Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

TIẾNG VỌNG…

         Tháng mười một lại về! Những ngày tháng cuối cùng của năm 2013 lần lượt trôi, cũng có nghĩa là năm 2014 sắp sửa đến. Năm 2014 là năm đánh dấu kỷ niệm 40 năm ngày ra trường của những cựu giáo sinh khóa 11 Sư Phạm Qui Nhơn (1972-1974).
         Khi tôi còn trẻ, có nhiệt huyết, có lý tưởng nhưng do ít trải nghiệm nên thường thường mọi nhận định thiếu đi sự chín chắn,  hời hợt, không sâu sắc. Đến khi tuổi lớn, từng trải qua nhiều việc nên lúc này thường hay chiêm nghiệm, ngẫm nghĩ rồi lẩn thẩn nhớ lại từng điều, từng chi tiết...
         Sáng nay thức dậy, trong không gian yên ắng. Tôi bỗng thấy  nhớ đến bạn bè! Vội bật bài hát, Đêm Bây Giờ Đêm Mai của Trịnh Công Sơn và giọng hát Khánh Ly vang lên…
                                          Ôi đêm dài và cơn bão rớt
                                         Trên dải đất quê hương khô cằn
                                         Ôi bom đạn cày trên những xác
                                        Trên đồng lúa hôm nay bỏ hoang
                             Ôi da vàng Việt Nam vỡ nát
                             Xương thịt đó thiêng liêng vô cùng
                             ...
                            Đêm thôi dài, cho mai này người Việt hái lúa ngoài đồng chín.
                           Đêm no lành. Đêm thanh bình, người Việt thấy tương lai rất gần.
                          Đêm vui mừng. Đêm ttưng bừng, người Việt hát cuối làng đầu phố.
                         Đêm xa lạ. Đêm chói lòa, người Việt sống như chưa bao giờ…
           Bài hát vang lên trong đêm mãn khóa hạ tuần tháng sáu một chín bảy tư.
Bài hát đưa tôi về thời xa xưa, đã làm sống dậy trong tôi bao điều thương mến. Bao nhiêu thổn thức nhớ lại một thời tuổi trẻ của mình.
         Mùa hè năm 1974, khi khắp Qui Nhơn đang rực màu hoa phượng đỏ. Khi mà khóa 11 của chúng tôi đang bận rộn chuẩn bị cho những công việc cuối cùng của ngày Tốt Nghiệp ra trường. Thì nhà trường chuẩn bị cho chúng tôi một buổi lễ. Đó là “Đêm mãn khóa”.
         Hầu như lúc đó, tất cả chúng tôi đều ở trong tâm trạng lo lắng vui buồn lẫn lộn : Lo lắng cho tương lai sắp đến -  Vui là vì mình đã hoàn tất xong hai năm học,sắp là cô giáo, thầy giáo - Buồn là giờ phút chia tay thầy cô , bạn bè đã sắp đến gần.
         Màn đêm vừa buông xuống, mười lớp quây quần theo từng nhóm, từng lớp… san sát đứng ngồi bên nhau trong công viên trường.
         Nhạc vang lên! Chúng tôi nhìn nhau cùng hát theo…Đêm khuya dần, ánh điện vụt tắt chỉ còn bập bùng ánh sáng của lửa trại… và trong giây phút đó, giọng Bắc trầm ấm của thầy Hiệu Trưởng vang lên :
Anh Chị Em giáo sinh khóa 11 thân mến!
         Đêm đã khuya, lửa cũng gần tắt. Trước khi chia tay, tôi muốn nói với Anh Chị Em đôi lời trong “Câu chuyện lửa tàn” đêm nay.
         Nhìn khu trường với hàng thông trầm lặng từng chứng kiến bao bước chân Anh Chị Em đi về, những công viên hoa sứ nở muộn, những dãy hành lang heo hút gió đông hay phơi phới gió hè dẫn vào những căn phòng nội trú rộn ràng buồn vui đèn sách và tình bạn ý quê, nghe mỗi khi đêm xuốngtừ lòng đại dương sóng xa vọng lại nhiều thương nhớ bâng khuâng, ưu tư vời vợi…
         Tuổi trẻ, chạm vào trái tim thì dễ buồn nhưng lại cũng chóng quên… mãi cho đến sau này, khi vào đời gặp phải, vấp phải…lúc đó tôi mới thấm thía từng lời của thầy.
Sau này, tôi có nhiều lần đọc đi đọc lại bức thư và cứ mỗi lần đọc thì những lời thầy dặn dò vào đêm hôm đó giống như một điềm báo trước cho tất cả chúng tôi? Nhưng sao lúc đó, tôi không hề nghĩ đến?
         “Đêm mãn khóa” hay tôi thường đùa đó là “Đêm định mệnh”. Tôi nhớ không lầm thì hình như nhà trường chỉ tổ chức mãn khóa cho một khóa duy nhất, đó là khóa 11. Điều này có phải điềm báo rằng khóa 11 là khóa cuối cùng của trường Sư Phạm Qui Nhơn “Tốt nghiệp” chăng?
         “Câu chuyện lửa tàn”- sao lại câu chuyện lửa tàn??? Cũng như bạn Diệp Thế Thoại suy nghĩ: “…như một dự báo, lửa cũng đã tàn thật! Lửa tàn để lại bao bụi tro, hoang phế, nguội lạnh…trong tâm hồn của mỗi con người…”
         Hôm nay, gần 40 năm, đọc lại thư thầy. Xuyên suốt trong từng lời của bức thư, thầy như nhắn nhủ với chúng tôi rất nhiều điều. Những lời khuyên bảo, dặn dò như một lời tâm sự lần sau cuối :
         "…Sau đêm nay, Anh Chị Em sẽ rời ghế trường chia tay về hè để sau đó vào đời chứ không còn trở lại trường cũ như mùa thu năm trước. Chúng tôi cầu chúc Anh Chị Em gặp nhiều niềm vui trong đời, những niềm vui sâu xa từ trong lòng mà có hơn là từ bên ngoài mà nên…"
          Suốt 40 năm qua, Khóa 11 chúng tôi, phần lớn là tìm niềm vui sâu xa từ trong lòng mà có để lấp đi cho những trắc trở, vấp ngã, u buồn, phiền toái… từ bên ngoài của thời cuộc đưa đến.
         …Giây phút phân ly nào chẳng đượm buồn, và đó cũng là thân phận con người trên cõi thế. Nhưng trăng khuyết rồi tròn, ly hợp là lẽ thường tình của cuộc sống, miễn sao trong cách xa mà vẫn không xa cách, và miễn sao mỗi đổi thay đều mang mãi một chiều hướng….
         Sau ngày chia tay ra trường, chúng tôi cứ nghĩ rằng chỉ là tạm chia tay nhau để lên đường làm người thầy nhưng đâu ngờ cuộc chia tay ngày ấy là vĩnh viễn. Vì chúng tôi không còn có cơ hội trở lại trường xưa hay gặp mặt bạn bè. Thời gian chia cách kéo dài triền miên, chúng tôi không còn biết gì về nhau. Nhiều khi  nghĩ đến nhau thì chỉ còn nhớ những gì còn lại trong tâm tưởng, trong hoài niệm…
         …Tuổi Anh Chị Em còn trẻ, quá trẻ để còn đủ thời gian tự làm lấy cho mình những gì mình mơ ước. Với tuổi đôi mươi, chẳng có gì là muộn. Tất cả đang chờ đón anh chị em: Tình yêu để yêu, tình bạn để thương, tình quê hương để nhớ, những nguyện vọng để thực hiện, nghề nghiệp để phụng sự…nghĩa là cả một cuộc đời để sống, để xây lên, hoặc nếu cần, để dựng lại…
         Lời khuyên rất chân tình. Chúng tôi chỉ mới tuổi đôi mươi… nhưng thời cuộc đã ập đến! Chúng tôi chao đảo! Cuộc sống không phẳng lặng. Cuộc đời có nhiều khi ưu ái cho người này nhưng lại khắc nghiệt với người khác. Âu đó cũng là số phận! Sau biến cố ấy chúng tôi gặp nhiều sóng gió, cuồng phong…trong khi chúng tôi vẫn còn non trẻ để mà chống đỡ, để mà đối phó.
         …Trước giờ chia tay, tôi cũng muốn nói lại với Anh Chị Em một ước mong chan chứa ưu tư này của trường. Chúng tôi ước mong rằng dù hoàn cảnh đời mỗi người chúng ta như thế nào, khi đã dấn thân vào một nghề là chúng ta phải chọn lấy cho mình một hướng đi đầy ý thức. Làm thân con người chẳng ai có tự do vô điều kiện, ngoại cảnh giới hạn. Cho nên giá trị của con người tự do là chấp nhận cái mình chọn, hoặc chấp nhận cái mình phải chọn, và như vậy giá trị ở thái độ chọn hơn là ở điều chọn hay phải chọn…
         Thật vậy, chúng tôi chỉ còn cách là chấp nhận mọi hoàn cảnh để chọn cho mình một hướng đi phù hợp. Có bạn vẫn tiếp tục nghề giáo, có bạn làm nghề nông, có bạn chuyển sang nghề nghiệp  khác… Có bạn ở trong nước, có bạn lưu lạc bốn phương trời… Rất nhiều bạn kiên cường đã vượt qua mọi khó khăn, gian khó ban đầu để rồi rốt cuộc có một cuộc sống ổn định. …bên cạnh đó cũng còn có một số đông phải gặp không ít những chông gai, hiểm trở… bởi những cơn sóng đời vùi dập.
         Ròng rã 40 năm qua không phải là khoảng thời gian ngắn của một đời người. Bây giờ tất cả những người ở tuổi đôi mươi ngày xưa ấy đã là tuổi sáu mươi. Tuổi của những ngày về chiều, mỗi khi  khi sáng sớm cho đến lúc đêm về, ngẫm nghĩ nhìn lại…rồi có phút giây nào đó tĩnh lặng thì lại chợt nhớ !
         …Anh Chị Em nên nhớ thân phận con người là cô đơn. Trong cô đơn ta gặp được mình, ta gặp được người, ta gặp được Trời. Nhưng cô đơn mà đừng cô độc…
         Chắc chắn rồi! không ai muốn mình cô độc, lời khuyên  vẫn vang vọng mãi :
         …Muốn vậy, Anh chị Em hãy luôn nhớ đến nhau, thương mến nhau, nâng đỡ nhau trên những bước đường.
         Trải qua nhiều năm sống, rồi Anh Chị Em sẽ học được kinh nghiệm sâu đậm này là chẳng có gì quan trọng trong đời ngoài tình thương mến nhau…
         Tuổi sáu mươi, tất cả danh vọng, nhà cửa, tiền bạc…hầu như dần dần chùng xuống… và thấy rõ rằng rốt cuộc, cuối cùng của một đời người chẳng còn gì ngoài tình thương mến nhau. Cho nên, tất cả chỉ mong sẽ có được một cuộc sống bình yên , một tâm hồn thanh thản, an nhàn trong tình thân ái.
Nhiều người trong chúng tôi đi tìm lại bạn bè.Tìm gặp nhau để cùng nhắc lại những kỷ niệm một thời dễ thương nhất. Để cùng sẻ chia những vui buồn trong cuộc sống. Để trao đổi với nhau những sở thích, những đồng cảm…
Thời gian không còn nhiều, hãy tìm đến nhau khi trong lòng tràn đầy thương mến. Hãy trút bỏ hết mọi ngại ngần, mọi ưu tư…
…Cuộc đời là một đi tìm để được gặp, và trên hành trình tìm gặp đó, hành trang của chúng ta phải đủ nhưng đơn giản, trút bỏ những giận ghét vẩn vơ, những bận tâm vô ích, những so đo nặng nề để được nhẹ nhàng như cánh diều nương gió lên cao.

Nguồn: Internet
         Cho dù thời gian có chồng chất, cho dù trí nhớ có nhạt nhòa nhưng có lẽ tất cả cựu giáo sinh khóa 11 không bao giờ quên được những lời thầy đã dặn dò và với bao nhiêu kỷ niệm đẹp của đêm mãn khóa tháng sáu năm 1974 tại công viên trường ngày ấy.
Đêm mãn khóa mãi mãi là tiếng vọng trong lòng mỗi người cựu giáo sinh khóa 11 khi nghĩ về nhau.
         Đời người không là bao? Thời gian cũng không chờ đợi. Năm 2014 sẽ là năm khóa 11 của chúng ta tìm về lại mái trường xưa. Tìm về bên nhau một lần sau cuối, khơi lại trong đống tro tàn, lật từng viên gạch ký ức… để tìm lại từng khuôn mặt thân thương, tìm lại hơi ấm của tình đồng môn,  của tình bạn… có thể  không còn một cơ hội nào nữa!
         Đâu ai biết trước được điểm dừng của một đời người là lúc nào?
…còn bao lâu cho thân thôi lưu đày chốn đây. Còn bao lâu cho thiên thu xuống trên thân này. Còn bao lâu cho mây đen tan trên hồn người. còn bao lâu tôi xa em, xa anh, xa tôi…(Phúc âm buồn-TCS).
         Hãy về bên nhau khi còn có thể! Đừng để hối tiếc khi đã quá muộn!
Tháng 11/2013.
IRENE
* Những đoạn in nghiêng là trích dẫn thư của thầy Hiệu Trưởng Trần Văn Mẫn nói với Giáo sinh khóa 11 trong Đêm Mãn Khóa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LY RƯỢU MỪNG XUÂN

                   Ngoài sân, hoa mai nở vàng báo hiệu mùa xuân đang đến!          Mùa xuân được xem là mùa khởi đầu. Mùa xuân khí...