Ngày tháng cũ.
Chiếc xe Lam chạy ì ạch , ì ạch qua chiếc cầu sắt ,
tiếng động cơ nổ ầm ầm nhả theo sau là một làn
khói đen , cuốn theo bụi đỏ mù mịt . Mùi xăng dầu ,
hơi người , khói bụi không khí ngột ngạt làm cho
những người ngồi trong xe , ai cũng mệt lả cả người .
Từ lúc xe chạy đến giờ đã hơn hai tiếng đồng hồ ,
đường xấu , toàn ổ gà , đoạn đường từ Phù Mỹ
đến Hoài Nhơn hư hại rất nhiều , có những chiếc
cầu bị mìn giật sập nên đường đi vòng vèo lại
càng khó khăn nhất là đoạn đường qua Bình
Dương lòng đường hằn rõ dấu vết bom mìn cho
thấy nơi đây chiến sự diễn ra rất khốc liệt .
Xe tha hồ lắc lư bên này , lắc lư bên kia , xốc lên , xốc xuống , có nhiều chỗ xe đang chạy
bỗng sụp hố , hất tung tất cả đồ đạc , hành khách đụng đầu lên trần rồi rớt bịch xuống sàn
chõng chơ , chưa kịp ngồi dậy chiếc xe lại nghiêng mạnh khiến một số người va đầu vào
thành xe đau điếng :
- Chạy xe gì kì vậy , bác tài ơi ! Một hành khách nào đó la to lên .
- Bà con thông cảm ! chỗ này đường xấu lắm ! giọng ồ ồ của bác tài đáp lại .
Thôi để chắc ăn , ai cũng thủ cho mình bằng cách nắm chắc các thanh sắt ngang , dọc của xe
để được an toàn .
Suốt cả đoạn đường , cô ngồi lặng im , cô vừa mệt , vừa lo lắng, không biết nơi mình đến , ngôi trường mình dạy như thế nào ? Vào trường sư phạm, mang theo bao nhiêu hoài bão với cái nghề mà mình chọn ,
bây giờ tốt nghiệp ra trường cô hăm hở lên đường đi dạy học . Hai năm học ở trường Sư phạm có thể nói đó là thời gian tuyệt vời nhất của thời đi học . Môi trường học khác vớí trường Phổ thông , không gian sinh hoạt cũng thoải mái hơn tạo cho con người nhiều mơ mộng và đầy lí tưởng .
Trường Sư Phạm Quy Nhơn rất đẹp ! Ngôi trường nằm quay mặt ra biển quanh năm nghe tiếng sóng
vỗ rì rào và gió thổi mơn man . Bước qua cánh cổng sắt bên trong là một không gian xanh mát : Hàng
dương liễu xanh rì vi vu theo gió , vườn hoa sứ nở trắng cả một vùng tỏa hương thơm ngào ngạt ,
những cây bông giấy với những chùm hoa đủ màu đỏ , tím , cam , trắng thấp thoáng đung đưa sau
những tán lá xanh , những đóa hoa vàng anh nở vàng rực rỡ .
Sáng nào đi học sớm , cô cũng thường đứng dọc theo hành lang của Hội trường để ngắm sân trường
khi sương đêm vẫn còn đọng lại trên nhành cây ngọn cỏ cho đến lúc mặt trời rải nhẹ nắng vàng xuống
mọi cảnh vật . Cô yêu ngôi trường này , yêu con đường dẫn đến trường , yêu những bậc thềm , ghế
đá công viên , yêu những hành lang hun hút dẫn về khu Nội trú . Yêu những ngày mưa , tháng nắng .
Yêu những ngày hè rộn rả tiếng ve , những lúc đông về rét buốt và rồi xao xuyến , bồi hồi khi thấy những chiếc lá vàng rơi báo hiệu mùa thu sang hay tâm hồn phơi phới khi hoa xuân khoe sắc . Nơi đây còn ghi dấu
biết bao nhiêu kỉ niệm với thầy cô , với bạn bè , với những tình cảm rung động đầu đời … Những giờ
học đa dạng : Có lẽ không thể nào quên được những ngày , tháng hăng say tập dợt các tiết mục hát ,
múa , kịch …rồi hồi hộp chuẩn bị để trình diễn các tiết mục đó trong các đợt thi đua văn nghệ . Thú vị
sao những cuộc đi thực tế về vùng nông thôn của môn Giáo Dục Cộng Đồng . Miệt mài tìm kiếm tài
liệu để làm Chủ điểm ra trường và làm sao không khỏi căng thẳng , bỡ ngỡ của buổi ban đầu tập làm
thầy giáo , cô giáo trong những giờ dạy ở trường Sư Phạm Thực Hành . Nghĩ đến đây cô bỗng mỉm
cười vì nhớ lại câu chuyện của cô bạn học ở nhị 4 kể : Hôm lần đầu tiên lớp cô ấy cử một bạn tập làm
thầy giáo còn cả lớp sẽ làm học trò . Hôm chọn , ai cũng ngại ngùng nên anh lớp trưởng chưa biết
phải làm thế nào ? thì từ phía cuối lớp một cánh tay giơ lên xung phong , đó là anh Trần Tiên Lương .
Mọi người thở phào nhẹ nhỏm .
Vào tiết học , có lẽ anh Lương là người lo lắng nhất .Hằng ngày trông anh ăn mặc cũng bình thường .
Hôm nay , rất chỉnh tề anh thắt cái cà vạt nổi bật trên cái áo chemise trắng tinh , áo bỏ vào quần ủi
thẳng li trông rất trịnh trọng ra dáng một giáo viên thực thụ. Anh dạy môn Quan sát , bài “ Con ếch ’’ .
Anh Lương bắt đầu giới thiệu bài bằng câu hỏi :
- Các em có biết con ếch sống ở đâu không ?
Anh nhìn xuống các bạn , không có một cánh tay nào giơ lên . Anh hỏi lại :
- Em nào biết con ếch sống ở đâu ? Lớp học vẫn yên lặng ,
các bạn ai cũng mở to mắt nhìn anh trân trân , một giây , hai giây , ba giây … anh Lương bắt đầu luống cuống , luống cuống rồi luýnh quýnh cuối cùng anh lắp bắp :
- Con ếch…con ếch…nó sống ở hào ô . Thay vì nói con ếch sống ở hồ ao , anh lại nói lái .
Cả lớp lúc bấy giờ vỡ òa ra , ôm bụng cười rủ rượi .
Từ đó , anh Lương có biệt danh : “ Lươn(g) hào ô .’’Cho đến bây giờ , đã mấy chục năm rồi mà mỗi
khi bạn bè có dịp gặp lại nhau vẫn gọi anh với cái tên thân thương như thế !
Khóa cô học là khóa 11 ( 1972-1974 ) , có khoảng trên 500 giáo sinh . Hôm chọn nhiệm sở để lại cho
cô và bạn bè một ấn tượng khó phai về sự rõ ràng , minh bạch , công tâm . Tất cả giáo sinh vừa tốt
nghiệp tập trung tại Hội trường . Danh sách của các Ty Giáo Dục với số lượng yêu cầu sẽ niêm yết ,
công khai để cho các tân giáo viên biết mà chọn lựa . Người điều khiển đọc danh sách tên từng giáo
sinh tốt nghiệp từ cao đến thấp . Lần lượt từng người sẽ lên nói vào micro : Tôi xin chọn nhiệm sở là
Ty Giáo Dục … trước sự chứng kiến của mọi người và nhận ngay sự vụ lệnh . Khi một Ty GD nào đó đã hết chỗ , thì người thư kí tuyên bố cho mọi người biết , cứ lần lượt như thế cho đến người cuối và nhiệm sở cuối cùng . Cầm sự vụ lệnh trên tay mọi người sẽ về các ty giáo dục . Nơi đây , sẽ có một buổi tập trung chọn trường , cách chọn cũng niêm yết cho biết tên các trường rồi cũng chọn lần lượt vị thứ từ cao đến thấp .
Sự công bằng trong việc chọn nhiệm sở cộng với những lời thầy cô giáo giảng dạy xuyên suốt hai năm học và lời thầy hiệu trưởng Trần Văn Mẫn in sâu trong mỗi người giáo viên trẻ : Các anh chị là những người đem ánh sáng đến khắp mọi nơi từ đồng bằng đến cao nguyên , từ miền sơn cước đến hải đảo . Phải xác định đi bất cứ nơi đâu tổ quốc cần .
Ngày đi nhận nhiệm sở, ba của cô cũng như má Cảm nhất định phải đi cùng hai đứa. Xe bắt đầu vào thị trấn Bồng Sơn , đây là lần đầu tiên cô đến nơi này , cô nhìn thấy cái gì cũng lạ vì từ nhỏ đến giờ cô có đi đâu xa . Qua chiếc cầu sắt dẫn vào con đường phố chính nằm ngay trên đường Quốc lộ , hai bên nhà cửa lổ nhổ , loang lổ , cũ kĩ : cái thì cao , cái thì thấp , cái lồi ra cái thụt vào . Nhiều nhà chẳng có cửa nẻo , có nhà thì đổ nát , không ai ngó ngàng sửa chữa gì cả . Trên những vách tường còn in rõ dấu bom đạn . Ai cũng biết ,mùa hè đỏ lửa 1972 , nơi đây hai bên giao tranh diễn ra rất khốc liệt , cả thị trấn hoang tàn , nên mọi người bỏ đi hết . Bây giờ tình hình hơi yên bình người dân lục đục trở về lại , nhưng họ vẫn còn dè dặt nghe ngóng , vẫn còn sợ nên chẳng dám xây dựng , sửa sang nhà cửa gì cả .
Theo ý của ba cô và má của Cảm thì xe sẽ đến Tam Quan để Cảm trình diện nhiệm sở trước . Sau đó , trên đường trở lại Bồng Sơn thì ghé trường của cô sau .
Trường của Cảm dạy là trường Tiểu học Hoài Thanh nằm ngay
đường Quốc lộ . Cảm trình diện và nhận lớp dạy . Sau đó , xe quay
lại Bồng Sơn , đến dốc Hội Đức thì đến trường của cô . Phải đi
xuống con đường đất đỏ , hai bên là đồng ruộng mới vào trường .
Ngôi trường mới xây nằm trên một khoảng đất trống giữa cánh
đồng , xung quanh không có nhà dân , thôn xóm ở tận dưới chân
đồi phía xa .Trường sơ cấp nên chỉ có ba phòng học . Hôm chọn ,
Thạch , anh bạn cùng lớp và cũng là dân ở địa phương nói với cô
rằng : - Ren chọn Hội Đức đi , trường mới xây cách đường lộ
không xa . Nên cô đã chọn trường này .
Cô trình diện thầy hiệu trưởng . Thầy là người ở địa phương nên
việc quản lí rất thuận lợi . Thầy phân cho cô đảm nhận lớp hai còn
ông dạy lớp một và lớp ba . Thầy hiệu trưởng hẹn cô đầu tuần sau
đến dạy .
Về đến nhà trọ , thì trời đã trưa . Sau khi gởi gắm cho ông bà
chủ nhà , ba của cô và má của Cảm về lại Qui Nhơn .
Buổi chiều , trong căn phòng trọ hai cô hết nằm lại ngồi
bó gối trên giường nhìn xuống phố tâm trạng buồn , nhớ nhà ,
cũng may là có hai đứa nói chuyện qua lại cho nên cũng đỡ buồn .
Bỗng Cảm ngồi bật dậy :
- Thôi , hai đứa mình đi xuống phố cho biết , rồi ghé đến nhà
Loan và Vân chơi .
Hai cô sửa soạn rồi bước ra khỏi nhà , qua một cái dốc là xuống phố , nói là phố chứ thật ra lèo tèo vài ba nhà mở quán , cái thì quán cafe , cái thì bán tạp hóa , tiệm bán thuốc tây , tiệm thuốc bắc , quán cơm , quán phở … vì nhà cửa không được sửa sang nên quán nào cũng trông nhếch nhác tạm bợ ! Một chiếc xe jeep của lính chạy ào qua để lại đằng sau một đám bụi đỏ . Hai cô đi qua một ngôi trường , Cảm chỉ cho cô rồi bảo : - Lúc trước đây là trường trung học Tăng Bạt Hổ Bồng Sơn , sau khi hai bên giao tranh . Bên này chiếm đóng , bên kia đánh lại tái chiếm , cứ như thế . Mọi người thì bỏ đi hết nên trường Tăng Bạt Hổ cũng dời vào Quy Nhơn . Cô nhìn vào ngôi trường hầu như đổ nát , chỉ còn lại cái sườn , bây giờ thì một đơn vị lính đóng . Thấy hai cô đi ngang qua , mấy người lính đứng trước cổng đùa :
- Chào hai cô ! Cô Cúc ơi ! Cô Huệ ơi ! Cô Lan ơi ! Cô Hoa ơi …
- Gọi đến chiều cũng không trúng tên hai đứa mình hén!Cảm quay sang nói với cô .
Thấy hai cô đi không quay đầu lại , thôi họ không gọi nữa . Đi một đoạn nữa thì đến nhà Loan và Vân ( Loan ,Vân học cùng khóa và cùng ra trường một lượt ). Ngôi nhà Loan Vân ở phía cuối phố . Các cô gặp lại nhau mừng vô cùng . Ngồi chơi , nói chuyện thật vui , Loan thông báo cho biết là tối nay họp mặt các thầy cô giáo khóa 11 mới ra trường tại nhà Thanh Bình .
Buổi tối ăn cơm xong , hai đứa đến nhà của Thanh Bình và Phan Trần Hội để gặp các bạn . Khóa của cô đi dạy ở đây khá đông : sáu người dạy ở trường Hoài Đức , bốn người dạy ở An Tây , An Đông , ba người dạy Hoài Tân một số người dạy Tam quan …Tuy mọi người ra đi dạy ở một nơi mà chiến sự diễn ra rất sôi động nhưng không thấy ai kêu than hay có ý bỏ dạy , ai cũng chấp nhận , ai cũng tha thiết với nghề . Buổi gặp vui vẻ , Bình , Hội , Loan , Vân , Huân , Cảm , Ren những cô giáo trẻ trung , vui tươi . Thanh , Rang , Dư , Trạng , Thạch …những thầy giáo chững chạc , vững vàng , tất cả ở lứa tuổi hai mươi , đều trẻ , đều độc thân và đầy tâm huyết .
Cảm đã đi dạy , cô thì đầu tuần sau mới đi nên cô quyết định ra Quảng Ngãi thăm chị , chị của cô học khóa 10 , ra trường đi dạy trước cô một năm . Cô xách vali leo lên chiếc xe đò , xe từ từ rời bến . Hai bên đường , nhà cửa thưa thớt , chiến tranh nên ruộng đồng bỏ hoang , thỉnh thoảng lắm mới thấy một vài đám ruộng xanh tươi , càng gần đến Tam Quan thì dừa càng nhiều , cô trông thấy nhiều cây gãy đổ nhưng hàng loạt những cây dừa khác vẫn sừng sững vươn cao xanh rì , cho thấy cây dừa có sức sống mãnh liệt trước bom đạn . Càng gần đến Sa Huỳnh xe tự nhiên chạy chậm lại . Cô thấy mọi người trong xe im lặng hẳn nhưng cặp mắt ai cũng nhìn dáo dác hai bên đường . Một bên là đồi núi cây cối um tùm , rậm rạp , phía bên kia là biển . Xe chạy từ từ , bỗng từ đâu xuất hiện một tốp lính đứng dàn hàng ngang chặn đầu xe , bác tài xế vội thắng xe lại , anh xế phụ lật đật nhảy xuống không biết họ nói với nhau những gì ? rồi một người lính bước lên xe nhìn mọi người , khi thấy toàn phụ nữ anh quay trở xuống . Sau đó , một anh trung úy bước lên có lẽ đây là người chỉ huy của cả nhóm . Anh ta đi xuống cuối xe , trong xe phần đông là người dân ở nông thôn làm nghề nông hay mua bán họ mặc đồ bộ hoặc bà ba chỉ có cô là mặc áo dài , khi quay lên đến chỗ cô anh ta dừng lại giọng nhã nhặn :
- Mời cô xuống xe cho tôi có chuyện cần muốn nói với cô một chút , còn những người khác cứ ngồi trên xe chờ .Cô điếng người , sợ quá ! cô nhìn quanh , nhìn quất ánh mắt cầu cứu nhưng trong xe toàn phụ nữ và người già . – Làm sao bây giờ ? Cô nghĩ thầm . Bỗng đột nhiên anh ta quay người lại :
- À ! mà thôi , cô cho tôi hỏi : - Xin lỗi , cô đi đâu đây ?
- Dạ …tôi đi Quảng ngãi… cô trả lời với giọng run run.
Thấy cô nói giọng Huế khác với dân địa phương , anh ta nói :
- Cô người Huế, cô làm nghề gì ? ra Quảng Ngãi làm gì vậy ?
- Dạ , tôi đi dạy , ra thăm chị . Cô trả lời như một cái máy trong khi tim đập thình thịch.
Nhìn vẻ mặt non nớt sợ hãi của cô , anh ta mỉm cười , định nói với cô vài câu nữa nhưng anh xế phụ đứng bên cạnh nói nhỏ gì đó vào tai nên anh ta quay trở xuống và nói vói lại với cô :
- Hôm nào tôi sẽ còn gặp lại cô tại Bồng Sơn .
Một lát sau , xe tiếp tục chạy , mọi người trên xe thở phào nhẹ nhõm riêng cô vẫn chưa hoàn hồn ,một người ngồi sát cô nói:
- Vùng này không được an ninh , tên bay đạn lạc là thường cô ơi! thiệt khổ!
- Ở đây , ngày thì mấy ông lính Cộng Hòa tối thì mấy ông trên núi xuống , sống trong thời chiến chỉ có người dân là khổ .
- Con đừng sợ , thấy con là con gái , anh ta giỡn đó , chớ bắt con xuống làm gì? Bà cụ ngồi phía trước nói với cô như trấn an , cô nhìn bà với ánh mắt biết ơn . Bây giờ cô mới đỡ sợ đôi chút .
Từ bé đến giờ sống trong sự bảo bọc và tình yêu thương của ba mẹ , cô chỉ lo học hành , không bị ai bắt nạt hay uy hiếp còn đối với cuộc chiến này , cô chỉ nghe chứ chưa bao giờ được chứng kiến . Bây giờ , đi dạy một nơi ở tận địa đầu giới tuyến , đương nhiên cô phải thấy , phải đối mặt với những thảm khốc , kinh khủng nhất xảy ra hằng ngày do chiến tranh gây ra .
Chị của cô thấy em ra thăm thì mừng lắm , ôm em đưa em vào nhà . Sau khi nghe cô kể chị vừa mừng , vừa lo : mừng là em ra thăm và không có gì xảy ra cho em , lo là đoạn đường em phải quay trở lại Bồng Sơn . Buổi chiều ,hai chị em đi dạo phố Quảng Ngãi , đến nhà những người bạn tất cả đều là giáo viên , đa số là ở xa đến đây sống rất vui vẻ , mọi người đều hỏi thăm , cô thấy vui hẳn lên không còn u buồn nữa . Buổi tối nằm bên chị nói chuyện đến khuya , lạ chỗ nên cô khó ngủ vừa chợp mắt thì trời đã sáng .
Cô quay trở lại Bồng Sơn , Chị cô không cho cô về một mình nên gởi một anh bạn về Quy Nhơn trên cùng một chuyến xe , anh ấy cũng là giáo viên . Nhờ có anh ấy nên cô yên tâm không còn lo ngại và về đến nơi an toàn .
Sáng nay , cô bắt đầu đi dạy . Chiếc xe lam chạy chậm dần , chậm dần rồi dừng lại dưới con dốc Đệ Đức , cô xuống xe rẽ xuống một con đường đất đỏ . Ánh nắng ban mai trãi nhẹ xuống cảnh vật . Hai bên đường là những ruộng lúa xanh rì , thỉnh thoảng có những khe nước chảy ngang qua trong vắt trông thấy rõ cả những con cá lòng tong nhỏ xíu , tung tăng bơi lội . Một vài con cua đồng bò ngang qua rồi chạy nhanh lẫn vào trong đám ruộng . Gió từ trên đồi thổi xuống , từ dưới cánh đồng đưa lại mang theo hơi hướng của đồng nội . Cô thấy mát mẻ , dễ chịu , không gian khoáng đảng trong lành . Quang cảnh thật thanh bình nếu như đừng có những tiếng súng nổ rền vang , vọng lại từ bên kia đồi .
Cô bước vào lớp , mở toang các cánh cửa , ánh nắng ban mai len qua cửa sổ òa vào phòng , lớp học bừng sáng . Học sinh lũ lượt đi học . Các em đa số mặc áo quần lếch thếch , nước da em nào cũng đen nhẻm , thấy cô giáo mới chúng trố mắt ra nhìn . Chờ cho học sinh đến đông đủ , cô mới sắp xếp chỗ ngồi . Cô tự giới thiệu về mình rồi lần lượt đọc tên điểm danh từng học sinh . Mọi bỡ ngỡ , ngại ngùng , e dè …của học trò lẫn cô giáo rồi cũng qua đi nhường chỗ cho những bài giảng đầu tiên đầy tâm huyết của một cô giáo trẻ mới ra trường . Các em học sinh cảm thấy như được thổi vào người một luồng không khí mới . Cô giáo đã đem đến cho bầy trẻ một niềm tin . Những cặp mắt mở to chăm chú lắng nghe cô giáo giảng bài , những cánh tay giơ cao , những câu trả lời dõng dạc . Tiếng giảng , tiếng đọc bài , tiếng hát vang xa , vang vang cả vào trong làng, làm cho cả thôn xóm như bừng dậy một sự yên bình nhưng tràn đầy sức sống . Buổi học kết thúc , cô và học sinh ra về , học sinh như lưu luyến , lẩn quẩn đi theo cô thành một đoàn dài , chúng theo ra đến đường lộ, cô mỉm cười với chúng . Thấy cô vui vẻ , môt em làm dạn hỏi :
- Thưa cô , nhà cô ở đâu ?
- Nhà cô ở ngay đầu cầu Bồng Sơn , quán ăn Lưu Ý .
Ra tới đường lộ , học sinh chờ cô giáo lên xe rồi chúng mới tản mác về nhà .
Buổi chiều không đi dạy , hai cô ở nhà nằm đọc sách . Cảm bật dậy :
- Ren ơi ! Dậy đi ! Hai đứa mình đi chơi .
Cô trở mình , uể oải hỏi :
- Đi đâu ?
- Cứ đi rồi sẽ biết . Cảm làm ra vẻ bí mật . Thật ra quê của
Cảm là ở đây nên Cảm biết rõ mọi nơi và có nhiều bà con quen biết .
- Ừ đi thì đi .
Cảm đèo cô trên chiếc xe đạp mượn của bác chủ nhà đi lên phía Trung Lương , Phụ Đức . Buổi chiều , mặt trời đã ngả về phía tây , nắng đã dịu , chiếu xiên qua những hàng cây . Đường đi hai bên tre mọc xanh tươi che rợp , gió từ xa đưa lại mát mẻ dễ chịu . Bỗng Cảm dừng xe lại , cô ngạc nhiên :
- Sao thế Cảm ?
- Hai đứa mình ăn bánh dây , một đặc sản của nơi này .
- Ngon không ? Cô lưỡng lự vì chưa thấy đói .
- Cứ ăn rồi biết !
Cô bật cười vì thấy Cảm lặp đi lặp lại : Cứ đi rồi biết ! - Cứ ăn rồi biết !
Cái quán nhỏ ở bên đường , hai cô ngồi trên những cái ghế gỗ . Bà bán hàng làm hai dĩa , thấy cô cầm đũa cứ lật lật lên nhìn , Cảm vừa ăn vừa nói với bạn :
- Bánh dây này là làm từ gạo ngâm với tro , xay thành bột rồi
làm thành từng vĩ tròn …
Không biết Cảm lấy thông tin từ đâu nhưng nói rành rẽ . Cô nhai thấy sợi bánh dây sực sực , dai dai mùi dầu dừa phi hành trộn với hẹ quyện với các rau thơm , với đậu phộng beo béo , hòa với nước mắm tỏi ớt chua ngọt thấm tháp thêm cái giòn tan của bánh tráng nướng tạo thành một món ăn đủ các vị : giòn , dai , béo , thơm , ngọt , chua , cay . Một món ăn dân dã nhưng rất đặc biệt , rất ngon và khó quên . Ăn xong , hai cô lên xe đi tiếp . Cảm dẫn cô đến một ngôi nhà của một người bà con . Ngôi nhà nằm lọt trong một vườn cây trái xanh rì : nào chanh , cam , bưởi , mận , ổi , dừa … Cảm chỉ những trái bưởi đung đưa trên cành :
- Đây là trái bòng nổi tiếng của Bồng Sơn .
Nó giống hệt như trái bưởi nhưng khi ăn , nó không nhiều nước như bưởi Biên Hòa , nó không ngọt thanh như thanh trà của Huế , không đăng đắng như các giống bưởi khác mà khi ăn ta thấy nó giòn giòn , nước ngọt mát có cái mùi thơm thơm của bưởi khiến người ăn cảm nhận cái hương vị dễ chịu , cô được ăn nhiều loại bưởi nhưng phải thừa nhận trái bòng của Bồng Sơn có vị ngon rất đặc biệt , rất đặc trưng .
Một buổi sáng , thức dậy cô nghe tiếng súng nổ liên hồi từ xa vọng lại , bác chủ nhà nói với cô :
- Hôm nay , hai bên đánh nhau lớn lắm !
- Vậy hả bác ?
Ăn sáng xong cô và Cảm đi dạy , gần đến trường cô ra hiệu cho bác tài dừng xe , bác nói giọng lo lắng :
- Cô giáo ơi ! hôm qua đến giờ chỗ này giao tranh dữ lắm ,cô xuống đây coi chừng nguy hiểm !
- Bác cứ cho cháu xuống đây ! Cô quả quyết .
- Thôi được , cô xuống nhanh cho !
Bác tài cho xe giảm tốc độ đủ để cô có thể bước xuống xe rồi ông cho xe vọt nhanh như chạy trốn . Vẫn con đường dẫn đến trường nhưng sao hôm nay không có một bóng người . Cô ôm tập vở bước nhanh đến trường . Trên đồi , tiếng pháo bắn đi nghe ào ào . Ngôi trường vắng hoe không có ai, chỉ nghe tiếng gió thổi lao xao qua hàng cây sau trường . Cô đứng tần ngần một lát rồi quay trở ra , chưa tới đường lộ , cô đã nghe thấy tiếng đạn réo chung quanh, tiếp theo sau là đùng đùng inh tai của những quả đạn pháo. Một tiếng rít chói tai xé ngang trên đầu cô rồi một tiếng nổ “ầm” đinh tai , nhức óc; một trái pháo nổ tung nơi chân đồi, phía trước mặt cô, cô thấy rõ cát bụi tung lên cao , văng ra xa cả một vùng , mùi thuốc súng tỏa ra khét lẹt . Một quả pháo nữa , lần này thì cô vội vàng nằm áp xuống bờ ruộng , một tiếng nổ lớn làm tai cô ù lên , cát đất văng lên cả người . Mãi một lúc sau , cô mới gượng đứng dậy được . “ Mình bị thương rồi ? ” Người cô lảo đảo ,đứng không vững . Cô cố gắng phủi hết cát bụi bám trên áo dài và lúc đó mới nhận ra rằng mình không hề bị thương nhưng vì quả pháo nổ gần quá nên cô tức ngực và cảm thấy choáng váng. Những khẩu pháo trên đồi bắn trả lại liên hồi làm rung chuyển cả mặt đất . Lúc này, cô càng nhận ra sự nguy hiểm đến với mình nên bước nhanh ra đường quốc lộ để đón xe . Tiếng súng cối bắn đi , tiếng pháo kích trả lại “đùng đùng , ầm ầm ” , tiếng nổ lúc xa , lúc gần , quả thì rớt xuống nổ trên đồi , quả rớt nổ sau dãy núi , có quả nổ dưới dốc , quả nổ sau hàng dừa , nổ trong thôn xóm hay trên ruộng đồng … Xung quanh cô chỗ nào cũng bị pháo . Súng đạn không tránh ai ? Thi nhau rớt xuống , thi nhau nổ , trúng ai thì người đó chết , người chết có thể là những người già , phụ nữ , trẻ em … họ là những người dân vô tội , những người không hề tham gia cuộc chiến này nhưng họ phải chết do “ bắn nhầm , pháo nhầm” . Không bên nào có lỗi cả , chiến tranh mà ! Vì thế , hai bên , chẳng bên nào nhường bên nào , cứ bắn , cứ pháo . Vũ khí từ Mỹ , từ Nga hay Tàu , mình cứ lấy của họ để mà bắn giết anh em mình . Cô đứng chờ một lúc lâu nhưng chẳng thấy chiếc xe nào trên đường cũng chẳng thấy bóng dáng một người nào cả . Cô bắt đầu thấy sợ nhưng chẳng biết trốn chạy vào đâu giữa đồng không cô quạnh . Cả một đoạn đường dài hơn một cây số , nơi cô đứng không có bóng dáng một mái nhà nào . Cho nên cô chỉ biết lấy hai tay ôm chéo tập vở trước ngực như bảo vệ cho mình . Giữa ban ngày mà cảnh vật xung quanh vắng vẻ đến ghê rợn , súng vẫn nổ , mùi thuốc súng , mùi tử khí bao trùm , dường như cái nguy hiểm lẩn quất đâu đây . Không biết súng nổ ráo riết như thế trong bao lâu ? Bỗng phía trước mặt , một đám cháy phía trong xa vì khuất sau hàng dừa nên cô không thấy rõ chỉ thấy lửa và khói bốc lên cao . Rồi từ sau các lùm cây ấy , xuất hiện vài chục người , toàn là đàn bà và trẻ em , mặt người nào cũng hốt hoảng , cứ hai người khiêng một cái cáng võng thành một đoàn dài , chạy vội vã , hấp tấp xuống phía xóm dưới xa tít . Những người theo sau , có người máu me đầy áo . Vừa chạy vừa khóc lóc thảm thiết . Hình như họ đưa những người chết hoặc bị thương đến trạm xá hay bệnh viện , những người khác thì lo chạy thoát khỏi vùng giao tranh , cô thấy thương họ , thương cho dân mình . Chiến tranh cứ leo thang như thế , thì người dân còn khổ . Cô không biết mình chờ đợi trong bao lâu ? Và súng nổ nhiều như thế nào ? nhưng khi thấy chiếc xe hiện ra trên con dốc thì hai chân của cô như khuỵu xuống , mừng quá đưa tay vẫy vẫy cho xe dừng nhưng chiếc xe không dám dừng lại , chạy vụt qua rồi mất hút bỏ mặc cô đứng bơ vơ bên đường . Tự nhiên hai dòng nước mắt lăn dài trên má , lúc này cô không còn cảm thấy sợ nữa mà chỉ còn cái cảm giác cô đơn một mình không một người thân quen ở bên cạnh . Cái cảm giác đó kéo dài cho đến khi một chiếc xe nữa xuất hiện , lúc này cô đưa cả hai tay vẫy như cầu cứu , như sợ nó chạy mất … xe dừng cô hấp tấp chạy đến bước lên xe, bác tài hối thúc :
- Nhanh lên cô giáo ơi ! Chỗ này không chiếc xe nào dám dừng đâu !
- Cô giáo không sợ hay sao , đứng giữa chỗ bom đạn ? Một người ngồi trên xe nói với cô .
Khi lên xe , cô mới nhìn thấy Cảm , cô mừng quá , ngồi sát vào bạn và thấy an tâm vì có bạn bên cạnh . Bây giờ , cô mới nở được nụ cười . Vài người trong xe bàn tán:
- Sáng nay hai bên đánh nhau dữ quá !
- Pháo kích xuống vùng này phải trên hai ,ba trăm quả .
- Chắc là có nhiều người chết lắm đây !
Cô đã nghe nhiều về chiến tranh qua radio , qua báo chí nhưng đây là lần đầu trong đời cô thấy và tận mắt chứng kiến những sự tàn khốc khủng khiếp của súng đạn , rồi những ngày sắp đến đây không biết mình sẽ ra sao ? Có được yên ổn , dạy dỗ đàn trẻ không ? Những dự định , sự lạc quan , hồn nhiên , vô tư yêu đời , bao nhiêu lí tưởng của nghề giáo trong cô hình như bay đi đâu mất .
Ăn cơm xong , cô và Cảm lên phòng nghỉ trưa . Cô vẫn chưa hết sợ hãi , cô kể lại cho bạn nghe cảnh súng đạn khủng khiếp sáng hôm nay . Bỗng một tiếng “ầm’’ làm rung chuyển cả nhà cửa:
- Cảm ơi , Ren ơi ! xuống hầm mau ! Pháo kích ! Bác chủ
nhà hét to .
Hai cô vội vã chạy xuống thang lầu , chui tọt vào hầm . Trong hầm đã có đầy đủ mọi người trong nhà . Ở đây , nhà nào cũng có hầm trú dã chiến làm bằng những bao cát để tránh pháo kích .Một quả pháo “ầm ” tiếng nổ gần quá làm đinh tai nhức óc , những cái chén bát trên bàn rơi xuống kêu loảng xoảng . Chưa kịp hoàn hồn , liên tiếp vài tiếng nổ nữa nhưng lần này nhỏ hơn . Một lát sau , không còn nghe tiếng pháo nữa , mọi người ra khỏi hầm . Cửa tiệm được mở ra , trước nhà cô ở đông người vì sát bên là cái Trạm xá của Quận , trông thấy cô và Cảm , Thanh bước đến gần ( Phan Văn Thanh là bạn cùng lớp với cô , cùng ra dạy Bồng Sơn , Thanh dạy trường An Đông ) . Thấy áo quần Thanh dính đầy máu , cô định hỏi thì Thanh nói với cô vẻ mặt chưa hết bàng hoàng :
- Buổi học chiều , chưa vào lớp thì một quả pháo rơi giữa sân trường trúng ngay chỗ học sinh đang nô đùa .
- Nhiều em bị thương không ? Cảm lo lắng hỏi .
- Mình không biết , vì mình vội bồng một em học sinh nặng
nhất chạy đến đây .
Sau đó , lần lượt hết người này đến người khác bồng các em bị thương đến , thấy máu me mà hãi hùng , cô nhìn vào bên trong , các em nhỏ đang nằm rên la cảnh tượng trông rất đau lòng . Các bác sĩ , y tá đang cấp cứu cho các em , ai nhìn cũng xót xa . Các em học sinh có tội tình gì đâu nhỉ ? Tự nhiên cô thấy trong người mình rất mệt , mồ hôi vả ra đầm đìa và cô muốn ngất đi .
Liên tiếp mấy hôm liền cô và Cảm nghỉ dạy vì hai bên giao tranh khốc liệt , tiếng súng , tiếng bom đạn vẫn nổ rền vang , đoạn đường đi đến trường bị gián đoạn , không một chiếc xe nào dám đi.
Thế nhưng không phải ở những nơi chiến tranh ác liệt như thế mà không có một nơi chốn yên bình . Sáng nay , thấy hơi êm tiếng súng . Cảm rủ bạn đến thăm một người bà con của Cảm . Cảm đèo cô đi vào những con đường đất nhỏ , dài tăm tắp , Sau một hồi thì đến nơi , nhà chỉ có hai ông bà cụ ở với nhau , con cái của họ , người thì đi lính tử trận , người thì chết vì mìn , người nào sống thì di tản vào thị xã . Thế nhưng người ở lại thì vẫn phải sống , vẫn phải hy vọng một ngày mai …Ngôi nhà bằng tranh , vách đất sạch sẽ , gió thổi mát mẻ , trước nhà là một vườn rau xanh tươi : Luống cải xanh tốt , xà lách xanh non , vồng rau lang , rau muống , hành hương , ngò , cà tím … Giàn mướp , bầu , bí xanh rờn , tất cả được chăm bón cẩn thận. Phía sau có hàng dừa bao bọc . Quang cảnh thật tươi mát và yên bình . Ông bà cụ thấy hai cô đến thăm mừng lắm ! Hỏi thăm về gia đình của hai cô , mời hai cô ở lại ăn cơm . Cảm và cô thấy ông bà mời quá nhiệt tình , sợ từ chối sẽ làm buồn lòng nên hai cô nhận lời ở lại . Dưới mái hiên nhà , bốn người quây quần bên mâm cơm đạm bạc , nồi cơm độn với mì lát , giữa mâm chỉ có dĩa rau muống luộc xanh non , chén mắm đục thơm lừng dằm trái ớt xanh vừa mới hái và tô nước rau bốc hơi nghi ngút nhưng sao cô thấy ngon chi lạ . Có lẽ , đó là bữa cơm ngon nhất mà cô được ăn . Ăn xong bà còn bưng ra một dĩa bánh xoài , bánh làm từ bột nếp , nhân đường , bên ngoài lăn bột khô , ăn thơm ngon , là lạ . Cô thấy vui thích vô cùng , thật đúng ! trong cuộc sống , có khi hạnh phúc đến với ta từ những điều bình thường , giản dị nhất . Nhìn ông bà nói chuyện , cô thấy họ có đòi hỏi điều gì đâu ? Họ chỉ tha thiết một cuộc sống thanh bình , sự an vui của những người thân , thế là đủ . Mà chiến tranh thì không buông tha cho họ . Cô định sau này có dịp mình sẽ quay trở lại ghé thăm ông bà , nhưng không phải lúc nào mình muốn là được , cô không còn có cơ hội nữa . Đến bây giờ , vài chục năm trôi qua mỗi khi hồi tưởng lại cô vẫn không quên được sự mộc mạc , chân chất nhưng thấm đậm tình người và nhất là hương vị quê hương của bữa cơm hôm đó .
Cô và Cảm đang nằm nghỉ trưa trong phòng , nghe tiếng ồn ào ở phía trước nhà , hai cô bật dậy mở cửa ra ban công nhìn xuống đường , trước cửa nhà có cả chục chiếc xe jeep , rất nhiều người lính đứng lố nhố bên những chiếc xe cứu thương rồi những người lính khiêng những cái băng ca với những người bị thương máu me nằm la liệt đang chờ trực thăng đến chở vào các bệnh viện ở Quy Nhơn . Một chiếc xe jeep khác chạy từ bên cầu ào đến thắng nhanh lại người lính sĩ quan biệt động trên xe nhảy xuống , ông ta còn trẻ lắm ! Cô thấy mấy người lính chạy đến bên người sĩ quan nói gì đó rồi họ cùng đi nhanh đến chỗ những người bị thương , thì ra người sĩ quan đó là bác sĩ quân y. Ông ta khám cho từng thương binh và tất cả đều được băng bó , sơ cứu tạm . Trực thăng vẫn chưa đến , một người lính nào đó gọi khẩn cấp bác sĩ vì hình như có người đang nguy kịch . Bác sĩ vội vã chạy đến , ông ta cho khiêng người thương binh đó vào trước hiên nhà và quyết định phẩu thuật ngay , viên đạn đã chèn đi đường thở làm cho người đó không thở được . Ông nhờ người giữ chặt người bị thương , rồi ông ta chích thuốc tê hay gây mê gì đó , người y tá đưa dụng cụ mổ , bác sĩ dùng dao mổ rạch vết thương ở cổ , nhanh chóng gắp viên đạn ra , dùng kim khâu vết mổ lại . Ông ta làm gọn gàng , nhanh chóng với tác phong rất thoải mái đầy tự tin . Cô chứng kiến từ đầu đến cuối , cái sống , cái chết cận kề trong gang tấc . Cô vừa kinh hoàng nhưng cũng vừa thán phục cách xử lí nhanh nhẹn của người bác sĩ . Cuối cùng những chiếc trực thăng cũng phải xuất hiện , tiếng động cơ rền vang , chong chóng quạt gió bụi bay mù mịt , nó đáp xuống rồi lên thẳng tải hết số người bị thương đi , không biết trong số đó còn có mấy người sống sót . Vị bác sĩ Biệt động kia nhảy lên chiếc xe Jeep , mấy chiếc xe khác cũng rồ máy quay về đơn vị . Hoàng hôn bao trùm xuống cảnh vật cho đến lúc không còn trông rõ một cái gì nữa , cô mới lững thững bước vào nhà . Cứ mỗi ngày cô lại chứng kiến những sự tàn khốc của chiến tranh , những thanh niên bất chấp súng đạn , vào sinh ra tử , hàng loạt thanh niên ngã xuống , hàng loạt thanh niên khác tiến lên , bên này tổn thất như vậy thì bên kia mất mát cũng không kém . Rồi sau cuộc chiến này chúng ta còn lại những ai , còn lại được gì ? Tự nhiên cô thấy chán ngán , mệt mỏi đến tột cùng .
Sáng nay thị trấn bỗng yên tĩnh, mọi người trở lại với công việc thường ngày , xe cộ chạy rộn rịp qua lại trên đường . Cô trở lại trường dạy học , vẫn con đường vào trường hôm trước hoang vắng bao nhiêu thì hôm nay nhộn nhịp bấy nhiêu . Trên đường , những người dân quê vác cuốc , vác cày hớn hở ra đồng . Dưới ruộng , những người nông dân đang cày cấy , tiếng cười đùa vang vang , tiếng gọi nhau í ới . Trên bãi cỏ trâu bò đang thung thăng gặm cỏ . Học sinh lại đến lớp đông đúc , chúng vui vẻ hồn nhiên ngây thơ đùa giỡn như không còn nhớ tới những gì đã xảy ra hôm kia , hôm qua . Cô thấy vui , thấy yêu thương học sinh vô cùng . Cô ước gì đất nước mình hết chiến tranh để cô yên tâm ngày ngày đến lớp dạy các em thơ học hành . Cô bước vào lớp chuẩn bị tiết học đầu tiên . Cô ngồi vào bàn giở quyển sổ lớp ra ngước nhìn học sinh , cô ngạc nhiên , xung quanh phòng học , có rất nhiều người . Họ là những người lính , đứng kín cửa ra vào và các cửa sổ , họ còn rất trẻ , chắc cũng chỉ trạc tuổi với cô . Tất cả các con mắt đổ dồn vào cô . Sợ quá ! nhưng cố trấn tỉnh lại . Cô giảng bài, làm ra vẻ tự nhiên mà sao giọng cô cứ run run . Bỗng những người lính vội vàng dạt ra rồi bỏ đi đâu hết . Trước cửa lớp , một người sĩ quan xuất hiện , anh ta mỉm cười với cô :
- Chào cô giáo !
- Chào anh ! cô bước ra cửa lớp , chào lại .
- Xin lỗi cô , nếu những người lính của tôi vừa rồi có làm điều gì đó khiến cô phải bực mình . Anh ta nói giọng Bắc , anh mỉm cười nói tiếp :
- Những người lính ấy là trong đội Pháo của tôi . Chúng tôi đóng ở trên đồi. Trông thấy cô giáo từ lâu rồi , nhưng mấy hôm nay chiến đấu liên miên . Bữa nay được nghỉ , các cậu ấy vội vã xuống xem cô giáo dạy , cô đừng sợ không sao đâu !
- Dạ .
Thấy thái độ nhã nhặn của người chỉ huy , tự nhiên cô thấy vui và cảm thông với những người lính trẻ xa nhà , cô cũng như họ thôi chỉ khác là mỗi người chiến đấu trên một mặt trận khác nhau . Nếu không có cuộc chiến này thì họ đã được ở bên người thân , bên gia đình , họ không phải lặn lội đến nơi xa xôi , nguy hiểm này , ở bên cạnh cái sống và cái chết . Hôm nay còn đây, ngày mai vĩnh viễn ra đi , có mấy ai hy vọng mình sẽ có ngày trở về .
- Tôi thấy cô quen lắm ! À phải rồi , có phải nhà cô ở đường Tăng Bạt Hổ?
- Sao anh biết ? cô ngạc nhiên hỏi lại.
- Cô là em của cô Len ?
- Dạ .
- Cô Len lúc trước học ở Cường Để , đẹp nổi tiếng , bọn con
trai chúng tôi ai mà không biết , tụi tôi trồng cây si đứng trước nhà cô hoài . Vừa nói anh vừa cười : - Cô giống cô chị lắm ! nhìn là biết ngay . Thế bây giờ chị cô đang ở đâu ?
- Dạ , chị ấy theo chồng đang dạy ở Cần Thơ .
- Ra đây dạy , cô ở trọ chỗ nào ?
- Dạ , em ở trọ chỗ quán ăn Lưu ý . Thấy anh ấy biết chị mình nên cô trở nên thân thiện .
- À , tôi biết rồi , quán ăn đó ngon lắm ! nổi tiếng nhất thị trấn này . Cô biết không , vùng này chiến sự khốc liệt , bom đạn nguy hiểm lắm , cô nên thận trọng !
- Dạ , cám ơn anh , ở Quy Nhơn , mà nhà anh ở đâu ? Cô vui vẻ hỏi .
- Nhà tôi ở đường Võ Tánh gần vườn bông và bến xe , tôi tên là Phạm Đình Ninh .
Tự nhiên cô không còn thấy xa lạ , cô vui vẻ mỉm cười với anh.
- Thôi ! tôi phải đi để cô còn dạy , chào cô ! hẹn gặp lại !
Cô nhìn theo anh , chờ anh đi khuất mới quay vào lớp tiếp tục buổi dạy .
Cô và Cảm vẫn đi dạy đều . Ở vùng khói lửa nên học sinh của cô đến lớp không liên tục , hôm nào im tiếng súng thì các em ôm vở đi học , hôm nào hai bên giao tranh thì các em phải nghỉ học , di tản đến chỗ khác để tránh bom đạn . Đa số học sinh của cô , con nhà nghèo , làm ruộng . Có em buổi sáng phải dắt trâu ra đồng cho trâu ăn cỏ rồi mới đến lớp , chân tay dính bùn lấm lem . Ngày mùa , các em phải ở nhà để đi mót lúa hoặc giúp gia đình trong việc đồng áng . Cô ngắm nhìn từng khuôn mặt non nớt , ngây thơ của các em mà lòng mình dâng lên những cảm xúc thân thương . Cô giúp cho các em sách vở , dụng cụ học tập . Dạy cho các em biết những kiến thức trong sách vở , và cả những kiến thức trong cuộc sống . Trong cái khó khăn đó, các em vẫn chăm chỉ học , một số em rất giỏi toán , các em lại còn khéo tay : trong giờ Thủ Công thấy trên bàn các em có những cành ớt , trái đỏ , trái xanh cành lá sum sê . Cô thoáng nghĩ : “ Hôm nay , chấm điểm trái ớt làm bằng sáp, sao bọn chúng lại hái nguyên cành ớt cho mình chấm điểm thế này ? Khi các em đem nộp sản phẩm , cô mới nhìn kĩ , thì ra những trái ớt làm bằng sáp được các em vuốt tỉa rất đẹp , trông giống như trái ớt thật gắn lên một cái cuống của một cành ớt có cả trái ớt xanh , ớt đỏ hái trong vườn , vì thế mới nhìn sơ qua không thể phân biệt đâu là trái ớt thật , đâu là trái ớt bằng sáp . Ngoài ra, cô còn dạy các em biết cách thưa gởi , lễ phép với người lớn , biết cách giữ vệ sinh cá nhân , vệ sinh lớp học , biết giúp đỡ cha mẹ … Lúc đầu các em chưa biết gì cả , thế mà nay , các em đã có sự thay đổi : đi học áo quần tươm tất , sạch sẽ hơn , tóc tai gọn gàng , biết chào hỏi khi gặp cô giáo . Lớp học được các em quét dọn nên khang trang hơn . Càng ngày cô và học sinh càng gần gũi , quyến luyến nhau hơn .
Cô nói giọng Huế đôi khi các em không nghe rõ , nên đôi chỗ cô phải nói cao giọng thì các em mới nghe được . Giọng nói mỗi vùng miền nhiều khi cũng gây ra những chuyện nực cười . Có một lần , cô thấy một em trong lớp có một cái cặp mới rất đẹp , cô hỏi :
- Ai mua cho em chiếc cặp đẹp thế ?
- Dạ , ba em đi Quy Nhơn mua cho .
- Vậy ba em mua chiếc cặp này giá bao nhiêu ?
- Dạ thưa cô , nem trem .
- Bao nhiêu ?
- Dạ nem trem .
Cô phải hỏi đến ba lần cô mới biết giá chiếc cặp là năm trăm đồng . Còn rất nhiều từ địa phương nữa mà sau này khi nghe quen thì cô mới nghe rõ và từ đó hướng dẫn các em phát âm lại cho chuẩn theo từ phổ thông .
Nơi cô ở trọ , vợ chồng bác chủ nhà tính tình nhân hậu , thương yêu và chăm sóc cho cô và Cảm chu đáo , nhiều lúc cô có cảm giác như sống bên những người thân thuộc . Ông bà có ba cô con gái và một cô cháu , nay thêm hai cô nữa cho nên nhà toàn là con gái sàn sàn tuổi nhau . Hai cô gái lớn đã nghỉ học ở nhà phụ bố mẹ trông coi quán cơm , hai cô khá xinh nên quán ăn cũng tấp nập kẻ ra người vào , có nhiều anh si tình nên đến quán ăn hoài . Cô chị quen anh Trung Tá Biệt Động Quân nhưng ba má cô thấy cuộc sống của những người lính bấp bênh rày đây mai đó nên không bằng lòng , cô em lại yêu anh trung úy , hai người chuẩn bị tiến đến hôn nhân . Trong thời chiến , ở những nơi như thế này chỉ có yêu lính nhưng có rất nhiều cuộc tình cuối cùng rồi phải chia ly . Cô có một người bạn học thời trung học , tháng trước mới nghe tin tổ chức đám cưới với anh thiếu úy Bộ binh , tháng sau gặp lại đã thấy đầu chít khăn tang chồng . Cô có cô bạn học cùng lớp Nhị sáu trường Sư Phạm Quy nhơn có người yêu là Không Quân vừa mới tổ chức lễ hỏi được ít lâu thì anh ấy rớt máy bay tử trận , để lại cho cô ấy một nỗi đau buồn . Sống trong thời chiến là thế ! những đau thương sẽ lần lượt đến hết người này rồi người khác, gia đình này đến gia đình khác , không ai tránh khỏi . Chiến tranh kéo dài , từ lúc cô lớn lên đến bây giờ không thấy đất nước mình lúc nào thật sự yên bình . Vì thế , cô và các bạn thỉnh thoảng gặp nhau thường hay đùa trong ngậm ngùi :
Chúng mình trót sinh nhầm thế kỉ .
Một buổi sáng , cô đang dạy thì có một người đàn ông đến lớp , ông đứng trước cửa lớp hỏi thăm với giọng thân mật :
- Chào cô giáo ! Cô ra đây dạy được bao lâu rồi ?
- Dạ , cũng hơn hai tháng .
- Cô đi dạy bằng phương tiện gì , nhà cô ở có xa trường không ? ông ân cần hỏi han.
- Dạ , cháu đi dạy bằng xe lam , cháu ở trọ ở đầu cầu Bồng Sơn , cách xa trường khoảng ba , bốn cây số . Rồi ông ta hỏi thăm cô về những khó khăn trong khi xa gia đình, về những sợ hãi ở vùng lửa đạn , ông xem sổ Đầu bài , cuối cùng ông nói :
- Tôi là Thanh tra của Ty Giáo dục ra đây xem tình hình của những giáo viên mới ra trường để về làm hồ sơ tập sự … thấy các cô đi dạy như vầy là mừng rồi . Biết nói sao bây giờ ? Vì ở đâu cũng thấy bom đạn , cố gắng vượt qua nghe cô giáo ! Thôi cô tiếp tục dạy đi , chúc cô vui vẻ , chào cô !
Lúc đó , cô mới vỡ lẽ ra , ông ta là thanh tra .
Thời gian cũng thắm thoát trôi đi , cô và Cảm đi dạy cũng được gần ba tháng , hai cô về Ty giáo dục lảnh lương . Đó là số tiền đầu tiên tự cô làm ra ( bảy chục ngàn đồng , số tiền cô dạy trong ba tháng . So với lúc đó năm 1974 , số tiền rất lớn ) . Cô đưa toàn bộ số tiền về cho ba má .Ba má rất cảm động và mừng vì cô con gái út từ nay đã có thể sống độc lập , không phải xin tiền bố mẹ nữa . Ba đưa lại cho cô khoảng mười ngàn , cô mua hai cái áo dài mới để đi dạy hết ba ngàn , nộp tiền ăn cơm tháng hết bốn ngàn…còn lại cô chẳng biết làm gì , vào thời đó một người đi dạy , tiền lương có thể nuôi cả vợ và con cái , sống thoải mái , dư giả .
Về nhà , cô lại nhận được những lá thư của bạn bè , phần nhiều là thư thăm hỏi . Các bạn của cô mới ra trường ai cũng than khổ , buồn , nhớ nhà , nhớ bạn bè , nhớ trường lớp … Cô cũng nhận được thư của anh Thoại , anh Thoại học y khoa , là anh họ của Tú. ( Quảng Đình Tú là người bạn học cùng lớp nhị sáu trường Sư Phạm Quy Nhơn , một trong những người bạn mà cô mến vì sự thẳng thắn , chất phác , có đôi khi xử sự ra vẻ đàn ông ) . Anh viết thư muốn kết bạn với cô , khi còn ở nhà , Tú đưa anh ấy đến giới thiệu với cô , lúc đó , cô chưa có suy nghĩ gì cả . Bây giờ ra đây , ở một nơi mà lúc nào cũng nghe tiếng súng và chứng kiến những cảnh chết chóc . Trong thoáng chốc , cô bỗng thấy lòng mình yếu mềm , cần một chỗ dựa tinh thần của ai đó . Tâm trạng của cô lúc đó giống như lời bài thơ Cần thiết của Nguyên Sa :
Không có anh lấy ai đưa em đi dạy ( học ) về
Lấy ai viết thư cho em mang vào lớp học
Ai lau mắt cho em ngồi khóc
Ai đưa em đi chơi trong những chiều mưa .
…
Cô định hồi âm nhưng bản tính cô là hay suy nghĩ , nhút nhát rồi lại do dự , chần chừ , ngại ngùng … Cuối cùng cô yên lặng .
Những ngày bình yên , cô vẫn đi dạy đều đặn , không khí khoáng đãng , trong lành của ngôi trường ở vùng quê , một đàn học sinh ngây thơ , ngoan ngoãn ham học , lòng yêu nghề đã làm cô thấy gắn bó , yêu thích trường lớp , yêu học sinh . Những tình cảm đó , dần dần đã làm cho cô quên đi những nỗi buồn xa nhà , những lo sợ sự hiểm nguy của một vùng khói lửa kinh hoàng .
Một buổi sáng đang dạy học , bỗng tiếng kẻng đánh liên hồi , ông hiệu trưởng đến lớp bảo với cô :
- Cô chuẩn bị, chút nữa có ông Quận trưởng đến thăm trường.
Chưa được năm phút sau chiếc xe jeep chở ông đến ,( cô đã biết ông Quận trưởng vì nhà cô ở trọ trước quận , ngày nào ông không ghé quán ăn Lưu Ý , cô lại gặp ông ta một vài lần đến nhà Loan , Vân . Vả lại , hôm mới ra ông ta đã đến tận nhà hai cô làm quen rồi hứa sẽ giúp đỡ hai cô ). Tiếng kẻng đánh rền vang , khoảng chục người , đứng dàn thành hai hàng đón chào ông . Ông Quận trưởng bắt tay mọi người nói năng , dặn dò gì đó , một lát sau , quay sang ông hiệu trưởng , ông chỉ cô và nói :
- Xin giới thiệu , cô giáo đây là em vợ của tôi , thầy giúp đỡ dùm .
Cô chẳng biết nói sao trước sự ngang nhiên giới thiệu không đúng của ông Quận trưởng nhưng cô không tiện đính chính , cho đến khi ông ta đi khỏi cô mới phân trần với thầy hiệu trưởng rằng cô không có bà con chi hết với vợ ông Quận . Trưa đó , khi tan trường ra về , cô đang trên đường đi bộ ra đường lộ đón xe , ông Quận trưởng lái xe rà rà theo mời cô lên xe để ông chở về nhà nhưng cô từ chối vì nhiều lẽ , thứ nhất là cô không thích ông ta vì nghe đâu ông có vợ con rồi mà thấy con gái là cứ làm quen nhất là những cô giáo trẻ mới ra trường , thứ hai ở những vùng bom đạn , chết chóc như thế này mà ông ta lúc nào cũng phô trương . Cô nghĩ , tốt hơn hết là không nên dính dáng đến ông ta nhưng cô cũng ngại …Cầu mong sao mọi sự bình an đến với mình .
Mùa mưa lại đến , những cơn mưa dầm dề , rả rích kéo dài từ sáng đến chiều , đến tối . Mùa mưa ở Bồng Sơn thật đẹp và buồn Những chiều mưa , Cô và Cảm thường ra phía sau nhà nhìn dòng sông Lại Giang lững lờ trôi . Nhìn qua bên kia sông , những ngôi nhà tranh , những lũy tre xanh , những hàng dừa mờ mờ trong làn mưa mỏng , Cảnh chiều xuống thật đẹp , man mác buồn vương vấn nỗi nhớ nhà :
“ Một người ngồi bên kia sông im nghe nước chảy về đâu
Một người ngồi đây trông hoa trôi theo nước chảy phương nào”
( Hẹn hò - Phạm Duy )
Những đêm mưa ngồi trên căn gác trọ nhìn xuống đường phố leo lét ánh đèn cô và Cảm nhớ nhà kinh khủng có khi buồn quá hai cô hát , toàn là những bài về mưa:
“Đêm chưa ngủ nghe ngoài trời đổ mưa từng hạt mưa , phố nhỏ buồn lẻ loi …
“ Đường về đêm đêm mưa rơi ướt bước chân em , bùn lầy không quên bôi thêm lối ngõ không tên , qua mấy gian không đèn , mưa vẫn rơi êm đềm và chỉ làm phố buồn thêm ….”
Trời mưa thường làm cho những người xa nhà chạnh lòng , ước mơ về một mái ấm gia đình , trước nhà cô ở trọ , những đêm mưa cô thường thấy có một anh trung úy kéo khẩu súng cối từ bên đường vào trú dưới một gốc cây trứng cá bên nhà , anh ta lấy poncho che khẩu pháo rồi bắc ghế ngồi hút thuốc . Đốm lửa sáng trong đêm như những con đom đóm lập lòe , có khi cao hứng anh ta ngâm một vài câu thơ trong bài Nhà tôi của Yên Thao , giọng Bắc của anh vang lên trong đêm nghe buồn não nuột :
Tôi đứng bên này sông
Bên kia vùng địch đóng
Làng tôi đây xạm đen màu tuyết đọng
Tre cau buồn rủ ướt mưa sương
…
Này anh chiến sĩ
Người bạn pháo binh
Đã đến giờ chưa nhỉ ?
Mà tôi nghe như trại giặc tan tành
Anh rót cho khéo nhé !
Kẽo lại nhầm nhà tôi
Nhà tôi ở cuối thôn Đoài
Có giàn thiên lý
Có người tôi yêu .
Giọng của người lính hòa cùng với tiếng mưa rơi tí tách vang vang đều đều trong đêm , làm cho hai cô trằn trọc , thao thức không ngủ được , nhớ nhà da diết .
Những ngày mưa cô đi dạy rất vất vả , ướt át , gió lạnh . Con đường đi vào trường đất đỏ lầy lội nhớp nháp . Lớp học thì ẩm ướt, học sinh có em ướt lói ngói , sách vở lem luốc trông thật tội nghiệp những ngày mưa như vậy ,trời mù mù nên phòng học tối , học sinh không thấy mà học nên cô giảng bài rồi xen vào đó là kể chuyện cổ tích cho các em nghe . Ở đây , đánh nhau liên miên thì làm gì có điện , ngay như nhà cô ở trọ giữa trung tâm thị trấn Bồng Sơn mà cũng chỉ có điện từ bảy giờ tối đến chín giờ tối có hôm cúp điện luôn cả thị trấn chìm trong màn đêm . Những ngày mưa đón xe đi dạy cũng rất khó , có hôm tan trường về cô đứng đón xe , chờ mãi mà chẳng thấy tăm hơi chiếc xe đâu cả , mưa mỗi lúc một nặng hạt . Cô nhìn qua bên kia đường , cô giật mình , trấn tỉnh lại . Đó là , một xác người , sợ quá ! Cô không dám nhìn nhưng càng sợ thì mắt lại hướng về cái xác . Đó là xác một người đàn ông ở trần chỉ mặc độc nhất một cái quần cộc nằm sấp , úp người xuống đường nên cô không nhìn thấy rõ mặt . Người đó chắc chết hồi hôm , tóc ướt đẫm bết lẫn đất cát , nước da đã tái nhợt , hai tay , hai chân tím tái . mưa cứ tuôn xuống , toàn thân nằm trong vũng nước lạnh lẽo. Cô chợt nhớ đến một câu trong Ca Khúc Da Vàng bài Hát trên những xác người của Trịnh Công Sơn :
“ Xác nào nằm trôi sông , phơi trên ruộng đồng , trên nóc nhà thành phố , trên con đường quanh co … ”
Cô thấy trong lòng quặn lên một sự đau xót khó tả , dù ở bên này hay bên kia giới tuyến , mình cũng đều là người Việt , là anh em với nhau . Chiến tranh ơi ! sao mà tàn ác thế ! súng đạn , bom mìn gây ra không biết bao nhiêu cái chết thương tâm . Lúc này , cô không còn cảm thấy sợ nữa mà thấy ngậm ngùi , thương một kiếp người , còn gì nữa đâu , thân xác rồi cũng trở về với cát bụi . Cô thương cho dân tộc mình , thương cho thế hệ mình . Cô nhắm mắt lại , miệng lâm râm cầu nguyện cho người chết được siêu thoát , mãi đến khi chiếc xe lam trờ đến , bác tài la lớn :
- Cô có đi không ? lên xe nhanh !
Cô mới giật mình , chạy đến leo lên xe , chiếc xe rồ máy chạy nhanh .
- Trời ơi ! Nãy giờ cô đứng với cái xác chết mà không sợ à ? một người nào trên xe hốt hoảng nói .
Cô không trả lời vẫn nhìn cái xác cho đến khi không còn trông thấy nữa . Cả ngày hôm đó , cô cứ bần thần nghĩ đến cái xác nằm bên đường . Hôm sau , cô đi dạy thì không còn trông thấy cái xác nữa , chắc là người dân ở đây đã làm cho người chết được một ngôi mồ yên nghỉ rồi .
Mấy hôm nay , bên quận thấy rộn rịp nghe đâu tái chiếm đồi nào đó , chiến thắng ở An Lão , Sa Huỳnh , Tam Quan , đèo Nhông , đèo Phú Cũ hay đèo Bình Đê … Cô thấy họ mời Cảm đi trao vòng hoa chiến thắng , mời Cảm đi hát ( Thanh Cảm hát rất hay nổi tiếng từ trong trường Sư Phạm ). Những ngày như thế bớt nghe tiếng súng , cô đi dạy bình yên và tâm hồn cô thanh thản hơn . Cô lo dạy dỗ , dạy bù lại những ngày học sinh nghỉ học . Sáng nay đi dạy về , cô thấy trước nhà mình ở trọ đông đúc người , trực thăng lên xuống nườm nượp , phóng viên , Không quân , Bộ binh , các Sĩ quan , Tướng lãnh , những người Mỹ …đứng đông nghịt . Cô bước vào nhà , quán ăn đông đúc , cô phải lách người mới vào được bên trong , chợt cô nghe tiếng gọi :
- Ren !
Cô quay lại nhìn , phải một lúc lâu , cô mới nhận ra đó là anh Chương bạn của chị Len , anh đang ngồi với một số người Mỹ . Anh Chương đứng dậy , đến bên cô .
- Em ra trường đi dạy ở đây hả ? anh Chương hỏi với giọng
thân mật .
Lâu quá cô không gặp anh .Trước đây anh Chương và chị cô yêu nhau nhưng lúc đó chị ấy còn nhỏ quá , mà anh Chương thì cũng còn đi học nên ba cô không chấp thuận . Anh Chương buồn quá , sau khi đậu tú tài anh không học tiếp nữa mà đi làm gì đó cho Mỹ .
- Dạ , em dạy ở Hoài Tân cách đây bốn cây số .
- Em trọ ở quán ăn này hả ? Anh nhìn cô với ánh mắt ái ngại.
Anh nói tiếp : - ở vùng này em có sợ không ?
- Lúc đầu em cũng sợ nhưng giờ thì quen rồi .
- Em có cần anh giúp đỡ gì không ? Anh nói với giọng của một người anh lo lắng cho em . Cô cảm động , nói với anh Chương :
- Dạ , cám ơn anh , nếu có gì em sẽ nhờ anh giúp .
Cô thấy đứng lâu với anh Chương không tiện nên vội chào anh , hẹn gặp anh vào một dịp khác . Cứ mỗi lần cô gặp một người quen ở đây , cô thấy ai cũng ái ngại cho mình . Cô lại nghĩ đến tình cảnh hiện tại và cảm thấy buồn vì không biết bao giờ đất nước mình hết chiến tranh , để mình yên tâm đi dạy một cách yên bình và thoát khỏi cảnh bom đạn khủng khiếp này .
Chiến tranh không những cướp đi sinh mạng con người còn cướp đi bao nhiêu ước mơ , bao nhiêu hoài bão của tuổi trẻ .
Bên Quận có một anh Thiếu úy , khuôn mặt còn rất trẻ , nước da trắng trẻo thư sinh . Lúc đầu , khi mới gặp anh , anh ta không mặc quân phục mà trên tay lúc nào cũng cầm cuốn sách nên cô cứ ngỡ anh không phải là lính . Ngày ba bữa anh ta đến quán ăn . Sáng nào đi dạy , cô cũng thấy anh ngồi ăn sáng ở đó với cuốn sách , trưa đi dạy về đã thấy anh ngồi ở đó , buổi chiều khi cô và Cảm ăn cơm ở nhà sau lên ra đường đi dạo thì anh ta cũng vẫn miệt mài với quyển sách . Cuộc sống của anh ta đều đặn , chuẩn mực . Sau này , nghe mấy cô trong nhà kể chuyện về anh , cô mới biết anh ta là người miền Nam ( người Cà Mau ) . Anh học năm thứ ba đại học bị động viên đi lính , rồi bị đổi ra tận địa đầu giới tuyến , tuy hằng ngày chiến đấu , sống bên bom đạn , sống nay chết mai không biết chừng nhưng anh ta vẫn cố gắng học để sau này về thi tốt nghiệp đại học . Cô thấy phục cho cái quyết tâm của anh ta . Cuộc chiến đã làm cho tuổi trẻ hôm nay khó khăn trong sự thực hiện ước mơ của mình , làm dở dang mọi việc , có khi còn cướp đi cái tương lai tươi sáng .
Những ngày mưa gió cũng đi qua nhường chỗ cho mặt trời ấm dịu , bầu trời xanh trong hơn , từng đám mây trắng nhẹ trôi bồng bềnh , chim chóc thức dậy sau mùa đông rét mướt , rủ nhau bay từng đàn rồi sà xuống , ríu rít hót vang , cây cối vụt rạo rực đâm chồi nẩy lộc đón mùa xuân về . Cuộc chiến cũng trở nên tỉnh lặng, súng đạn cũng ngừng nổ như để nhường cho đất trời chuyển giao mùa . Nàng xuân như khẽ khàng bước đến , trường học của cô như thay chiếc áo mới nhờ những vạt cỏ non xanh , những khóm Vạn Thọ , luống Cúc đã lên đều những búp xanh nõn , lác đác một vài nụ đã nở hoa vàng tươi khoe sắc , gió xuân hây hẩy lùa trong nắng . Trên khuôn mặt của học sinh cũng rạng ngời nét vui tươi , lác đác có em đã xúng xính trong những bộ áo quần mới , có em rụt rè đến bên cô giáo xin phép cô cho nghỉ học ở nhà chạp mả , vài phụ huynh đến lớp mời cô đến nhà ăn Tất niên , cô từ chối lấy cớ bận việc , chứ thật tình mà nói , cô sợ mình còn quá trẻ để có thể ngồi ngang hàng ăn uống , nói chuyện với những người lớn tuổi , cô chưa quen và cũng chưa sẵn sàng trong những tình huống như thế .
Những ngày giáp Tết chợ cũng đông đúc hơn , người người nhà nhà sắm sửa đón xuân . Gia đình bác chủ nhà cô ở trọ cũng rộn rịp làm bánh mứt , cô thấy lòng mình cũng rộn lên . Hai cô cũng chuẩn bị mua một vài thứ đặc sản ở nơi đây về cho gia đình ăn Tết .
Buổi học cuối cùng , sau khi chúc Tết sớm các em và gởi lời chúc đến gia đình , cô dặn dò , cho các em ra về . Cô bước ra đường cái , một vài phụ huynh chờ sẵn , họ mang quà đến biếu . Đó là những món tự làm ra : Ràng bánh tráng hay chai nước mắm …có người đem cả cành mai đến :
- Thưa cô ! Tôi xin gởi cô cành mai về chưng Tết .
Cô lúng túng không biết làm sao với cái cành mai quá lớn , hiểu ý , ông ta nói :
- Không sao đâu ? tôi sẽ đem ra xe cho cô .
Nói rồi ông ta đi nhanh ra đường lộ , ông đón xe và cột cành mai lên trần xe một cách gọn gàng . Trước những tình cảm chân tình của phụ huynh dành cho mình cô xúc động đến nghẹn lời. Chiếc xe từ từ rời xa để lại đằng sau những phụ huynh dân quê mộc mạc chân chất . Cô chỉ mới ra đây dạy vài tháng nhưng cô đã thấy quyến luyến với học sinh , cảm mến sự hiền hòa , tấm lòng chân thật của người dân nơi đây và thương cảm với mảnh đất chịu quá nhiều bom đạn của chiến tranh .
Giữa lúc mọi người rộn rịp đón năm mới thì những người lính chuẩn bị chuyển quân , củng cố lại các lực lượng , vô số chiếc GMC chở đầy ắp binh lính , hàng loạt máy bay trực thăng tiếp tế hay đưa quân ra chiến trường , lớp lớp những người lính còn rất trẻ theo lệnh Tổng động viên lên đường ra tiền tuyến . Những người lính có mặt khắp mọi nơi, từ những đồi núi xa cho tới tận rừng sâu , dưới gầm của những chiếc cầu , dọc theo những đồng ruộng hay ven đường quốc lộ … Suốt đoạn đường từ Bồng Sơn vào đến Quy Nhơn chỗ nào cũng có mặt những người lính :
- Chắc sắp có đánh lớn !
- Muốn đánh gì thì đánh nhưng cho ăn Tết xong cái đã !
- Càng đánh nhau thì người dân lại càng khổ !
- Không biết bao giờ mới chấm dứt chiến tranh !
Mọi người trong xe bàn tán qua lại xôn xao , bỗng chiếc xe xốc mạnh làm cho mọi người trở về với thực tại vội vàng nắm chặt đồ đạc ngã nghiêng của mình. Trong xe, mọi người yên lặng chỉ còn tiếng hát từ cái loa của chiếc xe vang vang bài “ Xuân này con không về ” của Nhật Ngân :
“ Con biết xuân này mẹ chờ tin con , khi thấy mai đào nở vàng bên nương , năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về nay én bay đầy trước ngõ mà tin con vẫn xa ngàn xa …Con biết không về mẹ chờ em trông , nhưng nếu con về bạn bè thương mong bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường , không lẽ riêng mình êm ấm , mẹ ơi! con xuân này vắng nhà ” .
Khi còn ở nhà cô chẳng để ý đến bài hát này , thế mà từ khi ra đây thấy cuộc sống xa nhà , đầy gian khổ , vất vả của người lính , cô mới thấm thía , cảm nhận lời bài hát là phù hợp , là đúng với tâm trạng của những người lính chiến .
Đó là cái Tết năm đầu tiên đi dạy của cô . Thật là hạnh phúc sau những ngày tháng xa nhà về sum họp bên ba mẹ , anh chị . Năm mới , cô bước đến ngưỡng cửa của tuổi hai mươi mốt , một cô giáo trẻ , sung sướng vì mình trưởng thành …đã có nghề nghiệp như mong ước . Về với gia đình cô bỏ lại sau lưng những sự tàn khốc của cuộc chiến . Thật là diệu kì , mùa xuân đã làm cho tất cả những lo âu , muộn phiền hay chán nản bay đi đâu mất nhường chỗ cho những niềm vui ngự trị .
Những ngày Tết qua mau chị cô trở ra lại Quảng Ngãi , còn cô trở lại Bồng Sơn đi dạy.
Cuộc sống của những ngày sau Tết bình yên , chiến sự hầu như cũng lắng dịu . Mùa xuân ở đây tiết trời se lạnh , những cơn mưa xuân nhè nhẹ làm cho cảnh vật cây cỏ tươi tốt , tràn đầy sức sống . Cô bớt nhớ nhà , dần dần thích nghi với đời sống và khung cảnh ở đây . Dân chúng sau Tết cũng lục đục trở về đông hơn . Cô thấy dân mình luôn bám trụ , không muốn xa rời nơi chôn nhau cắt rốn . Họ yêu quê hương , tha thiết mong được sống trên mảnh đất mà mình được sinh ra và lớn lên. Họ khát khao yêu chuộng hòa bình .
Bên Quận đã có điện , dưới phố cũng có điện nên ban đêm thấy vui hơn . Ăn cơm xong , hai cô thường đi dạo , đường vắng hai đứa vừa đi vừa hát như để nói lên tâm trạng cô đơn :
“ Đêm nay ai đưa em về , mình em trên hè phố vắng ,
Đêm nay ai đưa em về , mắt em lệ ướt long lanh …”
Cuộc sống của những thầy giáo , cô giáo trẻ mới ra trường , đi dạy ở những vùng hẻo lánh xa xôi hay nơi vùng lửa đạn rồi cũng dần dần quen đi , cố gắng thích ứng với hoàn cảnh , thích nghi với thực tế . Họ không trốn chạy , không bỏ nghề vì họ đã được đào tạo trong môi trường sư phạm chân chính . Họ yêu nghề , yêu cuộc sống , yêu những người thân thuộc , yêu mọi người chung quanh và luôn yêu quê hương đất nước này .
Cuối tháng , cô trở về lại nhà để lãnh lương , buổi sáng , đang ngồi nói chuyện với ba mẹ thì có khách đến nhà , ba ra tiếp khách , cô pha trà bưng ra mời :
- Thưa bác ! mời bác dùng trà .
Ba cô cười òa , giới thiệu :
- Đây là anh Sửu phi công con của bác Duệ .
Cô ngước lên nhìn , anh ta mở cặp kính ra , lúc này cô mới thấy rõ là anh Sửu nhưng do anh để ria mép ( dạo đó , một số pilot để ria như tướng Nguyễn Cao Kỳ ) trông anh già đi, nên cô tưởng nhầm anh là bạn của ba mình .
- Em xin lỗi ! lâu quá không gặp anh , anh mới ở Sài Gòn về
hả ?
- Anh đi từ Sài Gòn lên Pleiku nhưng chiến sự trên đó không
yên , nên anh phải đáp máy bay xuống sân bay Phù Cát , sẵn ghé thăm nhà luôn , ngày kia anh bay vào lại Sài Gòn .
- Ren đang dạy học ở Bồng Sơn . Ba nói với anh Sửu .
- Bồng Sơn cũng là nơi xảy ra chiến trận ác liệt , theo như con biết những ngày sắp đến hai bên sẽ giao tranh khốc liệt một mất một còn . Quay sang cô anh nói :
- Còn em nếu ra dạy thấy tình hình căng thẳng , hai bên đánh
nhau thì em phải về nhà , đừng chần chừ ở lại sẽ nguy hiểm .
- Dạ , cám ơn anh .
Đó là lần cuối cô gặp anh Sửu vì sau hôm đó , anh bay vào Sài Gòn rồi bay thẳng qua Mĩ và cũng nhờ lời khuyên của anh mà khi cô quay trở lại Bồng Sơn , vừa nghe tin Ban Mê Thuộc rồi Tây Nguyên …dân chúng lần lượt di tản thì hai cô đã vội vã trở về Quy Nhơn , cô không kịp gặp học sinh một lần sau cuối để căn dặn , để nói lời từ biệt . Cứ tưởng mình chỉ về với gia đình một thời gian rồi quay trở lại giảng dạy như xưa . Nhưng nào có ngờ đâu , nơi đây chẳng còn một bục giảng nào dành cho cô nữa . Vì lần ra đi , đó là lần ra đi vĩnh viễn rời xa nơi này .
.
Sau 1975 cô tiếp tục đi dạy , trường cô dạy là ngôi trường đẹp nằm ngay trung tâm thành phố Quy Nhơn , với những học sinh ngoan hiền . Chiến tranh chấm dứt , không còn nghe tiếng bom đạn , không còn thấy cảnh chết chóc . Cô đi dạy trong cảnh yên bình nhưng cuộc sống rất vất vả , khó khăn của thời bao cấp bao trùm cộng vào đó có những quan niệm làm tổn thương đến tinh thần cô . Cô vẫn cố gắng chịu đựng theo cái nghề giáo , nhiều khi cũng mệt mỏi , có lúc cũng chán chường muốn ngã gục những lúc như vậy cô thường đạp xe lên thăm lại trường Sư phạm . Đứng ở ngoài nhìn vào , cô hình dung cảnh tượng thầy cô , bạn bè và kỉ niệm của những ngày tháng cũ , nhớ quay quắt mà nước mắt cứ rưng rưng … Quay trở về lại , cô cảm thấy mình mạnh mẽ hơn , cô gắng gượng vì lớp lớp học trò trước mặt vì tình cảm tha thiết của phụ huynh và vì cuộc sống ... rồi cứ thế ngày qua ngày , tháng tiếp tháng , năm liền năm …Bây giờ tóc đã bạc , tuổi đã về hưu . Vậy là , cô đã sống trọn vẹn cho học sinh , tận tụy với nghề giáo trung thành với bục giảng . Có một điều là trong chừng bấy nhiêu năm cô vẫn chưa có một dịp nào trở lại , thăm lại Bồng Sơn . Nhiều lúc hoài niệm cô thấy lòng mình chùng xuống . Nhớ da diết ! Mái trường Sơ Cấp Hội Đức . Nhớ quá đi thôi ! Con đường dẫn đến trường , những ngày nắng cũng như những ngày mưa . Nhớ ơi là nhớ ! Những ngày tháng mùa đông mưa gió rét buốt rồi không khí phơi phới tươi vui khi mùa xuân về . Ở mảnh đất ấy , có đàn học sinh thân yêu , có những người dân hiền hòa quanh năm chân lấm tay bùn , mảnh đất của một thời bom đạn , chiến tranh và nơi đó sẽ mãi mãi ghi dấu nhiều kỉ niệm thân thương của những ngày đầu tiên cô đi dạy .
. Sài Gòn , mùa xuân năm 2011 .
Irene Trần
tiếng động cơ nổ ầm ầm nhả theo sau là một làn
khói đen , cuốn theo bụi đỏ mù mịt . Mùi xăng dầu ,
hơi người , khói bụi không khí ngột ngạt làm cho
những người ngồi trong xe , ai cũng mệt lả cả người .
Từ lúc xe chạy đến giờ đã hơn hai tiếng đồng hồ ,
đường xấu , toàn ổ gà , đoạn đường từ Phù Mỹ
đến Hoài Nhơn hư hại rất nhiều , có những chiếc
cầu bị mìn giật sập nên đường đi vòng vèo lại
càng khó khăn nhất là đoạn đường qua Bình
Dương lòng đường hằn rõ dấu vết bom mìn cho
thấy nơi đây chiến sự diễn ra rất khốc liệt .
Xe tha hồ lắc lư bên này , lắc lư bên kia , xốc lên , xốc xuống , có nhiều chỗ xe đang chạy
bỗng sụp hố , hất tung tất cả đồ đạc , hành khách đụng đầu lên trần rồi rớt bịch xuống sàn
chõng chơ , chưa kịp ngồi dậy chiếc xe lại nghiêng mạnh khiến một số người va đầu vào
thành xe đau điếng :
- Chạy xe gì kì vậy , bác tài ơi ! Một hành khách nào đó la to lên .
- Bà con thông cảm ! chỗ này đường xấu lắm ! giọng ồ ồ của bác tài đáp lại .
Thôi để chắc ăn , ai cũng thủ cho mình bằng cách nắm chắc các thanh sắt ngang , dọc của xe
để được an toàn .
Suốt cả đoạn đường , cô ngồi lặng im , cô vừa mệt , vừa lo lắng, không biết nơi mình đến , ngôi trường mình dạy như thế nào ? Vào trường sư phạm, mang theo bao nhiêu hoài bão với cái nghề mà mình chọn ,
bây giờ tốt nghiệp ra trường cô hăm hở lên đường đi dạy học . Hai năm học ở trường Sư phạm có thể nói đó là thời gian tuyệt vời nhất của thời đi học . Môi trường học khác vớí trường Phổ thông , không gian sinh hoạt cũng thoải mái hơn tạo cho con người nhiều mơ mộng và đầy lí tưởng .
Trường Sư Phạm Quy Nhơn rất đẹp ! Ngôi trường nằm quay mặt ra biển quanh năm nghe tiếng sóng
vỗ rì rào và gió thổi mơn man . Bước qua cánh cổng sắt bên trong là một không gian xanh mát : Hàng
dương liễu xanh rì vi vu theo gió , vườn hoa sứ nở trắng cả một vùng tỏa hương thơm ngào ngạt ,
những cây bông giấy với những chùm hoa đủ màu đỏ , tím , cam , trắng thấp thoáng đung đưa sau
những tán lá xanh , những đóa hoa vàng anh nở vàng rực rỡ .
Sáng nào đi học sớm , cô cũng thường đứng dọc theo hành lang của Hội trường để ngắm sân trường
khi sương đêm vẫn còn đọng lại trên nhành cây ngọn cỏ cho đến lúc mặt trời rải nhẹ nắng vàng xuống
mọi cảnh vật . Cô yêu ngôi trường này , yêu con đường dẫn đến trường , yêu những bậc thềm , ghế
đá công viên , yêu những hành lang hun hút dẫn về khu Nội trú . Yêu những ngày mưa , tháng nắng .
Yêu những ngày hè rộn rả tiếng ve , những lúc đông về rét buốt và rồi xao xuyến , bồi hồi khi thấy những chiếc lá vàng rơi báo hiệu mùa thu sang hay tâm hồn phơi phới khi hoa xuân khoe sắc . Nơi đây còn ghi dấu
biết bao nhiêu kỉ niệm với thầy cô , với bạn bè , với những tình cảm rung động đầu đời … Những giờ
học đa dạng : Có lẽ không thể nào quên được những ngày , tháng hăng say tập dợt các tiết mục hát ,
múa , kịch …rồi hồi hộp chuẩn bị để trình diễn các tiết mục đó trong các đợt thi đua văn nghệ . Thú vị
sao những cuộc đi thực tế về vùng nông thôn của môn Giáo Dục Cộng Đồng . Miệt mài tìm kiếm tài
liệu để làm Chủ điểm ra trường và làm sao không khỏi căng thẳng , bỡ ngỡ của buổi ban đầu tập làm
thầy giáo , cô giáo trong những giờ dạy ở trường Sư Phạm Thực Hành . Nghĩ đến đây cô bỗng mỉm
cười vì nhớ lại câu chuyện của cô bạn học ở nhị 4 kể : Hôm lần đầu tiên lớp cô ấy cử một bạn tập làm
thầy giáo còn cả lớp sẽ làm học trò . Hôm chọn , ai cũng ngại ngùng nên anh lớp trưởng chưa biết
phải làm thế nào ? thì từ phía cuối lớp một cánh tay giơ lên xung phong , đó là anh Trần Tiên Lương .
Mọi người thở phào nhẹ nhỏm .
Vào tiết học , có lẽ anh Lương là người lo lắng nhất .Hằng ngày trông anh ăn mặc cũng bình thường .
Hôm nay , rất chỉnh tề anh thắt cái cà vạt nổi bật trên cái áo chemise trắng tinh , áo bỏ vào quần ủi
thẳng li trông rất trịnh trọng ra dáng một giáo viên thực thụ. Anh dạy môn Quan sát , bài “ Con ếch ’’ .
Anh Lương bắt đầu giới thiệu bài bằng câu hỏi :
- Các em có biết con ếch sống ở đâu không ?
Anh nhìn xuống các bạn , không có một cánh tay nào giơ lên . Anh hỏi lại :
- Em nào biết con ếch sống ở đâu ? Lớp học vẫn yên lặng ,
các bạn ai cũng mở to mắt nhìn anh trân trân , một giây , hai giây , ba giây … anh Lương bắt đầu luống cuống , luống cuống rồi luýnh quýnh cuối cùng anh lắp bắp :
- Con ếch…con ếch…nó sống ở hào ô . Thay vì nói con ếch sống ở hồ ao , anh lại nói lái .
Cả lớp lúc bấy giờ vỡ òa ra , ôm bụng cười rủ rượi .
Từ đó , anh Lương có biệt danh : “ Lươn(g) hào ô .’’Cho đến bây giờ , đã mấy chục năm rồi mà mỗi
khi bạn bè có dịp gặp lại nhau vẫn gọi anh với cái tên thân thương như thế !
Khóa cô học là khóa 11 ( 1972-1974 ) , có khoảng trên 500 giáo sinh . Hôm chọn nhiệm sở để lại cho
cô và bạn bè một ấn tượng khó phai về sự rõ ràng , minh bạch , công tâm . Tất cả giáo sinh vừa tốt
nghiệp tập trung tại Hội trường . Danh sách của các Ty Giáo Dục với số lượng yêu cầu sẽ niêm yết ,
công khai để cho các tân giáo viên biết mà chọn lựa . Người điều khiển đọc danh sách tên từng giáo
sinh tốt nghiệp từ cao đến thấp . Lần lượt từng người sẽ lên nói vào micro : Tôi xin chọn nhiệm sở là
Ty Giáo Dục … trước sự chứng kiến của mọi người và nhận ngay sự vụ lệnh . Khi một Ty GD nào đó đã hết chỗ , thì người thư kí tuyên bố cho mọi người biết , cứ lần lượt như thế cho đến người cuối và nhiệm sở cuối cùng . Cầm sự vụ lệnh trên tay mọi người sẽ về các ty giáo dục . Nơi đây , sẽ có một buổi tập trung chọn trường , cách chọn cũng niêm yết cho biết tên các trường rồi cũng chọn lần lượt vị thứ từ cao đến thấp .
Sự công bằng trong việc chọn nhiệm sở cộng với những lời thầy cô giáo giảng dạy xuyên suốt hai năm học và lời thầy hiệu trưởng Trần Văn Mẫn in sâu trong mỗi người giáo viên trẻ : Các anh chị là những người đem ánh sáng đến khắp mọi nơi từ đồng bằng đến cao nguyên , từ miền sơn cước đến hải đảo . Phải xác định đi bất cứ nơi đâu tổ quốc cần .
Ngày đi nhận nhiệm sở, ba của cô cũng như má Cảm nhất định phải đi cùng hai đứa. Xe bắt đầu vào thị trấn Bồng Sơn , đây là lần đầu tiên cô đến nơi này , cô nhìn thấy cái gì cũng lạ vì từ nhỏ đến giờ cô có đi đâu xa . Qua chiếc cầu sắt dẫn vào con đường phố chính nằm ngay trên đường Quốc lộ , hai bên nhà cửa lổ nhổ , loang lổ , cũ kĩ : cái thì cao , cái thì thấp , cái lồi ra cái thụt vào . Nhiều nhà chẳng có cửa nẻo , có nhà thì đổ nát , không ai ngó ngàng sửa chữa gì cả . Trên những vách tường còn in rõ dấu bom đạn . Ai cũng biết ,mùa hè đỏ lửa 1972 , nơi đây hai bên giao tranh diễn ra rất khốc liệt , cả thị trấn hoang tàn , nên mọi người bỏ đi hết . Bây giờ tình hình hơi yên bình người dân lục đục trở về lại , nhưng họ vẫn còn dè dặt nghe ngóng , vẫn còn sợ nên chẳng dám xây dựng , sửa sang nhà cửa gì cả .
Theo ý của ba cô và má của Cảm thì xe sẽ đến Tam Quan để Cảm trình diện nhiệm sở trước . Sau đó , trên đường trở lại Bồng Sơn thì ghé trường của cô sau .
Trường của Cảm dạy là trường Tiểu học Hoài Thanh nằm ngay
đường Quốc lộ . Cảm trình diện và nhận lớp dạy . Sau đó , xe quay
lại Bồng Sơn , đến dốc Hội Đức thì đến trường của cô . Phải đi
xuống con đường đất đỏ , hai bên là đồng ruộng mới vào trường .
Ngôi trường mới xây nằm trên một khoảng đất trống giữa cánh
đồng , xung quanh không có nhà dân , thôn xóm ở tận dưới chân
đồi phía xa .Trường sơ cấp nên chỉ có ba phòng học . Hôm chọn ,
Thạch , anh bạn cùng lớp và cũng là dân ở địa phương nói với cô
rằng : - Ren chọn Hội Đức đi , trường mới xây cách đường lộ
không xa . Nên cô đã chọn trường này .
Cô trình diện thầy hiệu trưởng . Thầy là người ở địa phương nên
việc quản lí rất thuận lợi . Thầy phân cho cô đảm nhận lớp hai còn
ông dạy lớp một và lớp ba . Thầy hiệu trưởng hẹn cô đầu tuần sau
đến dạy .
Về đến nhà trọ , thì trời đã trưa . Sau khi gởi gắm cho ông bà
chủ nhà , ba của cô và má của Cảm về lại Qui Nhơn .
Buổi chiều , trong căn phòng trọ hai cô hết nằm lại ngồi
bó gối trên giường nhìn xuống phố tâm trạng buồn , nhớ nhà ,
cũng may là có hai đứa nói chuyện qua lại cho nên cũng đỡ buồn .
Bỗng Cảm ngồi bật dậy :
- Thôi , hai đứa mình đi xuống phố cho biết , rồi ghé đến nhà
Loan và Vân chơi .
Hai cô sửa soạn rồi bước ra khỏi nhà , qua một cái dốc là xuống phố , nói là phố chứ thật ra lèo tèo vài ba nhà mở quán , cái thì quán cafe , cái thì bán tạp hóa , tiệm bán thuốc tây , tiệm thuốc bắc , quán cơm , quán phở … vì nhà cửa không được sửa sang nên quán nào cũng trông nhếch nhác tạm bợ ! Một chiếc xe jeep của lính chạy ào qua để lại đằng sau một đám bụi đỏ . Hai cô đi qua một ngôi trường , Cảm chỉ cho cô rồi bảo : - Lúc trước đây là trường trung học Tăng Bạt Hổ Bồng Sơn , sau khi hai bên giao tranh . Bên này chiếm đóng , bên kia đánh lại tái chiếm , cứ như thế . Mọi người thì bỏ đi hết nên trường Tăng Bạt Hổ cũng dời vào Quy Nhơn . Cô nhìn vào ngôi trường hầu như đổ nát , chỉ còn lại cái sườn , bây giờ thì một đơn vị lính đóng . Thấy hai cô đi ngang qua , mấy người lính đứng trước cổng đùa :
- Chào hai cô ! Cô Cúc ơi ! Cô Huệ ơi ! Cô Lan ơi ! Cô Hoa ơi …
- Gọi đến chiều cũng không trúng tên hai đứa mình hén!Cảm quay sang nói với cô .
Thấy hai cô đi không quay đầu lại , thôi họ không gọi nữa . Đi một đoạn nữa thì đến nhà Loan và Vân ( Loan ,Vân học cùng khóa và cùng ra trường một lượt ). Ngôi nhà Loan Vân ở phía cuối phố . Các cô gặp lại nhau mừng vô cùng . Ngồi chơi , nói chuyện thật vui , Loan thông báo cho biết là tối nay họp mặt các thầy cô giáo khóa 11 mới ra trường tại nhà Thanh Bình .
Buổi tối ăn cơm xong , hai đứa đến nhà của Thanh Bình và Phan Trần Hội để gặp các bạn . Khóa của cô đi dạy ở đây khá đông : sáu người dạy ở trường Hoài Đức , bốn người dạy ở An Tây , An Đông , ba người dạy Hoài Tân một số người dạy Tam quan …Tuy mọi người ra đi dạy ở một nơi mà chiến sự diễn ra rất sôi động nhưng không thấy ai kêu than hay có ý bỏ dạy , ai cũng chấp nhận , ai cũng tha thiết với nghề . Buổi gặp vui vẻ , Bình , Hội , Loan , Vân , Huân , Cảm , Ren những cô giáo trẻ trung , vui tươi . Thanh , Rang , Dư , Trạng , Thạch …những thầy giáo chững chạc , vững vàng , tất cả ở lứa tuổi hai mươi , đều trẻ , đều độc thân và đầy tâm huyết .
Cảm đã đi dạy , cô thì đầu tuần sau mới đi nên cô quyết định ra Quảng Ngãi thăm chị , chị của cô học khóa 10 , ra trường đi dạy trước cô một năm . Cô xách vali leo lên chiếc xe đò , xe từ từ rời bến . Hai bên đường , nhà cửa thưa thớt , chiến tranh nên ruộng đồng bỏ hoang , thỉnh thoảng lắm mới thấy một vài đám ruộng xanh tươi , càng gần đến Tam Quan thì dừa càng nhiều , cô trông thấy nhiều cây gãy đổ nhưng hàng loạt những cây dừa khác vẫn sừng sững vươn cao xanh rì , cho thấy cây dừa có sức sống mãnh liệt trước bom đạn . Càng gần đến Sa Huỳnh xe tự nhiên chạy chậm lại . Cô thấy mọi người trong xe im lặng hẳn nhưng cặp mắt ai cũng nhìn dáo dác hai bên đường . Một bên là đồi núi cây cối um tùm , rậm rạp , phía bên kia là biển . Xe chạy từ từ , bỗng từ đâu xuất hiện một tốp lính đứng dàn hàng ngang chặn đầu xe , bác tài xế vội thắng xe lại , anh xế phụ lật đật nhảy xuống không biết họ nói với nhau những gì ? rồi một người lính bước lên xe nhìn mọi người , khi thấy toàn phụ nữ anh quay trở xuống . Sau đó , một anh trung úy bước lên có lẽ đây là người chỉ huy của cả nhóm . Anh ta đi xuống cuối xe , trong xe phần đông là người dân ở nông thôn làm nghề nông hay mua bán họ mặc đồ bộ hoặc bà ba chỉ có cô là mặc áo dài , khi quay lên đến chỗ cô anh ta dừng lại giọng nhã nhặn :
- Mời cô xuống xe cho tôi có chuyện cần muốn nói với cô một chút , còn những người khác cứ ngồi trên xe chờ .Cô điếng người , sợ quá ! cô nhìn quanh , nhìn quất ánh mắt cầu cứu nhưng trong xe toàn phụ nữ và người già . – Làm sao bây giờ ? Cô nghĩ thầm . Bỗng đột nhiên anh ta quay người lại :
- À ! mà thôi , cô cho tôi hỏi : - Xin lỗi , cô đi đâu đây ?
- Dạ …tôi đi Quảng ngãi… cô trả lời với giọng run run.
Thấy cô nói giọng Huế khác với dân địa phương , anh ta nói :
- Cô người Huế, cô làm nghề gì ? ra Quảng Ngãi làm gì vậy ?
- Dạ , tôi đi dạy , ra thăm chị . Cô trả lời như một cái máy trong khi tim đập thình thịch.
Nhìn vẻ mặt non nớt sợ hãi của cô , anh ta mỉm cười , định nói với cô vài câu nữa nhưng anh xế phụ đứng bên cạnh nói nhỏ gì đó vào tai nên anh ta quay trở xuống và nói vói lại với cô :
- Hôm nào tôi sẽ còn gặp lại cô tại Bồng Sơn .
Một lát sau , xe tiếp tục chạy , mọi người trên xe thở phào nhẹ nhõm riêng cô vẫn chưa hoàn hồn ,một người ngồi sát cô nói:
- Vùng này không được an ninh , tên bay đạn lạc là thường cô ơi! thiệt khổ!
- Ở đây , ngày thì mấy ông lính Cộng Hòa tối thì mấy ông trên núi xuống , sống trong thời chiến chỉ có người dân là khổ .
- Con đừng sợ , thấy con là con gái , anh ta giỡn đó , chớ bắt con xuống làm gì? Bà cụ ngồi phía trước nói với cô như trấn an , cô nhìn bà với ánh mắt biết ơn . Bây giờ cô mới đỡ sợ đôi chút .
Từ bé đến giờ sống trong sự bảo bọc và tình yêu thương của ba mẹ , cô chỉ lo học hành , không bị ai bắt nạt hay uy hiếp còn đối với cuộc chiến này , cô chỉ nghe chứ chưa bao giờ được chứng kiến . Bây giờ , đi dạy một nơi ở tận địa đầu giới tuyến , đương nhiên cô phải thấy , phải đối mặt với những thảm khốc , kinh khủng nhất xảy ra hằng ngày do chiến tranh gây ra .
Chị của cô thấy em ra thăm thì mừng lắm , ôm em đưa em vào nhà . Sau khi nghe cô kể chị vừa mừng , vừa lo : mừng là em ra thăm và không có gì xảy ra cho em , lo là đoạn đường em phải quay trở lại Bồng Sơn . Buổi chiều ,hai chị em đi dạo phố Quảng Ngãi , đến nhà những người bạn tất cả đều là giáo viên , đa số là ở xa đến đây sống rất vui vẻ , mọi người đều hỏi thăm , cô thấy vui hẳn lên không còn u buồn nữa . Buổi tối nằm bên chị nói chuyện đến khuya , lạ chỗ nên cô khó ngủ vừa chợp mắt thì trời đã sáng .
Cô quay trở lại Bồng Sơn , Chị cô không cho cô về một mình nên gởi một anh bạn về Quy Nhơn trên cùng một chuyến xe , anh ấy cũng là giáo viên . Nhờ có anh ấy nên cô yên tâm không còn lo ngại và về đến nơi an toàn .
Sáng nay , cô bắt đầu đi dạy . Chiếc xe lam chạy chậm dần , chậm dần rồi dừng lại dưới con dốc Đệ Đức , cô xuống xe rẽ xuống một con đường đất đỏ . Ánh nắng ban mai trãi nhẹ xuống cảnh vật . Hai bên đường là những ruộng lúa xanh rì , thỉnh thoảng có những khe nước chảy ngang qua trong vắt trông thấy rõ cả những con cá lòng tong nhỏ xíu , tung tăng bơi lội . Một vài con cua đồng bò ngang qua rồi chạy nhanh lẫn vào trong đám ruộng . Gió từ trên đồi thổi xuống , từ dưới cánh đồng đưa lại mang theo hơi hướng của đồng nội . Cô thấy mát mẻ , dễ chịu , không gian khoáng đảng trong lành . Quang cảnh thật thanh bình nếu như đừng có những tiếng súng nổ rền vang , vọng lại từ bên kia đồi .
Cô bước vào lớp , mở toang các cánh cửa , ánh nắng ban mai len qua cửa sổ òa vào phòng , lớp học bừng sáng . Học sinh lũ lượt đi học . Các em đa số mặc áo quần lếch thếch , nước da em nào cũng đen nhẻm , thấy cô giáo mới chúng trố mắt ra nhìn . Chờ cho học sinh đến đông đủ , cô mới sắp xếp chỗ ngồi . Cô tự giới thiệu về mình rồi lần lượt đọc tên điểm danh từng học sinh . Mọi bỡ ngỡ , ngại ngùng , e dè …của học trò lẫn cô giáo rồi cũng qua đi nhường chỗ cho những bài giảng đầu tiên đầy tâm huyết của một cô giáo trẻ mới ra trường . Các em học sinh cảm thấy như được thổi vào người một luồng không khí mới . Cô giáo đã đem đến cho bầy trẻ một niềm tin . Những cặp mắt mở to chăm chú lắng nghe cô giáo giảng bài , những cánh tay giơ cao , những câu trả lời dõng dạc . Tiếng giảng , tiếng đọc bài , tiếng hát vang xa , vang vang cả vào trong làng, làm cho cả thôn xóm như bừng dậy một sự yên bình nhưng tràn đầy sức sống . Buổi học kết thúc , cô và học sinh ra về , học sinh như lưu luyến , lẩn quẩn đi theo cô thành một đoàn dài , chúng theo ra đến đường lộ, cô mỉm cười với chúng . Thấy cô vui vẻ , môt em làm dạn hỏi :
- Thưa cô , nhà cô ở đâu ?
- Nhà cô ở ngay đầu cầu Bồng Sơn , quán ăn Lưu Ý .
Ra tới đường lộ , học sinh chờ cô giáo lên xe rồi chúng mới tản mác về nhà .
Buổi chiều không đi dạy , hai cô ở nhà nằm đọc sách . Cảm bật dậy :
- Ren ơi ! Dậy đi ! Hai đứa mình đi chơi .
Cô trở mình , uể oải hỏi :
- Đi đâu ?
- Cứ đi rồi sẽ biết . Cảm làm ra vẻ bí mật . Thật ra quê của
Cảm là ở đây nên Cảm biết rõ mọi nơi và có nhiều bà con quen biết .
- Ừ đi thì đi .
Cảm đèo cô trên chiếc xe đạp mượn của bác chủ nhà đi lên phía Trung Lương , Phụ Đức . Buổi chiều , mặt trời đã ngả về phía tây , nắng đã dịu , chiếu xiên qua những hàng cây . Đường đi hai bên tre mọc xanh tươi che rợp , gió từ xa đưa lại mát mẻ dễ chịu . Bỗng Cảm dừng xe lại , cô ngạc nhiên :
- Sao thế Cảm ?
- Hai đứa mình ăn bánh dây , một đặc sản của nơi này .
- Ngon không ? Cô lưỡng lự vì chưa thấy đói .
- Cứ ăn rồi biết !
Cô bật cười vì thấy Cảm lặp đi lặp lại : Cứ đi rồi biết ! - Cứ ăn rồi biết !
Cái quán nhỏ ở bên đường , hai cô ngồi trên những cái ghế gỗ . Bà bán hàng làm hai dĩa , thấy cô cầm đũa cứ lật lật lên nhìn , Cảm vừa ăn vừa nói với bạn :
- Bánh dây này là làm từ gạo ngâm với tro , xay thành bột rồi
làm thành từng vĩ tròn …
Không biết Cảm lấy thông tin từ đâu nhưng nói rành rẽ . Cô nhai thấy sợi bánh dây sực sực , dai dai mùi dầu dừa phi hành trộn với hẹ quyện với các rau thơm , với đậu phộng beo béo , hòa với nước mắm tỏi ớt chua ngọt thấm tháp thêm cái giòn tan của bánh tráng nướng tạo thành một món ăn đủ các vị : giòn , dai , béo , thơm , ngọt , chua , cay . Một món ăn dân dã nhưng rất đặc biệt , rất ngon và khó quên . Ăn xong , hai cô lên xe đi tiếp . Cảm dẫn cô đến một ngôi nhà của một người bà con . Ngôi nhà nằm lọt trong một vườn cây trái xanh rì : nào chanh , cam , bưởi , mận , ổi , dừa … Cảm chỉ những trái bưởi đung đưa trên cành :
- Đây là trái bòng nổi tiếng của Bồng Sơn .
Nó giống hệt như trái bưởi nhưng khi ăn , nó không nhiều nước như bưởi Biên Hòa , nó không ngọt thanh như thanh trà của Huế , không đăng đắng như các giống bưởi khác mà khi ăn ta thấy nó giòn giòn , nước ngọt mát có cái mùi thơm thơm của bưởi khiến người ăn cảm nhận cái hương vị dễ chịu , cô được ăn nhiều loại bưởi nhưng phải thừa nhận trái bòng của Bồng Sơn có vị ngon rất đặc biệt , rất đặc trưng .
Một buổi sáng , thức dậy cô nghe tiếng súng nổ liên hồi từ xa vọng lại , bác chủ nhà nói với cô :
- Hôm nay , hai bên đánh nhau lớn lắm !
- Vậy hả bác ?
Ăn sáng xong cô và Cảm đi dạy , gần đến trường cô ra hiệu cho bác tài dừng xe , bác nói giọng lo lắng :
- Cô giáo ơi ! hôm qua đến giờ chỗ này giao tranh dữ lắm ,cô xuống đây coi chừng nguy hiểm !
- Bác cứ cho cháu xuống đây ! Cô quả quyết .
- Thôi được , cô xuống nhanh cho !
Bác tài cho xe giảm tốc độ đủ để cô có thể bước xuống xe rồi ông cho xe vọt nhanh như chạy trốn . Vẫn con đường dẫn đến trường nhưng sao hôm nay không có một bóng người . Cô ôm tập vở bước nhanh đến trường . Trên đồi , tiếng pháo bắn đi nghe ào ào . Ngôi trường vắng hoe không có ai, chỉ nghe tiếng gió thổi lao xao qua hàng cây sau trường . Cô đứng tần ngần một lát rồi quay trở ra , chưa tới đường lộ , cô đã nghe thấy tiếng đạn réo chung quanh, tiếp theo sau là đùng đùng inh tai của những quả đạn pháo. Một tiếng rít chói tai xé ngang trên đầu cô rồi một tiếng nổ “ầm” đinh tai , nhức óc; một trái pháo nổ tung nơi chân đồi, phía trước mặt cô, cô thấy rõ cát bụi tung lên cao , văng ra xa cả một vùng , mùi thuốc súng tỏa ra khét lẹt . Một quả pháo nữa , lần này thì cô vội vàng nằm áp xuống bờ ruộng , một tiếng nổ lớn làm tai cô ù lên , cát đất văng lên cả người . Mãi một lúc sau , cô mới gượng đứng dậy được . “ Mình bị thương rồi ? ” Người cô lảo đảo ,đứng không vững . Cô cố gắng phủi hết cát bụi bám trên áo dài và lúc đó mới nhận ra rằng mình không hề bị thương nhưng vì quả pháo nổ gần quá nên cô tức ngực và cảm thấy choáng váng. Những khẩu pháo trên đồi bắn trả lại liên hồi làm rung chuyển cả mặt đất . Lúc này, cô càng nhận ra sự nguy hiểm đến với mình nên bước nhanh ra đường quốc lộ để đón xe . Tiếng súng cối bắn đi , tiếng pháo kích trả lại “đùng đùng , ầm ầm ” , tiếng nổ lúc xa , lúc gần , quả thì rớt xuống nổ trên đồi , quả rớt nổ sau dãy núi , có quả nổ dưới dốc , quả nổ sau hàng dừa , nổ trong thôn xóm hay trên ruộng đồng … Xung quanh cô chỗ nào cũng bị pháo . Súng đạn không tránh ai ? Thi nhau rớt xuống , thi nhau nổ , trúng ai thì người đó chết , người chết có thể là những người già , phụ nữ , trẻ em … họ là những người dân vô tội , những người không hề tham gia cuộc chiến này nhưng họ phải chết do “ bắn nhầm , pháo nhầm” . Không bên nào có lỗi cả , chiến tranh mà ! Vì thế , hai bên , chẳng bên nào nhường bên nào , cứ bắn , cứ pháo . Vũ khí từ Mỹ , từ Nga hay Tàu , mình cứ lấy của họ để mà bắn giết anh em mình . Cô đứng chờ một lúc lâu nhưng chẳng thấy chiếc xe nào trên đường cũng chẳng thấy bóng dáng một người nào cả . Cô bắt đầu thấy sợ nhưng chẳng biết trốn chạy vào đâu giữa đồng không cô quạnh . Cả một đoạn đường dài hơn một cây số , nơi cô đứng không có bóng dáng một mái nhà nào . Cho nên cô chỉ biết lấy hai tay ôm chéo tập vở trước ngực như bảo vệ cho mình . Giữa ban ngày mà cảnh vật xung quanh vắng vẻ đến ghê rợn , súng vẫn nổ , mùi thuốc súng , mùi tử khí bao trùm , dường như cái nguy hiểm lẩn quất đâu đây . Không biết súng nổ ráo riết như thế trong bao lâu ? Bỗng phía trước mặt , một đám cháy phía trong xa vì khuất sau hàng dừa nên cô không thấy rõ chỉ thấy lửa và khói bốc lên cao . Rồi từ sau các lùm cây ấy , xuất hiện vài chục người , toàn là đàn bà và trẻ em , mặt người nào cũng hốt hoảng , cứ hai người khiêng một cái cáng võng thành một đoàn dài , chạy vội vã , hấp tấp xuống phía xóm dưới xa tít . Những người theo sau , có người máu me đầy áo . Vừa chạy vừa khóc lóc thảm thiết . Hình như họ đưa những người chết hoặc bị thương đến trạm xá hay bệnh viện , những người khác thì lo chạy thoát khỏi vùng giao tranh , cô thấy thương họ , thương cho dân mình . Chiến tranh cứ leo thang như thế , thì người dân còn khổ . Cô không biết mình chờ đợi trong bao lâu ? Và súng nổ nhiều như thế nào ? nhưng khi thấy chiếc xe hiện ra trên con dốc thì hai chân của cô như khuỵu xuống , mừng quá đưa tay vẫy vẫy cho xe dừng nhưng chiếc xe không dám dừng lại , chạy vụt qua rồi mất hút bỏ mặc cô đứng bơ vơ bên đường . Tự nhiên hai dòng nước mắt lăn dài trên má , lúc này cô không còn cảm thấy sợ nữa mà chỉ còn cái cảm giác cô đơn một mình không một người thân quen ở bên cạnh . Cái cảm giác đó kéo dài cho đến khi một chiếc xe nữa xuất hiện , lúc này cô đưa cả hai tay vẫy như cầu cứu , như sợ nó chạy mất … xe dừng cô hấp tấp chạy đến bước lên xe, bác tài hối thúc :
- Nhanh lên cô giáo ơi ! Chỗ này không chiếc xe nào dám dừng đâu !
- Cô giáo không sợ hay sao , đứng giữa chỗ bom đạn ? Một người ngồi trên xe nói với cô .
Khi lên xe , cô mới nhìn thấy Cảm , cô mừng quá , ngồi sát vào bạn và thấy an tâm vì có bạn bên cạnh . Bây giờ , cô mới nở được nụ cười . Vài người trong xe bàn tán:
- Sáng nay hai bên đánh nhau dữ quá !
- Pháo kích xuống vùng này phải trên hai ,ba trăm quả .
- Chắc là có nhiều người chết lắm đây !
Cô đã nghe nhiều về chiến tranh qua radio , qua báo chí nhưng đây là lần đầu trong đời cô thấy và tận mắt chứng kiến những sự tàn khốc khủng khiếp của súng đạn , rồi những ngày sắp đến đây không biết mình sẽ ra sao ? Có được yên ổn , dạy dỗ đàn trẻ không ? Những dự định , sự lạc quan , hồn nhiên , vô tư yêu đời , bao nhiêu lí tưởng của nghề giáo trong cô hình như bay đi đâu mất .
Ăn cơm xong , cô và Cảm lên phòng nghỉ trưa . Cô vẫn chưa hết sợ hãi , cô kể lại cho bạn nghe cảnh súng đạn khủng khiếp sáng hôm nay . Bỗng một tiếng “ầm’’ làm rung chuyển cả nhà cửa:
- Cảm ơi , Ren ơi ! xuống hầm mau ! Pháo kích ! Bác chủ
nhà hét to .
Hai cô vội vã chạy xuống thang lầu , chui tọt vào hầm . Trong hầm đã có đầy đủ mọi người trong nhà . Ở đây , nhà nào cũng có hầm trú dã chiến làm bằng những bao cát để tránh pháo kích .Một quả pháo “ầm ” tiếng nổ gần quá làm đinh tai nhức óc , những cái chén bát trên bàn rơi xuống kêu loảng xoảng . Chưa kịp hoàn hồn , liên tiếp vài tiếng nổ nữa nhưng lần này nhỏ hơn . Một lát sau , không còn nghe tiếng pháo nữa , mọi người ra khỏi hầm . Cửa tiệm được mở ra , trước nhà cô ở đông người vì sát bên là cái Trạm xá của Quận , trông thấy cô và Cảm , Thanh bước đến gần ( Phan Văn Thanh là bạn cùng lớp với cô , cùng ra dạy Bồng Sơn , Thanh dạy trường An Đông ) . Thấy áo quần Thanh dính đầy máu , cô định hỏi thì Thanh nói với cô vẻ mặt chưa hết bàng hoàng :
- Buổi học chiều , chưa vào lớp thì một quả pháo rơi giữa sân trường trúng ngay chỗ học sinh đang nô đùa .
- Nhiều em bị thương không ? Cảm lo lắng hỏi .
- Mình không biết , vì mình vội bồng một em học sinh nặng
nhất chạy đến đây .
Sau đó , lần lượt hết người này đến người khác bồng các em bị thương đến , thấy máu me mà hãi hùng , cô nhìn vào bên trong , các em nhỏ đang nằm rên la cảnh tượng trông rất đau lòng . Các bác sĩ , y tá đang cấp cứu cho các em , ai nhìn cũng xót xa . Các em học sinh có tội tình gì đâu nhỉ ? Tự nhiên cô thấy trong người mình rất mệt , mồ hôi vả ra đầm đìa và cô muốn ngất đi .
Liên tiếp mấy hôm liền cô và Cảm nghỉ dạy vì hai bên giao tranh khốc liệt , tiếng súng , tiếng bom đạn vẫn nổ rền vang , đoạn đường đi đến trường bị gián đoạn , không một chiếc xe nào dám đi.
Thế nhưng không phải ở những nơi chiến tranh ác liệt như thế mà không có một nơi chốn yên bình . Sáng nay , thấy hơi êm tiếng súng . Cảm rủ bạn đến thăm một người bà con của Cảm . Cảm đèo cô đi vào những con đường đất nhỏ , dài tăm tắp , Sau một hồi thì đến nơi , nhà chỉ có hai ông bà cụ ở với nhau , con cái của họ , người thì đi lính tử trận , người thì chết vì mìn , người nào sống thì di tản vào thị xã . Thế nhưng người ở lại thì vẫn phải sống , vẫn phải hy vọng một ngày mai …Ngôi nhà bằng tranh , vách đất sạch sẽ , gió thổi mát mẻ , trước nhà là một vườn rau xanh tươi : Luống cải xanh tốt , xà lách xanh non , vồng rau lang , rau muống , hành hương , ngò , cà tím … Giàn mướp , bầu , bí xanh rờn , tất cả được chăm bón cẩn thận. Phía sau có hàng dừa bao bọc . Quang cảnh thật tươi mát và yên bình . Ông bà cụ thấy hai cô đến thăm mừng lắm ! Hỏi thăm về gia đình của hai cô , mời hai cô ở lại ăn cơm . Cảm và cô thấy ông bà mời quá nhiệt tình , sợ từ chối sẽ làm buồn lòng nên hai cô nhận lời ở lại . Dưới mái hiên nhà , bốn người quây quần bên mâm cơm đạm bạc , nồi cơm độn với mì lát , giữa mâm chỉ có dĩa rau muống luộc xanh non , chén mắm đục thơm lừng dằm trái ớt xanh vừa mới hái và tô nước rau bốc hơi nghi ngút nhưng sao cô thấy ngon chi lạ . Có lẽ , đó là bữa cơm ngon nhất mà cô được ăn . Ăn xong bà còn bưng ra một dĩa bánh xoài , bánh làm từ bột nếp , nhân đường , bên ngoài lăn bột khô , ăn thơm ngon , là lạ . Cô thấy vui thích vô cùng , thật đúng ! trong cuộc sống , có khi hạnh phúc đến với ta từ những điều bình thường , giản dị nhất . Nhìn ông bà nói chuyện , cô thấy họ có đòi hỏi điều gì đâu ? Họ chỉ tha thiết một cuộc sống thanh bình , sự an vui của những người thân , thế là đủ . Mà chiến tranh thì không buông tha cho họ . Cô định sau này có dịp mình sẽ quay trở lại ghé thăm ông bà , nhưng không phải lúc nào mình muốn là được , cô không còn có cơ hội nữa . Đến bây giờ , vài chục năm trôi qua mỗi khi hồi tưởng lại cô vẫn không quên được sự mộc mạc , chân chất nhưng thấm đậm tình người và nhất là hương vị quê hương của bữa cơm hôm đó .
Cô và Cảm đang nằm nghỉ trưa trong phòng , nghe tiếng ồn ào ở phía trước nhà , hai cô bật dậy mở cửa ra ban công nhìn xuống đường , trước cửa nhà có cả chục chiếc xe jeep , rất nhiều người lính đứng lố nhố bên những chiếc xe cứu thương rồi những người lính khiêng những cái băng ca với những người bị thương máu me nằm la liệt đang chờ trực thăng đến chở vào các bệnh viện ở Quy Nhơn . Một chiếc xe jeep khác chạy từ bên cầu ào đến thắng nhanh lại người lính sĩ quan biệt động trên xe nhảy xuống , ông ta còn trẻ lắm ! Cô thấy mấy người lính chạy đến bên người sĩ quan nói gì đó rồi họ cùng đi nhanh đến chỗ những người bị thương , thì ra người sĩ quan đó là bác sĩ quân y. Ông ta khám cho từng thương binh và tất cả đều được băng bó , sơ cứu tạm . Trực thăng vẫn chưa đến , một người lính nào đó gọi khẩn cấp bác sĩ vì hình như có người đang nguy kịch . Bác sĩ vội vã chạy đến , ông ta cho khiêng người thương binh đó vào trước hiên nhà và quyết định phẩu thuật ngay , viên đạn đã chèn đi đường thở làm cho người đó không thở được . Ông nhờ người giữ chặt người bị thương , rồi ông ta chích thuốc tê hay gây mê gì đó , người y tá đưa dụng cụ mổ , bác sĩ dùng dao mổ rạch vết thương ở cổ , nhanh chóng gắp viên đạn ra , dùng kim khâu vết mổ lại . Ông ta làm gọn gàng , nhanh chóng với tác phong rất thoải mái đầy tự tin . Cô chứng kiến từ đầu đến cuối , cái sống , cái chết cận kề trong gang tấc . Cô vừa kinh hoàng nhưng cũng vừa thán phục cách xử lí nhanh nhẹn của người bác sĩ . Cuối cùng những chiếc trực thăng cũng phải xuất hiện , tiếng động cơ rền vang , chong chóng quạt gió bụi bay mù mịt , nó đáp xuống rồi lên thẳng tải hết số người bị thương đi , không biết trong số đó còn có mấy người sống sót . Vị bác sĩ Biệt động kia nhảy lên chiếc xe Jeep , mấy chiếc xe khác cũng rồ máy quay về đơn vị . Hoàng hôn bao trùm xuống cảnh vật cho đến lúc không còn trông rõ một cái gì nữa , cô mới lững thững bước vào nhà . Cứ mỗi ngày cô lại chứng kiến những sự tàn khốc của chiến tranh , những thanh niên bất chấp súng đạn , vào sinh ra tử , hàng loạt thanh niên ngã xuống , hàng loạt thanh niên khác tiến lên , bên này tổn thất như vậy thì bên kia mất mát cũng không kém . Rồi sau cuộc chiến này chúng ta còn lại những ai , còn lại được gì ? Tự nhiên cô thấy chán ngán , mệt mỏi đến tột cùng .
Sáng nay thị trấn bỗng yên tĩnh, mọi người trở lại với công việc thường ngày , xe cộ chạy rộn rịp qua lại trên đường . Cô trở lại trường dạy học , vẫn con đường vào trường hôm trước hoang vắng bao nhiêu thì hôm nay nhộn nhịp bấy nhiêu . Trên đường , những người dân quê vác cuốc , vác cày hớn hở ra đồng . Dưới ruộng , những người nông dân đang cày cấy , tiếng cười đùa vang vang , tiếng gọi nhau í ới . Trên bãi cỏ trâu bò đang thung thăng gặm cỏ . Học sinh lại đến lớp đông đúc , chúng vui vẻ hồn nhiên ngây thơ đùa giỡn như không còn nhớ tới những gì đã xảy ra hôm kia , hôm qua . Cô thấy vui , thấy yêu thương học sinh vô cùng . Cô ước gì đất nước mình hết chiến tranh để cô yên tâm ngày ngày đến lớp dạy các em thơ học hành . Cô bước vào lớp chuẩn bị tiết học đầu tiên . Cô ngồi vào bàn giở quyển sổ lớp ra ngước nhìn học sinh , cô ngạc nhiên , xung quanh phòng học , có rất nhiều người . Họ là những người lính , đứng kín cửa ra vào và các cửa sổ , họ còn rất trẻ , chắc cũng chỉ trạc tuổi với cô . Tất cả các con mắt đổ dồn vào cô . Sợ quá ! nhưng cố trấn tỉnh lại . Cô giảng bài, làm ra vẻ tự nhiên mà sao giọng cô cứ run run . Bỗng những người lính vội vàng dạt ra rồi bỏ đi đâu hết . Trước cửa lớp , một người sĩ quan xuất hiện , anh ta mỉm cười với cô :
- Chào cô giáo !
- Chào anh ! cô bước ra cửa lớp , chào lại .
- Xin lỗi cô , nếu những người lính của tôi vừa rồi có làm điều gì đó khiến cô phải bực mình . Anh ta nói giọng Bắc , anh mỉm cười nói tiếp :
- Những người lính ấy là trong đội Pháo của tôi . Chúng tôi đóng ở trên đồi. Trông thấy cô giáo từ lâu rồi , nhưng mấy hôm nay chiến đấu liên miên . Bữa nay được nghỉ , các cậu ấy vội vã xuống xem cô giáo dạy , cô đừng sợ không sao đâu !
- Dạ .
Thấy thái độ nhã nhặn của người chỉ huy , tự nhiên cô thấy vui và cảm thông với những người lính trẻ xa nhà , cô cũng như họ thôi chỉ khác là mỗi người chiến đấu trên một mặt trận khác nhau . Nếu không có cuộc chiến này thì họ đã được ở bên người thân , bên gia đình , họ không phải lặn lội đến nơi xa xôi , nguy hiểm này , ở bên cạnh cái sống và cái chết . Hôm nay còn đây, ngày mai vĩnh viễn ra đi , có mấy ai hy vọng mình sẽ có ngày trở về .
- Tôi thấy cô quen lắm ! À phải rồi , có phải nhà cô ở đường Tăng Bạt Hổ?
- Sao anh biết ? cô ngạc nhiên hỏi lại.
- Cô là em của cô Len ?
- Dạ .
- Cô Len lúc trước học ở Cường Để , đẹp nổi tiếng , bọn con
trai chúng tôi ai mà không biết , tụi tôi trồng cây si đứng trước nhà cô hoài . Vừa nói anh vừa cười : - Cô giống cô chị lắm ! nhìn là biết ngay . Thế bây giờ chị cô đang ở đâu ?
- Dạ , chị ấy theo chồng đang dạy ở Cần Thơ .
- Ra đây dạy , cô ở trọ chỗ nào ?
- Dạ , em ở trọ chỗ quán ăn Lưu ý . Thấy anh ấy biết chị mình nên cô trở nên thân thiện .
- À , tôi biết rồi , quán ăn đó ngon lắm ! nổi tiếng nhất thị trấn này . Cô biết không , vùng này chiến sự khốc liệt , bom đạn nguy hiểm lắm , cô nên thận trọng !
- Dạ , cám ơn anh , ở Quy Nhơn , mà nhà anh ở đâu ? Cô vui vẻ hỏi .
- Nhà tôi ở đường Võ Tánh gần vườn bông và bến xe , tôi tên là Phạm Đình Ninh .
Tự nhiên cô không còn thấy xa lạ , cô vui vẻ mỉm cười với anh.
- Thôi ! tôi phải đi để cô còn dạy , chào cô ! hẹn gặp lại !
Cô nhìn theo anh , chờ anh đi khuất mới quay vào lớp tiếp tục buổi dạy .
Cô và Cảm vẫn đi dạy đều . Ở vùng khói lửa nên học sinh của cô đến lớp không liên tục , hôm nào im tiếng súng thì các em ôm vở đi học , hôm nào hai bên giao tranh thì các em phải nghỉ học , di tản đến chỗ khác để tránh bom đạn . Đa số học sinh của cô , con nhà nghèo , làm ruộng . Có em buổi sáng phải dắt trâu ra đồng cho trâu ăn cỏ rồi mới đến lớp , chân tay dính bùn lấm lem . Ngày mùa , các em phải ở nhà để đi mót lúa hoặc giúp gia đình trong việc đồng áng . Cô ngắm nhìn từng khuôn mặt non nớt , ngây thơ của các em mà lòng mình dâng lên những cảm xúc thân thương . Cô giúp cho các em sách vở , dụng cụ học tập . Dạy cho các em biết những kiến thức trong sách vở , và cả những kiến thức trong cuộc sống . Trong cái khó khăn đó, các em vẫn chăm chỉ học , một số em rất giỏi toán , các em lại còn khéo tay : trong giờ Thủ Công thấy trên bàn các em có những cành ớt , trái đỏ , trái xanh cành lá sum sê . Cô thoáng nghĩ : “ Hôm nay , chấm điểm trái ớt làm bằng sáp, sao bọn chúng lại hái nguyên cành ớt cho mình chấm điểm thế này ? Khi các em đem nộp sản phẩm , cô mới nhìn kĩ , thì ra những trái ớt làm bằng sáp được các em vuốt tỉa rất đẹp , trông giống như trái ớt thật gắn lên một cái cuống của một cành ớt có cả trái ớt xanh , ớt đỏ hái trong vườn , vì thế mới nhìn sơ qua không thể phân biệt đâu là trái ớt thật , đâu là trái ớt bằng sáp . Ngoài ra, cô còn dạy các em biết cách thưa gởi , lễ phép với người lớn , biết cách giữ vệ sinh cá nhân , vệ sinh lớp học , biết giúp đỡ cha mẹ … Lúc đầu các em chưa biết gì cả , thế mà nay , các em đã có sự thay đổi : đi học áo quần tươm tất , sạch sẽ hơn , tóc tai gọn gàng , biết chào hỏi khi gặp cô giáo . Lớp học được các em quét dọn nên khang trang hơn . Càng ngày cô và học sinh càng gần gũi , quyến luyến nhau hơn .
Cô nói giọng Huế đôi khi các em không nghe rõ , nên đôi chỗ cô phải nói cao giọng thì các em mới nghe được . Giọng nói mỗi vùng miền nhiều khi cũng gây ra những chuyện nực cười . Có một lần , cô thấy một em trong lớp có một cái cặp mới rất đẹp , cô hỏi :
- Ai mua cho em chiếc cặp đẹp thế ?
- Dạ , ba em đi Quy Nhơn mua cho .
- Vậy ba em mua chiếc cặp này giá bao nhiêu ?
- Dạ thưa cô , nem trem .
- Bao nhiêu ?
- Dạ nem trem .
Cô phải hỏi đến ba lần cô mới biết giá chiếc cặp là năm trăm đồng . Còn rất nhiều từ địa phương nữa mà sau này khi nghe quen thì cô mới nghe rõ và từ đó hướng dẫn các em phát âm lại cho chuẩn theo từ phổ thông .
Nơi cô ở trọ , vợ chồng bác chủ nhà tính tình nhân hậu , thương yêu và chăm sóc cho cô và Cảm chu đáo , nhiều lúc cô có cảm giác như sống bên những người thân thuộc . Ông bà có ba cô con gái và một cô cháu , nay thêm hai cô nữa cho nên nhà toàn là con gái sàn sàn tuổi nhau . Hai cô gái lớn đã nghỉ học ở nhà phụ bố mẹ trông coi quán cơm , hai cô khá xinh nên quán ăn cũng tấp nập kẻ ra người vào , có nhiều anh si tình nên đến quán ăn hoài . Cô chị quen anh Trung Tá Biệt Động Quân nhưng ba má cô thấy cuộc sống của những người lính bấp bênh rày đây mai đó nên không bằng lòng , cô em lại yêu anh trung úy , hai người chuẩn bị tiến đến hôn nhân . Trong thời chiến , ở những nơi như thế này chỉ có yêu lính nhưng có rất nhiều cuộc tình cuối cùng rồi phải chia ly . Cô có một người bạn học thời trung học , tháng trước mới nghe tin tổ chức đám cưới với anh thiếu úy Bộ binh , tháng sau gặp lại đã thấy đầu chít khăn tang chồng . Cô có cô bạn học cùng lớp Nhị sáu trường Sư Phạm Quy nhơn có người yêu là Không Quân vừa mới tổ chức lễ hỏi được ít lâu thì anh ấy rớt máy bay tử trận , để lại cho cô ấy một nỗi đau buồn . Sống trong thời chiến là thế ! những đau thương sẽ lần lượt đến hết người này rồi người khác, gia đình này đến gia đình khác , không ai tránh khỏi . Chiến tranh kéo dài , từ lúc cô lớn lên đến bây giờ không thấy đất nước mình lúc nào thật sự yên bình . Vì thế , cô và các bạn thỉnh thoảng gặp nhau thường hay đùa trong ngậm ngùi :
Chúng mình trót sinh nhầm thế kỉ .
Một buổi sáng , cô đang dạy thì có một người đàn ông đến lớp , ông đứng trước cửa lớp hỏi thăm với giọng thân mật :
- Chào cô giáo ! Cô ra đây dạy được bao lâu rồi ?
- Dạ , cũng hơn hai tháng .
- Cô đi dạy bằng phương tiện gì , nhà cô ở có xa trường không ? ông ân cần hỏi han.
- Dạ , cháu đi dạy bằng xe lam , cháu ở trọ ở đầu cầu Bồng Sơn , cách xa trường khoảng ba , bốn cây số . Rồi ông ta hỏi thăm cô về những khó khăn trong khi xa gia đình, về những sợ hãi ở vùng lửa đạn , ông xem sổ Đầu bài , cuối cùng ông nói :
- Tôi là Thanh tra của Ty Giáo dục ra đây xem tình hình của những giáo viên mới ra trường để về làm hồ sơ tập sự … thấy các cô đi dạy như vầy là mừng rồi . Biết nói sao bây giờ ? Vì ở đâu cũng thấy bom đạn , cố gắng vượt qua nghe cô giáo ! Thôi cô tiếp tục dạy đi , chúc cô vui vẻ , chào cô !
Lúc đó , cô mới vỡ lẽ ra , ông ta là thanh tra .
Thời gian cũng thắm thoát trôi đi , cô và Cảm đi dạy cũng được gần ba tháng , hai cô về Ty giáo dục lảnh lương . Đó là số tiền đầu tiên tự cô làm ra ( bảy chục ngàn đồng , số tiền cô dạy trong ba tháng . So với lúc đó năm 1974 , số tiền rất lớn ) . Cô đưa toàn bộ số tiền về cho ba má .Ba má rất cảm động và mừng vì cô con gái út từ nay đã có thể sống độc lập , không phải xin tiền bố mẹ nữa . Ba đưa lại cho cô khoảng mười ngàn , cô mua hai cái áo dài mới để đi dạy hết ba ngàn , nộp tiền ăn cơm tháng hết bốn ngàn…còn lại cô chẳng biết làm gì , vào thời đó một người đi dạy , tiền lương có thể nuôi cả vợ và con cái , sống thoải mái , dư giả .
Về nhà , cô lại nhận được những lá thư của bạn bè , phần nhiều là thư thăm hỏi . Các bạn của cô mới ra trường ai cũng than khổ , buồn , nhớ nhà , nhớ bạn bè , nhớ trường lớp … Cô cũng nhận được thư của anh Thoại , anh Thoại học y khoa , là anh họ của Tú. ( Quảng Đình Tú là người bạn học cùng lớp nhị sáu trường Sư Phạm Quy Nhơn , một trong những người bạn mà cô mến vì sự thẳng thắn , chất phác , có đôi khi xử sự ra vẻ đàn ông ) . Anh viết thư muốn kết bạn với cô , khi còn ở nhà , Tú đưa anh ấy đến giới thiệu với cô , lúc đó , cô chưa có suy nghĩ gì cả . Bây giờ ra đây , ở một nơi mà lúc nào cũng nghe tiếng súng và chứng kiến những cảnh chết chóc . Trong thoáng chốc , cô bỗng thấy lòng mình yếu mềm , cần một chỗ dựa tinh thần của ai đó . Tâm trạng của cô lúc đó giống như lời bài thơ Cần thiết của Nguyên Sa :
Không có anh lấy ai đưa em đi dạy ( học ) về
Lấy ai viết thư cho em mang vào lớp học
Ai lau mắt cho em ngồi khóc
Ai đưa em đi chơi trong những chiều mưa .
…
Cô định hồi âm nhưng bản tính cô là hay suy nghĩ , nhút nhát rồi lại do dự , chần chừ , ngại ngùng … Cuối cùng cô yên lặng .
Những ngày bình yên , cô vẫn đi dạy đều đặn , không khí khoáng đãng , trong lành của ngôi trường ở vùng quê , một đàn học sinh ngây thơ , ngoan ngoãn ham học , lòng yêu nghề đã làm cô thấy gắn bó , yêu thích trường lớp , yêu học sinh . Những tình cảm đó , dần dần đã làm cho cô quên đi những nỗi buồn xa nhà , những lo sợ sự hiểm nguy của một vùng khói lửa kinh hoàng .
Một buổi sáng đang dạy học , bỗng tiếng kẻng đánh liên hồi , ông hiệu trưởng đến lớp bảo với cô :
- Cô chuẩn bị, chút nữa có ông Quận trưởng đến thăm trường.
Chưa được năm phút sau chiếc xe jeep chở ông đến ,( cô đã biết ông Quận trưởng vì nhà cô ở trọ trước quận , ngày nào ông không ghé quán ăn Lưu Ý , cô lại gặp ông ta một vài lần đến nhà Loan , Vân . Vả lại , hôm mới ra ông ta đã đến tận nhà hai cô làm quen rồi hứa sẽ giúp đỡ hai cô ). Tiếng kẻng đánh rền vang , khoảng chục người , đứng dàn thành hai hàng đón chào ông . Ông Quận trưởng bắt tay mọi người nói năng , dặn dò gì đó , một lát sau , quay sang ông hiệu trưởng , ông chỉ cô và nói :
- Xin giới thiệu , cô giáo đây là em vợ của tôi , thầy giúp đỡ dùm .
Cô chẳng biết nói sao trước sự ngang nhiên giới thiệu không đúng của ông Quận trưởng nhưng cô không tiện đính chính , cho đến khi ông ta đi khỏi cô mới phân trần với thầy hiệu trưởng rằng cô không có bà con chi hết với vợ ông Quận . Trưa đó , khi tan trường ra về , cô đang trên đường đi bộ ra đường lộ đón xe , ông Quận trưởng lái xe rà rà theo mời cô lên xe để ông chở về nhà nhưng cô từ chối vì nhiều lẽ , thứ nhất là cô không thích ông ta vì nghe đâu ông có vợ con rồi mà thấy con gái là cứ làm quen nhất là những cô giáo trẻ mới ra trường , thứ hai ở những vùng bom đạn , chết chóc như thế này mà ông ta lúc nào cũng phô trương . Cô nghĩ , tốt hơn hết là không nên dính dáng đến ông ta nhưng cô cũng ngại …Cầu mong sao mọi sự bình an đến với mình .
Mùa mưa lại đến , những cơn mưa dầm dề , rả rích kéo dài từ sáng đến chiều , đến tối . Mùa mưa ở Bồng Sơn thật đẹp và buồn Những chiều mưa , Cô và Cảm thường ra phía sau nhà nhìn dòng sông Lại Giang lững lờ trôi . Nhìn qua bên kia sông , những ngôi nhà tranh , những lũy tre xanh , những hàng dừa mờ mờ trong làn mưa mỏng , Cảnh chiều xuống thật đẹp , man mác buồn vương vấn nỗi nhớ nhà :
“ Một người ngồi bên kia sông im nghe nước chảy về đâu
Một người ngồi đây trông hoa trôi theo nước chảy phương nào”
( Hẹn hò - Phạm Duy )
Những đêm mưa ngồi trên căn gác trọ nhìn xuống đường phố leo lét ánh đèn cô và Cảm nhớ nhà kinh khủng có khi buồn quá hai cô hát , toàn là những bài về mưa:
“Đêm chưa ngủ nghe ngoài trời đổ mưa từng hạt mưa , phố nhỏ buồn lẻ loi …
“ Đường về đêm đêm mưa rơi ướt bước chân em , bùn lầy không quên bôi thêm lối ngõ không tên , qua mấy gian không đèn , mưa vẫn rơi êm đềm và chỉ làm phố buồn thêm ….”
Trời mưa thường làm cho những người xa nhà chạnh lòng , ước mơ về một mái ấm gia đình , trước nhà cô ở trọ , những đêm mưa cô thường thấy có một anh trung úy kéo khẩu súng cối từ bên đường vào trú dưới một gốc cây trứng cá bên nhà , anh ta lấy poncho che khẩu pháo rồi bắc ghế ngồi hút thuốc . Đốm lửa sáng trong đêm như những con đom đóm lập lòe , có khi cao hứng anh ta ngâm một vài câu thơ trong bài Nhà tôi của Yên Thao , giọng Bắc của anh vang lên trong đêm nghe buồn não nuột :
Tôi đứng bên này sông
Bên kia vùng địch đóng
Làng tôi đây xạm đen màu tuyết đọng
Tre cau buồn rủ ướt mưa sương
…
Này anh chiến sĩ
Người bạn pháo binh
Đã đến giờ chưa nhỉ ?
Mà tôi nghe như trại giặc tan tành
Anh rót cho khéo nhé !
Kẽo lại nhầm nhà tôi
Nhà tôi ở cuối thôn Đoài
Có giàn thiên lý
Có người tôi yêu .
Giọng của người lính hòa cùng với tiếng mưa rơi tí tách vang vang đều đều trong đêm , làm cho hai cô trằn trọc , thao thức không ngủ được , nhớ nhà da diết .
Những ngày mưa cô đi dạy rất vất vả , ướt át , gió lạnh . Con đường đi vào trường đất đỏ lầy lội nhớp nháp . Lớp học thì ẩm ướt, học sinh có em ướt lói ngói , sách vở lem luốc trông thật tội nghiệp những ngày mưa như vậy ,trời mù mù nên phòng học tối , học sinh không thấy mà học nên cô giảng bài rồi xen vào đó là kể chuyện cổ tích cho các em nghe . Ở đây , đánh nhau liên miên thì làm gì có điện , ngay như nhà cô ở trọ giữa trung tâm thị trấn Bồng Sơn mà cũng chỉ có điện từ bảy giờ tối đến chín giờ tối có hôm cúp điện luôn cả thị trấn chìm trong màn đêm . Những ngày mưa đón xe đi dạy cũng rất khó , có hôm tan trường về cô đứng đón xe , chờ mãi mà chẳng thấy tăm hơi chiếc xe đâu cả , mưa mỗi lúc một nặng hạt . Cô nhìn qua bên kia đường , cô giật mình , trấn tỉnh lại . Đó là , một xác người , sợ quá ! Cô không dám nhìn nhưng càng sợ thì mắt lại hướng về cái xác . Đó là xác một người đàn ông ở trần chỉ mặc độc nhất một cái quần cộc nằm sấp , úp người xuống đường nên cô không nhìn thấy rõ mặt . Người đó chắc chết hồi hôm , tóc ướt đẫm bết lẫn đất cát , nước da đã tái nhợt , hai tay , hai chân tím tái . mưa cứ tuôn xuống , toàn thân nằm trong vũng nước lạnh lẽo. Cô chợt nhớ đến một câu trong Ca Khúc Da Vàng bài Hát trên những xác người của Trịnh Công Sơn :
“ Xác nào nằm trôi sông , phơi trên ruộng đồng , trên nóc nhà thành phố , trên con đường quanh co … ”
Cô thấy trong lòng quặn lên một sự đau xót khó tả , dù ở bên này hay bên kia giới tuyến , mình cũng đều là người Việt , là anh em với nhau . Chiến tranh ơi ! sao mà tàn ác thế ! súng đạn , bom mìn gây ra không biết bao nhiêu cái chết thương tâm . Lúc này , cô không còn cảm thấy sợ nữa mà thấy ngậm ngùi , thương một kiếp người , còn gì nữa đâu , thân xác rồi cũng trở về với cát bụi . Cô thương cho dân tộc mình , thương cho thế hệ mình . Cô nhắm mắt lại , miệng lâm râm cầu nguyện cho người chết được siêu thoát , mãi đến khi chiếc xe lam trờ đến , bác tài la lớn :
- Cô có đi không ? lên xe nhanh !
Cô mới giật mình , chạy đến leo lên xe , chiếc xe rồ máy chạy nhanh .
- Trời ơi ! Nãy giờ cô đứng với cái xác chết mà không sợ à ? một người nào trên xe hốt hoảng nói .
Cô không trả lời vẫn nhìn cái xác cho đến khi không còn trông thấy nữa . Cả ngày hôm đó , cô cứ bần thần nghĩ đến cái xác nằm bên đường . Hôm sau , cô đi dạy thì không còn trông thấy cái xác nữa , chắc là người dân ở đây đã làm cho người chết được một ngôi mồ yên nghỉ rồi .
Mấy hôm nay , bên quận thấy rộn rịp nghe đâu tái chiếm đồi nào đó , chiến thắng ở An Lão , Sa Huỳnh , Tam Quan , đèo Nhông , đèo Phú Cũ hay đèo Bình Đê … Cô thấy họ mời Cảm đi trao vòng hoa chiến thắng , mời Cảm đi hát ( Thanh Cảm hát rất hay nổi tiếng từ trong trường Sư Phạm ). Những ngày như thế bớt nghe tiếng súng , cô đi dạy bình yên và tâm hồn cô thanh thản hơn . Cô lo dạy dỗ , dạy bù lại những ngày học sinh nghỉ học . Sáng nay đi dạy về , cô thấy trước nhà mình ở trọ đông đúc người , trực thăng lên xuống nườm nượp , phóng viên , Không quân , Bộ binh , các Sĩ quan , Tướng lãnh , những người Mỹ …đứng đông nghịt . Cô bước vào nhà , quán ăn đông đúc , cô phải lách người mới vào được bên trong , chợt cô nghe tiếng gọi :
- Ren !
Cô quay lại nhìn , phải một lúc lâu , cô mới nhận ra đó là anh Chương bạn của chị Len , anh đang ngồi với một số người Mỹ . Anh Chương đứng dậy , đến bên cô .
- Em ra trường đi dạy ở đây hả ? anh Chương hỏi với giọng
thân mật .
Lâu quá cô không gặp anh .Trước đây anh Chương và chị cô yêu nhau nhưng lúc đó chị ấy còn nhỏ quá , mà anh Chương thì cũng còn đi học nên ba cô không chấp thuận . Anh Chương buồn quá , sau khi đậu tú tài anh không học tiếp nữa mà đi làm gì đó cho Mỹ .
- Dạ , em dạy ở Hoài Tân cách đây bốn cây số .
- Em trọ ở quán ăn này hả ? Anh nhìn cô với ánh mắt ái ngại.
Anh nói tiếp : - ở vùng này em có sợ không ?
- Lúc đầu em cũng sợ nhưng giờ thì quen rồi .
- Em có cần anh giúp đỡ gì không ? Anh nói với giọng của một người anh lo lắng cho em . Cô cảm động , nói với anh Chương :
- Dạ , cám ơn anh , nếu có gì em sẽ nhờ anh giúp .
Cô thấy đứng lâu với anh Chương không tiện nên vội chào anh , hẹn gặp anh vào một dịp khác . Cứ mỗi lần cô gặp một người quen ở đây , cô thấy ai cũng ái ngại cho mình . Cô lại nghĩ đến tình cảnh hiện tại và cảm thấy buồn vì không biết bao giờ đất nước mình hết chiến tranh , để mình yên tâm đi dạy một cách yên bình và thoát khỏi cảnh bom đạn khủng khiếp này .
Chiến tranh không những cướp đi sinh mạng con người còn cướp đi bao nhiêu ước mơ , bao nhiêu hoài bão của tuổi trẻ .
Bên Quận có một anh Thiếu úy , khuôn mặt còn rất trẻ , nước da trắng trẻo thư sinh . Lúc đầu , khi mới gặp anh , anh ta không mặc quân phục mà trên tay lúc nào cũng cầm cuốn sách nên cô cứ ngỡ anh không phải là lính . Ngày ba bữa anh ta đến quán ăn . Sáng nào đi dạy , cô cũng thấy anh ngồi ăn sáng ở đó với cuốn sách , trưa đi dạy về đã thấy anh ngồi ở đó , buổi chiều khi cô và Cảm ăn cơm ở nhà sau lên ra đường đi dạo thì anh ta cũng vẫn miệt mài với quyển sách . Cuộc sống của anh ta đều đặn , chuẩn mực . Sau này , nghe mấy cô trong nhà kể chuyện về anh , cô mới biết anh ta là người miền Nam ( người Cà Mau ) . Anh học năm thứ ba đại học bị động viên đi lính , rồi bị đổi ra tận địa đầu giới tuyến , tuy hằng ngày chiến đấu , sống bên bom đạn , sống nay chết mai không biết chừng nhưng anh ta vẫn cố gắng học để sau này về thi tốt nghiệp đại học . Cô thấy phục cho cái quyết tâm của anh ta . Cuộc chiến đã làm cho tuổi trẻ hôm nay khó khăn trong sự thực hiện ước mơ của mình , làm dở dang mọi việc , có khi còn cướp đi cái tương lai tươi sáng .
Những ngày mưa gió cũng đi qua nhường chỗ cho mặt trời ấm dịu , bầu trời xanh trong hơn , từng đám mây trắng nhẹ trôi bồng bềnh , chim chóc thức dậy sau mùa đông rét mướt , rủ nhau bay từng đàn rồi sà xuống , ríu rít hót vang , cây cối vụt rạo rực đâm chồi nẩy lộc đón mùa xuân về . Cuộc chiến cũng trở nên tỉnh lặng, súng đạn cũng ngừng nổ như để nhường cho đất trời chuyển giao mùa . Nàng xuân như khẽ khàng bước đến , trường học của cô như thay chiếc áo mới nhờ những vạt cỏ non xanh , những khóm Vạn Thọ , luống Cúc đã lên đều những búp xanh nõn , lác đác một vài nụ đã nở hoa vàng tươi khoe sắc , gió xuân hây hẩy lùa trong nắng . Trên khuôn mặt của học sinh cũng rạng ngời nét vui tươi , lác đác có em đã xúng xính trong những bộ áo quần mới , có em rụt rè đến bên cô giáo xin phép cô cho nghỉ học ở nhà chạp mả , vài phụ huynh đến lớp mời cô đến nhà ăn Tất niên , cô từ chối lấy cớ bận việc , chứ thật tình mà nói , cô sợ mình còn quá trẻ để có thể ngồi ngang hàng ăn uống , nói chuyện với những người lớn tuổi , cô chưa quen và cũng chưa sẵn sàng trong những tình huống như thế .
Những ngày giáp Tết chợ cũng đông đúc hơn , người người nhà nhà sắm sửa đón xuân . Gia đình bác chủ nhà cô ở trọ cũng rộn rịp làm bánh mứt , cô thấy lòng mình cũng rộn lên . Hai cô cũng chuẩn bị mua một vài thứ đặc sản ở nơi đây về cho gia đình ăn Tết .
Buổi học cuối cùng , sau khi chúc Tết sớm các em và gởi lời chúc đến gia đình , cô dặn dò , cho các em ra về . Cô bước ra đường cái , một vài phụ huynh chờ sẵn , họ mang quà đến biếu . Đó là những món tự làm ra : Ràng bánh tráng hay chai nước mắm …có người đem cả cành mai đến :
- Thưa cô ! Tôi xin gởi cô cành mai về chưng Tết .
Cô lúng túng không biết làm sao với cái cành mai quá lớn , hiểu ý , ông ta nói :
- Không sao đâu ? tôi sẽ đem ra xe cho cô .
Nói rồi ông ta đi nhanh ra đường lộ , ông đón xe và cột cành mai lên trần xe một cách gọn gàng . Trước những tình cảm chân tình của phụ huynh dành cho mình cô xúc động đến nghẹn lời. Chiếc xe từ từ rời xa để lại đằng sau những phụ huynh dân quê mộc mạc chân chất . Cô chỉ mới ra đây dạy vài tháng nhưng cô đã thấy quyến luyến với học sinh , cảm mến sự hiền hòa , tấm lòng chân thật của người dân nơi đây và thương cảm với mảnh đất chịu quá nhiều bom đạn của chiến tranh .
Giữa lúc mọi người rộn rịp đón năm mới thì những người lính chuẩn bị chuyển quân , củng cố lại các lực lượng , vô số chiếc GMC chở đầy ắp binh lính , hàng loạt máy bay trực thăng tiếp tế hay đưa quân ra chiến trường , lớp lớp những người lính còn rất trẻ theo lệnh Tổng động viên lên đường ra tiền tuyến . Những người lính có mặt khắp mọi nơi, từ những đồi núi xa cho tới tận rừng sâu , dưới gầm của những chiếc cầu , dọc theo những đồng ruộng hay ven đường quốc lộ … Suốt đoạn đường từ Bồng Sơn vào đến Quy Nhơn chỗ nào cũng có mặt những người lính :
- Chắc sắp có đánh lớn !
- Muốn đánh gì thì đánh nhưng cho ăn Tết xong cái đã !
- Càng đánh nhau thì người dân lại càng khổ !
- Không biết bao giờ mới chấm dứt chiến tranh !
Mọi người trong xe bàn tán qua lại xôn xao , bỗng chiếc xe xốc mạnh làm cho mọi người trở về với thực tại vội vàng nắm chặt đồ đạc ngã nghiêng của mình. Trong xe, mọi người yên lặng chỉ còn tiếng hát từ cái loa của chiếc xe vang vang bài “ Xuân này con không về ” của Nhật Ngân :
“ Con biết xuân này mẹ chờ tin con , khi thấy mai đào nở vàng bên nương , năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về nay én bay đầy trước ngõ mà tin con vẫn xa ngàn xa …Con biết không về mẹ chờ em trông , nhưng nếu con về bạn bè thương mong bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường , không lẽ riêng mình êm ấm , mẹ ơi! con xuân này vắng nhà ” .
Khi còn ở nhà cô chẳng để ý đến bài hát này , thế mà từ khi ra đây thấy cuộc sống xa nhà , đầy gian khổ , vất vả của người lính , cô mới thấm thía , cảm nhận lời bài hát là phù hợp , là đúng với tâm trạng của những người lính chiến .
Đó là cái Tết năm đầu tiên đi dạy của cô . Thật là hạnh phúc sau những ngày tháng xa nhà về sum họp bên ba mẹ , anh chị . Năm mới , cô bước đến ngưỡng cửa của tuổi hai mươi mốt , một cô giáo trẻ , sung sướng vì mình trưởng thành …đã có nghề nghiệp như mong ước . Về với gia đình cô bỏ lại sau lưng những sự tàn khốc của cuộc chiến . Thật là diệu kì , mùa xuân đã làm cho tất cả những lo âu , muộn phiền hay chán nản bay đi đâu mất nhường chỗ cho những niềm vui ngự trị .
Những ngày Tết qua mau chị cô trở ra lại Quảng Ngãi , còn cô trở lại Bồng Sơn đi dạy.
Cuộc sống của những ngày sau Tết bình yên , chiến sự hầu như cũng lắng dịu . Mùa xuân ở đây tiết trời se lạnh , những cơn mưa xuân nhè nhẹ làm cho cảnh vật cây cỏ tươi tốt , tràn đầy sức sống . Cô bớt nhớ nhà , dần dần thích nghi với đời sống và khung cảnh ở đây . Dân chúng sau Tết cũng lục đục trở về đông hơn . Cô thấy dân mình luôn bám trụ , không muốn xa rời nơi chôn nhau cắt rốn . Họ yêu quê hương , tha thiết mong được sống trên mảnh đất mà mình được sinh ra và lớn lên. Họ khát khao yêu chuộng hòa bình .
Bên Quận đã có điện , dưới phố cũng có điện nên ban đêm thấy vui hơn . Ăn cơm xong , hai cô thường đi dạo , đường vắng hai đứa vừa đi vừa hát như để nói lên tâm trạng cô đơn :
“ Đêm nay ai đưa em về , mình em trên hè phố vắng ,
Đêm nay ai đưa em về , mắt em lệ ướt long lanh …”
Cuộc sống của những thầy giáo , cô giáo trẻ mới ra trường , đi dạy ở những vùng hẻo lánh xa xôi hay nơi vùng lửa đạn rồi cũng dần dần quen đi , cố gắng thích ứng với hoàn cảnh , thích nghi với thực tế . Họ không trốn chạy , không bỏ nghề vì họ đã được đào tạo trong môi trường sư phạm chân chính . Họ yêu nghề , yêu cuộc sống , yêu những người thân thuộc , yêu mọi người chung quanh và luôn yêu quê hương đất nước này .
Cuối tháng , cô trở về lại nhà để lãnh lương , buổi sáng , đang ngồi nói chuyện với ba mẹ thì có khách đến nhà , ba ra tiếp khách , cô pha trà bưng ra mời :
- Thưa bác ! mời bác dùng trà .
Ba cô cười òa , giới thiệu :
- Đây là anh Sửu phi công con của bác Duệ .
Cô ngước lên nhìn , anh ta mở cặp kính ra , lúc này cô mới thấy rõ là anh Sửu nhưng do anh để ria mép ( dạo đó , một số pilot để ria như tướng Nguyễn Cao Kỳ ) trông anh già đi, nên cô tưởng nhầm anh là bạn của ba mình .
- Em xin lỗi ! lâu quá không gặp anh , anh mới ở Sài Gòn về
hả ?
- Anh đi từ Sài Gòn lên Pleiku nhưng chiến sự trên đó không
yên , nên anh phải đáp máy bay xuống sân bay Phù Cát , sẵn ghé thăm nhà luôn , ngày kia anh bay vào lại Sài Gòn .
- Ren đang dạy học ở Bồng Sơn . Ba nói với anh Sửu .
- Bồng Sơn cũng là nơi xảy ra chiến trận ác liệt , theo như con biết những ngày sắp đến hai bên sẽ giao tranh khốc liệt một mất một còn . Quay sang cô anh nói :
- Còn em nếu ra dạy thấy tình hình căng thẳng , hai bên đánh
nhau thì em phải về nhà , đừng chần chừ ở lại sẽ nguy hiểm .
- Dạ , cám ơn anh .
Đó là lần cuối cô gặp anh Sửu vì sau hôm đó , anh bay vào Sài Gòn rồi bay thẳng qua Mĩ và cũng nhờ lời khuyên của anh mà khi cô quay trở lại Bồng Sơn , vừa nghe tin Ban Mê Thuộc rồi Tây Nguyên …dân chúng lần lượt di tản thì hai cô đã vội vã trở về Quy Nhơn , cô không kịp gặp học sinh một lần sau cuối để căn dặn , để nói lời từ biệt . Cứ tưởng mình chỉ về với gia đình một thời gian rồi quay trở lại giảng dạy như xưa . Nhưng nào có ngờ đâu , nơi đây chẳng còn một bục giảng nào dành cho cô nữa . Vì lần ra đi , đó là lần ra đi vĩnh viễn rời xa nơi này .
.
Sau 1975 cô tiếp tục đi dạy , trường cô dạy là ngôi trường đẹp nằm ngay trung tâm thành phố Quy Nhơn , với những học sinh ngoan hiền . Chiến tranh chấm dứt , không còn nghe tiếng bom đạn , không còn thấy cảnh chết chóc . Cô đi dạy trong cảnh yên bình nhưng cuộc sống rất vất vả , khó khăn của thời bao cấp bao trùm cộng vào đó có những quan niệm làm tổn thương đến tinh thần cô . Cô vẫn cố gắng chịu đựng theo cái nghề giáo , nhiều khi cũng mệt mỏi , có lúc cũng chán chường muốn ngã gục những lúc như vậy cô thường đạp xe lên thăm lại trường Sư phạm . Đứng ở ngoài nhìn vào , cô hình dung cảnh tượng thầy cô , bạn bè và kỉ niệm của những ngày tháng cũ , nhớ quay quắt mà nước mắt cứ rưng rưng … Quay trở về lại , cô cảm thấy mình mạnh mẽ hơn , cô gắng gượng vì lớp lớp học trò trước mặt vì tình cảm tha thiết của phụ huynh và vì cuộc sống ... rồi cứ thế ngày qua ngày , tháng tiếp tháng , năm liền năm …Bây giờ tóc đã bạc , tuổi đã về hưu . Vậy là , cô đã sống trọn vẹn cho học sinh , tận tụy với nghề giáo trung thành với bục giảng . Có một điều là trong chừng bấy nhiêu năm cô vẫn chưa có một dịp nào trở lại , thăm lại Bồng Sơn . Nhiều lúc hoài niệm cô thấy lòng mình chùng xuống . Nhớ da diết ! Mái trường Sơ Cấp Hội Đức . Nhớ quá đi thôi ! Con đường dẫn đến trường , những ngày nắng cũng như những ngày mưa . Nhớ ơi là nhớ ! Những ngày tháng mùa đông mưa gió rét buốt rồi không khí phơi phới tươi vui khi mùa xuân về . Ở mảnh đất ấy , có đàn học sinh thân yêu , có những người dân hiền hòa quanh năm chân lấm tay bùn , mảnh đất của một thời bom đạn , chiến tranh và nơi đó sẽ mãi mãi ghi dấu nhiều kỉ niệm thân thương của những ngày đầu tiên cô đi dạy .
. Sài Gòn , mùa xuân năm 2011 .
Irene Trần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét