Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

MÙA THU NỖI NHỚ

        



Tôi có thói quen đi dạy sớm. Không biết cái thói quen này có từ lúc nào? À mà phải rồi  Hình như là lúc các con tôi bắt đầu đi học xa. Buổi sáng thức dậy, anh nhà tôi ra sạp báo đầu đường mua một tờ báo, ghé quán café gần đó vừa đọc vừa nhâm nhi, sau đó mới đi làm. Còn tôi cũng sửa soạn lên xe ra khỏi nhà đi dạy khi thành phố mới trở mình.
Nhà tôi không xa trường mấy. Đi hết một con đường thì đến trường. Nhà ba má tôi cũng trên con đường này. Cho nên sáng nào tôi cũng ghé lại. Xem sức khỏe của má thế nào? Rồi ngồi ở sân giữa, dưới gốc cây ngọc lan, uống một ly café sữa, ăn một chút gì để điểm tâm rồi lên xe, đạp chầm chậm,  thong thả đến trường và thấy trong người thật thoải mái nhẹ nhàng.
 Đến lớp, để cái túi xách lên bàn rồi bước ra hành lang. Tôi nhìn xuống sân trường.
Tôi yêu mùa thu, tuy Quy Nhơn không có mùa thu nhưng bầu trời vẫn có những đám mây trắng bồng bềnh trôi và có từng cơn gió nhẹ của lúc giao mùa. Vì yêu mùa thu nên tôi nhận biết và nhạy cảm với những đổi thay của các cây cối trong sân trường: Hàng phượng sân trước lá ngả sang sắc vàng, chỉ cần một cơn gió hay một lay động nhẹ, những chiếc lá li ti sẽ rơi lả tả xuống cả một khoảng sân. Những cây bàng giữa sân lá đã sẫm màu hơn, chỉ chờ mùa đông đến là choàng áo đỏ. Vài cây sứ, lá rụng trơ cành chỉ còn sót lại vài chùm hoa trắng, đang cố gắng lan tỏa mùi thơm thoang thoảng. Các nàng ô môi đứng trước cửa các lớp học vẫn cố buông rủ những chùm hoa vàng cuối cùng.
 Ngôi trường nằm ngay trung tâm thành phố nhưng rất yên tĩnh nhờ nó nằm khuất lấp ở một góc đường. Tôi yêu ngôi trường  lắm  Nó gắn bó với tôi từ thời tôi còn học Tiểu học. Mỗi phòng học, mỗi bậc thềm hay góc sân trường đều để lại cho tôi nhiều kỉ niệm thân thương, gợi nhớ tuổi ấu thơ vô tư, hồn nhiên cắp sách đến trường…Bây giờ là cô giáo, tôi lại được may mắn về giảng dạy tại ngôi trường xưa.
Học sinh lũ lượt kéo đến mỗi lúc một đông. Chúng lay động sự im lìm của các lớp học, phá tan sự tĩnh lặng của sân trường. Chúng đi lại, chạy nhảy khắp nơi, nói chuyện vui đùa… Những chú chim trên cành cây cao ghé mắt nhìn xuống rồi cất tiếng hót ríu rít. Nắng vàng rắc nhẹ xuống cũng là lúc tiếng trống vang lên báo hiệu giờ vào lớp. Sân trường bây giờ vắng vẻ chỉ có tiếng gió thổi lao xao.
Tôi vừa chấm dứt bài giảng,cô giáo viên trực xuất hiện trước cửa lớp:
               - Chị Uyên  Xuống phòng giáo viên có người cần gặp chị
           Tôi vội vàng hướng dẫn bài luyện tập. Gởi lớp cho thầy giáo bên cạnh, xuống cầu thang.
Bước vào phòng, tôi thấy một người đàn ông nhưng mãi đến khi nghe
giọng nói và nụ cười quen quen:
              - Uyên
Thoáng một giây sững sờ:
              - Ồ, Phúc
Nỗi nhớ òa vỡ, muốn chạy đến nhưng hai chân tôi cứ đờ ra, tôi lắp bắp:
              - Phúc về… lúc nào?
             - Phúc về được vài ngày rồi, Uyên khỏe không? Nhìn chiếc áo dài vàng tôi đang mặc, Phúc cười cười hỏi nhỏ:
              - Bây giờ, Uyên không còn thích màu tím nữa à?
                   “ Thôi áo em rồi không còn tím nữa
                     Thôi hoa vàng mây trắng sẽ bay qua…”
          Ngày xưa khi mới quen, Phúc rất thích tôi mặc áo màu tím nhưng từ dạo Phúc ra đi, tôi không còn tha thiết với màu tím nữa.
Tôi không trả lời, cứ tíu tít hỏi từ chuyện gia đình đến công việc, dễ chừng mười mấy năm mới gặp lại. Khi nói đến gia đình giọng Phúc trầm xuống: - Chuyện gia đình của Phúc buồn lắm  chẳng đi đến đâu, chúng mình mới ly hôn.
             - Phúc lúc nào cũng vậy. Tính thì nghệ sĩ, sống thì rất phóng khoáng. Mà cuộc sống gia đình cần một mẩu người khác kìa
                - Đâu phải lỗi do Phúc  Phúc chống chế biện hộ.
Thôi  đừng nói nữa… Ngày xưa cũng vì cái tính bất cần đời của Phúc mà Uyên ngại... Uyên được nuôi dưỡng trong một gia đình có một cuộc sống ngăn nắp đều đặn, chừng mực. Học xong trung học, tốt nghiệp Tú tài vào Sư Phạm ra trường đi dạy học. Sống một cuộc sống mô phạm, lúc nào cũng giữ gìn danh thơm tiếng tốt cho đến ngày lấy chồng sinh con… rồi cũng xây dựng gia đình trong một khuôn khổ đã định sẵn. Cuộc đời cứ thế như những vòng tròn lăn đều đặn theo thời gian.
Còn Phúc, sau 75 anh cũng nộp đơn xin đi dạy lại.  (Phúc học Sư Phạm Qui Nhơn khóa 12 ) nhưng với thái độ bất cần, không muốn ghép mình vào một khuôn khổ. Cuối cùng anh bỏ dạy.
  Mùa thu ấy  Uyên lấy chồng. Mùa thu ấy  Phúc ra đi. Rồi Phúc tìm vui ở nơi chân trời xa ấy còn Uyên sống phẳng lặng bên chồng con.
Thấy Uyên trầm ngâm nhìn ra sân trường:
               - Sao thế Uyên?
               - Ồ  Không có gì  Uyên giật mình, nói qua chuyện khác.
               - Phúc về Việt Nam được bao lâu?
               - Nửa tháng, một tháng cũng chưa biết  Phúc đột ngột đứng dậy.
               - Thôi, Phúc về  Để Uyên dạy. Tối nay, Phúc ghé nhà thăm gia đình Uyên.
          Tôi đưa ra tận cổng trường, Phúc quay lại:
               - Uyên ơi  ngày xưa mình hay đứng ở đây đợi tiếng trống tan trường.
          Tôi mỉm cười:
    - Ừ! Ngày xửa ngày xưa …quá lâu rồi  Sao nghe như trong chuyện cổ tích.
          Phúc quay lại, hất hất mái tóc, nheo mắt nhìn tôi cười. Phúc đi rồi  Tôi thẩn thờ bước vào lớp.
Có những người lặng lẽ đi qua đời mình, để lại cho mình những mùa thu và những nỗi nhớ.
          Buổi tối, Phúc đến thăm gia đình tôi. Chồng tôi tiếp đón Phúc vui vẻ, lịch sự. Phúc thì hồ hởi, kể chuyện huyên thuyên. Phúc mời chúng tôi đến dự tiệc kỉ niệm ngày trở về của anh.
          Khi chúng tôi đến nhà hàng của khách sạn Qui Nhơn thì mọi người đã có mặt đông đủ. Thấy vợ chồng tôi đến, Phúc ra tận cửa đón vào bàn tiệc rồi kéo ghế ngồi sát bên tôi. Phúc hỏi, nói chuyện với tôi. Anh quên bạn bè xung quanh, quên mất mình là người tổ chức bữa tiệc. Thái độ vồn vã của Phúc đối với tôi, khiến chồng tôi hơi khó chịu. Cuối cùng tôi phải nhắc, anh mới đứng lên đi quanh bàn tiệc thăm hỏi bạn bè.
           Tính Phúc là vậy, thích gì làm nấy, chẳng để ý chung quanh, chẳng quan tâm đến mọi người nghĩ gì. Tôi thì ngược lại, lúc quen nhau, mỗi lần hai đứa đi ra đường. Tôi cứ nơm nớp sợ gặp người quen, sợ gặp bạn bè, sợ gặp phụ huynh, sợ gặp học sinh…nói chung là sợ đủ thứ
          Phúc là người có đạo. Tôi lại rất thích tìm hiểu về tôn giáo. Vì thế nhiều lúc đi bên Phúc hàng giờ cũng chỉ để nghe Phúc nói về Thiên Chúa, về những lời Chúa dạy hay lắng nghe Phúc hát Thánh ca. Tôi thường theo Phúc đến Nhà Thờ vào mỗi sáng hay chiều Chủ nhật. Tôi thích sự tĩnh lặng và không khí trang nghiêm ở nơi này.
          Tôi và Phúc hợp nhau về “gu thẩm mĩ”. Thích nhạc Trịnh, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng,Vũ Thành An…Cả hai đều thích Bài Không tên số 5:
            Dễ thương nhất là câu:
            “…Quấn quýt vân vê tà áo. Run run đôi môi nở chào. Tiếng nói thơ dại ngày ấy. Bây giờ mộng đời bay cao…”
            Tâm đắc nhất là câu: “ Hãy đến chia nhau nghèo khó. Quên lo tương lai mịt mù. Hãy cố yêu người mà sống. Lâu rồi đời mình cũng qua…”      
             Hai đứa đều thích hội họa. Thích tranh của Picasso.
           Và cả hai đều thích đi ăn chè. Dạo đó Qui Nhơn có một quán chè ngon mà cũng yên tĩnh nằm ở đường Võ Tánh nay là Lê Hồng Phong. Lần nào cũng vậy, đi chơi mỏi chân là hai đứa lại vào đây.
            Hình như tôi và Phúc có duyên nhưng lại không có nợ  Cho nên cả hai cứ kết bạn và thấy như thế là đủ. Chẳng cần tiến xa thêm.
          Trước khi Phúc đi. Phúc đến gặp tôi. Hôm đó tôi xin nghỉ dạy. Tôi và Phúc ngồi khuất trong một quán café. Tôi nói nhiều lắm  Còn Phúc thì chỉ ngồi nghe. Cuối cùng tôi nói trong niềm cảm xúc: Hai chúng minh đã chọn hai hướng đi khác nhau nhưng lúc nào Uyên cũng nhớ câu nói của Phúc
 “ Tình bạn của chúng mình rất tuyệt vời, có khi còn trên cả tình yêu.”
Phúc cầm tay tôi, đó là lần đầu tiên Phúc cầm tay tôi, kể từ khi hai đứa quen nhau. Siết chặt:
   - Phúc sẽ nhớ mãi ngày hôm nay
          Rồi từ đó đến nay đã qua bao mùa thu. Và cứ hằng năm khi mùa thu đến  Nỗi nhớ trong tôi được đánh thức và tôi lại thẫn thờ:
           “…Và từng thu chết từng thu chết
    Vẫn dấu trong tim bóng một người.” 
( Hai sắc hoa ti gôn-TTKH )
Cuộc sống xoay vần. Thu qua  Đông đến  Xuân sang  Hạ về  Ngày tháng trôi. Cuộc đời như một dòng sông: Lúc phẳng lặng, lúc êm đềm, khi sóng gió, có khi lại thăng trầm. Phúc và tôi lặn ngụp trong dòng sông ấy  Tuy không ở bên nhau nhưng khi nghe Phúc gặp những sóng gió, tôi quặn thắt lòng đau. Lúc tôi gặp thăng trầm, Phúc xót xa rạn vỡ.
Sáng nay thức dậy  Uyên thấy bầu trời nhiều mây. Cơn gió nhè nhẹ chuyển mùa. Chiếc lá trên cành ngả sang sắc vàng. Ô hay  Mùa thu đến tự bao giờ. Uyên bước đến bên cửa sổ hướng mắt nhìn về phía trời xa xăm  Ước mong cho người ấy mãi mãi hạnh phúc.
       Sài Gòn, Tháng 10/2011
IRENE
                                                                              
           

Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

BỐN MÙA HOA NỞ

                                                                          
     
                                
        Tháng năm, đàn chim sẻ ở đâu bay về trú ngụ trên vòm lá xanh mướt trong vườn hót vang…hoàng yến nở vàng trong nắng, lay lắt không gian làm bồi hồi, xao động cảm xúc… bỗng chốc một thoáng nhớ về mùa hè… xưa.

  Tháng năm luôn làm cho tâm hồn tôi có những khoảng lặng, nhất là khi tuổi đời đang lắng lại lúc về chiều, khi mà tuổi trẻ lùi xa tít tắp, khi mà tất cả chỉ còn là hoài niệm.
        Đứng giữa cái nắng hanh vàng của tháng năm để quay nhìn lại quãng đường đã đi qua nhiều khi thảng thốt : “ Nhanh thật! Mới đó mà đã bốn năm rồi.”
  Bốn năm so với một đời người chẳng là bao? Nhưng trong cuộc sống này nhiều khi chỉ cần một phút giây, một tích tắc thôi cũng đủ làm thay đổi cục diện, cũng đủ đặt dấu chấm hết…cho một đời người.
Cuộc đời có những chuyện chẳng biết đâu mà nói trước!!!
Sài Gòn, sáng nắng chiều mưa, lạ cảnh, lạ người…Khi mới vào đây, sao mà buồn hắt, buồn hiu! Để xóa bớt thời gian của một người mới về hưu, tôi tập viết nhưng cũng chỉ là viết nhật ký. Thế rồi lẩn quẩn sao đó không biết mà gặp được bạn bè cùng trường, cùng khóa Sư Phạm Qui Nhơn. Cùng lúc đó, các bạn thành lập trang blog…Các bạn kêu gọi nhau để tham gia viết. Thế là tôi tập tễnh viết. Nghĩ gì, viết nấy. Nhớ điều gì, ghi lại điều đó…Mới tập viết thật là khó! “Vạn sự khởi đầu nan”. Lắm khi, tôi chẳng biết bắt đầu từ đâu? Và kết thúc bài viết như thế nào? Nhưng cứ viết bằng chính cảm xúc thật nhất của mình.
         Tôi tìm đến vi tính. Thật là không phải dễ cho người mới tập tễnh làm quen với công nghệ. Từng động tác chầm chậm… nhưng riết cũng quen dần và bài viết trên máy được gởi đi. Rồi một ngày nọ, bài được đăng, mừng vô kể ! Suốt ngày, mở máy đọc tới, đọc lui…đọc hoài không thấy chán…Vui đến nỗi bỏ ăn, bỏ ngủ…Sau đó, những hồi ức cứ hiện ra…và tôi viết bài thứ hai, bài thứ ba, bài thứ tư…như “cơn ghiền” tôi gắn bó với cái máy laptop như hình với bóng. Tất cả những lo nghĩ thường nhật lùi xa nhường chỗ cho sự an vui của tâm hồn.
         Thật lòng mà nói, lúc bấy giờ, có rất nhiều anh chị em… viết và gởi bài bằng cảm xúc từ “trái tim”…không ai có một chút suy nghĩ gì? vì chẳng ai là thi sĩ lại càng không phải là nhà văn?
          Không dừng lại ở đó, niềm vui nhân lên gấp bội khi qua trang nhà biết tin về các thầy giáo, cô giáo, tìm được các anh chị em quen biết, các bạn cùng khóa, cùng trường… sau bao nhiêu năm mất tin nhau từ dạo mùa xuân ấy.          
        Mục đích chính của trang nhà vào thời điểm đó là kêu gọi, tổ chức cho cuộc “Về thăm lại trường xưa”. Trong sự mong ước đó, ngày 12/05/2012 mọi người trở về Qui Nhơn thăm lại ngôi trường Sư Phạm. Cuộc hội ngộ đông vui không ngờ! Có rất nhiều nụ cười xen lẫn nước mắt. Những khoảnh khắc gặp nhau thật cảm động, thật ấm áp, chân tình…và cứ thế mà nhân rộng ra nối nhau lại đan xen thành một khối tình thân ái đó là Tình đồng môn.
Cứ ngỡ rằng, sau chuyến Về nguồn đó trang nhà sẽ khép lại nhưng tình đồng môn như những dải đăng ten nối kết mọi người lại với nhau một cách chắc chắn không rời. Và thế là trang nhà vẫn mở,  hàng ngày người người vẫn tiếp tục ra vào dạo chơi.
         Tôi xin chân thành cám ơn người bạn cùng khóa với tôi, người đầu tiên khai sáng lập lên trang nhà. Nói như ông bà ta thường nói “người mà đứng mũi chịu sào”, chịu trận, chịu tiếng, chịu lời…
       Bốn năm qua, đối với trang nhà không phải là một chặng đường bằng phẳng?! Vì không có con đường nào gọi là dễ dàng trong mọi hành trình. Khó khăn trắc trở trong cuộc sống là chuyện bình thường cho nên khi gặp phải, không bi quan, tuyệt vọng, không thở dài, bỏ cuộc…đó mới là thái độ sống đúng đắn. Như dòng sông vượt qua bao ghềnh thác, sóng gió…cố gắng tiến về phía trước để đến được đại dương mênh mông. Chính trong gian nan và thử thách là cái thước đo giá trị của điểm đến. Sự kiên trì đã đưa chúng ta đến được nơi cần phải đến. Một lần nữa, tôi xin tri ân đến người bạn của tôi!
         Ở tuổi này rồi, chắc chắn rằng không ai trong chúng ta muốn mình nằm trong Ban Biên Tập? Cái kiểu “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng.” Mệt và rối rắm! Đó là chưa kể trang nhà, lắm lúc gặp những cơn phong ba bão tố…cũng có khi chao đảo… không tìm ra phương hướng…
         Thế nhưng nhờ trang nhà với những tiêu chí đặt ra cao cả, đó là trang thông tin, đó là nơi liên lạc với nhau trong cộng đồng cựu giáo sinh sư phạm Qui Nhơn khắp mọi nơi trên hành tinh này. Chính vì mục đích đó, nên các anh chị em… đã ra sức chung tay quyết giữ vững tay chèo đưa con thuyền vượt qua, để đến với bến bờ thân ái!
Thật vậy, trang Blogspqn không chỉ đơn thuần là những hoài niệm qua các bài văn, bài thơ, hồi ức…mà là nơi mái nhà chung để anh chị em tìm về mỗi khi lòng mình chùng xuống, mỗi khi cần sự sẻ chia… là nơi  ấm áp mỗi khi trở về. Trên trang nhà, ta gặp lại ta, ta gặp lại người…Cũng chính nơi đây ta biết được ai còn? Ai mất?
          Quãng đời của mỗi một người trôi qua như một cuốn truyện dài. Thế hệ chúng ta lại rơi vào giai đoạn nghiệt ngã nhất của lịch sử… có biết bao biến cố, bao ly tán, những đau thương xảy đến…Bây giờ có chút thảnh thơi thì mái tóc đã bạc, đôi chân đã mỏi, ánh mắt nhạt nhòa, nhớ nhớ quên quên…Thời gian còn lại của anh chị em chúng ta không còn nhiều! Do đó, trang nhà đã cố khơi gợi lại nỗi nhớ trong cái quên, đã làm thăng hoa những cảm xúc… Nhờ có, những giây phút gặp nhau vui vẻ, những khoảnh khắc hạnh ngộ quý giá! Những sáng café bên nhau… giúp ta sống lại thời “hoa mộng”. Một quá khứ đẹp là thời gian hai năm dưới mái trường Sư Phạm, tuy đã khép lại nhưng nhìn vào đó ta có được một hiện tại tươi trẻ. Đó cũng là niềm vui, an ủi cho tuổi “về chiều” của chúng ta.
           Bốn năm qua là một hành trình đáng nhớ! Những sáng thức giấc, những trưa êm ả, những chiều bình yên, những tối trở mình…chợt nhớ quay quắt…vói tay bật máy dạo trang nhà…rồi cảm thấy vui, thấy tâm hồn thư thái … để đến với giấc ngủ dịu êm.
            Bốn năm qua, trang Sư phạm Qui Nhơn đã:
             - Nối kết các thầy giáo, cô giáo, các anh chị em đồng môn khắp mọi nơi gần lại bên nhau.
            - Gợi lại trong ký ức, tình yêu mến trường lớp cùng những kỷ niệm đẹp của thời giáo sinh.
             - Chia sẻ và sẻ chia những niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống.
             - Giúp mọi người sống vui tươi, lạc quan, yêu thương cuộc đời.
             - Thông báo các cuộc gặp mặt, hội họp của từng địa phương đến với cộng đồng Sư Phạm.
             - Thường xuyên cập nhật những tin tức vui, buồn…của từng thành viên đồng môn. 
             -…
         Chúng ta phần nhiều là được sinh ra từ yêu thương, sống, lớn lên và tồn tại cho đến ngày hôm nay cũng nhờ vào tình yêu thương. Vì vậy, hãy trân trọng tình cảm của những người thân và bạn bè dành cho!.
          Xin cám ơn tất cả những thầy giáo, cô giáo, các anh chị em cựu giáo sinh hay bạn bè gần xa đã gởi bài đóng góp cùng những lời nhận xét chia sẻ, khích lệ hay động viên…Tất cả điều đó, đã tưới bón cho vườn hoa của trang nhà đâm hoa kết trái và để càng ngày càng thêm tươi đẹp, tỏa ngát hương thơm.
          Hãy bỏ qua những vụn vặt, những thiếu sót…hãy đến với nhau bằng “tấm lòng”. Thời gian không còn lại là bao? Chúng ta hãy yêu thương nhau để thấy cuộc sống này rất vui tươi và nhẹ nhàng.
         Bây giờ những người còn lại hôm nay, biết một cách chắc chắn rằng người nào đã về đến đích rồi ! Nhưng không ai có thể khẳng định rằng ai sẽ là người về đích cuối cùng?! Tuy vậy, ngày nào còn sống, còn thở, còn nhìn thấy Mặt trời mọc, Mặt trời lặn… mong rằng tất cả sẽ vui, sẽ vẫn vun tưới, vẫn đồng hành, vẫn cùng dạo chơi sân nhà… cho đến một ngày buông tay, nhắm mắt…và lúc đó trang nhà sẽ khép lại!
         Kính chúc tất cả luôn an vui!
          *CHÚC MỪNG SINH NHẬT TRANG NHÀ LẦN THỨ TƯ!*
                                                                       Tháng năm 2011-Tháng năm 2015.
                                                                        IRENE


MÙA LÁ RỤNG


Thu về! Nắng nhạt dịu dàng, trên không có những đám mây trắng xuất hiện vài cơn gió heo may trở về thổi qua từng con đường góc phố.
 Trên cành cây, trong vòm lá xanh, vài chiếc lá bỗng ngả màu vàng, sẫm dần rồi héo úa. Chỉ cần một cơn gió nhẹ thổi qua cũng đủ làm cho từng chiếc lá vàng rơi rụng. Tiếng lá rơi chạm xuống mặt đường nghe lào xào xa vắng mênh mang. 
Buổi sáng thức dậy nhìn mảnh sân nhà đầy lá rụng, tôi cảm thầy hiu hắt buồn! Tôi không muốn cầm chổi để quét mà lại thích lom khom đi nhặt từng chiếc lá gom lại rồi ngồi xuống bậc thềm trước nhà nhìn lên bên trên khoảng vòm lá. Xen kẽ trong đám lá xanh thẫm kia có những chiếc lá đã ngả màu vàng hay một vài chiếc lá khô lại quắt queo…Trong khoảnh khắc, chiếc lá khô lìa cành chao nghiêng từ từ rơi xuống. Tôi bỗng nhớ đến câu cuối trong bài hát nào đó: …Lá rụng, lá rụng về đâu? 
        - Ừ, lá rụng về đâu nhỉ?
        Từng chiếc lá rụng về đâu chẳng biết? Trên cây lá vẫn xanh tươi. Đầu mỗi ngọn lá vẫn đang nảy lộc. Cành vẫn tiếp tục đâm thêm những chồi mới, tiếp tục thay thế cho những chiếc lá đã lìa cành. Cuộc sống cứ thế, cứ vẫn tiếp diễn.
Ngôi nhà đối diện, bà cụ mở cổng rồi đứng nhìn những chiếc lá rụng. Bà cũng không lấy chổi quét đi mà lại cúi xuống nhặt từng chiếc lá sakê, vuốt thẳng, cuộn vào nhau rồi đến bên gốc vói lên nhét nó vào một nhánh rẽ của cây rồi quay vào. Cơn gió ào qua, từng chiếc lá lại rơi rụng…nhưng lần này nhặt lá lại là những người khách quen đang ngồi uống café quán sát bên hay những người cùng con phố đang đi qua, đi lại… Và cũng giống như bà, người nhặt lá lại cầm chiếc lá cất lên chỗ thân cây… Một lát sau, một người đi xe máy đến, dừng lại đến bên cây lấy những chiếc lá bỏ vào bì mang đi. Mãi cho đến sau này tôi mới biết chiếc lá sakê vàng này dùng để chữa bệnh…
          Càng về chiều, bầu trời nhiều mây hơn. Nắng tắt sớm. Không gian yên ắng đến lạ, chỉ nghe tiếng chim ríu rít gọi nhau bay về tổ và tiếng rì rào lao xao của lá…lâu lắm mới nghe tiếng động cơ của một chiếc xe máy chạy ngang qua rồi mất hút ở cuối con dốc. Vài cơn gió chiều buông lơi, từng chiếc lá vàng lại rơi rơi.
Đêm ở đây lại càng yên tĩnh hơn. Màn tối chưa phủ đều thì trăng mười sáu đã xuất hiện ở đằng xa rồi nhô dần lên trên những vòm lá đen thẫm. Càng lên cao, trăng càng sáng tỏ. Ánh trăng dường như đẩy lùi, dường như chế ngự tất cả mọi ánh sáng của những ngọn đèn cao áp ở bên dưới. Rồi càng lúc càng lan tỏa rộng khắp nơi nơi. Một vài cơn gió thoảng làm lay động hàng cây làm cho không gian đêm dịu dàng man mác. Về khuya trăng càng vằng vặc. Một mình ngồi ở lan can ngắm con phố vắng người. Hàng cây như một khối đen thẫm in đậm hắt bóng xuống lòng đường. Thỉnh thoảng, đâu đó tiếng lá rơi dội vào đất từng chiếc, từng chiếc buồn tênh…
        -Lá rụng về đâu?
         Vẫn là câu hỏi bâng quơ nhưng càng hỏi tôi lại càng thấy một cảm giác gì đó là lạ nhói sâu. Tôi nhớ từ lâu lắm, có một lần tôi được nghe một bài thuyết giảng của một vị thiền sư : “Khi chết ta đi về đâu? Lá rụng về đâu? Ta từ đâu đến?...”
“…Khi có đủ điều kiện thì biểu hiện, hết điều kiện thì lịm tắt. Con người khi chết không có nghĩa là mất đi vĩnh viễn mà chỉ là họ không còn biểu hiện cho ta thấy nhưng nếu có đủ điều kiện họ sẽ quay trở lại nhưng dưới một hình trạng khác mà con mắt trần của ta không thể nhận ra họ…cũng như chiếc lá vàng rụng đi, biết đâu nó sẽ tiếp tục trở lại, biểu hiện thành một chiếc lá non xanh khác ở trên cành của một chồi mới nhú…v.v…”
         Cho đến bây giờ, tôi vẫn mơ mơ hồ hồ với ý tưởng này!? Nhưng khi một người thân hay nghe tin một người bạn của tôi qua đời. Tôi thường an ủi mình, nghĩ theo cách đó, để mong rằng họ vẫn còn đâu đó xung quanh đây và có ngày họ sẽ trở lại…để tự xoa dịu mình, để làm giảm bớt đi sự đau buồn về sự mất mát to lớn ấy.
Ai cũng đi qua một thời tuổi trẻ. Tuổi trẻ với nhiều ước mơ, nhiều hoài bão…đã trải qua không ít những thăng trầm, gặp không ít là sóng gió…cũng không biết bao nhiêu lần sân si, bao nhiêu lần hỉ nộ ái ố…
Bây giờ tuổi đã lớn tất cả mọi suy nghĩ, mọi việc đều chùng xuống. Tôi không còn câu nệ, không còn cố chấp…cố gắng tập buông bỏ tất cả, tập sống vị tha, luôn cảm thông…Sống trải lòng hơn, với một lòng nhân ái với mọi người chung quanh nên  tâm hồn trở nên lạc quan thanh thản nhẹ nhàng.        Hôm qua đi chơi với một cô bạn, cô ấy nói một câu của ai đó mà về nhà tôi cứ suy nghĩ mãi:
“Tha thứ cho người đã làm bạn tổn thương là một món quà dành cho họ. 
Lãng quên họ là một món quà dành cho chính mình.” 
Hay quá! Phải không các bạn? Hãy tha thứ tất cả, không nên bận tâm nhiều đến những chuyện không đáng nhớ đó là món quà dành cho tâm hồn mình được bình yên, làm cho cuộc sống mình luôn an vui để những ngày còn lại của mình sẽ luôn tươi đẹp và có ý nghĩa.  
Mong sao như chiếc lá sakê kia khi cuối cùng vàng úa rơi rụng vẫn là chiếc lá có ích, có thể giúp cho mọi người chữa được căn bệnh nan y.
        Hàng ngày, mỗi lần nghe tin buồn này đến tin buồn khác từ bạn bè hay đọc được trên trang Sư Phạm, tôi lại thấy lòng mình nhói đau. Tháng trước về Qui Nhơn nghe tin một vài người bạn cùng khóa đã đi xa hay đang bịnh nặng chờ ngày…Vào Sài Gòn nghe Kim Loan từ Mỹ báo tin anh Huỳnh Văn Chiến (Cựu học sinh Qui Nhơn-Hướng Đạo Qui Nhơn một thời) chồng bạn Trần Thị Hiền khi xưa cùng học chung phổ thông với tôi ở trường Nữ Trung Học đã ra đi. Thật ngậm ngùi khi nghe tin “dữ”! Cứ  lần lượt, lần lượt…Tôi tự hỏi: -Bao giờ đến lượt mình? Thôi thì cầu mong cho những người đã ra đi được thảnh thơi rong chơi và người nào còn ở lại sẽ sống tiếp với những ngày bình yên an lạc…  
         Đời người thật ngắn ngủi! Tất cả những người cùng thời với tôi đã và đang bước vào “MÙA LÁ RỤNG!” Tuy không biết chiếc lá nào sẽ rơi trước, chiếc lá nào rụng sau. Nhưng chắc chắn một điều là sớm muộn gì rồi cũng sẽ lần lượt rơi. Vì đó là quy luật! Cho nên, nếu một mai này có rụng rơi thì xin hãy như là chiếc lá vàng nhẹ nhàng thanh thản rơi vào thinh không. 
          Mong sao, mỗi một người chúng ta cuối cùng khi khép lại vẫn là những đóa hoa thoang thoảng chút hương trong ký ức mọi người. Vẫn là giai điệu dịu dàng âm vang mang đến nhiều thương mến, nhiều sự luyến lưu trong lòng của những người còn ở lại.

                                                                                                                         Tháng 9 _ 2014
                                                                                         

MÙA XUÂN MONG MANH

       

  Bình minh bừng sáng, chim chóc hót vang như chào đón ánh mai hồng. Từng vạt nắng vàng nhàn nhạt bắt đầu xô đuổi nhau chạy đến gần, rồi trải dài xuống những cánh đồng, những đồi rẫy, những xóm nhà… Vòm trời cao xanh mênh mông. Một đám mây trắng sắp sửa nhô lên sau rặng cây ở phía trước nhà…trên con đường đất dẫn ra phố huyện, người người trong làng gồng gánh lũ lượt ra chợ sớm.
         Mùa Xuân đã về! Miền Nam không có rét mướt như ở miền Bắc hay miền Trung và lại càng không có lạnh tái tê như Cao nguyên mù sương mà chỉ hơi se se vào buổi sáng sớm hay lúc đêm về.
         Hôm nay là ba mươi Tết, Lan ngồi chải tóc một mình trước hiên nhà. Trong không gian yên ắng của một ngày cuối năm, nàng thấy lòng mình lắng đọng, man mác một nỗi buồn cho những thăng trầm của đời mình.
         Mùa Xuân năm nay, Lan dẫn con vào miền Nam ăn Tết với chồng. Anh Hoàng quê ở Bình Định. Anh học Sư Phạm khóa 5. Sau 75, do lý lịch anh không được đi dạy lại. Vì cuộc sống, anh theo gia đình đi kinh tế mới ở Long Khánh. Ngày ngày anh ra rẫy trồng trọt, chăm bón…Hồi mới vào, anh cũng thường xuyên về Pleiku thăm mẹ con Lan nhưng dần dần càng ngày càng thưa dần và năm vừa rồi thì không về hẳn.
         Nhiều lần Lan nghĩ có thể cuộc sống quá khó khăn nên anh sinh ra chán nản, “bất đắc chí” hoặc cũng có khi do Lan cứ lo dạy dỗ, lo chăm sóc con cái nên lơ là với anh hay là tại cái khoảng cách địa lý nên  “xa mặt cách lòng”…
Vì thế năm nay, nhà trường vừa cho nghỉ Tết là Lan lên xe đò dẫn con vào Nam với anh liền.
         Lan sinh ra và lớn lên ở Pleiku. Một phố núi nhiều cây xanh và đồi núi. Những con đường bụi đỏ và quanh năm sương mù bao phủ. Những con đường dốc lên xuống, những cành hoa dại màu tim tím hay những khóm dã quì nở vàng bên lối đi. Không khí lành lạnh, mùi hương hoàng lan quyện với hương café tạo nên một mùi thơm đặc trưng của quê Lan. Lan yêu mảnh đất hiền hòa đó. Chỉ hai câu thơ thôi mà Nguyễn Bắc Sơn đã tả đầy đủ những đặc trưng của Pleiku:
         "Phố núi kia ơi, một đời phố lạnh
         Lạnh hoa vàng, núi đỏ, thác đèo cao…"
                 Sau khi Lan thi đậu Tú tài bán phần, người mừng nhất là mẹ. Lan vẫn nhớ mãi nụ cười rạng rỡ của mẹ khi mọi người đến chúc mừng. Tuy nghèo nhưng bà cũng cố gắng làm một bữa tiệc gọi là ăn mừng Lan thi đậu để thiết đãi bà con hàng xóm.
         Lan vẫn thích tiếp tục học nhưng gia đinh không đủ điều kiện để Lan học tiếp. Và rồi nghe lời người anh rễ khuyên, nên Lan đã thi vào Sư Phạm. Năm 1972 Lan xuống Qui Nhơn học Sư Phạm. Trường Sư Phạm Qui nhơn quá đẹp. Trường xây theo hình hộp chữ nhật. Có hai khu nội trú dành riêng cho nam, nữ. Sân trường trồng đầy hoa sứ. Xung quanh sân trường, những chùm hoa giấy đủ màu. Công viên rực rỡ với hoa vàng anh. Đêm về, nội trú tràn ngập mùi thơm của hoa sứ.
         Có thể nói giai đoạn học sư phạm là khoảng thời gian thơ mộng và đẹp nhất đối với Lan. Một khung cảnh nên thơ với công viên thoang thoảng mùi hoa sứ, dãy hành lang dẫn đến các lớp học hay con đường trước trường với những hàng dường rì rào reo vui. Đêm đêm từ biển khơi vọng lại tiếng sóng biển … Tuổi đôi mươi nhiều mộng đẹp. Lan có làn da trắng hồng của người con xứ cao nguyên nên trông rất xinh.
         Trong thời gian học Sư Phạm, có rất nhiều người thích Lan. Và rồi Lan có quen một người. Anh ấy là Trung Úy. Một sĩ quan phụ trách trong chương trình Đọc Chuyện Đêm Khuya của Đài Phát Thanh Qui Nhơn. Một chương trình mà Lan vẫn nghe say sưa hàng đêm. Rồi đêm đêm từ tầng hai của khu nội trú có người con gái miên man theo từng câu chuyện.
         Lan có cô bạn thân cùng quê và cùng học chung trường Sư Phạm. Cô bạn của Lan có người yêu là Sĩ quan nhưng hai người phải chấp nhận mọi khó khăn mới đến được với nhau. Nguyên do là ba của cô bạn đi “tập kết”. Hồi đó, các sĩ quan ngành đặc biệt hay là ngành Tâm lý chiến…thì khi lập gia đình mà vợ có ba má đi “tập kết” thì sẽ không được cấp giấy hôn thú và những đứa con sẽ không được hưởng lương( Lan nhớ như vậy không biết có đúng không?). Anh của Lan thấy thế nên sợ cho em gái mình vì ba Lan cũng đi tập kết. Gia đình và nhất là anh Lan không tán thành... Nhân lúc đó, có một người bạn của anh Lan giới thiệu anh Hoàng… Và thế là duyên nợ đưa đẩy Lan đến với anh Hoàng.
Lan nhớ, hôm chuẩn bị đám cưới, thiệp báo tin, thiệp mời đám cưới đã đưa đến tay mọi người thì trước hôm cưới một ngày, một hung tin giáng xuống: Ba của anh Hoàng qua đời. Thế là đám cưới chạy tang…
         Chiếc xe đón dâu đi từ Pleiku xuống Qui Nhơn. Khi đến đèo An Khê hết địa phận Pleiku thì xe bỗng nhiên dừng lại để cô dâu chú rễ choàng áo, bịt khăn tang vào…Lan đã khóc như mưa trong ngày hôm đó vì nàng lo sợ cho hạnh phúc của mình, sao mà nó mong manh quá!...
         - Em ơi! Vào sửa soạn đi chợ! Tiếng Hoàng cắt ngang những dòng suy nghĩ của Lan.
         - Dạ! Lan đứng dậy bước vào nhà.
         Hoàng đẩy chiếc xe ra ngõ đứng chờ vợ. Thật ra lúc sáng Lan đã đi chợ để chuẩn bị mâm cơm cúng ba mươi rồi. Bây giờ hai vợ chồng đi mua thêm một vài thứ cần nữa và mua mấy chậu hoa về chưng Tết.
         Con đường ra phố chợ tấp nập đông đúc. Người Việt nam mình có tục lệ là ngày Tết lúc nào cũng lo sắm sửa đồ đạc trong nhà rồi đến dự trữ thức ăn cho ba ngày tết. Nhà nào cũng đầy đủ như mong ước một năm mới đến luôn sung túc, vui vầy.
         Hoàng đứng chờ ngoài cổng chợ, anh nhìn mọi người tất bật sắm Tết trong ngày cuối năm mà nhớ quê . Sau 75, anh rời quê nhà vào Nam. Những ngày đầu tiên ở nơi đất khách quê người rất cực nhọc. Anh khai hoang trồng rẫy, trỉa ngô…Tay đã quen cầm phấn, quen với bảng đen, với học trò… bây giờ phải cầm cuốc…đầu phải đội trời, chân đạp đất, dầm mưa dãi nắng…Nhưng…“gặp thời thế, thế thời phải thế!” anh cũng cố gắng tập quen dần. Ngày qua tháng lại, đến khi thu hoạch cũng có cái ăn. Rồi anh mở thêm đại lý bán vé số…và cứ thế cuộc sống tạm ổn định.
         - Anh! Hoàng giật mình quay lại thấy Lan đến bên cạnh, tay xách lỉnh kỉnh đồ đạc vừa mới mua sắm.
         Anh cầm giỏ cho vợ, treo vào xe.
         - Bây giờ anh và em đi mua hoa về chưng Tết. Hoàng nói với vợ.
         Chợ hoa ngày Tết rất nhiều loại hoa. Rực rỡ vàng tươi là hoa cúc, hoa vạn thọ. Những chậu thược dược màu đỏ, màu hồng, màu cam… Dãy hoa hồng đủ màu: Cam, hồng, vàng, đỏ tươi tắn. Sang trọng và đắt tiền là những chậu mai kiểng lác đác đã nở hoa vàng rung rinh trước gió bên những búp xanh nõn nà…Hoàng ngắm nghía chọn một chậu vạn thọ nở đều bông, thân bụ bẫm, lá tươi tốt…trong khi đó thì Lan đứng ngắm say sưa những chậu mãn đình hồng, thân mọc thẳng, hoa nở bên những kẽ lá, hoa màu hồng đỏ nở một chùm từ ba đến năm hoa, hoa có nhụy vàng…người bán hoa còn cho Lan biết thêm một tên nữa đó là hoa Thục quỳ. Lan thật thích, nàng chọn một cây thân thẳng và cao, hoa nhiều màu đỏ hồng đậm…
         - Em đừng mua cây hoa đó! Hoàng đến bên vợ nói nhỏ.
         - Nhưng em lại thích cây hoa này, anh xem hoa rất xinh và màu hồng rất là…
         - Ừ, thôi em thích thì em cứ mua. Hoàng cắt ngang câu nói của vợ nhưng trong lòng thì không vui.
         Trên đường về, hai người im lặng không ai nói với ai một câu gì cho đến khi về đến nhà.
         Ăn cơm trưa xong, Lan dọn dẹp và cho con đi ngủ. Lan xuống bếp sửa soạn mâm cơm cúng rước ông bà.
          Hoàng bưng mâm cơm lên bàn thờ đặt ở giữa phòng khách. Anh sắp lên bàn thờ đâu đó rồi thắp đèn sáng…Trước bàn thờ anh thành tâm khấn vái tổ tiên ông bà. Mùi nhang trầm hòa vào trong không khí yên lặng của căn nhà trong chiều ba mươi Làm cho Lan cảm thấy êm đềm và  ấm áp.
         Chiều xuống chầm chậm, nắng đã tắt chỉ còn một vừng sáng ở phía trời Tây. Từng đàn chim tung cánh bay về tổ ấm. Mùi thơm quen thuộc của cỏ, của đất lẫn với mùi thơm thơm của bắp từ dưới ruộng ngô theo gió thoảng lại trong một chiều cuối năm làm cho Lan nhớ quay quắt…Giờ này, ở nơi phố núi xa xôi, mẹ Lan một mình quạnh quẽ trong căn nhà… nghĩ đến mẹ tự nhiên Lan rơm rớm nước mắt, nhớ và thương mẹ vô cùng.
         Ăn uống xong, trời đã tối mịt. Các con đi ngủ, Lan bước ra phòng khách. Anh Hoàng đang lúi húi sửa soạn trang hoàng lại căn phòng. Anh đặt chậu vạn thọ giữa nhà.
         - Em thấy anh nên chưng cây mãn đình hồng giữa nhà sát bộ bàn ghế là đẹp nhất. Lan lên tiếng.
         - Anh thấy ngày Tết chưng vạn thọ là tốt nhất. Hoàng ngước lên nhìn Lan nói.
         - Nhưng vạn thọ chỉ dùng để cắm trên bàn thờ.
         - Theo ông bà ta thì vạn thọ có ý nghĩa là mong mọi người sống lâu trăm tuổi hay nói một cách nôm na là có cuộc sống trường thọ.
         - Nhưng loại bông này không dành cho người sống.
         Vừa nói Lan vừa bưng chậu mãn đình hồng vào giữa nhà và bưng chậu vạn thọ đặt trước tủ thờ.
         - Đó anh thấy chưa? Cây mãn đình hồng đã làm cho căn nhà sáng rực lên, trở nên đẹp đẽ và sang trọng.
         Hoàng im lặng ngồi xuống chiếc ghế vì không muốn tranh cãi với vợ nhưng…
Tiếng con khóc ở phòng trong, Lan vội vã quay vào để ru con…
Khi bước ra phòng khách Lan lại thấy chậu vạn thọ chễm chệ ngay giữa nhà và cây mãn đình hồng nằm chơ vơ bên góc. Nhìn thấy thế, trong lòng nàng bùng lên một sự tức giận khủng khiếp. Không kềm chế nỗi, Lan chạy nhanh bưng chậu mãn đình hồng đến đặt giữa nhà và bưng chậu vạn thọ đi.
          - Làm gì vậy? Hoàng nói lớn gần như là quát, anh giựt chậu vạn thọ trên tay vợ và đặt lại chỗ cũ, đẩy cây mãn đình hồng qua một bên.
            - Vạn thọ chỉ để trên bàn thờ. Lan nói cho Hoàng hiểu.
            - Ngày Tết ở quê tôi không thể thiếu hoa vạn thọ. Hoàng gằn giọng.
            - Thì tôi có nói gì đâu, nhưng không thể chưng vạn thọ ở chỗ này.
Sự tức giận trong mỗi người đã làm cho cuộc đối đáp từ từ to tiếng và thay đổi luôn cả cách xưng hô…
Hoàng nhìn Lan:
           - Không hiểu tại sao cô lại thích một giống hoa mà nhìn như bông đậu bắp chỉ khác là cái màu sắc.
Lan cố giải thích:
           - Người ta chưng mãn đình hồng là vì cầu mong cuộc sống của mình luôn nhẹ nhàng đơn giản và vô cùng vui vẻ như sắc màu tươi tắn của … Hoàng cắt ngang:
            - Một loài hoa hữu sắc vô hương thế mà cứ ca tụng.
          - Nhưng nó là một loại hoa của sự cao sang, giàu có còn hơn cái loại hoa dân dã kia…
            - Thôi! Đủ rồi! Lần này thì Hoàng quát to gần như hét.
Lan choáng váng đứng tựa vào bức tường. Bàn tay Lan run rẩy nắm chặt các song sắt của chiếc cửa sổ để có điểm tựa cho những cơn đau nhói trong lòng...
            - Mà tôi hỏi cô, ai là chủ trong cái nhà…
         Lúc này thì tai Lan như ù lên, Lan không còn nghe rõ nữa… nàng lảo đảo đi vào phòng, hai hàng nước mắt lăn dài trên má…
        Từ lâu nay, Lan đã biết rất rõ tính tình của Hoàng, hiền thì có hiền nhưng rất gia trưởng, cộng thêm tính độc đoán. Vì thế, có nhiều việc anh ấy quyết đoán, áp đảo vợ con…Tính Lan thì ngược lại thích sự tự do và độc lập cho nên hai vợ chồng lâu nay luôn có những cơn sóng ngầm ngầm như hỏa diệm sơn chỉ chờ dịp là bùng lên, phun trào… Vẫn biết như thế nhưng Lan cũng hết sức ngạc nhiên vì sự việc diễn ra như thế này? Lan lờ mờ thấy rõ con người thật của Hoàng…
          Lan nhớ những ngày tháng ở Pleiku không có Hoàng. Một mình vừa đi dạy, vừa nuôi con. Những lúc con đau ốm một mình chăm sóc bồng ẵm suốt đêm. Khi nó sốt cao, một mình Lan lo lắng cho con trong bệnh viện…Lan mong ngóng có chồng bên cạnh để cùng xẻ chia. Nhưng khi Hoàng có mặt và mỗi lần anh ra đi thì nỗi thất vọng càng ê chề… Lan lại cố gắng nhẫn nhịn nhưng cũng chỉ có mức độ. Dù như thế nào đi nữa thì Lan cũng chỉ là một người đàn bà. Mà đàn bà thì bao giờ cũng mềm yếu, cũng cần một bờ vai để tựa mà Hoàng thì ơ thờ quá! Có nhiều lúc, Lan chỉ cần chồng mình là một người đàn ông nhẹ nhàng, cảm thông, quan tâm, dịu dàng…chỉ cần một cử chỉ âu yếm, vuốt ve… một câu nói thể hiện sự yêu thương cũng đủ làm cho Lan thấy ấm áp và hạnh phúc rồi …Thế nhưng Hoàng lại không làm được!
        Tiếng chuông đồng hồ đánh mười hai tiếng. Thời khắc giao thừa đã đến! Một Mùa Xuân nữa lại về. Lan thấy mùa xuân về với mình sao mong manh quá! Nàng lo sợ cho ngày mai. Lan lo sợ cho cái gọi là hạnh phúc mà mình đang cố gắng vun vén…hình như nó cũng mong manh như mùa Xuân…Không dám nghĩ nhiều trong giây phút thiêng liêng này. Lan cúi xuống hôn và ôm chặt con vào lòng. Mùi thơm da thịt và hơi ấm của con truyền qua người nàng và Lan cảm thấy tình mẫu tử thiêng liêng, êm ái đã giúp nàng xoa dịu đi bao buồn phiền ngổn ngang trong lòng...
          Mọi chuyện lo âu theo năm cũ rồi hãy qua đi. Lan chợt nghĩ đến một bản nhạc Xuân với những lời chúc tốt đẹp, nàng thì thầm hát như tự chúc cho chính mình:
“Thấm thoát là đây một mùa xuân mới với ngàn cánh mai vàng….Mình về mai sau xin đừng quên câu chúc nhau hạnh phúc đầu xuân” (Hạnh Phúc Đầu Xuân)
Sài Gòn, tháng một năm 2013.
IRENE

Vì...


 Hãy ngồi dậy! dù lòng ta muốn khóc
 Mở cửa ra cho ngày mới bước vào
 Mặt trời lên là bầu trời tươi sáng
 Đóa hoa nào hé nụ tỏa hương thơm

              Hãy đứng lên! dù hai vai trĩu nặng
              Tháng ngày dài trước mặt quá mênh mông
              Giữa muôn trùng con sóng dữ đẩy xô
              Đừng lạc lối giữa bến bờ xa lạ

 Hãy bước đi! dù đôi chân có mỏi
 Bằng cái tâm cái trí của vô thường
“Quá khứ qua rồi, tương lai chưa đến
  Vui sống đi cho hiện tại hôm nay ”

          Hãy cười lên! dù con tim tê tái
          Hát to vang! dù lỗi nhịp sai lời
          Vì cuộc sống! vì những người thân thuộc
          Và mình ơi, tất cả cũng vì mình .
SàiGòn,tháng 7/2011
IRENE

Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

TUỔI NGỌ

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                   Irene.

Thân tặng các bạn tuổi Giáp Ngọ(1954).

Trong mười hai con vật biểu tượng cho mười hai con giáp là Chuột, Trâu, Cọp, Mèo, Rồng, Rắn, Ngựa, Dê, Khỉ, Gà, Chó, Heo. Thì con ngựa là một con vật hiền lành gần gũi, quen thuộc, có ích với con người. Được nhiều người xem trọng và sử dụng nhiều nhất. Có người lại ca tụng tuổi ngựa:
Người ta tuổi ngọ-tuổi mùi
Riêng tôi cứ mãi ngậm ngùi tuổi thân...
Hình ảnh về con ngựa rất đẹp. Các kỵ sĩ cưỡi ngựa phi nhanh qua những cánh đồng, qua các thảo nguyên...trông rất phong độ và hùng dũng. Ngày xưa, ngựa là loài vật được dùng nhiều nhất trong các cuộc chiến. Ngựa phi ra trận trông khí phách hào hùng mạnh mẽ. Ngựa đã gắn bó với con người và lịch sử chiến tranh qua nhiều thời kỳ lâu dài. Con ngựa cũng có công lớn là đã đóng góp rất nhiều trong việc mưu sinh và phát triển của loài người.
Trong lịch sử của Việt Nam hình ảnh Thánh Gióng phi ngựa xông ra trận... phi thẳng lên trời hay hình ảnh Vua Quang Trung, Trần Hưng Đạo... trên mình ngựa...thật oai phong lẫm liệt biết bao.
Người ta cũng thường lấy tên năm tuổi đặt tên cho con như Tý, Sửu, Dần...Ngọ...Hợi. Nhờ thế Phạm Thiên Thư mới làm nên bài thơ về người con gái tên Ngọ và Phạm Duy đã phổ nhạc thành bài hát Ngày xưa Hoàng Thị:
Em tan trường về đường mưa nho nhỏ. Em tan trường về đường mưa nho nhỏ. Anh theo Ngọ về, tóc dài tà áo vờn bay...
Nói về tuổi Ngọ thì 13 khóa của trường Sư Phạm Qui Nhơn, khóa 11 (1972-1974) là khóa mà đa số giáo sinh, sinh năm 1954 tính theo dương lịch còn âm lịch là năm Giáp Ngọ hay nói chính xác là tuổi con ngựa. Năm nay là năm Ngọ, năm tuổi của chúng tôi.
Người ta thường nói tuổi Ngọ năng động. Nhiều may mắn về tài lộc cũng như về công danh sự nghiệp.  Trong cuộc sống luôn bươn chải và nhiều lo toan. Tình duyên đôi lúc trắc trở …Trung vận, hậu vận tốt. Tuổi già gia đạo an vui, con cháu đề huề.
Lúc còn nhỏ, tôi nhớ mẹ thường nói với tôi rằng: -Tuổi Ngọ phải lo tự thân lập thân, tự mà kiếm sống…nhưng được cái là nhanh nhẹn, tháo vát. Tính tình rất phóng khoáng, nhiệt tình sôi nổi, thích thoải mái tự do, thích chạy long nhong vì con ngựa là con giáp du mục trong mười hai con giáp…
Tôi không biết các bạn cùng tuổi với tôi thế nào? Chứ lúc mới lọt lòng là tôi đã bắt đầu một cuộc chạy rong rồi. Xin các bạn xem qua “lý lịch trích ngang” của tôi để biết được cuộc hành trình của “con ngựa tôi” như thế nào?
Năm 1954, tôi vừa mới sinh ra được 7 ngày thì mẹ bồng tôi lên đường đi vào Nam. Vào đến Huế. Ở Huế được vài tháng, gia đình tôi lại vào Lăng Cô (một nơi ở dưới chân đèo Hải Vân). Sau đó lại tiếp tục trèo đèo, băng núi đi qua các miền như Quảng Nam-Quảng Tín-Quảng Ngãi… Năm 1955 đặt chân đến miền đất hiền hòa Qui Nhơn và ở luôn lại đó để sống, học tập. Năm 1972 năm mùa hè lửa đạn vào Sư Phạm Qui Nhơn. Năm 1974 ra dạy ở Thị trấn Bồng Sơn, một vùng khói lửa ngập trời. Mùa Xuân năm 1975 chiến tranh bùng lên, tôi phải bỏ lại trường lớp chạy về nhà rồi theo gia đình đi vào Nha Trang rồi Cam Ranh. Khi đất nước yên bình, tôi trở về lại Qui Nhơn tiếp tục dạy học. Năm 2008 vào Sài Gòn cho đến bây giờ. Từ nay về sau không biết “con ngựa tôi” còn chạy đi đâu nữa không? 
Kể ra thì “con ngựa tôi” vẫn còn có những lúc thong dong, rong ruỗi. Chắc là do tôi ra đời đúng vào 9 giờ đêm, lúc đó con ngựa đã được vào chuồng nghỉ ngơi nên số tôi còn được giây phút rảnh rang. Chứ liếc qua, nhìn lại thấy các bạn cùng tuổi, tuy hiện nay có bạn đã có cuộc sống ổn định nhưng lúc trẻ nhiều bạn phải “lên thác xuống ghềnh” có bạn phải “trèo đèo lội suối”. Có bạn còn phải “phi” một hành trình gian khồ dài và xa hơn…có bạn chạy xa tít đến nữa vòng trái đất…Và bây giờ vẫn có bạn cũng còn phải chạy ngược chạy xuôi chưa thể dừng chân nghỉ lại…
Nam tuổi Ngọ thì còn đỡ chứ nữ tuổi Ngọ về đường tình duyên có nhiều trắc trở? Người ta nói tuổi Ngọ “yêu” sớm thì sẽ khổ. Vì vậy lúc còn trẻ, tôi đã quyết định yêu trễ. Chờ mãi cho đến  một ngày khi tuổi tôi đã “chín muồi” mới dám “thắng lại”. Thế mà bây giờ vẫn gãy…
Tuổi Ngọ tự lập. Từ lúc ra trường đi dạy là phải tự làm việc mà sống! Không nhờ cậy ai? Nhà giáo “ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch” cứ vậy mà sống cho đến bây giờ. 
Tuổi Ngọ hay đi rông? Ừ về điều này tôi công nhận là có. Lúc trẻ sao mà ham vui, thích rong chơi đi đây, đi đó cùng bạn bè nên suốt ngày tôi cứ thích đi khắp phố phường, quán xá, chợ búa… Thấy tôi hiếu động, mẹ tôi nhắc nhở: - Là con gái thì phải đi đứng dịu dàng - phải kín cổng cao tường - phải công dung ngôn hạnh - phải…v.v…và v.v…Tuy “con ngựa tôi” đã được gia đình thuần hóa nhưng đôi khi chứng nào tật nấy, nhiều phen cũng khiến ba mẹ tôi lắc đầu vì ngựa “bất kham”.
Từ xưa đến nay  trong xã hội Việt nam, thầy giáo là một nghề được tôn trọng, được ca ngợi và là một nghề cao quý nhất. Ông bà ta thường nói “Tôn sư trọng đạo”. Vì vậy, tôi chọn Sư Phạm. Các bạn cùng khóa cũng đều là giáo viên. Thế là con đường công danh sự nghiệp của chúng tôi cũng được hiển vinh !?. 
À, còn một chi tiết nữa là người tuổi Ngọ thẳng tính, luôn ngẩng cao đầu không khuất phục, lùi bước trước mọi thế lực. Tục ngữ ta có câu “Thẳng như ruột ngựa” – Còn ngựa mỗi khi chạy thì đầu luôn thẳng, hướng về phía trước… 
Năm nay là năm Giáp Ngọ, trùng với năm sinh của tôi là năm Giáp Ngọ. Tôi xem trong quyển sách “Các phong tục Việt Nam” Nghe người ta nói là “Lục Thập Hoa Giáp” tức là chu kỳ 60 năm là sự kết hợp 6 chu kỳ hàng can với 5 chu kỳ hàng chi thành hệ 60. Theo ông bà ta thì cách tính năm tháng ngày giờ đều theo hệ số đó gọi là lịch can chi. Có tất cả mười hai chi: tý, sửu, dần, mão, thìn, tỵ, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi ứng với mười can: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý. Người ta đem ráp lại với nhau, đầu tiên là giáp tý, Ất sửu, Bính dần…10 can ráp 12 chi xoay vòng. Vì số can có 10 tên, số chi 12 tên nên thứ tự chẵn sẽ ráp chẵn, lẻ sẽ ráp lẻ và xoay đủ một vòng là 60 năm rồi trở lại gọi là một hoa giáp.. 
Chẳng hạn hết một vòng 60 năm từ Giáp tý đến Quý hợi. Từ năm thứ 61 trở lại là Giáp tý. Năm 121, 181…cũng là Giáp tý.  Cũng như tôi sinh ra là năm Giáp Ngọ năm nay đủ một vòng  quay lại cũng là năm Giáp Ngọ. Trong một đời người, chúng ta chỉ bắt gặp một lần trùng với tên năm tuổi của mình sinh ra đó là năm 61 tuổi. Năm 121 tuổi cũng là Giáp Ngọ nhưng ít có ai sống được đến tuổi cao như thế . 
  Tôi vừa đọc trên báo vnexpress nói đến Vận mệnh người tuổi Ngọ trong năm Giáp Ngọ này là : 
Người tuổi Ngọ năm nay do ngũ hành vượng nên,
-Ý chí mạnh mẽ, muốn làm nhiều việc mà thực tế lại không được như ý muốn. 
-Gia đạo không yên có nhiều chuyện lo lắng. 
-Nên chú ý đến các mối quan hệ, không nên trút bực dọc lên người xung quanh, nếu không dẫn đến khẩu thiệt thị phi. 
-Tuy có nhiều sóng gió nhưng có thể vượt qua…
Từ trước đến nay tôi ít khi để ý tin đến chuyện xem tướng số hay xem tuổi…nhưng bây giờ lớn tuổi rồi, thỉnh thoảng cũng “tìm tòi” xem cho biết, cho vui. Mọi người nói rằng, năm tuổi thường hay gặp hạn…Tôi có cô bạn ở xa. Hôm qua, cô ấy gọi và nói:
-Sang năm là năm tuổi của chúng mình. Thế mà, mới chuẩn bị bước vào năm Ngọ đã gặp đủ thứ chuyện rồi. 
Tôi cũng nhận thấy thế nhưng nghĩ lại, trên 60 tuổi là tuổi đã “thọ” rồi. Đến tuổi này chắc mọi vận hạn cũng chẳng còn được quan tâm nhiều… nên sống an vui, nhàn nhã, bằng lòng với hiện tại, hạnh phúc bên gia đình vui vầy cùng con cháu. Nhẫn nhịn…Tu tâm, tích đức…và cứ thế cho đến ngày đi về cùng với ông bà, tổ tiên.
Chỉ mong sao, trong năm Giáp Ngọ này mọi thiên tai, hạn hán, gió bão, lũ lụt sẽ không xảy ra để đồng bào mình bớt khổ, có được cuộc sống an vui, yên ổn làm ăn và gặp được nhiều thuận lợi trong mọi công việc.
Năm mới kính chúc tất cả luôn dồi dào sức khỏe, an vui, hạnh phúc! 
Năm Giáp Ngọ chắc chắn rằng sẽ là một năm luôn : MÃ ĐÁO THÀNH CÔNG!

Sài Gòn, 29/01/2014.
Irene.

DÒNG SÔNG QUÊ HƯƠNG

     Khi nghĩ về quê hương người ta thường nghĩ đến cây đa, bến nước, mái đình, là dòng sông với con đò là ruộng đồng, họ hàng, làng xóm… Còn tôi lớn lên giữa phố thị Qui Nhơn nên quê hương gắn liền với tôi là phố chợ là những con đường, những ngôi trường, là biển xanh cùng sóng vỗ… Đối với tôi hình ảnh con sông, lũy tre, đồng ruộng chỉ là nghe nói hay mơn man trong sách vở. Sau này khi lớn lên một chút, thỉnh thoảng có đi về vùng ngoại ô, lúc đó, tôi mới thấy mà cũng chỉ nhìn loáng thoáng về hình ảnh của quê hương mà thôi. Rồi đến một ngày, tôi tốt nghiệp ra trường đi dạy. Ngôi nhà tôi ở trọ sát bên con sông Lại Giang. Những lúc buồn nhớ nhà, thường ra ngồi ngắm nhìn dòng sông chảy và bắt đầu có một chút cảm nhận về vẻ đẹp…Nhưng dạo đó quê hương mình chiến tranh khốc liệt quá! Tiếng súng, tiếng bom đạn rền vang làm át hết cả những suy nghĩ của tôi.
           Mãi cho đến sau này khi tôi về làm dâu “xứ nẫu”. Quê chồng tôi ở An Vinh nằm sát bên con sông Côn êm đềm trôi xuôi, nước xanh ngăn ngắt. Lúc đó tôi mới biết được thế nào là con sông quê hương.
                   "Nước Lại Giang mênh mang mùa nắng
                   Giòng sông Côn lai láng mùa mưa
                   Đã cam tháng đợi năm chờ
                   Duyên em đục chịu trăm nhờ quản bao.'
 (Ca dao)
          Những năm đó, cuộc sống nông thôn rất yên bình vì quê hương đã im tiếng súng nhưng người dân quê thì lúc nào cũng “Con trâu đi trước, cái cày theo sau”. An Vinh cũng như bao vùng quê nghèo khác, người dân lam lũ, quần quật suốt ngày với nghề nông. Quanh năm tay lấm chân bùn bận rộn với ruộng vườn trâu bò. Mùa hè cho đến mùa đông trên người lúc nào cũng chỉ là manh áo cộc và quần xắn lên trên đầu gối “một nắng hai sương” vất vả vô cùng.
           Một năm tôi thường về quê hai lần, vào dịp tết và vào những ngày nghỉ hè. Đi về quê An Vinh thì từ Qui Nhơn có thể đi theo nhiều ngả. Mỗi ngả đường đều được ngắm nghía non nước hữu tình của Bình Định mến yêu.
     - Nếu đi con đường từ chợ An Nhơn lên thì phải đi thẳng đến An Thái qua sông Côn để về An Vinh. Đoạn dường này, có thể ngắm được làng mạc ẩn sau những vườn tược, cây cối xanh tươi cùng núi non, dòng sông êm xuôi.
       - Còn đi theo Quốc lộ 19, thì đến Bình Nghi, qua An Thái rồi qua sông Côn…ở đây có thể ngắm các lò gạch thủ công, ngước nhìn tháp Thủ Thiện, thưởng thức mùi thơm của hương đồng gió nội, bắt gặp phố xá nhỏ hẹp ở An Thái như một phố Hội An thu nhỏ với những ngôi nhà cổ lâu đời của những người Hoa và các đặc sản của vùng quê này…
        - Đi đường Gò Găng thì có thể ngắm quần thể ba ngọn tháp Dương Long đứng sừng sững qua bao năm tháng. Thấp thoáng trên đồi lăng Mai Xuân Thưởng một sĩ phu yêu nước, lãnh tụ của phong trào Cần Vương kháng Pháp cuối thế kỷ 19 tại Bình Định hay chạnh lòng khi chứng kiến một số vết tích tang thương còn lại của thành Đồ Bàn mà nghe trong gió lao xao tiếng người xưa như thầm nuối tiếc cho một triều đại đã trôi vào dĩ vãng…
        - Có thể đi lên Phú Phong rồi bọc xuống cũng được nhưng đường xa hơn nhiều. Con đường này dẫn chúng ta đến ấp Kiên Thành, làng Kiên Mỹ nay là thị trấn Phú Phong, bước nhẹ qua cầu Kiên Mỹ bắc qua sông Côn đến với Bảo tàng Quang Trung để cảm nhận được hồn thiêng sông núi nơi sản sinh ra những người anh hùng áo vải Tây Sơn…
             Vào những năm đó, vì phương tiện xe máy chưa có nhiều, nên tôi thường đi xe Lam từ Qui Nhơn lên đến chợ An Nhơn rồi đạp xe  về quê. Mùa hè trời trong xanh, từ An Nhơn đạp xe men theo những con đường đất đỏ quanh co qua các làng xã, qua các ruộng ngô, đồng lúa, vườn cây…Không khí buổi sáng vùng quê thật mát mẻ trong lành. Hai bên cây cối xanh tươi. Những mái nhà ẩn hiện sau lũy tre xanh. Có khi dừng lại bên cây đa cổ thụ nghỉ mệt, ăn ly chè đậu xanh nước mát, nghe người dân chuyện trò về công việc đồng áng thường ngày.
            Thường thường khi đến An Thái thì trời đã trưa, chúng tôi thường dừng lại bên cái quán tranh chờ chuyến đò. Ngoài một vài người qua sông là khách qua lại, còn phần đông là những người mua bán gánh gồng trở về nhà sau phiên chợ. Dọc theo bờ sông Côn bên An Thái, người ta phơi những hàng bún Song Thằn trên những vỉ tre chạy dài trên bãi cát trong cái nắng và gió man mác. Đò đưa chúng tôi qua sông. Con đò chở nặng vẫn êm xuôi lướt nhẹ và cập bến dưới hàng tre lao xao rợp mát gió hè.
           Lần đầu tôi đến đây và những lần sau này cũng vậy, lúc nào tôi cũng thấy con sông êm ả, tĩnh lặng, hiền hòa. Dòng sông lững lờ trôi từ từ nhẹ nhàng. Hai bên bờ sông những hàng tre xanh cao vút soi bóng xuống mặt nước. Không gian yên tĩnh đến nỗi có thể nghe rõ tiếng chim hót ríu rít trong khóm lá và cả tiếng gió thổi rì rào qua rặng tre. Tiếng khua động mái chèo của chiếc thuyền nhỏ xuôi dòng và thỉnh thoảng vang lên tiếng xao xác gà gáy trưa hay tiếng gà nhảy ổ từ xóm nào đó ở phía bên sông vọng lại nghe xa vắng mênh mông.
           Có những mùa hè tôi về quê, sông Côn vào mùa cạn nước có đôi chỗ trơ ra bãi cát vàng trắng óng ánh bên cạnh những vũng nước chảy lấp lánh dưới ánh mặt trời. Không cần phải đi đò, chúng tôi đi bộ qua sông. Chỗ đi, chỗ lội nước. Tiếng lạo xạo của đôi bàn chân xát vào cát, tiếng khua chân lội bì bõm làm nước bắn lên tung tóe ướt cả đôi ống quần nghe sao mà thích quá!
 Buổi chiều, sông Côn như dịu dàng hơn. Mọi người trong làng sau một ngày vất vả với công việc, đổ dồn ra ven sông. Người ngồi hóng mát, người thì xúm xít bên nhau nói chuyện, người tắm, người giặt, trẻ em đùa nghịch, nô giỡn với làn nước mát… tiếng lao xao vang vang cả một khúc sông. Trên bầu trời, một vài con diều bay lượn. Hoàng hôn nhẹ nhàng buông. Từng đàn cò trắng thong thả bay ngang. Từng đàn chim ríu ra ríu rít gọi nhau về tổ. Ôi, một vùng quê hiền hòa và thanh bình.
         Tôi không biết sông Côn bắt nguồn từ đâu? Nhưng khi dòng sông chảy qua miền đất An Thái-An Vinh thì nước sông dường như trong xanh và trôi êm ả nhẹ nhàng hơn.
Má chồng tôi thường nói rằng, khi xưa sông Côn được mọi người xem như là dòng sông của võ nghệ. Truyền thống đó được lưu truyền từ đời ông, đời cha…cho đến sau này. Ba anh em nhà Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ cũng đến An Thái tìm thầy học võ. Ông chú trong họ thì nói rằng:
      - Người dân ở đây, thường theo học võ. Vì họ cho rằng học võ là để tự vệ, là để bảo vệ cho chính nghĩa, bảo vệ cho công bằng, lẽ phải trừ khử đi thói gian tà, cường hào ác bá… Ngày xưa ai cũng học võ. Nhà nhà học võ. Người người học võ. Người này biết truyền cho người kia. Người biết dạy lại cho người chưa biết và cứ thế lưu truyền lan rộng khắp nơi. Tiếng lành đồn xa, có nhiều người từ khắp mọi nơi đến đây tìm thầy học võ. Những buổi chiều hay những đêm trăng rủ nhau ra sau vườn, ra sân trước nhà hay tìm những khoảng đất trống…để cùng nhau luyện tập võ nghệ.
An Thái nhìn qua An Vinh nhìn lại, cách nhau đôi bờ sông Côn. Hai làng đều là hai làng võ nghệ. An Vinh nổi tiếng về quyền còn An Thái ngoài võ cổ truyền còn nổi tiếng giỏi côn, võ của người Tàu.
      Má còn nói rằng:
        - Bây giờ thì hai làng An Thái, An Vinh hòa bình, đi lại vui vẻ với nhau chứ trước đây thì “kình” nhau dữ lắm! Cũng chỉ vì võ nghệ, ai cũng cho rằng võ của làng mình là cao cường hơn cả. Nên mấy ông, mấy bà tranh nhau không ai chịu thua ai. Trai hay gái đều đua nhau đi học võ rồi cùng nhau thi đấu hay so tài cao thấp…nhiều hôm, mùa nước cạn đem nhau ra thi đấu giữa dòng sông Côn nơi giáp ranh của hai xã An Vinh và An Thái. Hai bên đứng thành hàng dài, đốt đuốc sáng trưng, chiêng trống khua ầm ĩ, tiếng cổ vũ vang dội…
         - Nhưng rồi bên nào thua bên nào, má?
         - Wý dô! Kẻ tám lạng, người nửa cân. Có ai hơn ai đâu? Nhưng vui lắm! Những hôm như thế thì cả làng, cả xóm không ai ngủ, thao thức, bàn tán suốt đêm…Sáng ngày mai ra đồng làm công chuyện đâu có nổi! Nhưng rồi ý chí quyết thắng, quyết đấu lại cứ hun đúc, sôi sục trong lòng mọi người. Và cứ như thế lại lao vào tập luyện võ nghệ. Đi từ đầu làng đến cuối xóm, đâu đâu cũng nghe bàn tán về các thế võ.
        - Nghe ông bà ta nói lúc xưa trong làng mình có mấy cô con gái võ nghệ cao cường lắm không kém gì con trai bên An Thái phải không má?
Má gục gặc đầu, hai con mắt như sáng bừng lên và giọng má trở nên hùng hồn :
         - Ừa, làng mình nhiều người con gái giỏi võ lắm, không kể xiết! Lúc xưa nổi tiếng nhất là cô Tám Cảng con gái ông Hương Mục Ngạc, võ nghệ tinh thông vô cùng không ai địch nỗi. Vì vậy mới có câu truyền: “Trai An Thái, gái An Vinh”.
            Má còn nói:
          - Bây giờ thì trong làng cũng có các lò luyện võ nhưng phong trào không còn cao như lúc xưa nữa…  
           Đêm xuống, ngồi lại với dòng sông nhất là vào những đêm trăng tròn. Mặt trăng sáng tỏ soi rõ mọi cảnh vật. Sông Côn sáng rực lấp loáng gờn gợn dưới ánh trăng. Tiếng rì rầm của dòng sông như âm vang đâu đó tiếng chiêng, tiếng trống cùng với tiếng roi quyền vun vút, tiếng gươm khua hòa cùng tiếng gió thổi như nhắc nhở mọi người nhớ lại một giai đoạn lịch sử oanh liệt xưa kia. Văng vẳng trong đêm tiếng chuông công phu của một ngôi chùa cổ xa xa trong làng ngân vang như tiếng thở dài luyến tiếc cho vang bóng một thời!
            Vùng đất vang danh là võ nghệ nhưng cuộc sống người dân ở đây thì lại rất hiền hòa, bình dị. Tính tình mọi người chất phác, mộc mạc. Quê hương miền Trung “xứ dân gầy” quanh năm vất vả với ruộng đồng . Mùa hè dòng sông hiền hòa là thế, nhưng đến mùa lũ, dòng sông mạnh mẽ dữ tợn vô cùng như đang ra những đường quyền, những thế võ, những lằn roi vun vút…nước sông từ trên thượng nguồn cuồn cuộn, ào ạt đổ về. Dòng sông réo rắt âm vang, nước chảy xiết đục ngầu như cuốn phăng tất cả mọi vật… Cơn thịnh nộ tưởng chừng như kéo dài không dứt...
          Những lúc cuồng phong bão táp là lúc sông Côn đã bồi đắp phù sa vào những xóm làng, vào hai bên đồng ruộng làm cho đất đai mầu mỡ, cây cối xanh tươi. Uống nước sông Côn vào, con người ở đây trở nên mạnh mẽ, dũng khí. Tinh thần, ý chí càng quật cường , bất khuất...
          Thời gian rồi cũng sẽ đưa lần lượt mọi người về với lòng đất. Những người thân của tôi đã nằm xuống nơi này.
            Mùa hè 2008, tôi trở lại Tây Sơn một mình trong tâm trạng nhìn cảnh nhớ người.
                      (Em) về Tây Sơn buổi trưa
                       Chợ Phú Phong vắng người
                       Mấy túp lều ngái ngủ
                      (Em) đứng bần thần góc phố chợ
                       Có phải đất này là nơi mẹ sinh (anh)?
                       Phố huyện nghèo bên bờ sông Côn
                       Mẹ buôn bán tảo tần nuôi (anh) khôn lớn…
          Sông Côn bao đời vẫn thế, vẫn trôi xuôi dòng…Vẫn biết rằng, cuối cùng, tất cả dòng sông rồi cũng quay về với biển cả nhưng trước khi hòa vào với đại dương bao la, dòng sông không quên để lại bao hương vị, bao tinh túy tốt đẹp cho miền quê này.
Không biết tự bao giờ, tôi yêu con sông Côn êm đềm. Cũng có thể nơi đây đã sinh ra một nửa của tôi? và cũng có thể là nơi mà tôi đã đến và được gặp những con người hiếu khách dễ mến hiền hòa? Hay tôi nể phục những con người có tinh thần thượng võ, có khí phách kiên cường dũng cảm?
           Nhân dân ta có truyền thống chống giặc ngoại xâm từ bao đời nay. Chúng ta tự hào về ông cha ta là những con người anh hùng dũng cảm, một thời đã đứng lên chống giặc làm nên biết bao chiến công oanh liệt lẫy lừng, góp phần vào trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Trong đó có sự góp sức của những con người nông dân quanh vùng sông Côn.
                       Tây Sơn
                       Quê hương của người anh hùng áo vải
                       Nơi chén rượu nhấp môi nồng đến cháy
                       Nơi quanh năm chim mía gọi nhau về
                       Nơi (em) có (anh) và có bạn bè
                       Nơi nước sông Côn không bao giờ ngừng chảy
                       Như nhớ thương của (em) đi về nơi đó mãi
                       Xin một phần đời ở lại với Tây Sơn.
                                                (Về Tây Sơn-Thuận Hữu).
Qui Nhơn, Tháng tư 2014.
IRENE  

LY RƯỢU MỪNG XUÂN

                   Ngoài sân, hoa mai nở vàng báo hiệu mùa xuân đang đến!          Mùa xuân được xem là mùa khởi đầu. Mùa xuân khí...