị về bên kia thế giới một cách nhẹ nhàng và thanh thản…
Hàng năm, tháng bảy giỗ chị, tôi vẫn đến thăm nơi chị yên nghỉ. Chị nằm trên một cái đồi, chung quanh là hàng dừa xanh xỏa bóng, trong khu đất của giòng họ bên chồng.
Tôi thường đi dọc theo con đường làng ra viếng mộ chị. Chiều xuống chầm chậm. Nắng đã rút dần lên các ngọn cây rồi đuổi nhau chạy trên những đồi nương xa và mất hút tận chân trời phía Tây. Gió thổi từ dưới cánh đồng phía trước mặt, đưa thoang thoảng mùi hương của lúa chín quyện với mùi nhang trầm. Tôi thấy lòng mình dâng lên một nỗi buồn man mác, một cảm giác trống trải vô cùng. Nhớ da diết người chị thân yêu.
Tiếng trâu bò rục mõ về chuồng. Chim chóc gọi nhau bay về tổ. Khói lam chiều lan tỏa trên mái nhà tranh sau hàng tre, cuộn lại như những dải lụa mềm mại bay lên cao rồi tản mác vào không trung. Không gian tĩnh lặng, đất trời như hòa vào nhau…Đời người rồi cũng thế thôi, như chiều về rồi sẽ lịm tắt vào đêm tối…
Tôi ngước nhìn lên bầu trời đêm, hình như có một vì sao nào đó vừa vụt tắt …
Qui Nhơn, tháng 07/2008.
IRENE
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét