Tiếng dương cầm , tiếng hát từ trong phòng Nhạc vọng ra , vang vang lên cả những dãy phòng học trên lầu :
“ Em không nghe mùa thu , dưới trăng mờ thổn thức , em không nghe rạo rực , hình ảnh kẻ chinh phu , trong lòng người cô phụ…”
Tuần nào cũng vậy , cứ vào chiều thứ tư là hai lớp nhị sáu và nhị bảy lại có giờ học nhạc kề nhau . Nhị sáu rời phòng học đi xuống lầu học nhạc , nhị bảy rời phòng Nhạc lên lầu để học tiết cuối . Hai lớp gặp nhau ở thang lầu . Các anh nhị bảy bao giờ cũng ồn ào , nói chuyện rôm rả thỉnh thoảng lại cùng nhau đồng thanh cười ồ vui vẻ . Có anh lại réo gọi tên các cô nhị sáu .
Vào mỗi sáng thứ hai chào cờ , lớp nhị sáu lại đứng sát bên lớp nhị bảy hay lần nào gặp “ các anh nhị bảy ” trên hành lang “ cô nhị sáu’’ cũng đều ái ngại bởi những cặp mắt nhìn giễu cợt , có đôi khi còn cố tình nhìn làm ra vẻ như đắm đuối , thiết tha lắm … Cô nhớ có một lần , cô bạn nhị bảy nói :
- Con gái lớp mình đặt tên cho lớp mình là “Bảy búa”vì các
anh rất nghịch ! hay chọc ghẹo mọi người …
Bây giờ nghĩ lại , cũng đúng thôi ! Những năm đó , đa số các bạn nam vào Sư Phạm vì “trốn lính”, không thích làm thầy mà phải khoác vào người cái vỏ bọc “mô phạm” cho nên có hai lối phản bác lại : Một là im lìm , chịu đựng , hai là bùng lên “quậy”cho vơi những dồn nén trong lòng .
Bước vào phòng học Nhạc , cô mới nhớ ra mình quên cái bóp viết . Quay lại phòng học , gần đến nơi cô ngài ngại nhưng không còn cách nào khác … vừa thấy bóng dáng cô là nhiều tiếng “ồ” , tiếng nói lao xao:
- Cô “ nhị sáu” ơi !
- Cô đi đâu đó !
- Ở lại đây học với nhị bảy luôn đi !
v.v … và v.v ...
Tim đập thình thịch , cô vội vàng lấy nhanh cái bóp viết , bước ra ngoài , sau lưng tiếng cười ,tiếng nói đuổi theo …Bỗng nghe tiếng gọi :
- Cô “nhị sáu ” ơi !
Quay nhìn lại , một anh chàng “nhị bảy” cao ráo , trắng trẻo . Anh lúng túng :
- Gởi bạn ! vừa nói , vừa đưa cho cô một cuốn sách .
Cô cầm , lí nhí :
- Cám ơn !
Bước nhanh xuống lầu vào phòng học , hòa cùng với các bạn :
“…Em không nghe rừng thu , lá thu kêu xào xạc , con nai vàng ngơ ngác , đạp trên lá vàng khô …”
Cô “bực mình” các anh nhị bảy nên đâm ra “ghét” lây cái anh chàng “nhị bảy” lẻo đẻo theo mình . Mặc dầu anh tặng cô nhiều cuốn sách hay : Love story , Doctor Jivago …và viết những bức thư hay ngang ngửa với những bức thư tình hay nhất thế giới . Và cô cũng chẳng một chút mảy may cảm động , dù ngày nào anh cũng theo cô đi học về trên những chuyến xe lam :
“ Em tan trường về , đường mưa nho nhỏ .
…..
Em tan trường về , mưa bay mờ mờ , anh trao vội vàng…”
Ngày qua ngày , cứ thế anh chàng “Nhị bảy” kiên trì theo cô “Nhị sáu” . Sự kiên trì của anh khiến đôi khi cô “ bực mình” .
Thế rồi một buổi chiều ! anh lại bỏ tiết theo cô ra về . Ra đến cổng , biết có anh đang theo mình , thoáng thấy cô bạn cùng lớp có người yêu là lính . Chợt nhớ đến các bạn nam lớp cô thường bảo rằng : Các cô Sư Phạm mê “ hoa mai” chứ không thích “cộng chỉ số ” . Nghĩ đến đây, cô vội bước đến bên bạn xin đi nhờ . Cô leo lên chiếc xe jeep mui trần , xe phóng đi ! Để lại đằng sau anh “Nhị bảy ”và sân trường …
Thế là từ đó , cô mất hút anh . Tâm lý con người thật là phức tạp , khi có ta “bực mình” khi không còn ta lại ngẩn ngơ , nhơ nhớ , tiêng tiếc …
Gần bốn mươi năm rồi ! Mỗi khi nhớ về ngôi trường Sư Phạm Quy Nhơn , cô lại rất nhớ từng khuôn mặt của các anh nhị bảy với những ánh mắt tinh nghịch , những nụ cười hồn nhiên , những khuôn mặt vui vẻ …một thời làm cô “bực mình” . Nếu thời gian có quay trở lại , gặp lại những khuôn mặt đó , cô sẽ chắc chắn một điều là : “cô nhị sáu” ngày nào không còn khó chịu nữa mà sẽ luôn luôn nở nụ cười thân thiện .
Đà Nẵng , 29/6/2011
Irene .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét