Thứ Ba, 6 tháng 10, 2015

THU


Sau một vài đêm mưa, trời bắt đầu vào thu.

Mùa thu dường như đang đến khi cơn gió heo may hiu hắt lùa qua từng con đường, góc phố, với những chiều nắng nhạt màu nằm vương vãi trên những vòm cây...Có hôm, lại xuất hiện cơn mưa chiều muộn. Bầu trời nhiều đám mây trắng, trong trẻo, dịu dàng...và rõ nét nhất là sự đổi màu của lá...chỉ cần một cơn gió thoảng qua cũng đủ làm những chiếc lá vàng rơi lác đác xuống mặt đường.

Nơi này, buổi sáng bắt đầu từ rất sớm! Khi màn sương vẫn đang chùng chình trên những mái nhà. Không gian yên ắng, trong lành tinh khôi...bỗng xôn xao bởi tiếng hót ríu rít của đàn chim sẻ nhỏ, vang vang cả một vùng , vô tình đánh thức mọi người dậy. 

Tôi thường đi bộ đến một quán nhỏ yên tĩnh, tìm chiếc bàn ở một góc khuất nhưng đủ để có thể ngắm nhìn cảnh vật. Thật thoải mái trong không khí mát mẻ cùng với mùi hương ngọc lan thoang thoảng...  uống từng ngụm cafe sữa thơm thơm. Thành phố không vội vã, gấp gáp, không ồn ào cũng không tấp nập. Mọi người cứ bình thản với mọi sinh hoạt thường nhật của mình. Họ gặp nhau chào hỏi vui vẻ, nụ cười thân thiện... Tất cả đều yên bình làm tâm hồn tôi cũng hòa nhịp theo rồi trở nên gần gũi, thư thái và dễ dàng cảm nhận với cảnh vật, với thiên nhiên đang có sự chuyển đổi vào thu dù rất nhẹ.

Mùa thu ở đây thường đến bất chợt! Thu về khẽ khàng như một nàng thiếu nữ đài các, quý phái bước những bước đi chậm rãi, khoan thai... không vội vàng, không phô diễn...chỉ thấy bầu trời trở nên dịu mát với nhiều đám mây. Ngày có lúc nắng nhạt hay mưa tuôn... 

Mùa thu lá không đồng loạt chuyển sang sắc vàng hay đỏ, trời không u ám, ảm đạm... như thường thấy mùa thu ở các nước trên thế giới. Mà mùa thu rất đỗi mỏng mảnh, dịu dàng... nhìn lên những hàng cây chỉ lắc rắc một vài chiếc lá đổi màu, gặp cơn gió từng chiếc, từng chiếc lá vàng rơi. Trên cành, vòm lá vẫn cứ xanh, vẫn cứ tiếp tục nhú lên những chồi non mơn mởn tạo nên một sức sống tiếp diễn mạnh mẽ một cách diệu kì.

Sông Hàn mùa thu càng êm ả hơn. Dòng sông mang một màu xanh lơ phản chiếu cảnh trời mây non nước ...Những chiếc cầu nối hai bờ với dòng xe cộ, người người ngược xuôi. Có chiếc cầu như cánh buồm đang nhấp nhô trên nước, cầu Rồng cũng đang vươn ra đại dương mênh mông...Tất cả như muốn hướng đến một sự đổi mới. Từng cơn gió từ xa thổi nhẹ thoáng vờn vào mái tóc, vào vạt áo làm ngây ngất người qua đường như lưu luyến, như vấn vương. 

Có những buổi sáng, tôi cùng các anh chị đồng môn dạo xe qua Hàn Thuyên, Núi Thành, Trưng Nữ Vương...bon bon trên phố rồi cùng ngồi bên nhau trong một quán cafe yên ắng ở đường Trần Phú nghe mùa thu phảng phất trong làn gió mai. Mùi hương cau, hương bưởi ngòn ngọt trong vườn tạo cho chúng tôi những cảm giác ấm áp, thân thương...

Một chiếc lá vàng rơi xuống bàn, tôi chợt nhớ đến câu thơ của một nhà thơ người Đà Nẵng:

   Đà Nẵng vào thu sao chưa mưa ngâu
   Chỉ thấy lá vàng rơi trên vai người dạo phố...

Đúng như nhà thơ nói, Thu đã đến rồi sao chẳng thấy mưa ngâu? Chỉ thấy vài chiếc lá vàng theo gió rơi trên đường.

Dưới những hàng cây rợp mát, trước hiên nhà, không gian êm ả nghe sao mà thư thái, an nhàn...có một vài chiếc lá lìa cành từ từ rơi trên vai áo xuống đất... nghe như có tiếng dội lại từ lòng đất vào thinh không trong xa vắng, cô tịch...gợi lên những nỗi nhớ dịu êm...tôi  miên man đắm chìm trong dòng sông hoài niệm của đời mình để rồi khi chạm vào thực tại chỉ còn lại sự nuối tiếc mênh mông.

Chiều chầm chậm rơi xuống một cách bảng lảng trong làn hơi sương mỏng và lành lạnh. Mọi thứ như níu tất cả lại gần, lại gần nhau hơn, cởi bỏ các khoảng cách... mọi người ngồi bên nhau chuyện trò. Trên phố người người đi sát vào nhau... Thành phố an lành, hiền hòa và đáng yêu. 

Tôi thích ngồi một mình trên chiếc ghế đá trong công viên lặng lẽ nghe chiều rơi trong thinh không tịch lặng, thấy lòng mình nhẹ tênh không một chút mảy may vướng bận mọi chuyện xung quanh...cho đến khi hoàng hôn buông xuống như chiếc màn xám xỏa đều lan tỏa  mỗi lúc một đậm dần nhuốm màu hư ảo rồi lung linh trong ánh trăng mờ huyền diệu...

Hôm nay, thời tiết chuyển đổi, làm cho...."Trời không nắng cũng không mưa... " Thật lãng mạn và hạnh phúc cho những ai đang bên nhau trong trời thu dìu dịu này. 

Vẫn biết Thu đến rồi đi, đó là sự chuyển đổi bình thường của thiên nhiên, tạo hóa. Riêng tôi, thu vẫn là mùa mang đến nhiều hương vị ngọt ngào thanh tao. Thu luôn giúp cho cảm xúc trong tôi thăng hoa... vun đầy tình yêu thương với người và với cuộc sống này.

Đà Nẵng, Thu 2015
IRENE


Thứ Hai, 5 tháng 10, 2015

HƯƠNG THU

Tặng “Đôi bạn ngày xưa học chung một lớp…” khóa 11...



Trời vào Thu nhẹ nhàng, mây bồng bềnh trôi, nắng nhạt, gió mơn man, luồn lỏi qua ngọn cây, vòm lá…có những cơn mưa chiều thong dong đến muộn. Sắc Thu làm mềm cây cỏ, làm tươi tắn màu vàng của chùm hoàng yến, đậm đà màu tím biếc của khóm thạch thảo hay hòa vào làm ngòn ngọt thêm mùi hương của những nàng Nguyệt Quế trắng muốt trong vườn.

Miền Nam tuy không thấy rõ rệt của các mùa trong năm nhưng chú ý chút xíu thì cũng có một thoáng cảm nhận… Nếu thường thơ thẩn ngắm nhìn, lắng nghe khi đất trời chuyển giao giữa các mùa rồi thả hồn theo những đổi thay của vũ trụ thì sẽ thấy được vẻ đẹp khác nhau của trời, mây, cây, lá... Mỗi mùa có những cảnh sắc và những nét đẹp đặc trưng, riêng biệt nhưng Mùa Thu thường để lại trong lòng người những niềm thổn thức hay những nỗi nhớ mênh mang.  
Sớm tinh mơ, giữa không gian còn yên ắng, giữa se se lạnh của sương mờ, giữa không khí trong lành tinh khôi! Tâm hồn thật bình yên thanh thản đến lạ! Trong giây phút đó bỗng hoài niệm, vấn vương về một thời nào đó xa thật là xa... Thu về cũng thường làm cho tâm hồn chơi vơi rồi miên man nhớ đến những cuộc tình mong manh, mơ hồ tựa như sương khói thoảng qua rồi tan biến nhanh để lại một thoáng hương Thu trong vắt giữa thinh không .
Khi còn là giáo sinh của trường Sư Phạm Qui Nhơn, hằng ngày theo những chuyến xe lam trên con đường đến lớp, thường vẩn vơ theo cảnh vật, hàng dương với biển xanh, cát vàng, sóng vỗ trắng xóa…rồi một hôm, tôi bắt gặp bên đường đôi bạn.
Hai người luôn đi bên nhau. Tà áo dài trắng bay bay quấn quýt trong gió. Đôi bạn hầu như chẳng chú ý những gì xung quanh vì mãi nói chuyện, vì mãi tranh luận hay vì mãi vui đùa…Có lúc, anh tinh nghịch nhảy lên gờ của lề đường đi chông chênh từng bước, chị đi bên dõi mắt theo từng bước chân… Xe lướt ngang qua, tôi chỉ nghe tiếng cười đùa vang vọng rồi để lại đằng sau lưng hai khuôn mặt hồn nhiên trẻ trung.
Bất kể mưa hay nắng họ vẫn bên nhau trên con đường đến lớp hay về nhà…Những ngày vào Thu nắng vàng trải nhẹ trên các ngọn cây, tay cầm tập vở, đôi bạn thì thầm to nhỏ suốt đoạn đường về…Có những hôm, trong cơn mưa chiều lất phất bay, lấy vạt áo dài che đầu, cả hai líu ríu, chạy vội đến đụt mưa dưới hàng dương bên đường rồi cùng ngắm nhìn mưa rơi rơi từng hạt, từng hạt…rồi lại say sưa nói cho nhau nghe chuyện đất trời...
Không gì lãng mạn cho bằng vào mùa Đông rét buốt, hai người đi sát vào nhau thì thầm nho nhỏ và cũng thật là ấm áp khi thỉnh thoảng có những ánh mắt trao nhau vội vàng trong khi ngoài trời giá lạnh căm căm.
Mùa Xuân đến, xua tan dần những ngày lạnh lẽo. Trời ấm dần lên. Cây cỏ như thay áo mới. Những chồi non lộc biếc nhú ra, hoa đơm nụ rồi khoe sắc. Gió Xuân mơn man trên từng nét mặt ngời ngời trẻ trung. Ngắm đôi bạn dạo bước nhẹ nhàng bên nhau trong buổi sớm mai mà thấy lòng rộn vui…
Tuổi hai mươi nhiều hoài bão, nhiều ước mơ. Nhìn bầu trời toàn màu xanh hy vọng. Nhìn cuộc đời toàn màu hồng tươi vui. Nhìn phía trước là một tương lai tươi sáng… Đôi bạn mạnh mẽ vững tin cùng sánh bước bên nhau trên con đường đang rộng mở thênh thang.
Mùa Thu năm đó tốt nghiệp ra trường. Cả hai đều chọn Bình Định, anh về An Nhơn, chị về An Khê. Dường như mơ hồ có một điều gì đó…? Tên địa danh hai nhiệm sở thoáng nghe hai từ đầu đó là một nơi chốn an bình nhưng hai từ sau ngẫm lại hình như thấy trắc trở và đầy nhiêu khê ?! Nhưng tuổi trẻ mấy ai quan tâm gì? Chỉ chú ý đến khoảng cách không gian, mà con đường Quốc lộ 19, đâu là bao so với:
 " …mấy núi cũng trèo.
Mấy sông … cũng lội, vạn đèo… cũng qua..."
Rồi một chiều Thu nắng nhạt, anh đến thăm chị …đi loanh quanh, lên xuống giữa phố huyện xa lạ. Không tìm ra nhau, anh đành mang nỗi buồn vương vấn… trầm tư suốt con đường về.
Một ngày cuối Thu, mưa lất phất bay anh trở lại. Lần này do quyết tâm nên tìm gặp được nhau. Hai người nghẹn ngào, xúc động… ánh mắt nhìn nhau chan chứa làm nhập nhoạng cơn mưa chiều.
Mùa Xuân, về bên mái ấm gia đình, đôi bạn hớn hở đến thăm nhau, phố phường Qui Nhơn rộn vui trong mấy ngày Tết …
"Anh đến thăm em đêm ba mươi. Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi. Anh nói với người phu quét đường, xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em…"
Mùa xuân đem đến mọi vui tươi. Mùa xuân tràn đầy sức sống, niềm tin và hy vọng. Mùa xuân với muôn ngàn đóa hoa tươi thắm. Mùa Xuân với những mối tình vừa mới chơm chớm…
Mùa Xuân làm thay đổi vạn vật nhưng cũng có những Mùa Xuân làm thay đổi cuộc sống của mọi người… khi lịch sử nước nhà bước sang một trang khác…
Sau mùa Xuân 75, chị trở về tiếp tục công việc giảng dạy... trong lúc, anh lao đao vất vả với những tháng ngày nối tiếp …
Cuộc sống càng ngày càng trở nên khốn khó… không còn ai dám mơ tưởng gì cho riêng tư…và cứ thế xoay vần theo tạo hóa và:
…vẫn sống, vẫn ăn, vẫn thở…nhưng biết bao giờ mới được nói thẳng những điều… ước mơ… (Tâm ca-Phạm Duy).
Mỗi người có một con đường mà số phận đã định sẵn. Không ai biết trước được điều gì xảy đến…nên cứ bước đi vì không còn cách nào để chọn lựa…
Anh viết bức thư vĩnh biệt mối tình. Chị quay quắt đi tìm muôn hướng…Rồi từng đợt sóng cứ ùa vào, hết trận này đến trận khác.. điên đảo, quay cuồng, hất tung mọi vật, mọi người ra xa, xa thật là xa…
Ờ, thì giờ họ chia tay nhau đã lâu… xa nhau, thì thương, thì nhớ, thì vấn vương, thì nuối tiếc, thì…nhưng trời đất còn thay đổi! Sao lại cứ phải cố giữ mãi những hoài niệm cũ! Sao lại phải thẩn thờ nhớ về một khung trời hoa mộng đã qua…Đương nhiên là không thể nào quên được vì đó là mối tình với nụ hôn đầu tiên ngọt ngào ???
Thời gian đã làm phai mờ đi tất cả, chỉ còn chăng là dư âm ngày cũ và nếu có nhớ, xin hãy nhớ đến nhau như nhớ về mùa Thu cùng với những chiếc lá vàng dội  vào trong cơn mưa chiều lướt thướt…
Bây giờ Thu lại về! Thời khắc đẹp và lãng mạn nhất trong năm. Nắng vàng dịu dàng, lá trên cành đang bắt đầu rùng mình chuyển màu, những hàng cây vươn vai để chuẩn bị thay sắc. Mây xuất hiện nhiều và gió cũng man mác  hơn…Có một chút gì đó bâng khuâng, một chút gì đó lâng lâng, xao xuyến…Hãy để cho lòng mình lắng đọng lại thật sâu … rồi ngày ngày đón chờ những thay đổi của đất trời qua từng giây phút...Lặng im nghe nhịp đập đều đặn của con tim qua từng bước đi thời gian. Thu đem đến cho mọi người nỗi nhớ và Thu cũng đem đến sự tĩnh lặng thăng hoa trong tâm hồn. Mùa Thu làm cho mọi người có những khoảng lặng bình yên…Hãy cố gắng tận hưởng những khoảnh khắc giao hòa tuyệt vời của thiên nhiên để thấy cuộc đời vẫn đẹp, vẫn đáng yêu, vẫn đáng sống…
Hãy nhắm mắt lại, lắng nghe hương Thu đang rón rén, thoảng nhẹ đến gần.

Sài Gòn, tháng 9/2013

IRENE

Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2015

THÀNH PHỐ MÙ SƯƠNG

(Viết theo tâm sự của một người bạn)
Nguồn: Internet

“Hoài vọng quê hương là những xúc cảm mãi mãi tươi xanh một màu thương nhớ, nhất là khi sống nơi đất khách quê người nỗi nhớ lại càng mãnh liệt hơn…”

Mỗi buổi sáng khi mới thức dậy, tôi rất thích nghe Hương Thủy hát bài Thị trấn sương mù rồi thả hồn mình lãng đãng về với khung trời tuổi thơ.

“Em sinh ra trên vùng đất đỏ sương mù. Tên gọi là Pleiku. Bình minh lên như bức tranh tuyệt vời. Rừng cao nguyên với rẫy nương rừng đồi. Những buôn làng ấm no vui nụ cười trên môi…”

Tôi sinh ra và lớn lên ở nơi phố núi nhiều sương mù và cây xanh. Bầu trời thì lúc nào cũng một màu trắng đục xam xám và thật thấp tưởng như với tay là chạm phải. Nơi ấy, quanh năm không khí se se lạnh, dường như mùa đông bàng bạc khắp nơi.

Buổi sáng, sương mù giăng khắp lối. Trên con đường đất đỏ đến trường. Chúng tôi co ro trong chiếc áo dài trắng. Bên ngoài khoác áo lạnh, quấn thêm chiếc khăn quàng cổ mà vẫn thấy cái giá rét len vào trong cơ thể. Cái lạnh buốt buổi sáng, cái nắng ấm buổi trưa, cái bụi đỏ trên đường đã quyện vào làm cho chúng tôi trở thành những cô bé má đỏ môi hồng.

Nguồn: Internet

Sương xuống nhiều đã làm ướt mái tóc, thấm đẫm đôi mắt, dịu dàng tà áo dài trắng và tâm hồn tôi trở nên mềm mại, bồng bềnh như mây.

“…Em Pleiku má đỏ môi hồng, ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông , nên tóc em ướt và mắt em ướt nên em mềm như mây chiều trong”

 Những lúc ngồi trong lớp học, vừa nghe cô giáo giảng bài, vừa đếm từng chiếc, từng chiếc lá bàng rơi nhè nhẹ xuống sân trường mà lãng đãng theo chiều buông xuống .

Tan trường trên những con đường về. Đâu đó, thoang thoảng mùi hương ngọc lan, mùi café thơm thơm  trong gió hòa vào không gian tím thẫm…hay những ngày mưa con đường mờ mờ trong sương. Tiếng hát Khánh Ly từ đâu đó vọng ra: Em đi trong sương mù gọi cây lá vào mùa…

Làm cho tôi có cảm giác nhẹ nhàng bâng khuâng .

Tuổi mười sáu, mười bảy với những nỗi buồn vu vơ rồi những xao xuyến đầu tiên bởi ánh mắt ai trộm nhìn hay khẽ rung động trước những lá thư vội vã trao tay. Tâm hồn rộn rã khi nhận cành hoa thắm ! Tuổi học trò hồn nhiên vô tư ngày ngày cắp sách đến trường. Thế nhưng thỉnh thoảng trong lòng vẫn thoáng qua một hình bóng ai đó ! Rồi nhạt nhòa trong sương.

Đậu tú tài, tôi rời thị trấn mù sương để đến với Qui Nhơn một thị xã miền biển để học sư phạm. Hôm ra đi, sương mù giăng kín lối. Tôi ngoảnh lại cảnh vật nhòa dần, dường như tôi đã khóc!

Nguồn: Internet

Những ngày đầu tiên xa nhà, nỗi buồn của kẻ xa quê. Trong căn phòng của nội trú nữ, biết bao đêm tôi đã khóc ướt đẫm cả gối. Những ngày mưa ngồi trong phòng học, thẩn thờ nhìn mưa qua khung cửa hẹp mà nhớ về cao nguyên xa xôi. Tôi thường đi dọc những hành lang dài hun hút vắng lặng của trường trong những ngày Chủ nhật, thơ thẩn ngắm những cây hoa sứ, những chùm hoa giấy hay ngồi suy tư một mình trong công viên trường. Những buổi chiều một mình trên biển vắng. Phía xa là chân trời với đại dương mênh mông. Từng con sóng vỗ rì rào vào bãi cát. Dưới chân tôi những con dã tràng thoắt ẩn thoắt hiện. Nghe mằn mặn không biết là vị của biển hay nước mắt …

Thời gian trôi, tuổi trẻ dễ dàng hòa nhập với cuộc sống. Xung quanh tôi có bạn bè cùng phòng, cùng lớp. Các bạn ấy từ mọi nơi: Quảng Ngãi, Tuy Hòa, Pleiku , Bình Định… hội tụ về đây học dưới mái trường này. Cùng nhau chia sẽ những vui buồn hay các khay cơm của nhóm trong phòng ăn tập thể của trường.

Tôi đã quen dần với những giờ học. Tôi tham gia trong các tiết mục văn nghệ lớp. Những ngày ấy tôi thấy vui và dần quên đi nỗi nhớ quê nhà!

Hai năm rời xa quê nhưng tâm hồn tôi luôn canh cánh bên lòng “Mình sẽ trở về, khi mình đã là cô giáo!” Không làm sao diễn tả được cái tâm trạng bồn chồn xen lẫn mong chờ ngày ra trường và rồi ngày ấy đã đến!

Nhiệm sở tôi chọn là Pleiku!

Tâm trạng con người thật phức tạp! Khi tôi sắp được về lại nơi mình yêu dấu thì tôi lại thấy nhớ tháng ngày miệt mài học “làm thầy” nơi mái trường Sư Phạm Qui Nhơn. Hai năm học nơi đây đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm êm đềm. Ngày tôi từ giã thầy cô, bạn bè, ngôi trường Sư Phạm. Tạm biệt thị xã Qui Nhơn, lòng tôi buồn vời vợi, cảm thấy thật sự quyến luyến nơi này. Thế là thêm một thành phố nữa đi vào hồn tôi.

Trở về quê nhà và là cô giáo giảng dạy tại trường Tiểu Học ở Pleiku. Cuộc sống của người giáo viên phẳng lặng và êm đềm trôi. Sau 75 một thời gian, tôi lập gia đình. Quê chồng ở Bình Định, tôi lại có dịp quay trở lại Qui Nhơn và tôi xem đây là mảnh đất thân thương thứ hai của mình.

Dòng đời không phẳng lặng như tôi nghĩ. Tôi phải cố gắng vượt qua những sóng gió nhưng những con sóng nó cứ ập đến! Hết đợt này đến đợt khác cuốn phăng tôi ra thật xa. Tôi chới với! Chới với! Giữa đại dương mênh mông không thấy đâu là bến là bờ.

Vì những thăng trầm trong cuộc sống, tôi phải đem các con tôi vào Sài Gòn. Lần ra đi này là lần tôi từ biệt Pleiku mãi mãi nhìn mảnh đất ghi dấu nhiều kỉ niệm của một thời mà nghẹn ngào:

“Em như chim xa đàn chớp bễ non ngàn hơn một lần gian nan. Trời cao nguyên sương giăng phủ mịt mùng. buồn chia tay nỗ xót xa lạnh lùng. Nhớ núi rừng, nhớ Pleiku nghe lòng rưng rưng.“

Thành phố tôi đến là một thành phố rực rỡ ánh đèn màu. Một Thành phố luôn sôi động .Những dòng người đông đúc, tấp nập, hối hả. Tiếng còi tàu, ô tô huyên náo… Bỏ lại sau lưng thành phố của tuổi thơ luôn mang nỗi buồn trầm mặc. Tôi bị cuốn hút trong cái hỗn độn của cuộc sống đô thị với bao lo toan bộn bề kinh tế cho gia đình. Tôi không còn có thì giờ để nhớ! Nhưng trong tôi những kỷ niệm của thị trấn mù sương vẫn nằm yên đâu đó.

Dòng đời cứ lặng lẽ trôi đi. Con cái dần dần trưởng thành. Chúng nó ra trường đi làm, lập gia đình rồi sinh con… Bây giờ tôi mới nhìn lại mình. Tuổi đã chồng chất có nhiều khi vỡ òa ra rằng không biết bao lâu rồi mình chẳng sống cho mình mà thời gian thì chẳng chờ đợi ai.

Tôi bắt đầu tìm đến bạn bè. Những người bạn đồng hương rồi những người bạn đồng môn cùng học sư phạm… Sau những bận rộn với công việc, bên các bạn, tôi thấy ấm áp và như trẻ lại, tìm lại được mình của một thuở nào.

Năm nay, tôi đến dự buổi họp mặt Kỷ Niệm 50 năm ngày thành lập trường Sư Phạm Quy Nhơn. Tôi quá xúc động khi gặp những người bạn cùng lớp, những người bạn cùng khóa rồi những anh chị cùng trường… tất cả đều thân thiện, thương yêu nhau như anh chị em trong một gia đình. Mọi người đã làm cho tôi tìm lại những kỷ niệm đáng nhớ trong hai năm học sư phạm Quy Nhơn. Tôi tìm gặp lại rất nhiều bạn bè mà bấy lâu nay tôi tưởng như mình đã mất tin tức về nhau hay quên lãng vì đã bốn mươi năm rồi còn gì?! Các bạn đã giúp tôi có lại niềm vui và “con tim đã vui trở lại”.  Xin cám ơn tất cả các bạn đã làm cho tôi vơi bớt nỗi buồn cô quạnh nơi quê người.

… Và bây giờ có điều kiện nên tôi lại trở về! Pleiku thành phố sương mù của tuổi thơ tôi đã có nhiều đổi thay. Đường sá bây giờ được mở rộng không còn những con đường nhỏ “bụi đỏ” theo sau. Xe cộ thì tấp nập. Nhà cửa được quy hoạch thành những khu đô thị mới, đẹp đẽ khang trang.

Tôi lại tìm về khoảng không gian ngày xưa. Một quán nhỏ, ngoài trời mưa lích rích. Ngồi một mình nhâm nhi, ấm áp bên tách café. Thoang thoảng mùi hương ngọc lan quen thuộc của quê hương phố núi hay lãng đãng với cảnh sắc trời mây, man mác với hoài niệm…

Buổi sáng, đi xa hơn một tí, tôi tung tăng dạo chơi trên đồi ngắm những đồi cỏ non, vạt nương xanh xanh… những đóa hoa dã quỳ nở vàng tươi tắn đang khoe sắc bên đường. Buổi chiều lại dạo quanh phố chợ dưới bầu trời đầy sương trong cái lành lạnh dễ chịu của cao nguyên.

Đêm nay, nằm thao thức nghe mưa rơi. Tiếng mưa rả rích rơi đều trên mái nhà. Từng cơn gió thổi lùa qua khe cửa. Nỗi nhớ như khơi gợi và tôi nhớ quay quắt một nơi chốn mà tuổi thơ của mình nhẹ nhàng trôi qua. Tôi yêu tha thiết Pleiku. Tôi thấy rằng từ trong sâu thẳm tâm hồn mình không có gì có thể thay thế được quê hương tuổi thơ đã in sâu trong kí ức. Đúng như ai đó đã nói:

 “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
  Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn .”

10/ 07/2012.
IRENE

Thứ Năm, 1 tháng 10, 2015

TRÊN NGỌN TÌNH SẦU…

                                     Hoàng Minh Quang.

Kính thưa Ban Biên Tập trang Sư Phạm Quy Nhơn !
Tình cờ qua bạn bè tôi biết được trang này là của trường sư phạm Quy Nhơn trước 75. Tôi có đọc và biết có nhiều cô giáo học cùng thời với tôi làm việc tại QN lúc đó nên tôi mạn phép xin gởi một bài viết để tỏ rõ tấm lòng tôi.
Cám ơn Ban Biên Tập.
Thơ bất tận ngôn!
H.M.Q
Viết cho một cô Giáo sinh Sư Phạm chưa biết họ tên.
Tháng chín năm 1972, tôi có quyết định thuyên chuyển ra Trung làm việc. Cầm Sự Vụ Lệnh trên tay, tôi tạm biệt Vĩnh Long ra Quy Nhơn nhận nhiệm sở mới.
Máy bay hạ cánh xuống phi trường quân sự Phù Cát rồi xe đưa tôi về nhà ông anh họ làm ở Hải Đội 2 Duyên Phòng. Nhà của ông anh nằm ở trong khu sĩ quan Hải Quân. Phía trước nhà là biển xanh với tiếng sóng vỗ ì ầm. Bãi cát mịn màng chạy dài. Tiếng gió thổi vi vu qua hàng dương … Miền thùy dương cát trắng tràn đầy thơ mộng!
Hôm sau, tôi đi làm. Xe chạy hết con đường Nguyễn Huệ vòng qua phi trường dân sự Quy Nhơn rồi chạy một đoạn nữa là đến Quân y Viện nơi làm việc của tôi.
Tôi bề bộn với bao nhiêu công việc. Miền Trung cuộc chiến quá khốc liệt. Mùa hè năm đó được mệnh danh là Mùa Hè Đỏ Lửa. Hằng ngày, trực thăng tải thương lên xuống liên tục, Xe cứu thương tải người, hú còi inh ỏi! Thương binh nằm la liệt! Tôi vừa cấp cứu, vừa mổ liên tục rồi điều trị cho những bệnh nhân liên tục không biết bao nhiêu ca trong một ngày? Không biết bao nhiêu người còn sống? Bao nhiêu người chết? Sống trong thời chiến là vậy, biết nói sao bây giờ?
Những ngày nắng nóng qua đi. Mùa mưa lại về! Mấy ngày nay trời ở đây lại rét! Khí hậu ở cái xứ này thật là khắc nghiệt! Miền Nam quê tôi thì chỉ có hai mùa mưa nắng. Không có cái lạnh, cái rét nên tôi chẳng có cảm giác về rét buốt như thế nào? Bây giờ lần đầu tiên tôi thấy! Bầu trời lúc nào cũng đầy mây và Mặt Trời thì biến đi đâu mất. Biển mang một màu xám xịt lúc nào cũng gào thét dữ tợn với những con sóng cao ngất từ khơi xa cuồn cuộn quật vào bờ như muốn cuốn trôi tất cả. Gió thổi ào ào qua hàng dương trong sân bệnh viện. Có hôm thì mưa phùn gió Bấc, cái rét tê tái, cái lạnh căm căm. Suốt ngày, tôi khoác cái áo blue trắng mỏng manh, mỗi khi phải đi ra ngoài hành lang bệnh viện thì   hơi lạnh luồn vào cơ thể nghe rét buốt vô cùng. Nhiều đêm từ bệnh viện trở về nhà mệt mỏi rã rời, chân tay rũ rượi. Đường phố về đêm trong thị xã mùa đông vắng vẻ đìu hiu, ánh đèn đường le lói và nỗi nhớ nhà lại chất ngất dâng lên trong tôi.
Tôi cứ lao đầu vào công việc. Làm việc liên miên, đến nỗi tôi không còn biết ngày Chủ Nhật là ngày nào? Tôi chỉ được thảnh thơi là lúc ngồi trên xe đến bệnh viện và về nhà. Buổi sáng trên con đường đi làm, tôi thường lơ đễnh ngắm nhìn cảnh vật hai bên đường. Các nữ sinh áo dài trắng khoác bên ngoài những chiếc áo len đủ màu… hoặc lũ lượt đạp xe trên những con đường. Những chiếc xe Lam, xe cyclo… chở khách qua lại. Tôi thích nhất là đoạn đường rẽ vào nơi tôi làm việc. Đoạn đường này vắng vẻ yên tĩnh. Hai bên những cây dương liễu xanh mướt. Những ngôi trường to lớn lặng yên thấp thoáng sau những hàng cây mang một màu xanh lục.
Tôi thường bảo anh tài xế chạy chậm lại và dừng trước cổng trường Sư Phạm … Một chiếc xe Lam trờ đến rồi dừng lại. Những người trên xe lần lượt xuống, nam sinh quần áo gọn gàng, nữ sinh áo dài trắng thướt tha… nhìn những hình ảnh đó tôi bỗng nhớ đến những ngày mình còn là sinh viên Đại Học Y Khoa Sài Gòn.
Ngày qua tháng lại, không khí lạnh lẽo của Mùa Đông trôi qua. Mặt Trời đã xuất hiện đem ấm áp trở về.
Rồi một hôm bất ngờ tôi khám phá ra rằng, sáng nào xe của tôi cũng chạy phía sau một chiếc xe Lam mà trên xe là một cô gái mặc một chiếc áo dài trắng. Cô gái có khuôn mặt tròn, đôi mắt mở to tròn xoe, mái tóc cắt ngắn ngang vai.  Cô gái ngồi đó một mình lơ đễnh nhìn về phía sau xe. Tôi đi làm rất đúng giờ! Cô ấy cũng thế! Cứ xe của tôi đến góc đường Võ Tánh là gặp xe của cô ấy. Rồi không biết từ lúc nào hình ảnh cô gái trở thành quen thuộc mỗi ngày. Một hôm nào đó đi làm mà không thấy chiếc xe Lam chở cô  ấy, tôi cảm thấy thiêu thiếu và trống vắng.
Cô gái dường như không biết và cũng chẳng quan tâm có một chiếc xe đi sau, trên xe đang có người dõi theo. Lúc đầu tôi cũng không muốn cho cô ấy biết là tôi chú ý đến cô ấy. Vì vậy mỗi khi cô ấy nhìn ra phía sau thì tôi lại tảng lờ nhìn chỗ khác. Khi chiếc xe gần đến trường Sư Phạm thì tôi bảo cậu tài xế chạy chậm và đậu cách xa cổng trường một đoạn. Từ xa tôi có thể thấy dáng cô ấy xuống xe thong thả đi vào trường.
Từ lúc gặp cô gái ấy trên đường đi làm hàng ngày, tôi bỗng thấy vui hẳn lên! lòng tôi trở nên thanh thản, an bình! Tôi quên đi phần nào cái cuộc chiến đang leo thang, cho dù chung quanh tôi lúc nào cũng nồng nặc mùi thuốc sát trùng, mùi máu… cảnh dao kéo, cảnh đau đớn rên la và chết chóc.
Vui nhất là cậu tài xế của tôi! Cậu ấy dường như biết ý tôi nên sáng nào cũng chạy chầm chậm ở đoạn đường từ ngả ba Cường Để - Nguyễn Huệ cho đến Eo Nín Thở. Đảo mắt nhìn! Thở dài khi không thấy hoặc vui mừng khi thấy bóng dáng cô ấy xuất hiện trên chuyến xe. Thái độ của cậu ấy nhiều khi làm tôi bật cười! Giống như cậu ấy đang theo cô ấy chứ không phải tôi?
Tôi thích cô ấy bởi vẻ mặt ngây thơ, nụ cười đôn hậu, đôi mắt tròn đen, ánh mắt rất hiền khuôn mặt thông minh cả cái dáng cao cao gầy gầy. Cả người cô gái toát lên một sự dịu dàng, thanh thoát, tinh khôi …một cách kỳ lạ, khiến tôi chỉ thích nhìn từ xa chẳng dám bước đến gần sợ làm động khiến nó tan biến đi... và cứ thế, tôi lặng lẽ theo cô ngày ngày, tháng tháng...
Một hôm hình như cô ấy phát hiện ra tôi theo cô ấy mỗi ngày. Cô nhìn chăm chăm vào xe tôi suốt đoạn đường. Tôi giơ tay lên chào, cô ấy mỉm cười gật đầu đáp lại. Nụ cười tươi vui, khuôn mặt như thiên thần.Thế là từ đó tôi bước hẳn ra ngoài ánh sáng để cười chào cô ấy mỗi ngày nhưng cũng chỉ là cả hai ngồi trong xe chào nhau và khoảng cách là một khoảng không gian giữa hai xe  trên đường như hai động tử cùng vận tốc cùng chiều.
Mỗi lần xuống xe, cô ấy ôm tập vở đi vào cổng trường Sư Phạm Quy Nhơn. Tà áo dài trắng bay bay trong nắng sớm. Hình ành ấy đẹp vô cùng nó cứ in đậm trong tâm trí tôi như đóa hoa hồng mới hé nụ tinh khiết vô ngần.
Cô ấy làm cho tôi có những ngày vui và tôi hăng say với công việc. Một công việc lúc nào cũng thấy nhiều cảnh khổ đau, tang thương, chết chóc của anh em đồng đội.
Cũng có nhiều lần, tôi dừng xe lại cổng trường xuống xe đến bên cô ấy. Cô ấy thường nhìn tôi mỉm cười với nụ cười hiền. Lúc đó, trái tim tôi đập nhanh. Cuối cùng tôi luống cuống không nói nên lời rồi đành lặng lẽ bước đằng sau cô ấy đến bên cổng trường nhìn theo cho đến khi bóng dáng cô khuất sau hàng cây. Đã có đôi lần tôi đứng trước cổng trường để mong gặp và nói chuyện với cô ấy nhưng không hiểu sao lúc ấy tôi chẳng mạnh mẽ chút nào có thể tôi sợ làm tan vỡ giấc mơ hoa.
Mùa hè năm 74, một mùa hè nắng nóng và bận rộn với công việc. Hết hè ngôi trường Sư Phạm lại tấp nập giáo sinh nhưng tôi không gặp lại cô giáo sinh ấy nữa… Rồi tình cờ tôi biết và đoán ra cô ấy đã ra trường vì trường đào tạo trong hai năm. Tôi hỏi thăm nhiều người nhưng đều vô vọng,vì thật sự tôi chẳng biết tên và chẳng biết một tí gì về cô ấy cả? Không biết cô ra trường dạy học ở nơi đâu?
Nỗi buồn của tôi mang theo tháng ngày. Sáng sáng đi làm tôi mong ngóng được nhìn thấy cô ấy trên những chuyến xe. Dừng xe trước cổng trường tôi mong sao được nhìn cô ấy quẩn quanh đâu đó nhưng tôi chỉ thấy ngôi trường với hàng dương rì rào, xa xa tiếng sóng biển ì ầm …
Cuộc chiến lan rộng, Tây Nguyên rồi lần lượt các tỉnh miền Trung di tản, rút quân rồi Miền Nam... Thế là hết!
Ba mươi mấy năm ra nước ngoài, hôm nay trở về Sài Gòn thăm người thân. Tôi tìm cách trở lại Quy Nhơn thăm chỗ làm xưa, ngang qua trường Sư Phạm tự dưng trong tôi hiện lên hình ảnh xưa Cô gái tuổi đôi mươi tinh khôi trong sáng …tôi chưa biết tên, chưa nói chuyện một lần...Một thời đã gieo vào hồn tôi một nỗi sầu thương nhớ. Tôi ngước nhìn lên trên những ngọn cây dương liễu từng giọt nắng rơi lặng lẽ trong chiều xuống thành một mối tình sầu muôn kiếp …
                                                             
                                                             Vietnam, 06/2012
                                                                 M.Quang.

THƯƠNG TÌNH CA

                      

         Tiếng đàn guitar, tiếng hát của thằng cháu dìu dặt vang lên trong đêm:
         Dìu nhau đi trên phố vắng. Dìu nhau đi trong ánh sáng. Dắt hồn về giấc mơ vảng. Nhẹ nhàng dìu nhau đi chung một niềm thương… (Thương Tình Ca – Phạm Duy )
         Lòng tôi như lắng đọng. Thật kỳ lạ! Cứ mỗi lần nghe giai điệu của bài hát này, tôi lại nhớ quay quắt đến những con người, đến những con đường thân quen ở Qui Nhơn: Gia Long, Võ Tánh, Phan Bội Châu, Cường Để, Tăng Bạt Hổ, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn…  vào những thập niên sáu mươi, bảy mươi và rồi hình ảnh chị tôi lại hiện rõ trong tôi.
         Chị tôi hơn tôi năm tuổi. Trong ba chị em kề nhau, chị là người nhỏ con nhất. Dáng người chị mảnh khảnh, thướt tha trong chiếc áo dài trắng. Chị đi nhẹ nhàng, uyển chuyển. Khi chị cất tiếng hát, đôi mắt của chị sáng long lanh thả hồn theo giai điệu làm cho giọng hát trở nên sâu lắng, mượt mà và lôi cuốn. 
         Chị yêu thơ nhạc từ lúc còn rất bé. Chị thuộc rất nhiều thơ và chép nắn nót vào trong những cuốn sổ tay. Bài hát nào mới ra là chị biết ngay và tìm mua…rồi những ngày sau đó, ngày nào chị cũng tập hát. Và thế là chị truyền vào tôi niềm say mê thơ nhạc tự lúc nào không biết? Tôi còn nhớ mãi! Chị thường ngồi ở chiếc bàn học bên cửa sổ ngắm nhìn bầu trời xanh rồi say sưa hát bài Người em sầu mộng, nổi tiếng một thời:
         "…Ai bảo em là giai nhân cho đời em u sầu. Ai bảo em ngồi bên song cho vương nợ thi nhân… Em chỉ là em gái thôi, người em sầu mộng của muôn đời… Vằng vặc muôn thu nét tuyệt vời…"
         Chị rất lãng mạn. Học đệ ngũ, đệ tứ… chị đã lãng đãng theo những vần thơ tình của Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương, Lưu Trọng Lư, TTKH…
         Thấy chị tôi mơ màng theo thơ nhạc. Ba tôi rất lo nên thường quan tâm đến chị. Ba tôi tìm một thầy giáo dạy kèm cho chị và các bạn cùng học. Chị học rất khá lại thông minh. Thế rồi không biết thế nào mà trong năm, sáu cô học trò xinh đẹp, thầy giáo học lớp đệ nhị (lớp 11) để ý và yêu một cô học trò lớp đệ tứ (lớp 9). Ba tôi biết được chuyện, tìm cách can ngăn, khuyên chị chuyên tâm lo chuyện học hành. May sao năm học đó, chị thi đậu bằng Trung học Đệ Nhất Cấp. Và chuyện tình thầy trò cũng chỉ mới thoáng qua và cũng dễ tan biến.        
         Ở nhà, phòng của ba chị em tôi nằm trên lầu, còn phòng ba má tôi thì ở dưới lầu nên những buổi tối chị em tha hồ hát hò, kể chuyện hay đùa giỡn. Có nhiều hôm, ngoài trời mưa rả rích, mọi người tắt đèn đi ngủ hết. Chúng tôi leo lên giường, trong đêm khuya lặng yên nằm nghe chị hát:
"Trời thu mưa bay bay, mà lòng ai như say. Hoa lá rơi đầy, từng giọt mưa rơi rơi…"
         Hay:
"Cho tôi ép nốt dòng dư lệ
Nhỏ xuống thành thơ khóc chút duyên…"
         Cứ thế, không biết tự bao giờ, tuổi thơ của tôi đã thấm đẫm  những bài nhạc, những câu thơ và rồi cứ thế đi thẳng vào tâm hồn tôi.
         Nói cho cùng thì lúc bấy giờ tôi chỉ là cô bé chưa biết hết ý nghĩa của những bài hát, những bài thơ… và cũng chẳng biết tác giả là ai? Nhưng mà vẫn thấy thích những giai điệu, những âm thanh mượt mà của nhạc và thơ .
         Có thể nói rằng, cho đến ngày hôm nay, tôi lõm bõm được một chút thơ văn là nhờ chị đã đem đến cho tôi, thổi vào hồn tôi và thỉnh thoảng tôi cũng lãng đãng theo cảnh trời mây non nước…
         Những năm đầu thập niên sáu mươi, Cách nhà tôi vài căn có nhà cô ca sĩ Kim Liên và ban nhạc với Bão Tố, Xuân Điềm, Xuân Lạ, Đắc Đăng… Lúc đó ở Qui Nhơn chỉ có một ban nhạc duy nhất. Chị em chúng tôi thường qua xem họ tập dợt và cuối tuần họ tổ chức trình diễn Đại Nhạc Hội tại hội trường Kim Khánh (sau này là hội trường Quang Trung).
         Tôi còn nhớ! Chị tôi vì rất thích văn nghệ nên cứ xin ba má cho chúng tôi đi xem. Những tối đi xem văn nghệ, chị em chúng tôi lúc nào cũng hớn hở mặc đồ đẹp. Chúng tôi đến rất sớm ngồi ngay hàng đầu, xem say mê! Cô Kim Liên ngọt ngào với bài hát Lá Thư Miền Trung. Xuân Điềm nỗi niềm với bài Kiếp Nghèo… Bản tính lúc bé thích sôi động một chút nên dạo đó tôi rất thích Bão Tố hát bài “ Chiếc đồng hồ tay” với những giai điệu nhanh, vui nhộn :
         "Tích tắc! tích tắc! Cái đồng hồ này. Tôi mang trong tay cái đồng hồ tay…"
         Qui Nhơn những năm đó rất yên bình. Đến nỗi nhà chẳng  cần “cửa đóng then cài” . Mọi người sống với nhau rất hiền hòa. Phố xá gần gũi quen thuộc như trong thị trấn nhỏ được tả trong Englist for today. Buổi sáng, khi trời còn mờ mờ trong màn sương thì những người buôn bán lục đục sửa soạn ra chợ sớm. Các bà với những thúng cá, rổ tôm… tươi roi rói! Từ Khu Hai mang ra chợ. Tiếng guốc của họ khua “lốc cốc” vang vang trên vỉa hè. Những chiếc xe Lam chở hàng hóa từ bến xe xuống. Những người gánh rau từ Khu Sáu hay từ đường Bạch Đằng đến chợ. Một lát sau, chiếc xe đạp của ông Ấn Độ chở sữa dê đi ngang qua. Sau đó một chút những chiếc cyclo chở các cô giáo hay thỉnh thoảng một vài thầy giáo đạp xe thong thả đi dạy. Các chú, các bác đến các công sở làm việc. Trên lề đường học sinh lũ lượt đi học… các cô, các bà đi chợ…Một lát sau, ông cảnh sát hai tay sau lưng đi bộ từ từ ngang qua để xem trật tự xóm làng, đường phố…Sáng thứ hai, đúng 7 giờ, khi cái radio nhà tôi cất lên bài chào cờ thì đồng thời lúc đó, tất cả trường học, công sở, trại lính…đều đồng loạt chào cờ. Một xã hội trật tự, có tổ chức. Cuộc sống đều đặn rất yên ổn và an bình.
         Chị tôi học Tiểu học Ấu Triệu rồi Nữ Trung học. Từ bé chị tham gia trong các ban Văn Nghệ của trường. Chi tham gia trong đội múa Hai Bà Trưng của Qui Nhơn.
         Vào tối thứ bảy, chị hay dẫn chúng tôi dạo phố Gia Long. Nhà tôi ở Tăng Bạt Hổ đi vòng qua Lê lợi ngược lên Gia Long. Đường Gia Long có nhiều đoạn vỉa hè rộng như (đoạn trước nhà hàng Ngũ Châu). Ba chị em đều mặc áo dài tung tăng trên phố. Tôi nhớ lần nào dạo phố là cũng có những anh đi theo hoặc đến làm quen hoặc chào hỏi, nói chuyện với chị… Chị dẫn chúng tôi vào Khánh Hưng xem sách, nhạc…rồi mỗi người chọn mua một bản nhạc theo ý thích của mình. Đến Đại Chúng mua bút mực, tập vở… Lâu lâu chị lại cho chúng tôi đi ăn kem ở Phi Điệp hay Mỹ Ly ở đường Phan Bội Châu. Có khi lại ghé tiệm bánh kẹo Hóa Hưng mua bì bánh kem hay kẹo lạc…   
         Lúc bấy giờ, đường phố ít xe cộ. Giữa đường thỉnh thoảng mới có một vài chiếc xe đạp, xe cyclo , phần đông tất cả mọi người đều đi bộ. Những năm đó Qui Nhơn có rất nhiều chị xinh đẹp và duyên dáng. Đường Tăng Bạt Hổ có chị Lành, chị Hồng Ngọc (con gái của bác sĩ Hoàng). Đường Nguyễn Du có chị Hân, chị Ngọc Anh, chị Kiều …Đường Lê Lợi có chị Bạch yến (con gái cô Sự)… Đường Phan Bội Châu có chị Ngọc Minh…Con ông Phó Văn thì có chị Hồng Hoa, Hồng Hà…Mấy chị con gái bà Mai Ngôn… còn nhiều, nhiều nữa mà tôi không nhớ rõ tên các chị được.  
Năm 1963 chị tôi tham gia phong trào sinh viên, học sinh biểu tình chống chính quyền đàn áp Phật Giáo. Tôi cứ nhớ mãi hình ảnh chị tiều tụy sau ngày tuyệt thực nhưng đôi mắt rất là cương quyết.
Năm 1968, đậu Tú Tài, chị tôi vào Sư Phạm Qui Nhơn khóa 7. Khoảng thời gian này có rất nhiều người theo chị. Ba má tôi rất khó! Cho nên mỗi khi chị đi chơi đâu phải xin phép hoặc bắt buộc phải dẫn chúng tôi theo. Cũng vì theo chị cho nên tôi thấy những con đường Qui nhơn đẹp và lãng mạn. Những buổi chiều khi nắng đã tắt. Trên hè phố của con đường Cường Để, chị thướt tha trong tà áo dài trắng. Hai bên đường những cặp mắt ngơ ngẩn nhìn theo. Một chiếc xe vespa chạy ngang qua người lái xe ngoái đầu nhìn lại. Có khi một vài người nào đó bám theo sau rồi tìm cách làm quen… rồi hai người đi chầm chậm dưới những hàng cây.
Chị cũng có cảm tình một vài người rồi nhận lời vài cuộc hẹn hò. Những chiều thứ bảy các anh chị đi bên nhau dập dìu trên những con đường như Võ Tánh, Phan Bội Châu, Gia Long… phố xá rộn vui dưới ánh nắng tươi hồng hay trong những chiều gió lộng. Ôi! Thật là một thời thơ mộng và lãng mạn.
Học ở trường Sư Phạm chị tích cực tham gia các phong trào nhất là Văn nghệ. Tôi cứ nhớ mãi có những buổi chiều đông, ngoài trời rét mướt. Nằm trong căn phòng quấn chăn ấm áp nghe chị tập đi, tập lại những bài hát. Chị say sưa hát bài Thiên Thai của Văn Cao. Giọng chị lúc trầm, lúc bỗng, khi chậm rãi, khi dồn dập, khi thì ngân dài…
Mỗi khi trình diễn văn nghệ, chị thường dẫn chúng tôi đi xem ở Quân Y Viện hay ở trường Sư Phạm. Hôm tiệm café Lệ Đá (Nhà bạn của chị) ở đường Võ Tánh khai trương chị có lên hát giúp vui được mọi người vỗ tay tán thưởng. 
Năm 1970 chị tốt nghiệp ra trường. Nhiệm sở của chị là đảo Bình Ba - Cam Ranh.
Ra trường chẳng bao lâu thì chị lập gia đình. Anh là một trong số người theo chị và cũng là dân Cường Để rồi học Đại học Cần Thơ. Anh và chị có mối tình thật đẹp. Mỗi lần từ Sài Gòn về, hai người tay trong tay dìu nhau trên phố. Những con đường ở Qui Nhơn là nơi đón bước chân anh chị, ghi dấu biết bao nhiêu kỷ niệm đẹp và trở thành những con đường tình ta đi.
Chị theo anh vào Nam dạy học. Năm 1975, vì là Hiệu Trưởng một trường Trung Học nên anh đi học tập cải tạo. Còn chị vẫn đi dạy nuôi con chờ anh về. Sau đó, cả nhà đùm túm trở về quê. Quê chồng của chị nghèo lắm! Một làng ở miền Trung đầy nắng gió mưa bão. Đất đai khô cằn, ngoài cây dừa ra chẳng có gì? Thế mà mảnh đất ấy đã nuôi sống, che chở cho chị và gia đình qua những ngày khốn khó.
Ở trường, chị làm Chủ tịch Công Đoàn, Trưởng ban Văn Nghệ, Giáo Viên Dạy Giỏi… Chị rất năng nổ trong mọi công việc trường lớp. Giọng chị hát mang âm hưởng miền Trung nên phù hợp với những bài như Khúc Tâm Tình Người Hà Tĩnh…
Thời bao cấp, ngoài dạy dỗ ra chị làm đủ nghề. Trông coi một vườn dừa rồi nấu dầu dừa, nấu rượu, nấu dầu tràm. Nuôi heo, gà… Bán thuốc tây. Những năm đó ngành y tế còn hạn chế nên chị bán thuốc tây cho bà con trong thôn xã chữa lành được nhiều bệnh. Tiếng lành đồn xa nên khắp vùng tin tưởng và mỗi khi đau ốm lại đến với chị.
Tuy bận rộn nhưng chị vẫn dành thời gian cho âm nhạc. Tôi còn nhớ mỗi lần ở Qui Nhơn có đoàn nào về hát là chiều hôm đó, chị dẫn con cái từ Sông Cầu ra gởi cho má tôi rồi đi xem. Xem về chị trầm trồ và hát đi, hát lại các bài hát cho đến khuya. Sáng hôm sau lại trở về sớm tiếp tục công việc thường nhật.
Vào mỗi dịp hè, tôi và người chị kề lại dắt con cái vào nghỉ hè nhà chị ở trong quê.  Tối đến, mọi người quây quần ngoài sân, lũ trẻ nô đùa còn ba chị em hàn huyên tâm sự. Những buổi trưa ba chị em nằm với nhau, nghe chị hát lại các bài hát tiền chiến (mà vào những năm đó  loại nhạc này nhà nước cấm). Chúng tôi như khát lâu ngày nay được uống nước cho nên tha hồ thỏa thích nghe một cách say mê. Có lúc cao hứng lại cùng nhau đồng thanh hát vang một bản tình ca nào đó.
Chị giỏi lắm! Tính lại nhanh nhẹn thêm cái “gu” thẩm mỹ. Một mình tự vẽ lập lăng, thiết kế, bản vẽ… rồi kêu thợ xây một ngôi biệt thự đẹp nhất xã. Ai đi ngang qua cũng trầm trồ.
Thế rồi một cơn bạo bệnh đến với chị và chị ra đi ở tuổi tứ tuần. Những ngày trước khi ra đi, chị đã tự mình thu vào băng catsette một số bài hát mà chị yêu thích. Cuộc đời như một bản thương tình ca…
…Dìu mhau sang bên kia thế giới. Dìu nhau nương thân ven chín suối. Dắt dìu về chốn xa vời, đời đời dìu nhau đưa nhau vào nghìn thu…
Chị yêu cuộc sống này vô cùng nhưng chị cũng mạnh mẽ chấp nhận cái lẽ vô thường của cuộc sống. Chị về bên kia thế giới một cách nhẹ nhàng và thanh thản…
Hàng năm, tháng bảy giỗ chị, tôi vẫn đến thăm  nơi chị yên nghỉ. Chị nằm trên một cái đồi, chung quanh là hàng dừa xanh xỏa bóng, trong khu đất của giòng họ bên chồng.
Tôi thường đi dọc theo con đường làng ra viếng mộ chị. Chiều xuống chầm chậm. Nắng đã rút dần lên các ngọn cây rồi đuổi nhau chạy trên những đồi nương xa và mất hút tận chân trời phía Tây. Gió thổi từ dưới cánh đồng phía trước mặt, đưa thoang thoảng mùi hương của lúa chín quyện với mùi nhang trầm. Tôi thấy lòng mình dâng lên một nỗi buồn man mác, một cảm giác trống trải vô cùng. Nhớ da diết người chị thân yêu.
Tiếng trâu bò rục mõ về chuồng. Chim chóc gọi nhau bay về tổ. Khói lam chiều lan tỏa trên mái nhà tranh sau hàng tre, cuộn lại như những dải lụa mềm mại bay lên cao rồi tản mác vào không trung. Không gian tĩnh lặng, đất trời như hòa vào nhau…Đời người rồi cũng thế thôi, như chiều về rồi sẽ lịm tắt vào đêm tối…
Tôi ngước nhìn lên bầu trời đêm, hình như  có một vì sao nào đó vừa vụt tắt …

Qui Nhơn, tháng 07/2008.
         IRENE

LY RƯỢU MỪNG XUÂN

                   Ngoài sân, hoa mai nở vàng báo hiệu mùa xuân đang đến!          Mùa xuân được xem là mùa khởi đầu. Mùa xuân khí...