Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2014

VẨN VƠ

Thơ - Irene - Vẩn vơ


Một chút vấn vương buồn
Rồi chợt đọng trên mi
Một chút vấn vương sầu
Đọng lại lòng cô quạnh,

Nhẹ nhàng như gió thoảng
Dịu dàng như mây bay
Cơn mưa nào chiều nay
Vẩn vơ và bất chợt.

Một thoáng bình yên thôi
Để tâm ta tĩnh lặng
Con tim thôi thổn thức
Lòng mình không luyến lưu.

Chợt đến rồi chợt đi
Đời như là dòng sông
Trôi đi trôi đi mãi
Còn lại ta một mình.

Saigon, tháng 8/201

TÌM VỀ


                       Irene.

         Chiếc máy bay đảo mạnh rồi đáp xuống đường băng trượt dài theo phi đạo, trong máy bay Minh nhìn qua cửa sổ, sân bay Phù Cát mù mịt trong mưa.
          Lúc còn ở Việt Nam, những chiều mưa bao giờ Minh cũng tìm đến Trâm. Mưa ở Quy Nhơn buồn da diết và cũng rất lãng mạn, Minh và Trâm mặc áo mưa hoặc che dù đi bộ hết con đường này đến con đường khác. Lúc thì huyên thuyên tâm sự, lúc thì lặng im mỗi người đeo đuổi suy nghĩ riêng. Có lúc mưa to quá, hai đứa lại đụt mưa dưới những mái hiên nhà ai đó, ngắm đường phố trong mưa … chờ mưa nhỏ hạt rồi lại đi tiếp cho đến khi mỏi rã cả chân, chịu hết nỗi Trâm đứng lại “ thôi về ”. Minh đưa Trâm về tận nhà rồi nhảy chân sáo vòng qua đường Lê Lợi, Phan Bội Châu về nhà leo lên giường, cảm giác thật thoải mái và giấc ngủ đến thật bình yên …
          Trước khi gặp Trâm, Minh cũng quen biết vài cô bạn gái, cũng có vài mối tình, sâu đậm có, nhè nhẹ, thoang thoảng cũng có… nhưng rồi cứ lần lượt đi qua, đi qua “ như những giòng sông nhỏ ”. Anh không buồn, không níu kéo, chẳng nuối tiếc cứ để nó trôi đi.
          Quen biết Trâm thật tình cờ. Thời gian đó, anh thất nghiệp ở nhà, buồn quá nên thỉnh thoảng tổ chức tiệc tùng mời bạn bè cũ, mới chuyện trò cho vui. Vào một buổi chiều, Trâm xuất hiện đi cùng với Thanh hai cô vừa đi dạy về, Thanh là hôn thê của Tuấn em họ Minh. Hôm đó, thật vui lần lượt hết người này đến người khác hát. Ngọc ngâm bài thơ: Hai sắc hoa ti gôn của TTKH. ( Ngọc  là cô giáo học cùng khóa 12 Sư phạm với Minh ) . Thanh hát bài: Rồi như đá ngây ngô của Trịnh Công Sơn. Đến lượt Trâm, cô ôm đàn hát bài   “ Biển nhớ’’.  Minh rất thích bài hát này. Lúc đó, Minh mới nhìn kĩ, Trâm có khuôn mặt bầu bầu thấy hiền hiền, dễ thương, chiếc áo dài lụa màu tím ôm lấy “ đôi vai gầy guộc nhỏ ”. Năm ngón tay nhỏ nhắn bấm trên cần đàn hòa với giọng hát mộc mạc, bình dị không trau chuốt nhưng sao anh có cảm giác êm ái, nhẹ nhàng, có một cái gì đó sâu lắng. Anh thấy thích cô ngay!
          Sau hôm đó, Minh lại muốn gặp Trâm.  Toàn bạn của Minh lại dạy cùng trường với Trâm. Anh lấy cớ tìm đến trường gặp Toàn. Dường như biết ý anh, nên sau vài lần vừa thấy anh đến là Toàn vội đi tìm Trâm cho Minh, nói đôi ba chuyện gì đó rồi Toàn tìm cớ chuồn mất. Từ  đó, thỉnh thoảng Minh đến gặp Trâm vào những buổi chiều tan học, chờ học sinh ra về hết, hai đứa dắt xe đạp lững thững đi ra biển. Ngồi trên bãi cát mịn màng, gió thổi từ biển vào nghe mằn mặn. Bên Trâm lúc nào anh cũng thích ngồi yên lặng,  thấy tâm hồn mình bình yên thanh thản, cảm nhận thật sung sướng khi mình được hít thở cùng một khoảng trời với cô, cùng lắng nghe Trâm nói. Trâm có lối nói chuyện lôi cuốn, với giọng Huế nhè nhẹ, êm êm. Cũng có lúc, cả hai chỉ ngồi nghe tiếng sóng biển vỗ rì rầm, ngắm những con dã tràng chạy loăng quăng hoặc nhìn đất trời như xích gần lại lúc hoàng hôn  hay ngắm trăng từ từ lên sau dãy núi … Và  rồi không biết từ lúc nào Minh thấy gặp Trâm là cần thiết.
   Từ đó, Minh tránh gặp mặt các cô bạn gái, không còn thích la cà với bạn bè ở các quán café, không còn hứng thú tổ chức tiệc tùng tập trung các bạn vào cuối tuần nữa … mà chỉ muốn gặp Trâm.
         Biết Trâm thích hội họa Minh hăng say vẽ. Những góp ý của Trâm, Minh có đề tài cho ra những bức tranh rồi nhờ cô ấy anh đã dần dần tạo ra những tác phẩm  có hồn hơn. Anh bắt đầu thấy cuộc đời vui hơn, cuộc sống có ý nghĩa hơn, không còn tẻ nhạt, không buồn bã, không vô vị như khoảng thời gian qua.
          Minh bắt đầu thích đi làm. Lúc trước khi người ta từ chối anh, không cho anh đi dạy vì lý lịch,  anh bất cần, chẳng quan tâm nhưng bây giờ quen Trâm anh lại thích có nghề nghiệp để đi làm như cô. Anh sẽ học để tìm cho mình một cái nghề thích hợp . Anh thực hiện điều đó và lên đường đi học. Khoảng thời gian những năm học ở Quảng Ngãi, đó là khoảng thời gian đẹp nhất của anh: những ngày xa Trâm nhớ nhung vu vơ, rồi những ngày nôn nao chờ đợi đến ngày lễ, Tết, nghỉ hè… để về gặp Trâm. Bên cô, Minh vui vẻ, thấy hạnh phúc dâng trào và cả  những nỗi buồn khi phải tạm biệt, rời xa Trâm quay trở lại trường học.

          Minh xách valy lên taxi về nhà, trời vẫn còn mưa nhưng nhè nhẹ . Không khí mát mẻ dễ chịu. Hai bên đường những cánh đồng xanh rì chạy dài đến tận chân trời,  những mái nhà ngói đỏ tươi xen lẫn những mái nhà tranh lụp xụp ẩm ướt thấp thoáng sau lũy tre xanh, những hàng cau, hàng dừa sũng nước.  Xa xa, những dãy núi mờ mờ khuất sau màn mây mù. Quê mình đẹp, có nhiều thay đổi  nhưng sao vẫn còn nghèo quá!
           Về đến nhà thì cũng đã hơn chín giờ sáng. Thấy anh, chị Liên ngạc nhiên:                             
-         Sao cậu về mà không cho chị biết ?
-         Em có việc, đi gấp quá nên chẳng kịp báo tin. Vừa nói
anh  bước vội lên lầu.
Chị Liên lật đật chạy theo:
-         Để chị dọn phòng đã, còn em đi tắm đi!
Căn phòng của anh vẫn khóa trái từ khi anh ra nước ngoài.
Mỗi lần trở về, anh đều thích ở trong căn phòng này. Nằm ở đây để nghe tiếng chim hót ríu rít trên tán cây trước nhà mỗi sáng khi thức dậy, rồi nhớ lại những ngày tháng cũ, thời còn là cậu học sinh Cường Để, thời còn tham gia sinh hoạt Hướng Đạo, rồi vào Sư Phạm Qui Nhơn khóa 12. Anh quý và trân trọng  những vật dụng cũ: cái kệ sách, những bức tranh Minh vẽ, cả cái máy đĩa …cái gì cũng để lại cho anh nhiều  kỉ niệm của một thời trai trẻ.
Tắm xong, anh mặc chiếc áo sơ mi trắng, quần sậm màu.
Nhìn vào gương anh sựng lại khi thấy mình đã là người đàn ông đứng tuổi. Lấy tay vuốt vuốt mái tóc để che đi những sợi tóc bạc lộ ra ngoài và Minh nói như an ủi:  “ Vẫn còn trẻ chán!’’.
Bước xuống nhà, Minh ăn sáng, uống li cà phê vội vàng, lấy
 chiếc Honda. Thấy em ăn mặc chỉnh tề chị Liên định hỏi nhưng biết tính cậu nên lại thôi. Chị đưa chiếc mũ bảo hiểm rồi nói vói theo:
  -   Nhớ đi cẩn thận nghe Minh! 
Anh cho xe chạy qua các con đường quen thuộc của Quy
Nhơn: Phan Bội Châu, Lê lợi,Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tôn vòng xuống Tăng Bạt Hổ, Minh cảm thấy hồi hộp khi con đường dẫn đến trường Trâm dạy càng lúc, càng xích gần lại. Chiếc xe dừng lại trước cổng, ngôi trường bao nhiêu năm rồi vẫn vậy. Nhớ ngày nào,  anh cứ đứng đợi ở cổng trường, chờ tiếng trống vang lên báo hiệu giờ ra về và lòng anh lại rộn lên khi thấy bóng Trâm thướt tha trong tà áo dài tím, khuôn mặt tươi vui của nàng khi nhìn thấy anh.
-         Anh hỏi ai?  Chú bảo vệ mở cái cổng phụ thò đầu ra hỏi.
-         Chú cho tôi hỏi thăm…cô giáo Trâm, sáng nay có đi dạy
 không ?
Chú bảo vệ bước ra khỏi cửa đến gần ôn tồn:
-    À, cô Trâm hả ? Cô ấy nghỉ dạy luôn rồi.
          Minh ngẩn người.
          -    Cám ơn chú!
Anh đứng tần ngần một lát rồi lên xe chưa biết phải làm gì ? đi về đâu ?  Cuối cùng anh nghĩ: – Thôi đi ra biển. Anh quay xe trở lại. Vẫn con đường ngày xưa nhưng hai bên nhà cửa khác trước: nhiều nhà cao tầng, khách sạn, nhà hàng, quán café …  Ồ! vẫn còn đây, chiếc ghế đá và cây bông giấy màu đỏ tía, ngày xưa nhiều lần anh và Trâm ngồi ở đây ngắm biển, suy nghĩ vẩn vơ  … rồi cứ thế  liên tiếp những kỉ niệm từ quá khứ hiện về:
   Một buổi tối, Minh và Trâm đi bộ dọc theo con đường Nguyễn Huệ, con đường vắng người, chỉ nghe tiếng gió rì rào qua hàng dương hòa với tiếng sóng biển. Một chiếc cyclo chầm chậm bánh xe lăn rào rạo, ánh điện đường leo lét hắt chéo in rõ xuống đường, một bóng người gầy còm cố rướn người đạp, người và xe kéo dài từ từ trôi đi, trôi đi như kiếp người lao động thời bao cấp. Trâm chỉ hình ảnh đó và nói với anh rằng, cô liên tưởng đến những bức tranh của  Picasso về những vết hằn năm tháng …. Đêm đó, Minh thức trắng để hoàn thành bức tranh “kiếp người”. Trâm đã cho anh những ý tưởng thật độc đáo.
          Đi hết đoạn đường, anh vòng theo con đường đến Nhà Thờ.
Sáng Chủ nhật,  thường lệ Minh đến Nhà Thờ lễ sáng. Bên trong đông kín người. Theo dòng người anh đứng phía ngoài vòng tay im lặng. Bất chợt ai đó chen vào, quay sang, bất ngờ, ồ Trâm! Anh lẳng lặng dịch sang nhường chỗ, cô nàng nhón chân chăm chú nhìn vào trong nên không biết anh bên cạnh. Trâm là người ngoại đạo. Anh lấy làm ngạc nhiên, cô nàng đi đâu thế này ? Cô mặc chiếc áo dài màu tím. Chiếc áo dài ôm lấy bờ vai nhỏ nhắn xinh xắn. Không biết từ lúc nào anh yêu màu tím.
-         Ai cho cô vào đây ?
 Trâm giật mình nhìn sang, trông thấy anh, cô ngượng ngùng, cười cười giọng cô nho nhỏ chỉ đủ cho anh nghe:
-         Đi học chính trị gần đây, được nghỉ nên ghé sang chơi.
 Sau khi tan lễ, anh đưa Trâm đi dạo, cô nàng tò mò hỏi anh đủ điều về Thiên Chúa, về giáo lí … Buổi sáng hôm đó thật vui.
    Những hồi tưởng trong kí ức cứ dồn dập hiện về làm cho đầu óc anh suy nghĩ miên man. Chiếc xe cứ đưa anh đi hết con đường này đến con đường khác.
      Ngôi trường Sư Phạm Quy Nhơn một chiều hè, Minh và Trâm ghé thăm.  Cái cổng trường vẫn vậy, vẫn những cây hoa sứ , những cây bông giấy, cái hội trường dư âm của những đêm diễn văn nghệ, dãy văn phòng, dãy phòng học, hai khu nội trú vẫn thế!… cảnh cũ mà thầy cô, bạn bè xưa đâu rồi! Nhớ lại buổi tranh luận với Trâm: Trâm học khóa 11 còn Minh học khóa 12.Trâm cho rằng Minh học khóa sau nên Minh là đàn em của Trâm, Minh không chịu, cải lại … nghĩ đến đây Minh bật cười về sự trẻ con của mình.
    Con đường Nguyễn Du một buổi tối ngày nào, Minh tìm đến Trâm với ý định rủ cô cùng đi vượt biên ra nước ngoài. Nhìn Trâm hồn nhiên, vô tư, vui vẻ với cuộc sống tha thiết với nghề giáo  … Cuối cùng anh đành nín lặng chia tay cô ra về. Đêm hôm đó, khi Trâm và cả thành phố đang chìm trong giấc ngủ thì Minh đã bồng bềnh trên một chiếc thuyền rời bến đi xa.

    Minh không biết mình có yêu Trâm hay không  nhưng cứ mỗi ngày trôi qua, anh lại khám phá ra ở Trâm những tính cách hay hay : nhân hậu, chân thật … hay anh thích khuôn mặt, mái tóc, dáng dấp, con người đó, cái lối nói chuyện sâu lắng, thông minh lôi cuốn  … có thể Trâm cũng thích Minh,  nhưng lúc đó cả hai đều hãnh tiến, Minh sinh ra lớn lên  trong một gia đình khá giả, được nuông chìu từ bé, trong gia đình ai ai cũng thương yêu anh …đối với bạn bè, mọi người đều quý Minh, còn các cô bạn gái của anh, người nào cũng yêu anh … còn anh thì lúc nào cũng tỏ thái độ phớt tỉnh, bất cần. Với Trâm anh cũng vậy, suốt thời gian quen cô, có lúc anh muốn nói nhưng rồi có điều gì đó trong anh trỗi dậy anh lại thôi. Nhiều khi Minh lại nghĩ hay mình cứ xem Trâm như là một người bạn thân, rất thân thế thôi! và anh đã bỏ lỡ cơ hội …

  Ba mươi mấy năm ra nước ngoài, khó khăn lắm mới hòa nhập với cuộc sống, Minh phải tự lập, không có người thân bên cạnh. Suốt ngày đi làm kiếm tiền quần quật. Sống nơi đất khách quê người, vui ít, buồn nhiều. Rồi lại đổ vỡ chuyện gia đình càng làm cho anh thấm thía những cay đắng, xót xa của một đời người. Những lúc quá tuyệt vọng anh thường nhớ về một thời đã qua mà trong đó anh đã sống một cách dững dưng, thờ ơ với tình cảm của mọi người. Anh quay quắt tìm về nhưng lần nào cũng vậy: “ Vội vã trở về, vội vã ra đi ”. Cứ hết lần này, lại đến lần khác, ngày  ngày, tháng tháng, trôi đi trôi đi … mái tóc bây giờ đã bạc. Rồi bất ngờ nghe tin chồng Trâm đột ngột qua đời, nỗi nhớ trong anh bùng lên, Minh bỏ hết mọi công việc, không kịp từ giã mọi người, hấp tấp lấy vé máy bay trở về.

     Minh đứng tần ngần trước nhà Trâm, vẫn ngôi nhà xưa, có một vài lần về nước anh đã ghé thăm. Sao cánh cổng khóa bên ngoài, tường phủ rêu xanh ? Bà cụ nhà bên thò đầu ra nói vọng:
-         Cậu tìm cô Trâm hả ? – Cô đi Sài Gòn rồi! cô ấy không
còn ở đây và cũng không bao giờ trở về  nữa.
     Trái đất như quay một vòng rồi chao đảo dưới chân anh.
 Minh ngước lên nhìn bầu trời – sao nó rộng và mênh mông quá!
“ Trước đây, mỗi lần, tôi trở về thành phố, tuy không gặp em, tôi vẫn vui vì biết rằng có em  hiện hữu trong thành phố này. Bây giờ, chỉ còn lại mình tôi cô đơn, lạc lõng với những kỉ niệm với những con đường với những ngày tháng cũ hay tôi chỉ còn gặp lại em trong những hoài niệm ?  Tôi sẽ đi tìm em, dù em ở tận chân trời nào, tôi cũng sẽ đi tìm! ”

Mây xám giăng giăng kín cả bầu trời Quy Nhơn, mưa bắt đầu rơi rơi từng hạt, từng hạt .  Minh quay đi và thầm thì với chính mình: Trâm ơi! Trâm ơi!

                               Sài Gòn, những ngày cuối năm 2009.                                                                               
                                                        Irene.

PHẢI CHI...



Phải chi …
Irene.

   Tan cuộc họp , tôi bước ra khỏi Hội trường . Buổi sáng , vào giờ học nên sân trường Cường Để im ắng , đến nỗi tôi nghe rõ cả tiếng con chim nào đó hót ríu rít trên những cành cây cao và tiếng gió thổi lao xao qua kẻ lá . Hít một hơi dài bầu không khí trong lành mát mẻ và cảm thấy thoải mái , tôi bước ra khỏi cổng trường.
   Như thường lệ , đầu tháng tôi về Ty Giáo Dục để lãnh lương , sẵn dịp thầy Hiệu trưởng nhờ đi họp .
   Tôi đi bộ dưới những hàng cây , con đường rợp mát dưới ánh nắng dìu dịu của mùa xuân , Tà áo dài màu tím bay bay nhè nhẹ theo gió.
Trong những con đường ở Quy nhơn Tôi thích nhất là con đường Cường Để bởi vì có nhiều cây xanh và sự tĩnh lặng : đoạn đường từ Nguyễn Huệ đến Tăng Bạt Hổ phần nhiều là công sở , dinh thự , trường học , đoạn còn lại , đa số là nhà ở của công chức, cửa đóng im lìm , thỉnh thoảng có một vài nhà cho giáo viên hoặc giáo sinh sư phạm thuê...
-Chào cô ! Xin lỗi cô mới đi họp ra ?
   Tôi ngạc nhiên dừng lại , đó là một thanh niên dong dỏng cao , mái tóc hớt ngắn gọn gàng. Anh mặc một chiếc áo chemise trắng ,quần dạ sẫm màu ,  chân đi đôi giày đen .  Cách ăn mặc rất là lịch sự . Dưới cặp kính cận trông anh lại càng trí thức .
   Tôi chưa kịp trả lời , anh nói tiếp :
-  Tôi vừa mới ở Đà Lạt xuống , tôi tên là Nguyễn Minh Đức
   Anh nói với giọng miền Nam nhè nhẹ  , còn cô ?
   Tôi miễn cưỡng giới thiệu tên mình và nói luôn nghề nghiệp :
-         Tôi là giáo viên đang dạy tại Bồng Sơn .
-         Xin lỗi cô ! về sự đường đột này .
-   Không có gì . Anh có cần tôi giúp gì không ?
-         Ố ! Không , tôi chỉ muốn nói chuyện với cô một chút thôi,
 Thú thật với cô , từ xa , thấy dáng cô trong tà áo dài màu tím , tôi nhớ đến em gái của tôi quá ! Giọng anh chùng xuống , trầm buồn : Trong một lần từ Sài Gòn lên Đà Lạt thăm tôi , xe bị mìn và cô ấy đã vĩnh viễn ra đi  . Khi sống em tôi cũng thích màu tím , người nó cũng gầy gầy như cô, mới thoáng nhìn cô , tôi cứ ngỡ …
   Tự nhiên đồng cảm với sự mất mát người thân của anh :
-         Tôi xin chia buồn cùng anh .
-         Cám ơn cô !
   Thế rồi , cả hai cứ thế bước đi chầm chậm , chầm chậm , anh kể cho tôi nghe về Đà Lạt thành phố sương mù với những thắng cảnh : Thác Prenn , Camly , Datanla , Gougah , Pongour…Hồ Xuân Hương , Tuyền Lâm , Than Thở…ngọn núi Langbian…những đồi thông… chưa một lần đến Đà Lạt nhưng qua cách mô tả của anh tôi có cảm giác mình như  đang ở cao nguyên . Sau này , khi có nhiều dịp lên Đà Lạt , tôi mới cảm nhận hết cái vẻ đẹp , cái thơ mộng qua lối tả cảnh tinh tế của anh . – Hay anh ta làm hướng dẫn viên du lịch ?
-         Về âm nhạc cô thích nghe loại nhạc nào ?
-         Trong nước em thường nghe nhạc Phạm Duy và Trịnh
Công Sơn còn ở nước ngoài em thích nghe nhạc giao hưởng của Beethoven ( thật ra tôi mù tịt chẳng biết gì về Beet… cả ) .
   Bây giờ thì anh ấy đưa tôi đến thế giới âm nhạc bằng những hiểu biết thật rộng về lãnh vực này . Với giọng nhẹ nhàng , anh phân tích những cái hay trong tình ca , tình yêu đôi lứa , tình quê hương của Phạm Duy . Lúc bấy giờ , những bản nhạc rất thịnh hành như Ngày xưa Hoàng Thị , Trả lại em yêu , Con đường tình ta đi …mỗi bài anh đều có nhận xét thật sâu sắc như bài Thà như giọt mưa vừa phân tích anh vừa hát nho nhỏ :
“ Thà như giọt mưa , vỡ trên tượng đá , thà như giọt mưa khô trên tượng đá … có còn hơn không …”
   Anh nói về Ca khúc da vàng phản chiến rồi nhạc ca ngợi tình yêu cho đến  những trăn trở về thân phận con người … Lối siêu thực và thanh thoát trong nhạc Trịnh Công Sơn…
   Anh bảo với tôi , anh thích lời bài hát Bên kia sông của Nguyễn Đức Quang , tôi cũng rất thích bài này !
“Này người yêu người yêu anh ơi ! bên kia sông là ánh mặt trời…”
   Từ trước đến giờ , chỉ biết nghe và lõm bõm hát thì hôm nay anh ấy đã giúp tôi cảm nhận thật sâu , thật có hồn từng bài , từng dòng nhạc .
   Về nhạc giao hưởng cổ điển anh nói đến Mozart , Beethoven , Chopin…Khi đề cập đến Beethoven (Đức ) anh nói đến 9bản giao hưởng , 32 bản sonata , 5 bản concerto , 1vở nhạc kịch…anh nhấn mạnh đến bản giao hưởng số 9 (Re thứ ) nói đến niềm vui …  tôi ngạc nhiên trước những hiểu biết quá rộng, quá thông thái  của anh ấy . – Hay anh là nhà soạn nhạc ?
   Thật sự mà nói , bị cuốn hút với những kiến thức âm nhạc của anh , nên tôi cứ đi như thế và anh cứ nói , hết đường Cường Để vòng xuống Võ Tánh rồi Nguyễn Huệ , Lê lợi , Tăng Bạt Hổ và rồi anh đưa tôi về tận nhà .
   Buổi chiều , anh đến nhà tôi . Tôi và anh cùng đi dạo , tôi và anh đều biết rằng chúng tôi chỉ còn gặp nhau buổi chiều nay thôi vì ngày mai tôi ra Bồng Sơn dạy học . Khi đi đến đường Nguyễn Du anh chỉ vào tòa nhà , thì ra anh làm ở Hội Bảo Trợ Nhi Đồng Anh Quốc ( Bây giờ thì tôi hết đoán mò nghề nghiệp của anh nữa rồi ) .  Đi vòng hết mấy con đường chúng tôi ra biển . Biển Quy Nhơn buổi chiều gió nhẹ , từng con sóng nhấp nhô vỗ vào bờ cát . Nhìn cảnh biển , anh nói :
-         Đẹp quá ! ước gì có giá vẽ anh sẽ vẽ một bức tranh biển
chiều nay .
   Tôi rất thích hội họa , lúc còn học trong trường Sư Phạm mỗi lần đến giờ họa của thầy Phan Thâm tôi thích lắm ! nhưng rồi tôi chẳng có điều kiện để đi sâu về môn nghệ thuật này .Thấy tôi thích Hội họa anh giảng giải rõ ràng cho tôi biết về các trường phái Tây phương : Trừu tượng , Ấn tượng , Dã thú , Biểu hiện , Lập thể …Anh mô tả từng bức tranh của Picasso thuộc trường phái lập thể … Các trường phái Châu Á như Thư pháp , Thủy mặc …
Đến lúc này thì tôi quá thán phục về sự hiểu biết rộng , uyên thâm của anh .
Trước khi chia tay , anh nhìn tôi thật lâu và cám ơn vì đã giúp anh có những giây phút thân tình :
          -  Hãy cho anh xem Ren như là cô em gái của anh !
   Tôi quay trở lại Bồng Sơn mang theo hình ảnh đẹp về anh ấy . Tôi không thuộc “tuýp” người thích vẻ hào nhoáng bên ngoài nên tôi chẳng quan tâm mấy về hình thức của anh nhưng khi nhìn anh và nghe anh ấy nói , người anh toát lên một cái gì đó vừa quý phái , thanh cao vừa trí tuệ lại vừa thanh thoát …tự nhiên trong tôi dâng lên sự kính phục lẫn cảm mến có khi lại cảm thấy một chút gì đó bồi hồi , xao xuyến , bâng khuâng …
   Tôi ra dạy chưa được bao lâu thì cuộc chiến lan rộng , tôi phải vội vàng quay trở lại nhà . Trong thị xã , đâu đâu cũng nhốn nháo , tất cả mọi người vội vã sắp xếp đồ đạc đi lần vào Nam . Tuy trong sự lo âu về chiến sự nhưng tâm trí tôi lúc nào cũng nghĩ đến anh , không biết bây giờ anh làm gì ? Rồi tôi theo gia đình xuống tàu .
   Buổi chiều , ở bến cảng Quy Nhơn đông nghịt , hai chị em tôi dẫn mẹ , chị Hai tôi ( lúc đó chị mới sinh dậy ) cùng tám đứa cháu nhỏ . Lúc tôi đang di chuyển thì gặp một đoàn các tu sĩ đang đưa các em cô nhi xuống tàu . Một nghĩa cử đẹp ! Tôi nhường bước ,  nhìn các em rất thương , có em còn rất bé , có em khóc thét lên trong tay các soeur … Bất chợt tôi quay lại ,sững sờ ! Trong đoàn tu sĩ ấy, tôi thấy anh ! Dáng người dong dỏng cao , cũng cặp kính cận ấy ! không thể lẩn vào đâu được . Anh đứng đó , điềm nhiên trong chiếc áo chùng đen dài , anh như cao lớn hơn , uy nghiêm hơn , khuôn mặt anh thánh thiện , người anh như  tỏa sáng … 
-         Ồ ! thì ra anh ấy là linh mục  .
   Tôi bước tiếp theo dòng người di tản lên boong tàu . Cả đất trời , cả người tôi  hay cả chiếc tàu HQ500  đang chao đảo trong sóng nước …

Sài Gòn , tháng bảy /2011
Irene.

HỘI NGỘ


               Hội ngộ
                                     Irene.
     Tôi gặp anh ta lần đầu tại sân trường Sư Phạm Quy Nhơn. Tôi nhớ rất rõ là vì: Hôm đó, vừa xuống xe Lam, thì trời đổ cơn mưa, một tay ôm tập vở, một tay nắm tà áo dài, tôi vội ù chạy  nhanh vào trường, bước lên mấy bậc tam cấp chưa kịp thở thì “đâm sầm” vào anh ta trên hành lang của Hội trường:
  “ Quấn quýt vân vê tà áo , run run đôi môi nở chào …” ( Bài không tên số 5 – Vũ Thành An )
     Tôi định xin lỗi! không ngờ anh chàng nở nụ cười rất tươi như thông cảm “ Không có gì !”.
      Lần thứ hai tôi gặp anh trong quán ăn sáng của nhà thầy Bồn, sát một bên cổng trường Sư Phạm. Tôi nghỉ giờ đầu, đang ngồi thoải mái ăn sáng một mình, mắt dán vào cuốn truyện Love Story, miệng nhai nhỏ nhẻ thưởng thức từng miếng bánh bèo.
      -         Xin lỗi! cho mình ngồi cùng.
Ngước lên nhìn thì ra lại là anh ta, tôi không nói gì tiếp tục ăn nhưng tôi không quên liếc thấy anh ta mang bảng tên màu trắng chữ đỏ, đích thực là học khóa 11 với mình rồi! Nhưng tôi vẫn chưa biết tên anh ấy. Hình như anh ta chẳng có gì đặc biệt! Tôi phớt lờ chẳng thèm quan tâm: Con gái Sư Phạm luôn luôn “làm cao”.

      Gặp lại anh ấy trong đêm thi văn nghệ của trường, lớp anh vừa diễn xong tiết mục hợp ca, bước vào trong hậu trường thì anh gặp tôi đang chuẩn bị cho tiết mục của lớp, khác với mọi lần, lần này anh cười chào! Tôi chú ý đến nụ cười tươi vui của anh ấy!

   Rồi những lần sau nữa, tôi thường gặp anh trên những chuyến xe lam đến trường. Tôi đã có sẵn  những đồng bạc cắc (10đồng )! Nhưng lần nào xuống xe định trả tiền thì anh nhanh tay trả cho tôi rồi. Anh chẳng chờ tôi một lời “Cám ơn” cứ lặng lẽ bước đi phía sau tôi vào trường.

     Chúng tôi gặp nhau ở công viên trường vào “Đêm không ngủ”. Chúng tôi cùng đồng thanh bài: Đêm bây giờ đêm mai của Trịnh Công Sơn :
             Ôi đêm dài và cơn bão rớt
             Trên giải đất quê hương khô cằn
             Ôi bom đạn cày trên những xác
               …
             Xương thịt đó thiêng liêng vô cùng
    Chúng tôi say sưa hát, khuôn mặt ai ai cũng rạng ngời. Ôi! khi ấy chúng tôi còn rất trẻ! Cả một tương lai tươi sáng ở phía trước!

    Rồi chúng tôi ra trường đi dạy, mỗi người chúng tôi như những người đưa đò đi khắp mọi nơi trên đất nước, ai cũng lo công việc mới của mình, nên chưa kịp tìm lại nhau .

     Sau 75, chúng tôi tình cờ gặp lại nhau trong một khóa học chính trị hè. Anh ấy đã là Hiệu trưởng, ai ai cũng bận rộn với thời cuộc mới thay đổi nên chỉ thoáng chốc nhìn nhau rồi rời xa nhau. 

     Một buổi sáng, ở bến đò, đưa người chị sang đảo dạy. Tôi không cầm được nước mắt, tôi đã khóc, trong khoảnh khắc đó tôi lại gặp anh. Anh ấy nhìn tôi một  thoáng chạnh lòng.  

     Anh ấy ra nước ngoài, mỗi người có một lối đi riêng, tôi bơi lội giữa những bộn bề của cuộc sống, chúng tôi mất hút nhau từ ấy.

     Thế rồi, bất ngờ chúng tôi gặp lại vào một buổi chiều Quy Nhơn lộng gió. Sau ba mươi mấy năm ngỡ ngàng nhìn nhau, không nhận ra nhau. Dòng thời gian đã cuốn trôi đi nét thanh xuân của một thuở nào. Tóc bây giờ đã bạc, nhiều nếp nhăn trên khuôn mặt và trong lòng mỗi chúng tôi đều mang những vết sẹo chưa lành. Gặp lại nhau, không nói nên lời rồi chia tay nhau .

     Chúng tôi tìm gặp lại nhau trên mạng, rồi trang web spqn kéo chúng tôi xích lại gần nhau, làm cho hai tâm hồn tưởng như băng giá được sưởi ấm, hai con tim xơ cứng trở nên dịu dàng đồng điệu hơn, cuộc sống vui hơn có ý nghĩa hơn nhờ những bài văn, bài thơ, bài nhạc… Chúng tôi choáng ngợp bởi tình thân bè bạn, tình đồng môn và tình … 

Sài Gòn , 11/7/2011
Irene .

MỘT THOÁNG HƯƠNG XƯA


Tiếng dương cầm , tiếng hát từ trong phòng Nhạc vọng ra , vang vang lên cả những dãy phòng học trên lầu :
   “ Em không nghe mùa thu , dưới trăng mờ thổn thức , em không nghe rạo rực , hình ảnh kẻ chinh phu , trong lòng người cô phụ…”
  
Tuần nào cũng vậy , cứ vào chiều thứ tư là hai lớp nhị sáu và nhị bảy lại có giờ học nhạc kề nhau . Nhị sáu rời phòng học đi xuống lầu học nhạc , nhị bảy rời phòng Nhạc lên lầu để học tiết cuối . Hai lớp gặp nhau ở thang lầu . Các anh nhị bảy bao giờ cũng ồn ào , nói chuyện rôm rả thỉnh thoảng lại cùng nhau đồng thanh cười ồ vui vẻ . Có anh lại réo gọi tên các cô nhị sáu .
Vào mỗi sáng thứ hai chào cờ , lớp nhị sáu lại đứng sát bên lớp nhị bảy hay lần nào gặp “ các anh nhị bảy ” trên hành lang “ cô nhị sáu’’ cũng đều ái ngại bởi những cặp mắt nhìn giễu cợt , có đôi khi còn cố tình nhìn làm ra vẻ như đắm đuối , thiết tha lắm  … Cô  nhớ có một lần , cô bạn nhị bảy nói :
-         Con gái lớp mình đặt tên cho lớp mình là “Bảy búa”vì các
anh rất nghịch ! hay chọc ghẹo mọi người …          
Bây giờ nghĩ lại , cũng đúng thôi ! Những năm đó , đa số các bạn nam vào Sư Phạm vì “trốn lính”, không thích làm thầy mà phải khoác vào người cái vỏ bọc “mô phạm” cho nên có hai lối phản bác lại : Một là im lìm , chịu đựng , hai là bùng lên “quậy”cho vơi những dồn nén trong lòng .
Bước vào phòng học Nhạc , cô mới nhớ ra mình quên cái bóp viết . Quay lại phòng học , gần đến nơi cô ngài ngại nhưng không còn cách nào khác … vừa thấy bóng dáng cô là nhiều tiếng “ồ” , tiếng nói lao xao:
-         Cô “ nhị sáu” ơi !
-         Cô đi đâu đó !
-         Ở lại đây học với nhị bảy luôn đi !
      v.v … và v.v ...
Tim đập thình thịch , cô vội vàng lấy nhanh cái bóp viết , bước ra ngoài , sau lưng tiếng cười ,tiếng nói đuổi theo …Bỗng  nghe tiếng gọi :
-         Cô “nhị sáu ” ơi !
Quay nhìn lại , một anh chàng “nhị bảy” cao ráo , trắng trẻo . Anh lúng túng :
-         Gởi bạn ! vừa nói , vừa đưa cho cô một cuốn sách .
Cô cầm , lí nhí :
-         Cám ơn !
Bước nhanh xuống lầu vào phòng học , hòa cùng với các bạn :
“…Em không nghe rừng thu , lá thu kêu xào xạc , con nai vàng ngơ ngác , đạp trên lá vàng khô …”

Cô “bực mình” các anh nhị bảy nên đâm ra “ghét” lây cái anh chàng “nhị bảy” lẻo đẻo theo mình . Mặc dầu anh tặng cô nhiều cuốn sách hay : Love story , Doctor Jivago …và viết những bức thư hay ngang ngửa với những bức thư tình hay nhất thế giới . Và cô cũng chẳng một chút mảy may cảm động , dù ngày nào anh cũng theo cô đi học về trên những chuyến xe lam :
    “   Em tan trường về , đường mưa nho nhỏ .
        …..
         Em tan trường về , mưa bay mờ mờ , anh trao vội vàng…”

Ngày qua ngày , cứ thế anh chàng “Nhị bảy” kiên trì theo cô “Nhị sáu” . Sự kiên trì của anh khiến đôi khi cô “ bực mình” .
Thế rồi một buổi chiều ! anh lại bỏ tiết theo cô ra về . Ra đến cổng , biết có anh đang theo mình , thoáng thấy cô bạn cùng lớp có người yêu là lính . Chợt nhớ đến các bạn nam lớp cô thường bảo rằng :  Các cô Sư Phạm mê “ hoa mai” chứ không thích “cộng chỉ số ” . Nghĩ đến đây, cô vội bước đến bên bạn xin đi nhờ . Cô leo lên chiếc xe jeep mui trần , xe phóng đi ! Để lại đằng sau anh “Nhị bảy ”và sân trường …


Thế là từ đó , cô mất hút anh . Tâm lý con người thật là phức tạp , khi có ta “bực mình” khi không còn ta lại ngẩn ngơ , nhơ nhớ , tiêng tiếc …
Gần bốn mươi năm rồi ! Mỗi khi nhớ về ngôi trường Sư Phạm Quy Nhơn , cô lại rất nhớ từng khuôn mặt của các anh nhị bảy với những ánh mắt tinh nghịch , những nụ cười hồn nhiên , những khuôn mặt vui vẻ …một thời làm cô “bực mình” . Nếu thời gian có quay trở lại , gặp lại những khuôn mặt đó , cô sẽ chắc chắn một điều là : “cô nhị sáu” ngày nào không còn khó chịu nữa mà sẽ luôn luôn nở nụ cười thân thiện  .

Đà Nẵng , 29/6/2011
Irene .

MỘT THỜI ĐỂ NHỚ



  “ Một thời để nhớ… ”
  Irene Tran.

    .… Đường xưa còn đó nắng vẫn lên vẫn trăng treo ven đồi
Mà hình bóng cũ thiếu trong tôi, mỗi khi nghe… chiều …rơi…rơi…

Dương vừa chấm dứt bài hát :  Đường xưa lối cũ của Hoàng Thi Thơ , tiếng vỗ tay hoan hô vang dội cả hội trường. Dương cúi đầu chào, chờ cho chiếc màn từ từ khép lại , cô mới bước vào bên trong sân khấu. Sau hậu trường các bạn đông nghịt đang chờ đến tiết mục của mình. Ai đó nói to :
-               Dương ơi, hát hay lắm!

 Cô nhìn và nhận ra các bạn ở lớp nhất niên sáu, có cả thầy giáo dạy nhạc, thầy  cười :
          -  Hôm nay, em hát thật tuyệt!
Cô mỉm cười nói lí nhí :
          -  Cảm ơn thầy ! rồi hấp tấp bước ra ngoài.
Dương đi qua lối hành lang dẫn về khu nội trú , từng tốp các bạn đứng với nhau cười cười, nói nói bàn tán rôm rả xen lẫn tiếng đàn, tiếng trống xập xình ở hội trường vang ra , càng làm cho không khí sôi động. Văn nghệ là phong trào sôi nổi nhất của trường Sư phạm . Năm nào cũng vậy, vào tháng mười một , tháng mười hai là trường lại tổ chức cuộc thi văn nghệ giữa các lớp của hai khóa: nhất niên và nhị niên. Một tháng trước khi diễn ra cuộc thi các lớp chuẩn bị tập dợt ráo riết đủ các thể loại: Đơn ca, song ca, tam ca, tốp ca…múa, hoạt cảnh… Toàn trường  rộn ràng hẳn lên , đi đến đâu cũng nghe bàn tán về các tiết mục . Mọi hoạt động khác đều dừng lại để nhường chỗ cho phong trào văn nghệ .  Văn nghệ làm cho tâm hồn mọi người tươi trẻ, yêu đời xích lại gần nhau , có rất nhiều cuộc tình bắt đầu nảy sinh ra cũng từ đó.
           -  Chị Dương ! Sao chị không xem nữa?
Cô quay nhìn lại, nhận ra Hải nhất niên một cũng ở trong ban văn nghệ của trường. Cô cười:
           -   Mình bận chút việc phải về. Vừa nói cô tiếp tục đi.
Leo lên tầng hai của khu nội trú nữ, Dương vội vàng tẩy trang khuôn mặt rồi lấy xách ra về.
Mùa đông lại về, trời đã bắt đầu se se lạnh , mây xám giăng kín  cả bầu trời . Vài cơn mưa phùn đầu mùa rơi nhè nhẹ . Sân trường ẩm ướt, hàng thông đứng rủ lặng  sướt mướt những giọt nước. Những cây sứ , lá , hoa rụng gần hết chỉ còn lác đác vài đóa hoa sót lại  trên cành,   hoa rơi rụng đầy gốc làm trắng xóa cả một khoảng sân , đưa hương thoang thoảng trong gió. Những cây bông giấy sẫm màu vì mưa . Trong những vòm lá trên cao  bầy chim ẩn nấp đâu đó hót ríu ra , ríu rít…
Đi hết dãy hành lang ra đến cổng . Dương bung chiếc dù, những hạt mưa thấm ướt làm lấm tấm cả hai vạt áo dài trắng của cô . Một tay che dù, một tay ôm cái xách trước ngực , cô vẫn cảm thấy cái lạnh len vào trong cơ thể . Cô đứng nép vào một góc của cổng trường chờ xe. Sáng nay, đang chuẩn bị đến trường diễn văn nghệ thì mẹ bảo:
-  Con nhớ về sớm đi chợ , nấu cơm . Hôm nay chị người làm bị cảm còn ba  mẹ đi thăm bác Thọ đau nặng .
Nên diễn xong tiết mục của mình , Dương vội về nhà , không được xem văn nghệ thật là tiếc , nhưng biết làm sao được ! Mưa vẫn dai dẳng . Ngôi trường của Dương học nằm ngay trong thành phố và ở một vị trí rất đẹp . Trước cổng trường là một con đường lớn chạy dài từ trung tâm thành phố đến Ghềnh Ráng nơi nhà thơ Hàn Mặc Tử nằm lại ở đây . Hai bên đường những cây dương liễu xoải dài bóng mát thường xuyên chứng kiến bao cảnh đi về của nhiều lớp giáo sinh ở các khóa sư phạm . Đối diện trường , thấp thoáng sau hàng dừa là bãi cát vàng và biển xanh mênh mông lộng gió , quanh năm rì rào tiếng sóng biển .  Hôm nay , sương mù giăng kín nên không thấy đâu là bến là bờ. Chiếc xe lam trờ đến chầm chậm , chầm chậm rồi dừng lại, Dương bước lên xe, xếp lại chiếc dù, vén tà áo cô ngồi dịch vào bên trong. Những ngày mưa như thế này đi học thật cực , mặc dầu đã có áo mưa nhưng có hôm đến trường vừa ướt lại vừa lạnh…xe chỉ có trần che  phía trên còn hai bên trống mưa tha hồ tạt vào .
-  Chào cô!
Dương giật mình nhìn lên ,  hai anh chàng nào lạ hoắc , không quen , hình như không học cùng trường với cô và cũng chưa gặp bao giờ , ngồi dãy ghế đối diện . Chưa hết ngỡ ngàng một trong hai anh nhanh nhẩu với giọng miền Nam:
-  Chúng tôi bạn của Hải, tôi là Nguyễn Văn Quang ,  anh bạn đây là Ngô Đình Toàn . Hai anh chàng nở nụ cười thân thiện giới thiệu làm quen. Cô mỉm cười. Hai người đều mặc áo sơ mi trắng , quần dạ sẫm màu . Anh Toàn tiếp lời:
-  Xin lỗi, cô tên Dương ?  Giọng Huế của anh nhè nhẹ.
“ Sao biết tên mình nhỉ!” Cô sực nhớ ra mình vẫn còn đeo cái bảng tên trên áo, cô gật đầu miễn cưỡng :
-  Dạ , Trần Thị Trùng Dương vừa nói  cô vừa nghiêng đầu hất
 hất mái tóc để che đi cái bảng tên trên ngực .
Điều tối kị của cô và các bạn nữ cùng trường là mang bảng tên ra khỏi phạm vi trường , vì e ngại khi ai đó  biết tên của mình , nên vừa ra đến cổng trường là vội tháo cái bảng tên cất ngay .
Dường như bắt được cơ hội anh nói :
-  Cô người Huế ? cô Dương nì ! sao trên bảng tên của cô có số 2? Rồi không đợi cô trả lời, anh tiếp:
-  Có phải số 2 là mình học năm thứ hai ?
Đến lúc này thì buộc cô phải trả lời:
         -  Dạ không phải, số 2 là chỉ lớp còn năm thứ nhất bảng tên
 màu trắng, năm thứ hai bảng tên màu xanh. Sang năm , thì năm thứ hai bảng tên màu trắng và năm thứ nhất lại màu xanh .
-   Hay nhỉ ! như vậy học hai năm chỉ cần dùng một bảng
 tên ?
-    Dạ .
Xe chạy vòng qua “ Eo nín thở ” rồi hướng về đường Nguyễn Huệ .
Cô quay mặt nhìn về  phía trước vờ như xem xe chạy đã đến nhà mình chưa ? vì hai anh chàng cứ nhìn cô đăm đăm , Dương ngượng ngùng không dám nhìn lại . Sau một hồi , hình như chẳng kiếm được vấn đề gì để hỏi nữa nên hai anh đành lặng im .
Xe đến đường Lê Lợi quen thuộc , Dương ra hiệu cho bác tài dừng  lại , cô gật đầu chào hai người mới quen rồi xuống xe đi về dãy phố nhà mình .

Buổi chiều Dương đến trường . Trời không mưa nhưng càng về chiều trời  càng lạnh . Chiếc áo len trắng khoác ngoài cái áo dài cũng không  làm cô ấm áp . Vội vã bước lên dãy lầu về phía các phòng học , các bạn lớp của cô đang hóa trang để chuẩn bị cho các tiết mục dự thi của lớp . Dương ngồi xuống trang điểm .
Dương cùng các bạn bước vào bên trong hội trường để chuẩn bị trình diễn . Bài hát hợp ca vang lên , lúc lên cao , khi xuống thấp , có đoạn thì hùng hồn , ngân vang , chấm dứt bài hát tiếng vỗ tay kéo dài không ngớt . Cô tiếp tục hát trong tiết mục múa  . Phần dự thi của lớp vừa xong , Dương chuẩn bị rời khỏi hội trường thì Hải đến tìm  :
-   Chị Dương có người gởi cho chị .
  Hải đưa cho cô một tấm danh thiếp .
-   Cảm ơn !
   Cô cầm và chỉ kịp nhìn sơ qua :
                          Hải quân - Thiếu úy
                          Ngô - Đình – Toàn
   Dương lật ra phía sau :
“ Chờ cả buổi chiều không gặp , bây giờ phải về tàu ’’
   Dương mỉm cười nghĩ thầm : “ À , anh Toàn ! ’’. Thì ra hai anh mà cô gặp lúc sáng trên chuyến xe là Hải quân .
Cất vội danh thiếp vào ví , cô bước vào bên trong tìm ghế ngồi xem văn nghệ .
   Lúc chiều các bạn trong đội văn nghệ đi thăm Hải quân .Trường Sư Phạm của cô kết nghĩa với một đơn vị Hải quân  , vào những dịp lễ  , Tết thường giao lưu thăm hỏi và biểu diễn văn nghệ . Dương bận việc nên không đi được .
Dương được sinh ra trong một gia đình người Huế . Ba mẹ Dương rất khó , ngoài đi học ra , ông bà ít cho chị em cô đi đâu . Trong tuần , ba chị em chỉ được phép đi chơi với nhau vào tối thứ bảy : Những buổi tối đi chơi , chị em cô dạo phố Gia Long , ngắm đường phố với mọi người qua lại , ngắm các cửa tiệm Đại Chúng , Bình Minh , vào Khánh Hưng mua một vài cuốn sách , cuốn truyện có khi một tập nhạc , vòng qua Phan Bội Châu vào ăn kem ở quán Phi Điệp hoặc nếu có phim hay thì vào rạp Tân Châu xem…thế thôi , rồi về nhà trước chín giờ tối , ngoài ra không đi đâu cả  . Ba mẹ đều muốn chị em cô theo ngành giáo . Vì vậy , cô chị đã tốt nghiệp sư phạm khóa 8 đang dạy ở Cam Ranh , Dương khóa10 mới vào trường học năm thứ nhất , em cô học lớp mười hai trường Nữ Trung Học và có khả năng nối tiếp các chị . Ba chị em đều có máu văn nghệ .

Mấy hôm nay trời trở rét , từng cơn gió  thổi mạnh rít qua khe cửa hắt cái lạnh vào phòng . Buổi chiều không có giờ học , hai chị em nằm lì trong phòng không muốn dậy . Trâm em của Dương nằm đọc sách , Dương thì cuộn tròn trong chăn  . Thỉnh thoảng , thằng cháu bước vào phòng mang đĩa củ lang luộc hay gói bắp rang nóng hổi … hai chị em lười đến nỗi không buồn ngồi dậy nằm trên giường vói tay bốc , rồi vừa nằm vừa nhai . Bây giờ có lẽ khoảng hai , ba giờ chiều . Mùa đông ở cái xứ miền Trung này , mưa cũng dữ mà rét cũng không kém . Thế nhưng Dương lại thích thời tiết lành lạnh vì những ngày như vậy , cô thường co ro trong những cái áo len và những chiếc khăn quàng cổ đến trường hoặc lang thang trên con đường đi học , suy nghĩ vẩn vơ , thấy tâm hồn mình bâng khuâng, bay bỗng , lãng mạn hơn …
          Thằng cháu mở cửa phòng thò đầu vào :
          - Dì Dương xuống nhà có khách !
          Dương giật mình hỏi :
          - Ai vậy ?  nam hay nữ ?
          - Dạ , con không biết, nam . Vừa nói nó vừa đi xuống lầu .
          Dương uể oải tung chăn ngồi dậy , vừa lầu bầu : ai thế nhỉ ?
          Cô khoác cái áo len , chải sơ qua mái tóc…đi xuống nhà.
          Bước vào phòng khách , Dương ngạc nhiên khi nhìn thấy một người lạ đang quay lưng lại chăm chú nhìn bức tranh “Đồng quê ” treo trên tường . Nghe tiếng chân , người ấy quay lại , trong ánh sáng mờ mờ của một buổi chiều đông , cô thấy người đó có dáng cao cao , đeo kính cận , mang quân phục hải quân .  Anh cười :
          - Chào cô !  Dương có nhận ra tôi không ?
          Mãi đến khi nghe anh nói cái giọng Huế , cô mới nhận ra .
          - A ! Anh Toàn , dạ mời anh ngồi .
          -  Sao anh biết nhà của Dương ?
          - Ừ, thì biết . Anh cười cười trả lời ậm ừ .
          Dương mỉm cười : “ Chắc có lẽ hôm gặp mình trên chuyến xe lam , lúc xuống xe  , hai anh đã đi theo mình về tận nhà đây mà.”. Cô rót nước mời anh .
          Toàn bắt chuyện :
- Cô học sư phạm khóa mấy ?
          -  Dạ khóa mười . Giọng cô nho nhỏ  .
          - Cô Dương nì ! Giáo sinh trường Sư phạm sau khi tốt nghiệp , thường được bổ nhiệm ở những nơi nào ?
          - Dạ , Những năm trước đây nhiệm sở từ Quảng Trị đến Bình Thuận nhưng mấy năm lại đây có trường sư phạm Huế nên nhiệm sở chỉ từ Quảng Tín đến Bình Thuận . Cô trả lời chậm rãi .
           - Con gái đi dạy thấy hay hay , mấy người bạn hải quân của anh , ai cũng thích làm quen với các cô sư phạm .
          Dương mỉm cười và không nói gì cả  .
          Cuộc nói chuyện như chùng xuống , mỗi người như đeo đuổi suy nghĩ riêng . Chiều xuống chầm chậm .
          -  Thường thường khi đọc sách Dương thích đọc truyện  loại gì ?
          -  Dạ , truyện nào hay thì đọc không phân biệt thể loại hay tác giả .
          -  Anh đọc rất nhiều sách của các tác giả trong nước nhưng thích nhất là truyện của Phạm Công Thiện và truyện dịch . Giọng anh bỗng nhỏ lại thấy ấm áp  , gần gũi :
- Em biết không , những ngày lênh đênh trên biển buồn lắm và thời gian dài lê thê , sống xa gia đình , ba mẹ anh ở Nha Trang  chẳng biết làm gì nên anh chỉ còn cách đọc sách . Vì thế , về bến là anh đến ngay tiệm sách mua sách đem về tàu  . Có lúc anh đọc sách quên cả giờ cơm .
           Dương bỗng thấy bắt đầu có thiện cảm với anh Toàn . Sống trong thời chiến , cuộc sống của những người lính rất nguy hiểm . Suốt những năm tháng đi học , cô chưa bao giờ quen với một người lính nào … Anh chợt đứng dậy :
          -  Thôi , đến giờ anh phải về tàu , tạm biệt em nhé !
          Cô đưa anh ra tận cửa, hoàng hôn buông xuống , trời càng lạnh giá . Ngoài đường , mọi người qua lại thưa thớt trong những chiếc áo ấm . Một cơn gió lạnh tạt vào , Dương rùng mình nép sau cửa . Anh kéo cao cổ áo , quay lại mỉm cười với cô , chờ  cô khép cánh cửa sắt plại rồi mới bước đi .
  
          Buổi sáng , có giờ học Dương dậy sớm để sửa soạn đến trường . Trời thật lạnh , cô mặc cái áo len dày , quấn cái khăn quàng quanh cổ mấy vòng mà vẫn thấy rét .  Dương ôm cặp bước nhanh đến đầu phố nhà mình đón xe . Chiếc xe đưa Dương đến trường . Bước vào cổng trường , vẫn còn sớm , chỉ lác đác một vài người đến sớm đứng dọc hành lang . Các dãy phòng học , cửa vẫn còn đóng im ỉm . Từ trên lầu nhìn xuống , trong công viên trường những chiếc ghế đá lặng lẽ sau một đêm rét buốt , nằm đơn độc bên cạnh những cây liễu rủ . Những khóm  vàng anh , một vài đóa hoa vàng tươi lấp ló sau những chiếc lá xanh …
-  Xin lỗi , chị có phải là chị Dương ? Cô bạn học cùng khóa Sư
phạm nhưng Dương không biết tên , hỏi .
Dương gật đầu . cô ấy nói tiếp :
-   Chị ra cổng trường có người cần gặp .
          Cô chỉ kịp cảm ơn rồi hấp tấp đi xuống lầu , nhưng tiếng chuông reo lên báo hiệu giờ vào lớp , cô đành quay lại phòng học . Suốt hai giờ liền ngồi trong lớp đầu óc cô cứ miên man  : Ai thế nhỉ  ? Rồi giờ chơi cũng phải đến , cô rời lớp học ra đến cổng trường , anh Toàn trong quân phục Hải quân đứng dựa vào cổng trường chăm chú đọc
 sách . Suốt mấy giờ liền , anh ấy vẫn đứng chờ . Dương đến sát bên cạnh , anh mới ngẩng đầu lên , thấy Dương anh nở nụ cười rạng rỡ :
          -   Mấy hôm nay , anh được nghỉ phép về Nha Trang thăm nhà . vừa nói anh vừa đưa cho cô cuốn sách :
-  Em hãy đọc  !
-  Cám ơn anh .
          Dương cầm và vội vàng quay đi  . Cô  không dám nhìn cuốn sách ôm dấu nó vào lòng , đi một mạch lên lầu vào lớp học .
Ngồi trong lớp , Dương nhớ lại ngày đầu tiên gặp anh tự nhiên cô ghi lại cảm xúc của mình trên góc vở :
                                   Mưa bay mù lối đi về
                       Hàng thông cuốn gió mịt mù dáng em
                              Cho anh nghìn nhớ thương thêm
                       Về đêm không ngủ triền miên giọt buồn .
                                                           Trùng Dương .
 Mãi cho đến buổi chiều , ở nhà , một mình Dương mới dám lật ra xem  đó là cuốn : Thuở làm thơ yêu em của Trần Dạ Từ :
                                   Thủa làm thơ yêu em
                                   Trời mưa chưa ướt áo
                                    Hoa cúc vàng chân thềm
                                    Gió mây lưng bờ dậu
                                     …
                               
      Dương đọc liền một hơi , bài thơ hay quá làm cho cô choáng ngợp
Trong lòng trào dâng những xúc cảm . Cô lật từng trang , từng trang ,
 bài thơ nào lời lẽ cũng nhẹ nhàng  . Giữa cuốn là một lá thư gồm tám
 trang anh viết trên giấy học trò gởi cho cô với lời lẽ thân thương :
                     Nha Trang , ngày … tháng … năm .
                                 Dương thương yêu ngàn năm !  
    Anh được nghỉ phép , về Nha Trang thăm gia đình  ,  nhớ em anh mượn cây bút của cô em gái vào phòng đóng chặt cửa để chỉ làm một việc duy nhất là nhớ em ! Em biết không ? khi đi biển , một mình anh với đại dương bao la anh rất sung sướng vì lúc nào nhớ em cũng được, còn bây giờ về nhà muốn nhớ em thì phải khóa trái cửa phòng lại mới được yên tỉnh để nhớ  ….

    Cứ như thế , lời lẽ trong thư mộc mạc , chân thành . Dương đọc từ đầu đến cuối .  Xem xong bức thư dài, Dương cảm động đến lặng người,thấy  bâng khuâng, xao xuyến , cảm xúc nhè nhẹ lâng lâng, có một cái gì đó êm ái len lén  đi vào lòng cô .  Những cảm giác này từ trước đến giờ cô chưa từng gặp hay đây là những rung động đầu đời.Tự nhiên Dương thấy lo sợ xen lẫn vui , buồn…cô thở dài thẩn thờnhưng rồi tự an ủi với chính mình : “  Không sao đâu !’’                                   
    Rồi sau đó , những lá thư được anh viết trong những ngày tuần tra lênh đênh trên biển lần lượt , lần lượt gởi qua trường Sư Phạm :
  “ …   Buổi chiều ngồi bên này sông
      Thương nhớ vội chắp cánh bay xa …
         Lúc trước anh không để ý đến ngày tháng , tàu ra khơi hay về bến cũng chẳng quan tâm . Có nhiều khi tàu cập bến , anh ở luôn dưới tàu đọc sách không lên bờ , nhưng từ khi biết Dương anh trông sao  tàu mau về bến để được trông thấy cô dù chỉ một thoáng thôi . Anh thường đến đứng ở đầu ngõ nhà Dương đợi cô đi học hoặc chờ cô đi học về , có nhiều khi anh đọc hết cuốn sách mà chẳng thấy cô đâu cả . Có lúc anh hồi hộp , tim anh đập nhanh khi thấy bóng dáng của Dương từ xa , mái tóc dài xỏa ngang lưng , thướt tha trong tà áo dài trắng với khuôn mặt hiền đẹp như thiên thần , anh luống cuống  trao cô một cuốn sách hay một tập thơ hoặc có lúc chỉ cần trông thấy cho đỡ nhớ , chào nhau rồi anh lại vội vàng về tàu . Sau này , khi đã quen lâu , anh lại thích cùng Dương đi dạo các con đường : Trần Cao Vân , Phan Bội Châu , Lê Thánh Tôn , Nguyễn Huệ , Võ Tánh hoặc ra phố Gia Long  … . Qui Nhơn quá nhỏ đi mấy con đường thì hết mà Dương thì tránh hết con đường này đến con đường khác vì sợ gặp người quen .Trùng Dương một người con gái Huế nhút nhát , dịu dàng đã đem lại cho anh một tình yêu nhẹ nhàng. Anh thấy tâm hồn mình bay bổng , yêu đời và thầm cảm ơn mình được đổi về thành phố này , được gặpTrùng Dương và đã có một tình yêu đầu tiên tuyệt vời nhất .

  
   Dương bắt đầu lên năm thứ hai , còn Trâm , cô em út đã vào Sư Phạm khóa 11 . Năm nay , Dương bận rộn hơn , ngoài các môn học , còn phải soạn bài , giảng dạy , thực hành nhiều hơn ở trường Sư Phạm Thực hành , đi thực tập ở các trường Tiểu học , đi thực tế về vùng nông thôn của môn Giáo dục cộng đồng…sưu tầm tài liệu , tranh ảnh làm chủ điểm để thi ra trường . Thế nhưng Dương không thể không có mặt trong phong trào thi đua văn nghệ của trường . Hôm diễn văn nghệ thi đua của hai khóa 10 và 11 thật là vui và rộn rịp . Hội trường đông nghịt . Mở màn là hợp xướng : Trường ca Tổ Quốc ơi ta đã nghe của La Hữu Vang  , nhạc cảnh Ca dao mẹ của Trịnh Công Sơn lớp nhất 2 , Vũ khúc Tình tự tin nhị 5 …rất ấn tượng với vũ khúc Tiếng xưa lớp nhất 6 , nhạc cảnh Tình nghèo nhất 4 … Tối hôm đó , Dương tha thiết trong bài hát , Tiếng Dương Cầm của Văn Phụng :
       “  Nhớ hôm nào mùa xuân mới sang , muôn bầy chim ca hát vang , tung cánh nhẹ bay la đà… vang tiếng dương cầm thiết tha … ”.
     Tiếng hát của Dương vút cao , vút cao ngân vang . Cả hội trường như lặng đi .

Những ngày tháng rét buốt cũng qua đi , nhường chỗ cho mùa xuân ấm áp tươi đẹp lại về . Mọi người chuẩn bị đón Tết , nhà nhà rộn rịp đón xuân , cả thành phố tưng bừng như khoác chiếc áo mới . Năm nay anh thấy nỗi buồn nhớ nhà vơi đi vì có Dương . Ngày mồng ba anh và Dương đi chơi ở Ghềnh Ráng . Đứng ở cầu Vị Thủy , đến thăm ngôi nhà thờ  nhỏ , leo lên nhà nguyện im ắng , thăm nơi an nghỉ của nhà thơ Hàn Mặc Tử .
Anh và nàng nhìn cảnh núi non xanh tươi , đi vòng lại rồi xuống bãi biển ngồi ngắm biển xanh mênh mông …
-                           Dương ơi ! anh nghe mọi người nói em hát bài : Đường
xưa lối cũ hay lắm ! Em hát cho anh nghe với .
   -    Anh này lạ chưa , tự nhiên đang đi chơi mà bảo em hát .
Dương lắc đầu nguầy nguậy .
Anh nằn nì :
   -    Hay là em hát cho anh nghe một câu cũng được .Trước sự yêu cầu tha thiết của anh , Dương xiêu lòng .
        “  ….    Khi tôi về bồi hồi trong nắng , tưởng gặp người em hân hoan đứng đón anh về nào ngờ người em sang ngang khi xuân chưa tàn con đò nào đây đưa em tôi vào xa vắng …Khi tôi về nghẹn ngào trong nắng , tưởng gặp mẹ tôi run run đứng đón con về nào ngờ mẹ tôi ra đi bên kia cuộc đời không lời biệt ly cuối cùng trước khi phân kì …. ’’. Giọng Dương tự nhiên nhỏ lại xúc động .
-    Thôi em không hát nữa , buồn quá !
-     Ừ , Bài hát có kết thúc buồn quá ! Phải không em ?
  Gió từ biển thổi vào mát mẻ dễ chịu . Mùa xuân hiện diện  khắp nơi , nó ngự trị trong lòng anh , nó phảng phất trên khuôn mặt của Dương , anh sung sướng quá ! Anh ngập tràn hạnh phúc .

    Dương vẫn đi học đều đặn như con thoi từ nhà đến trường , từ trường về nhà . Trong lúc , Dương chuẩn bị thi ra trường thì anh Toàn có lệnh đi học khóa Sĩ quan chỉ huy tại Nha Trang . Anh buồn lắm :
   - Đi học khóa này về là anh không được trở về lại Quy Nhơn nữa , không ở gần bên em và không biết sau khi học xong anh sẽ đi đâu ?
Nghe anh nói thế Dương rất buồn nhưng vì quá bận rộn với bài vở nên cô cũng chẳng có thời gian nhiều dành cho anh . 
    Buổi tối trước khi đi , anh đến nhà Dương chia tay để ngày mai lên đường , anh rất buồn ! Suốt mấy giờ liền , anh cứ ngồi thẩn thờ nhìn Dương mà không nói được gì ? Dương tâm trạng cũng rối bời nhưng cô cố gắng làm ra vẻ cứng rắn :
-                           Anh đi rồi viết thư về cho em , có gì đâu mà buồn .
-                           Ừ , nhưng hãy cho anh ngồi thêm chút nữa ! anh nói với
giọng tha thiết .
Dương nghĩ : Nếu mình ngồi thêm chút nữa với anh chắc mình sẽ khóc mất , nên Dương cương quyết cầm chiếc mũ anh để trên bàn , đưa anh :
          -     Thôi , anh về đi ! trời tối rồi , anh về còn sửa soạn mai đi .
Vừa nói cô vừa đưa anh ra cửa . Ngoài đường hoàng hôn đã buông xuống , trong bóng tối chập choạng , anh muốn cầm tay cô , nhìn cô thật sâu nhưng Dương quay đi vội vàng ập cánh cửa sắt lại , lòng cô tái tê .
Dương bước vào nhà , lên phòng mình nằm dài trên giường buồn vô hạn , không biết cô nằm như thế trong bao lâu ? nhưng khi Dương bước ra lan can thì trời đã tối mịt , nhìn xuống đường phố bỗng cô thấy ai đó đứng tựa vào cửa nhà mình lập lòe điếu thuốc , thì ra anh vẫn chưa đi , Dương định chạy xuống đến bên anh theo sự mách bảo của con tim nhưng lí trí giằng lại không cho cô đi . Cuối cùng , lí trí đã thắng con tim nhút nhát cũng vì cái bản tính ấy mà suốt cuộc đời này Dương đã không tìm thấy được một tình yêu đích thực cho chính mình .
.
         
Dương nhận được lá thư của anh từ Nha Trang gởi về , lá thư viết cách đây một tháng , bây giờ mới đến tay cô trong lúc Dương đã thi ra trường xong . Dương vội hồi âm , khi lá thư đến với anh cũng là lúc cô đến trường chọn nhiệm sở .  Dương chọn nhiệm sở Quảng Ngãi  . Dương lại nhận được một lá thư , anh  báo cho cô biết anh đổi ra Hội An :
                                    Hội An , ngày …tháng …năm
                              Dương thương yêu ngàn năm !
… Nơi anh đóng quân ở Hội An , một doi cát nằm ven sông Thu Bồn , Mỗi buổi chiều xanh lên phía chân trời . Cuộc sống cô lập , thu hẹp trong hai ngày đi biển và hai ngày trở về …trệu trạo trong nỗi nhớ !
…Thi ra trường xong em làm gì ? anh không hình dung ra được ! Bao giờ thì em chọn nhiệm sở ?…

 Dương lên đường đi Quảng Ngãi , ở đây Dương tiếp tục chọn trường . Trường Tiểu Học La Hà huyện Tư Nghĩa cách thị xã khoảng bốn cây số , đó là ngôi trường dạy cho học sinh ở vùng tái định cư , trận bão năm ngoái đã làm sập mái một số phòng học nên trường bây giờ chỉ còn ba phòng học . Học sinh ở đây nghèo lắm ! Đi học không một em nào có dép , có mũ cũng chẳng có cặp . Sách vở thì thiếu trước thiếu sau trông rất tội nghiệp .
Xa nhà đã buồn rồi đoạn đường đi dạy khổ sở , vất vả nhất là những ngày mưa , đường ướt át , lầy lội  . Nhớ nhà , nên Dương cứ khóc hoài .
Cuộc chiến vẫn tiếp diễn , tất cả những người dân ở các vùng ở nông thôn đều đổ dồn về thị xã Quảng Ngãi , trong thị xã thì chẳng biết nơi nào yên bình : Mìn nổ ở quán kem,  lựu đạn nổ ở các quán café hay rạp ciné …nhiều người chết trong đó có cả giáo viên . Vì vậy , chẳng ai dám đến những chỗ đông người . Tất cả đều  hoang mang , lo sợ , nghi ngại và cảm thấy bất an .
Ngôi nhà Dương thuê số 260 đường Quang Trung , ngay con đường phố chính của thị xã Quảng Ngãi . Ngôi nhà nằm sâu vào bên trong , phía trước là một khu vườn có hai cây ngọc lan lá xanh tươi , hoa nở tỏa hương thơm ngát rụng trắng xóa cả một khoảng sân . Mỗi khi đi dạy về , bước vào sân nhà Dương thường nhẹ gót giày sợ giẫm lên trên những cánh hoa vương vãi mỏng manh ấy .
 Chưa có nơi nào đẹp và thơ mộng bằng mùa thu Quảng Ngãi  ! Đi dưới những hàng cây dọc hai bên đường hay ngồi trong quán café hay quán chè ngắm những chiếc lá vàng bay lả tả trong gió heo may . Bầu trời thì trong xanh với những đám mây trắng bồng bềnh trôi nhè nhẹ . Nắng nhạt vương vương trên những hàng cây , đủ để nhuộm vàng cảnh vật càng làm cho những tâm hồn của những người xa nhà buồn man mác . Dương thường bắc ghế ngồi trước hiên nhà , khi thì đan áo len hay móc áo , có lúc đọc sách hoặc ngồi lặng yên nghe từng chiếc lá rơi nhè nhẹ xuống sân vườn .
 Mùa mưa lại đến , những cơn mưa dai dẳng , dầm dề . Sáng nào đi dạy , trên những chuyến xe Lam , cô cũng co ro trong chiếc áo mưa, lạnh buốt . Đường vào trường thì lầy lội , nhớp nháp Quảng Ngãi thì năm nào cũng lụt lội có nhiều lúc Dương muốn bỏ hết, bỏ hết để về với gia đình . Trong những lúc buồn Dương lại nhớ nhiều đến anh  . Lúc còn ở Quy nhơn , bên gia đình , Dương sống trong tình yêu thương của ba mẹ  . Bây giờ ra đây , không một người thân bên cạnh cô mềm yếu như con sứa biển . Hơn lúc nào hết Dương muốn có anh để sẻ chia .
Rồi tiếp đến những lá thư , trong thư cô kể về ngôi trường , về đường đi dạy về những vất vả , về nỗi buồn xa nhà , cô muốn bỏ dạy về nhà .

Anh nhận được thư , lo lắng cho Dương nhưng cuộc chiến vẫn sôi động , anh không làm sao vào thường xuyên  với Dương mặc dù Hội An và Quảng Ngãi cách nhau không xa . Anh muốn trãi hết lòng mình để nói với cô những lời yêu thương nhất. Cuối cùng anh vội vã gởi cho Dương bức thư , trong thư anh viết :
                                            Hội An , ngày …tháng…năm …
                                  Dương thương yêu ngàn năm !
              …Xã hội đang cần đến bàn tay em , học trò đang cần đến sự dạy dỗ thương yêu của em . Tay anh đây ! Em hãy cầm lấy để vững tin trong cuộc sống này , để vượt qua những khó khăn trên đường …  
Em cứ nghĩ rằng bên cạnh em lúc nào cũng có anh …

Bức thư anh viết với những lời lẽ thương yêu , chân thành , tha thiết, như tiếp thêm sức mạnh ,Dương thấy lòng mình ấm lại vững vàng hơn .

Thư gởi đi rồi , anh vẫn không yên tâm về Dương . Cuối cùng anh lên xe đi Quảng Ngãi  . Quảng Ngãi mưa ! Chiếc xe Lam dừng lại trên đường Quốc lộ men theo con đường đất để xuống ngôi trường . Đường đi thì lầy lội , đất đỏ nhớp nháp , mưa dầm dề , gió thổi từ cánh đồng trống trước mặt tạt vào lạnh buốt . Vừa đi anh vừa thương cho cô giáo mới ra trường  . Nhìn vào bên trong phòng học , anh thấy Dương thấp thoáng trên bục giảng , anh muốn chạy thật nhanh đến bên cô  nhưng anh kìm lại vì … anh chỉ biết nhìn Dương với ánh mắt tràn đầy tình yêu thương . Dương thấy anh vào thăm , cô như vỡ òa mừng mừng , cảm xúc dâng trào đến nỗi nước mắt lưng tròng …
Buổi trưa , trong quán nước anh lắng nghe Dương kể những nỗi khó khăn vất vả , những sợ hãi , những lo lắng rồi những ngày mưa , ngày nắng , những nỗi buồn nhớ nhà … để hiểu , để chia sẻ với  người mình yêu .  Anh thấy cô hiền lành , mềm yếu , nhút nhát quá !


        Quảng Ngãi trời đã bắt đầu lành lạnh , cái lạnh của những ngày chớm đông . Tiết trời rất dễ chịu và cũng rất dễ thương đủ để cho những người yêu nhau nhớ về nhau .
            “ Trời không nắng cũng không mưa ,
               Chỉ hiu hiu rét cho vừa nhớ nhung ”  
           Dương ở trọ cùng với các cô giáo . Các thầy giáo , cô giáo học Sư phạm Qui nhơn ra đây dạy cũng nhiều . Sau giờ dạy hay cuối tuần mọi nơi lại về đây thăm nhau . Mọi người kể chuyện trường lớp cho nhau nghe . Dần dần thời gian làm cho mọi việc trở nên êm đềm và lặng lẽ trôi xuôi . Nỗi buồn nhớ nhà của Dương cũng vơi đi .

Dương vẫn đều đặn ngày ngày đến lớp dạy học , cô bắt đầu hòa nhập với cuộc sống gắn bó với học sinh và vẫn thường xuyên nhận những lá thư từ Hội An .

Cuộc chiến lan rộng , mọi người trong thị xã bắt đầu nghe ngóng , nhốn nháo rồi cuống cuồng di tản . Trong nhà cô ở trọ mọi người cũng vội vã xếp dọn đồ đạc về với gia đình. Cả thị xã hỗn loạn , mọi trật tự bị xáo trộn . Anh Toàn cho người nhắn bảo Dương ra Hội An để anh đưa về nhưng cuối cùng Dương quyết định theo các bạn về Quy nhơn .
Rồi đến Quy Nhơn mọi người trong thị xã càng hốt hoảng chẳng biết phương hướng nào .  Về nhà  , chưa được bao lâu thì gia đình cô lại xuống tàu . Chuyến tàu chở mọi người từ Quy Nhơn đưa vào Cam Ranh . Khắp mọi nơi , mọi người đều lo lắng … Súng nổ , máy bay dội bom … Một buổi sáng thức dậy thì Nha Trang, Cam Ranh đã giải phóng rồi .

Sau 75 , mọi người lạc mất nhau từ đó . Dương tiếp tục đi dạy , Dương cố gắng hòa nhập với những cái mới để dạy dỗ học sinh và chờ đợi tin tức của anh Toàn …nhưng cuộc sống khó khăn cứ chồng chất , cứ kéo dài không còn ai biết gì về nhau , không ai còn tìm thấy nhau nữa   …   Rồi Dương nhận được  quyết định sang đảo Nhơn Lý giảng dạy .        

   Có lẽ bây giờ đã khuya , Dương trằn trọc không ngủ được . Trăng chiếu qua song cửa làm sáng cả căn phòng :
                  Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối
                  Gió thu lọt cửa cọ mài chăn
                                       (Đêm không ngủ - Hàn Mặc Tử )
Tiếng động quen thuộc ở nhà dưới , bà chủ nhà đang kho cá . Ở đây cứ vào đêm khi những chiếc thuyền đánh cá quay trở về mang theo đầy ắp cá tôm . Những rổ cá chuyển lên bờ tươi roi rói . Những người phụ nữ vội vàng lựa cá , kho cá cho các cô con gái gánh cá lên Cát Thử bán cho kịp buổi chợ sáng .
Dương trở dậy , bước ra ngoài , trời về đêm mát mẻ dễ chịu . Trăng sáng tỏ . Hôm nay bao nhiêu âm nhỉ ? Mình đã qua đây bao lâu rồi ?
Ấn tượng của cô về bán đảo Nhơn Lý là một doi cát dài vươn ra biển Đông với hai xóm chài quay về hai hướng : hướng Bắc gọi là bãi Bấc , hướng Nam gọi bãi Nồm , với những bãi cát mịn màng , những động cát dài bất tận , sóng biển vỗ rì rào đêm ngày, gió từ biển thổi vào mang theo vị mằn mặn của muối hòa quyện mùi tôm cá … với những người dân ăn to nói lớn nhưng chân chất thật thà .
Những đêm trăng ở Nhơn Lý thật đẹp ! Trăng chiếu sáng cảnh vật , mặt biển sáng rực lên , trông rõ lấp lánh từng con sóng vỗ lăn tăn , nhè nhẹ liếm vào bãi cát rồi rút nhẹ ra xa . Trăng chiếu sáng từng mái nhà , từng lối ngõ . Cả xóm chài sáng rực dưới ánh trăng .
Sống và lớn lên ở thành phố . Đây là lần đầu tiên trong đời Dương được ngắm vẻ đẹp thiên nhiên của trăng , giữa một khoảng không gian bao la của vũ trụ , trăng lộ rõ ra giữa bầu trời  :
               Ô kìa ! bóng nguyệt trần truồng tắm .
                                         ( Hàn Mặc Tử )
Dương bước chân lên đồi cát , cả một động cát vàng sáng tỏ dưới ánh trăng . Đứng dưới dốc cát nhìn lên , Mặt trăng như treo lơ lững trên đồi . Cô bỏ đôi dép ra ,  cát mịn màng   dưới chân . Dương ngước nhìn trăng . Ồ ! đẹp quá ! huyền ảo quá ! Cô như say cùng trăng , cùng đất trời quay cuồng . Bây giờ thì cô không còn ngạc nhiên vì sao Hàn Mặc Tử có những bài thơ về trăng hay đến thế ! Có đau khổ đến tột cùng cảm xúc mới bộc phát mạnh mẽ đến như thế ! Dương bật lên đồng điệu với nhà thơ :
                Ha ha ! Ta đuổi theo trăng
                Ta đuổi theo trăng
                Trăng bay lả tả ngã trên cành vàng
                       ( Rượt trăng – Hàn Mặc Tử )
Chạy mãi , chạy mãi lên trên dốc cát cao , mệt quá ! Dương ngã mình nằm xuống , cát êm êm dưới lưng , cát lùa qua gáy , lùa qua cánh tay trần…thoải mái quá ! êm dịu quá !  Cô ngửa người há miệng uống trăng :
                  Cả miệng ta trăng là trăng …
                                             ( Hàn Mặc Tử )
Dương nằm như thế không biết trong bao lâu , cô có thiếp đi hay không ? nhưng khi tỉnh giấc , phía đằng đông , trời đã rạng dần .

 Biển đẹp ! thơ mộng ! lãng mạn ! Có những lúc biển phẳng lặng hiền hòa , cũng có những ngày u uất , trầm buồn , lại có những ngày tươi vui , bừng sáng nhưng cũng có khi giận dữ , gào thét , hung tợn . Rồi những ngày biển động kèm theo gió và cát như muốn vùi lấp tất cả .

Khi mới nhận quyết định sang đảo , Dương muốn đi ngay vì tuyệt vọng với sự tìm kiếm , vì mòn mỏi đợi trông nên cô muốn quên , muốn xa cái thành phố với những con đường đầy ắp những kỉ niệm với những ngày tháng cũ nhưng khi qua đây rồi , những buổi bình minh , ngồi một mình trên bãi cát ngắm mặt trời ló dạng ở đằng đông hoặc thơ thẩn dọc theo Eo Gió lúc hoàng hôn bao trùm xuống cảnh vật hay những đêm trăng sáng huyền hoặc như hôm nay Dương mới thấy rằng mình không thể quên bởi vì tiếng réo gọi của gió , tiếng cuồn cuộn , gào thét của sóng biển  , tiếng trăn trở của đại dương …làm nỗi nhớ trong cô lại bùng cháy lên dữ dội nhưng Dương sẽ phải cố quên đi ! quên đi ! sẽ vùi lấp cuộc tình này vào sâu trong cát …Rồi theo thời gian sóng sẽ cuốn trôi ra biển  hòa vào đại dương bao la… Dương nhìn ra khơi và thấy xa tít phía chân trời một vầng ánh sáng đang từ từ mờ dần , 

Sài Gòn , tháng năm 2011
Irene.

LY RƯỢU MỪNG XUÂN

                   Ngoài sân, hoa mai nở vàng báo hiệu mùa xuân đang đến!          Mùa xuân được xem là mùa khởi đầu. Mùa xuân khí...