Irene.
“Thân tặng một người anh ở Đà Nẵng.”
“Chuyến máy bay Airbus A320 đang giảm độ cao để hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng trong ít phút nữa. Yêu cầu quí khách trở về chỗ ngồi, đừng sử dụng điện thoại di động và vẫn cài dây an toàn cho đến khi máy bay ngừng hẳn. Xin cám ơn!...”
Không biết đây là lần thứ mấy tôi đến Đà Nẵng kể từ lúc cậu con trai của tôi lấy vợ và quyết định lập nghiệp nơi này. Ông bà ta nói: “ Nước mắt chảy xuôi.” Thật đúng! Hình như nó chẳng nhớ tôi là mấy? Còn tôi thì lại nhớ! và cứ mỗi lần nhớ, tôi lại khăn gói ra thăm.
Lần đi này, nhân dịp có chị tôi từ Qui Nhơn vào Sài Gòn thăm con, tôi rủ chị ra Đà Nẵng luôn. Thế là hai chị em hứa hẹn một chuyến đi vui vẻ.
Đà Nẵng mưa mù mịt, ảnh hưởng của bão Nisat. Hai ngày nằm nhà. Sáng nay trời hưng hửng, thằng con tôi, nó nói:
-Mẹ ở nhà, con chở dì Dương đi tìm người bạn của dì.
Chị tôi giữ cái carte de visite của chồng chị Hương đã gần
bốn mươi năm nay. Số nhà, tên đường trước năm 75, bây giờ không biết có thay đổi hay không? Thôi thì cứ đi tìm thử, may ra!
Khi chị về, tôi hỏi, chị nói:
- Đi lòng vòng qua mấy con đường, cuối cùng rồi cũng tìm được, nhưng vợ chồng chị bạn đã vào Sài Gòn không còn ở đó nữa. May quá! Có người em còn ở đó cho số điện thoại của chị Hương.
Chị tôi ngồi xuống ghế và cầm điện thoại gọi liền, sau một lúc ngỡ ngàng rồi khi nhận ra nhau, mừng vui, bao kỉ niệm tha hồ tuôn trào.
(Xin nhấn vào "Đọc Tiếp" để xem thêm...)
(Xin nhấn vào "Đọc Tiếp" để xem thêm...)
Hai chị hẹn gặp lại nhau giữa Sài Gòn. Chấm dứt câu chuyện, chị tôi lại tìm được số điện thoại một người anh mà bấy lâu nay hai chị em cố gắng tìm nhưng không biết ở đâu? Chị đưa số cho tôi. Mừng quá! Tôi cầm điện thoại gọi liền, chuông reo, một người đàn ông giọng Đà Nẵng bên kia đầu dây:
- Alô!
- Xin lỗi! Cho tôi gặp anh Trung.
- Anh Trung đây! Xin lỗi cô là ai?
- Em là Trâm, em của chị Lan và chị Dương. Tôi giới thiệu luôn. Khi anh đến nhà tôi, lúc đó, tôi chỉ là một cô bé học lớp 4. Bây giờ gần 50 năm, biết anh có còn nhớ hay không?
- Ồ! Trâm, anh nhớ rồi! Nhà các em ở đường Tăng Bạt Hổ Qui Nhơn, phải Không?
- Dạ .
- Sao em biết số điện thoại của anh? mà bây giờ em đang ở đâu?
- Chuyện đó em sẽ nói sau, còn bây giờ em đang ở Đà Nẵng.
- Nhà em ở đường nào? Anh sẽ đến ngay!
- Nhà em 57 Hàn Thuyên nhưng anh ở đâu? Em và chị Dương sẽ đến anh trước!
- Anh ở 168 Trưng Nữ Vương. Có Dương ở đó không?
- Dạ có. Tôi chuyển máy cho chị tôi.
Buổi chiều, trời mưa tầm tã. Do đã hẹn sợ anh chờ nên hai chị em quyết định, dù có mưa gió bão bùng cũng phải đến! Anh tài xế tắc xi quá quen thuộc con đường phố lớn nên đưa chúng tôi đến ngay địa chỉ một cách dễ dàng.
Xuống xe, anh đã ra tận cửa để đón chúng tôi. Chỉ một giây ngỡ ngàng, anh nói:
Anh nhận ra các em ở nụ cười.
Còn chúng em nhận ra anh ở những nét quen quen trên khuôn mặt .
Chúng tôi ngồi xuống ghế, rồi bao nhiêu kỉ niệm của một thời xa xưa ở Qui Nhơn ùa về. Hết người này đến người kia nhắc lại, lục tung tất cả những hồi ức có trong trí nhớ.
- Em biết số điện thoại của anh là nhờ chị Hương đưa cho. Chị Dương tôi nói.
- À! Đúng rồi, anh mới gặp lại chị Hương hôm anh đi Quảng Ngãi dự họp mặt liên trường. Các em cho anh biết bây giờ chị Lan và gia đình thế nào?
- Chị Lan em mất rồi! Giọng chị Dương chùng xuống.
- Sao mất? Mất lúc nào?
- Chị em mất đến nay cũng đã trên mười mấy năm rồi.
- Chị mất vì một căn bệnh nan y. Bây giờ chồng chị và các cháu đã qua Mỹ.
Không khí như đang lắng xuống.
Bên ngoài, trời vẫn mưa như thác đổ. Thấy tôi nhìn ra ngoài trời. Anh sợ chúng tôi về, anh nói:
- Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách.
Tôi thấy trong buổi chiều mưa, anh em hạnh ngộ hay hay, tôi
pha trò:
“ … Em đến thăm anh một chiều mưa, mưa dầm dề đường
trơn ướt tiêu điều…”
Anh em nhìn nhau cười vui vẻ.
Anh Trung vào Qui Nhơn học Sư Phạm khóa 3, những năm 1964-1966. Theo dòng hoài niệm anh bộc bạch…
…“ Anh đến Qui nhơn một chiều nhạt nắng. Đó là một thị xã nhỏ bé ở miền Trung. Lần theo địa chỉ, anh tìm đến trọ nhà một người quen ở đường Phan Bội Châu. Sau bữa cơm tối với gia đình, anh đã có một giấc ngủ yên lành.
Buổi sáng anh đến trường. Anh đi bộ dưới những hàng cây xanh, qua những con đường phố yên tĩnh. Bầu trời thì trong xanh, từng cơn gió từ biển thổi vào mát mẻ, không khí thật trong lành. Vòng qua eo biển, một bên là sân bay, một bên là biển xanh, bãi cát vàng với hàng dương liễu. Tiếng gió thổi vi vu, tiếng sóng biển vỗ ầm ì. Con đường đến trường thật nên thơ.
Cảm nhận đầu tiên về ngôi trường Sư Phạm Qui Nhơn rất bề thế với lối kiến trúc hiện đại thật đẹp. Trường hướng mặt ra biển, bước qua cánh cổng theo lối đi vào, một vườn hoa sứ nở hoa thơm ngát. Sân trường rộng, một bên là dãy văn phòng, một bên là Hội trường . Ở giữa là một hành lang dài bên trên có hàng chữ Sư Phạm Qui Nhơn, bên dưới những hàng cây hoa giấy đủ màu thấp thoáng sau những chiếc lá xanh. Có thể nói vào những năm 1964 đây là một ngôi trường đẹp nhất miền Trung. Đứng trước cảnh thơ mộng ấy! Anh yêu ngay ngôi trường, yêu cái thị xã nằm ven biển và yêu cái nghề giáo mà mình đã chọn.
Rồi ngày tháng chầm chậm trôi, tâm hồn anh cũng nhẹ nhàng, vơ vẩn theo mây bay, theo gió thổi dạt dào cùng trăng sao:
Cho màu đừng nhạt mất
Anh muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi…
( Vội vàng – Xuân Diệu )
Những buổi chiều tan học, anh thường đi bộ dọc theo những con đường ven biển, anh gặp những tà áo trắng của các nữ sinh. Ôi, sao đẹp quá! Rồi anh cũng đi theo một trong những tà áo trắng ấy. Nàng có mái tóc dài óng ả chấm ngang lưng. Dáng nàng gầy gầy, chiếc eo thon thon, thướt tha trong nắng chiều. Anh theo nàng về đến tận nhà. Rồi chỉ trong một thời gian ngắn, anh đã quen được nàng. Cô ấy là Lan, là chị của các em đấy…
Anh đến chơi nhà Lan, nàng có hai cô em gái: Một cô em học lớp bảy, một cô học lớp bốn. Các cô quấn quýt bên anh nói chuyện vui vẻ. Anh thường đùa với cô em út rằng:
- Thế nào có ngày anh sẽ đến trường Ấu Triệu dạy em. Anh sẽ dò bài và sẽ bắt quì.
Cô bé sợ, mặt tái mét. Thấy mà tội nghiệp.
Lan có các cô bạn trong xóm. Cô nào cũng xinh. Cô Lành
có đôi mắt đen, hàng lông mi cong vút, rất đẹp:
“…Trong mắt ngọc đen kỳ diệu thế,
Nhìn anh như đã hẹn nghìn xưa…( Mặt em-Xuân Diệu )
Cô Vân, thì có nụ cười rất tươi:
“…Thiếu nữ bâng khuâng đợi một người
Chưa từng hẹn đến-giữa xuân tưươi
…Thiếu nữ làm duyên, đứng mỉm cười. ( Nụ cười xuân- Xuân Diệu )
Anh thường chờ Lan ở cổng trường rồi cùng nàng đi dạo dọc theo những con đường hay đứng ngắm biển lúc chiều về. Lan nói giọng Huế nhẹ và dễ thương. Lan kể cho anh nghe đủ mọi chuyện, từ chuyện học hành đến chuyện bạn bè. Có khi, chúng anh nói chuyện vơ vẩn trời mây, trăng sao. Từng ngày qua đi, Lan đã đem đến cho anh những tình cảm êm đềm, trong lòng anh có một chút gì đó bâng khuâng, xao xuyến xen lẫn những rung động là lạ…
Từ đó, cứ vào cuối tuần thì anh lại đến nhà các em, không khí gia đình Lan thật gần gũi, các em thì ngoan và thân mật, những cô bạn dễ thương…làm cho tâm hồn anh ấm áp hẳn lên, cho anh vơi đi nỗi niềm của kẻ xa nhà.
Hai năm học Sư Phạm rồi cũng trôi qua nhanh, anh nhớ ngày anh chia tay Lan lên đường ra Quảng Ngãi dạy học cũng vào một ngày mưa lướt thướt, buồn não lòng. Tuy giữa chúng anh không có một lời hẹn ước, không một lần nắm tay nhau nhưng ánh mắt nhìn cũng đã nói lên bao nhiêu điều.
Thời gian và khoảng cách sẽ làm cho tâm hồn nguôi ngoai đi những nỗi nhớ. Rồi anh lại được đề bạt làm Hiệu Trưởng một trường Trung Học. Công việc trường lớp cuốn hút với lại tuổi trẻ thì cũng mau chóng quên, dễ hòa nhập với cuộc sống hiện tại. Rồi một hôm tình cờ anh gặp một bóng dáng dễ thương ở Sở Học Chánh. Khi hỏi ra thì mới biết, đó là Dương cô em kề của Lan, học Sư phạm Qui Nhơn Khóa 10 mới ra trường. Anh em gặp lại mừng vui. Lần ấy Dương kể, anh mới biết rằng Lan vào Nam dạy học và đã lấy chồng.
Những ngày sau đó, thỉnh thoảng anh đến nhà Dương ở 260 Quang Trung thăm. Có lúc lại mời các cô ở cùng nhà đi uống café hoặc đi ăn. Khoảng thời gian đó thật là vui!
Chiến sự bùng lên! Mỗi người một ngã, không ai còn biết gì về nhau nữa…
Gần bốn mươi năm, bây giờ gặp lại các em, anh rất vui nhưng cũng có một nỗi buồn là Lan đã ra đi quá sớm!”
Suốt buổi, chúng tôi huyên thuyên. Có những điều anh Trung quên, có cái anh lại nhớ. Chị em tôi cũng vậy! cái nhớ, cái quên nhưng mỗi người nhắc một kỉ niệm. Cứ thế nó trở nên liền mạch xâu thành một chuổi dài hồi ức của một thời.
Nghe tôi giới thiệu về trang web spqn, anh mừng lắm! Anh mở ra xem để tìm về lại ngôi trường cũ và bạn bè của một thời trẻ.
Những ngày sau đó, anh em gặp nhau đi uống café ăn sáng hay đi ăn tối…cũng để chỉ một việc là nhắc lại kỉ niệm xưa.
Một tuần trôi qua, đã đến ngày tôi và chị Dương quay về lại Sài Gòn. Buổi chiều anh đến nhà tôi để tiễn biệt, Lúc này anh mới nói với chị em tôi trong cảm xúc:
Thời gian như một lớp bụi bao phủ hết những kỉ niệm nhưng khi các em đến! các em như một luồng gió thổi đi lớp bụi mờ giúp anh nhớ lại một khoảng thời ở Qui Nhơn dễ thương đáng yêu, đáng nhớ nhất. Anh cám ơn các em! Anh mong gặp lại các em trong chuyến về nguồn tại Qui Nhơn như theo thông báo của trang SPQN.
Tôi nhìn ra ngoài, trời đang mưa. Để làm tan bớt cái không khí trầm lắng đó, tôi nghịch ngợm hát:
“ Bây giờ thì…Anh đến thăm em chiều đông giá. Anh đến thăm em trời mưa gió đường xa ngại ngùng…”
Cả ba anh em cùng cười xòa.
Chiếc máy bay chạy chầm chậm, chầm chậm rồi nhanh dần, nhanh dần theo phi đạo và cất cánh bay lên. Qua khung cửa sổ, tôi nhìn ra ngoài. Trời vẫn mưa, Đà Nẵng nhập nhòa trong ánh đèn đêm rồi mờ dần không còn trông thấy nữa…
Tôi ngửa người ra sau, nhớ câu anh nói khi gặp lại hai chị em tôi là: Quả đất tròn nên anh em mình mới gặp lại nhau . Các em nhỉ! Cuộc sống thì hạn hữu! Anh mong rằng: Anh em chúng ta luôn giữ mãi cái tình thân này.
Sài Gòn, tháng10/2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét