Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015

MÃI LÀ LỜI TRI ÂN




                                       Irene.

          Chiều xuống chầm chậm. Nắng nhạt dần…nhạt dần trên những vòm cây cao rồi rút chạy ra xa tít về phía cuối trời. Không biết từ bao giờ, tôi lại thích vẻ tĩnh mịch của chiều về. Có thể khi con người tuổi đã cao, thích tĩnh tâm nên thấy tâm hồn mình phù hợp với khung cảnh êm ả của chiều hôm. Mỗi khi chiều về, tôi thấy lòng mình lắng xuống bình yên, thanh thản một cách lạ lùng. Tôi thường ngồi lặng im để nghe tiếng gió vờn trong lá. Lặng im để nghe tiếng chiều bước nhẹ và lặng im để hồn mình trở về lại quãng đường mà mình đã đi qua.
Năm 1972 tôi vào trường Sư Phạm Qui Nhơn. Lúc ấy, tôi chẳng thích học sư phạm chút nào. Vì sau khi tôi đậu tú tài toàn, con đường thi cử tương đối suôn sẻ nên trước mắt tôi chỉ nhìn thấy toàn một màu hồng.
          Tôi hăm hở vào Sài Gòn thi Đại Học. Khi chạm phải thực tế mới thấy không dễ dàng như tôi tưởng. Đó là lần đầu tiên xa nhà, thiếu thốn đủ thứ, phương tiện đi lại khó khăn…Mùa hè 72 cuộc chiến khốc liệt! Chúng tôi vừa mới bước vào chương cuối của chương trình lớp 12 thì trường học đóng cửa, mọi người di tản. Vì thế, kiến thức của chúng tôi hầu hết không được trang bị đầy đủ để thi vào các trường Đại Học. Với lại trước 75, chương trình phổ thông so với chương trình thi đại học là cả một khoảng cách kiến thức. Muốn vào Dược hay Y khoa, phải học qua một năm lớp dự bị thì may ra. Cho nên thi xong thấy không hy vọng. Thôi thì ghi danh vào đại học Văn Khoa. Đang buồn, nhớ nhà thì tôi nhận được điện tín của ba tôi gởi vào báo tin tôi đậu Sư Phạm Qui Nhơn.

          Mùa tựu trường năm đó, “ tấp tễnh người đi tớ cũng đi”, tôi bước vào năm thứ nhất khóa 11.
          Vào Sư Phạm là tôi đã xác định: Đây là trường đào tạo ra những người thầy nên chắc chắn không khí rất là mô phạm và là môi trường để tu luyện chứ chẳng có gì để mà học, để mà vui cả.  
          Nhưng khi vào đây rồi, theo ngày tháng tôi bắt đầu thích khung cảnh. Ngôi trường đẹp, thơ mộng! Bình yên nằm tọa lạc trên một khuôn viên rộng. Mặt trước quay về biển quanh năm gió thổi lao xao và tiếng sóng biển vỗ rì rào. Mặt sau là dãy núi xanh thẫm bao bọc. Con đường đến trường với hàng liễu rủ. Bên trong, sân trường với những hàng hoa giấy nhiều màu sắc. Thoang thoảng mùi thơm của hoa sứ. Những dãy lầu cao của các lớp học hay những hành lang hun hút dẫn về khu nội trú…
          Bạn cùng lớp, nhất là nam, đều sinh năm 1954. Các bạn từ mọi nơi tụ hội về đây: Từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, cao nguyên…Tất cả đều xa lạ nhưng khi tiếp xúc thì   rất là chân chất. Càng ngày tình bạn bè càng thêm gắn bó. Tuổi trẻ nên chúng tôi dễ dàng hòa đồng vui vẻ.  
          Các môn học thì lạ lẫm so với ở phổ thông. Năm thứ nhất chúng tôi đã làm quen với Tâm Lý Giáo Dục, Luân lý Chức Nghiệp, Sư Phạm Lý Thuyết, Sư Phạm chuyên biệt, Giáo Dục cộng Đồng, Dụng Cụ Giáo Khoa, Y Tế Học Đường ngoài ra, còn học các môn như Việt Văn, Nhạc, Hội Họa, Hoạt Động Thanh Niên. Nữ Công Gia Chánh (dành cho nữ) v.v…
          Lúc đó tôi lờ mờ về các môn học. Ngồi trong lớp, thầy cứ giảng còn trò cứ thả hồn đi hoang ...
          Sang năm thứ hai, tôi hiểu hơn một chút về các môn học như : Kinh Tế Chính Trị, Giao Tế Xã Hội, Quản trị & Thanh Tra Học Đường, Sư Phạm thực Hành…
          Các thầy giáo, cô giáo giảng dạy, ai cũng mang một phong cách, một lối sống đạo đức chuẩn mực của một nhà giáo. Thầy Hiệu Trưởng Trần Văn Mẫn lúc nào cũng lặng lẽ nhưng ánh mắt thân thiện. Thầy thường khuyên chúng tôi rằng nếu có điều kiện nên ghi danh học thêm đại học. Các thầy cô phụ trách bộ môn. Ai cũng nhiệt tình giảng dạy. Ai cũng tâm huyết, vận dụng hết các kiến thức từ trong sách vở thành những thực tế đời thường. Các bài dạy về làm người, về giao tiếp, về nghề nghiệp…hầu hết tôi học được từ nơi đây.  Các thầy cô đã truyền hết những kinh nghiệm để mong rằng: Đó là hành trang đủ cho chúng tôi mang vào đời.
          Tôi cứ nhớ mãi câu nói của các thầy lúc chúng tôi mới vào trường : Các anh chị phải xác định là mình đã chọn nghề giáo thì tiếp tục theo nghề còn nếu mình không thích thì ngay bây giờ có thể ngừng lại cũng còn kịp. Đừng mang những điều bực bội, chán nản đem vào trường này!
          Câu nói như một lời khuyên và cũng rất chân thật vì dạo ấy cũng có nhiều bạn trong đó có tôi vì hoàn cảnh thế này hay thế nọ. Bất đắc dĩ không còn con đường nào khác đành phải vào Sư phạm và cũng nhờ câu nói này, chúng tôi xác định được tư tưởng và hướng đi của mình.
          Các thầy cô rất chú trọng đến nhân cách con người. Chú trọng đến tác phong đạo đức của nhà giáo. Chú trọng từ cách ăn mặc, lời nói, cách ứng xử… Tôi còn nhớ! Thầy Võ Sum giáo viên dạy môn Giao Tế Xã Hội thường xuyên nhắc nhở chúng tôi về cách giao tiếp : Các anh chị mỗi khi lên xuống thang lầu, các anh phải nhớ nhường phía tay vịn cho các chị. Khi lên các anh nên đi phía sau, khi đi xuống các anh phải đi phía trước các chị. Khi ra đường nếu đi với các chị thì các anh luôn đi phía bên tay trái của các chị. Các anh phải cầm dù và xách những cái túi  nặng cho các chị nhưng không phải xách hết phải để lại cho chị một cái ví nhỏ, con gái người ta còn có cái để làm duyên.v.v và v.v…Tôi nghe các chị tôi ở những khóa trước kể rằng : Vào thời đó người ta thường nói rằng nam mà vào sư phạm thì “yếu”. Vì thế thầy Mẫn Hiệu Trưởng thường nhắc nhở các giáo sinh nam là:  Chúng ta có thể chấp nhận cho các chị vì họ là phái “yếu”. Các chị mơ mộng, yếu mềm vì có thể trong số các chị ở đây có người yêu ở xa. Trong những đêm mưa nội trú thao thức nhớ đến người yêu giờ này đóng quân ở một tiền đồn heo hút nào đó? Còn các anh là nam thì không thể có những tư tưởng yếu đuối được, mà phải mạnh mẽ lên! Đừng để mang tiếng : Trai Sư Phạm thế này? Hay thế nọ?…Cứ thế, các thầy dạy rất kỹ những vấn đề nhỏ cho đến vấn đề lớn trong giao tiếp. Mà đúng như vậy! Có những điều rất bình thường nhưng nếu các thầy cô không nhắc nhở thì ta lại không chú ý, không nhớ  hay quên đi.
          Trường Sư Phạm hàng năm tổ chức những cuộc thi văn nghệ giữa các lớp không phải chỉ là thi đua và giải trí mà qua những lần hội thi giúp chúng tôi đoàn kết, gần gũi, thương yêu nhau hơn. Rồi cũng qua những tiết mục văn nghệ thấm đượm tính dân tộc tạo cho chúng tôi tình yêu quê hương đất nước, yêu đồng bào, yêu cộng đồng, yêu trường lớp, yêu nghề…
          Còn rất nhiều điều tôi được học từ các thầy cô dưới mái trường Sư Phạm mà tôi không thể kể hết được. Thế rồi, các kiến thức ấy, các điều ấy ! Cứ đọng lại trong tôi mỗi ngày một ít như  :“ Mưa dầm thấm đất”. Và rồi nó ăn sâu nảy nở trong tâm hồn tôi như những đóa hoa rực rỡ nhiều màu sắc.
          Hàng năm, từ mái trường Sư Phạm Qui Nhơn tiễn đưa lớp lớp những giáo viên lên đường đi khắp mọi miền đất nước. Từ đồng bằng đến miền núi xa xôi hay hải đảo. Các thầy cô đã trang bị cho chúng tôi quá đầy đủ nên chúng tôi không chỉ là những giáo viên dạy Tiểu Học mà còn dạy cấp hai, cấp ba…  hoăc cũng có thể  dạy các môn khác như : Nhạc, Họa, Thể Dục, Ngoại Ngữ…Nhiều người trong số chúng tôi là giám đốc Sở, Thanh Tra, Hiệu Trưởng, giáo viên dạy giỏi… Sau 1975, những giáo học Cấp Bổ Túc ngày xưa ấy lại càng phát huy năng lực. Trong ngành Giáo Dục, chúng tôi đều là những người tiên phong. Chúng tôi giữ vị trí then chốt trong chuyên môn. Trong trường học, Hiệu Trưởng, Hiệu Phó, các Tổ Trưởng Chuyên Môn đa số đều không phải là những người có bằng cấp học vị cao mà là những người chỉ có Chứng Chỉ Khả Năng Sư Phạm Ban Thường Xuyên Hai Năm. Tất cả chúng tôi giảng dạy rất vững vàng, có phong cách riêng, có lương tâm của một nhà giáo chân chính… Trường Sư Phạm Qui Nhơn nói chung và các thầy cô giáo nói riêng đã đào tạo cho chúng tôi thành những giáo viên đa năng.
          Riêng tôi, các thầy cô giáo trường Sư Phạm Qui Nhơn đã đem đến cho tôi rất nhiều: Đó là kiến thức và trải nghiệm. Đó là niềm say mê và sáng tạo. Đó là tính độc lập tự chủ để tìm hướng đi đúng đắn trong nghề. Các thầy cô là những người cho tôi những bài học đầy tính nhân văn mang đậm tình người, tình quê hương, dân tộc. Các thầy cô đã đi qua đời tôi hun đúc tính cách, con người tôi…Các thầy cô giáo âm thầm và lặng lẽ gieo vào hồn tôi những nốt nhạc trầm lắng êm đềm nhưng da diết và sâu sắc.Và điều đó đã giúp tôi suốt những năm tháng giảng dạy luôn có được phẩm chất nhân cách của người thầy. Trên bục giảng, vững vàng về kiến thức. Mẫu mực đối với học sinh và phụ huynh. Bây giờ thì tôi đã hoàn tất công việc của nhà giáo.Tuy rằng trên con đường đến bến bờ ấy không phải lúc nào tôi cũng nhận được sự êm ả. Thế nhưng mỗi khi có những sóng gió, lời thầy cô lại vang vọng giúp tôi mạnh mẽ vượt qua.  
          Xin mãi mãi tri ân các thầy giáo cô giáo! Con xin mượn lời của Carl Jung để bày tỏ lòng tri ân đến các thầy cô, một thời giảng dạy dưới mái trường Sư Phạm Qui Nhơn :
          “Người ta hồi tưởng lại với sự cảm phục những nhà giáo lỗi lạc với sự biết ơn những người đã tác động vào xúc cảm nhân văn của ta. Chương trình giảng dạy là nguyên liệu cần thiết nhưng năng lượng ấm áp mới là yếu tố cần thiết cho cây lá phát triển và cho tâm hồn của trẻ…
          Con nghĩ rằng không thể thốt lên bằng lời mà nói hết lòng tri ân đối với thầy cô giáo. John. F. Kennedy nói rất đúng là : Khi chúng ta bày tỏ lòng biết ơn, chắc chắn chúng ta không bao giờ quên sự tri ân cao quý nhất không phải chỉ thốt ra bằng lời, mà chính là sống theo những lời tri ân ấy”.

          Sài Gòn, 9/4/2012
                  Irene.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LY RƯỢU MỪNG XUÂN

                   Ngoài sân, hoa mai nở vàng báo hiệu mùa xuân đang đến!          Mùa xuân được xem là mùa khởi đầu. Mùa xuân khí...