Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015

QUI NHƠN NGÀY VỀ




                                             Irene.

         Chưa đến chín giờ tối mà con hẻm đã vắng vẻ.  Chỉ nghe gió thổi lao xao qua hàng cây trước nhà. Ánh đèn hai bên đường nhập nhoạng càng làm cho con hẻm như rộng và dài thêm ra. 
Thường thường thì vào tối thứ bảy, mọi người tụ tập đông hơn vì nghỉ cuối tuần. Dăm ba người bắc ghế trước nhà. Đàn ông ngồi uống trà hay rượu có khi cao hứng hát vài ba câu vọng cổ khàn khàn. Đàn bà thì bế con hay túm tụm trò chuyện. Trẻ con thì nhảy dây hay đuổi bắt làm náo động cả xóm…Cái hẻm cụt chỉ độ vài nóc nhà, họ sống quây quần, gắn bó với nhau. Thế nhưng những ngày khác trong tuần thì ngược lại, tối đến nhà nào cũng đóng cửa im ỉm. Ai cũng lo nghỉ sớm, mai còn đi làm, đi học.
Hôm nào yên ắng. Tôi lại thích đi dạo quanh quẩn một mình trong cái tĩnh mịch và sự mát mẻ của đêm về...Nhìn lên bầu trời có muôn vàn vì sao lấp lánh. Tiếng hát của ai đó đang nức nở bài Xóm Đêm : “ Đường về canh thâu. Đêm khuya ngõ sâu như không màu. Qua phên  vênh có bao mái đầu. Hắt hiu vàng ánh điện câu…”  Có lẽ đêm nay tôi lại mất ngủ nữa rồi…
Trưa nay, một cô bạn lúc trước cùng học một lớp  trường Sư Phạm Qui Nhơn. Bạn ấy hiện đang ở Tuy Hòa, gọi điện cho tôi hẹn ngày về thăm trường. Một lát sau, tôi lại nhận điện thoại của Ánh Tuyết. Ánh Tuyết cũng học cùng lớp Sư Phạm.  Mừng quá! Gần bốn mươi năm mới nghe lại giọng nói của nhau. Chúng tôi vui mừng giành nhau mà nói, mà hỏi…mà trả lời.
         Vui lắm! Náo nức lẫn nôn nao. Mong giây phút gặp lại nhau. Cô bạn tâm sự :
-      Gặp lại bạn bè, mình sợ mình khóc quá!  
-      Ừm…những giọt nước mắt của sự mừng vui.
Ngày về! vui lắm! Làm sao không vui được! Khi chia tay nhau trong Lễ Tốt Nghiệp-Chọn Nhiệm Sở ra trường. Chúng tôi chỉ mới đôi mươi. Rồi mỗi đứa một phương. Sau những biến cố, chẳng ai biết tin tức gì về nhau nữa! Cứ tưởng rằng không còn có duyên để hạnh ngộ. Thỉnh thoảng biết tin tức về nhau thì cũng lác đác vài người qua điện thoại. Thế mà thật bất ngờ! Năm nay, sau mấy chục năm xa cách, tất cả đồng lòng hẹn cùng nhau trở lại trường xưa! Khi ngôi trường tròn nửa thế kỷ và cũng là lúc chúng tôi tóc đã bạc màu.  Chắc sẽ có nhiều cảm xúc dâng trào khi trông thấy cảnh cũ và người xưa. Vui vì gặp lại thầy cô và nhất là gặp lại bạn bè “ Xem dung nhan ấy! Bây giờ ra sao? ” Chúng tôi sẽ kể cho nhau nghe về những thăng trầm trong cuộc sống, về những riêng tư trong đời thường v.v…và v.v... Nhớ lại từng khuôn mặt. Tôi bỗng thấy cổ họng mình nghèn nghẹn và cay cay trong đôi mắt vì trong số những người thân thương đó, có người ra đi “ như thoáng gió thầm”. Có người từ bỏ cuộc đời mà đi như một giấc ngủ quên. Họ vĩnh viễn rời xa nơi này để “rong chơi cuối trời”.

         …Lần đầu tiên gặp thầy Nở trong giờ học Sư Phạm Lý Thuyết. Ấn tượng về thầy là thầy rất giống TT. Ngô Đình Diệm. Người tròn thâm thấp. Dáng đi bệ vệ, đỉnh đạc. Ăn mặc chỉnh tề: Áo chemise trắng, cravate màu đỏ thẫm, quần tây đen, giày đen bóng. Khuôn mặt phúc hậu. Giọng nói rõ ràng mạch lạc.
         Thầy đã đem đến cho chúng tôi những kiến thức cơ bản về Sư Phạm. Thầy giảng dạy nhiệt tình, chuẩn mực…Sau này khi đã quen với lớp, thầy rất vui vẻ, cởi mở và thân thiện…
         Lần này về thăm trường, tôi nghĩ sẽ gặp được thầy hoặc nghe tin thầy ở đâu đó vẫn còn sức khỏe và vui sống. Thế nhưng vừa qua nghe các bạn báo tin buồn là thầy đã vĩnh viễn ra đi.

         …Trong cuộc di tản 1975. Tình cờ tôi gặp thầy Liêm tại Cam Ranh. Thầy Liêm là giáo viên làm tại văn phòng của trường. Thỉnh thoảng thầy có dạy lớp tôi một vài tiết về Thể Dục.
Lúc gặp thầy,Cam Ranh đang bị dội bom! Dân chúng hoảng loạn chạy ra khỏi thị xã. Gia đình tôi cũng đang hốt hoảng chẳng biết chạy về hướng nào? Thầy dừng lại hỏi thăm rồi vội vàng xuôi ngược đi tìm thuê một chiếc xe đưa gia đình tôi thoát khỏi vùng lửa đạn. Đó là lần cuối tôi trông thấy thầy. Bao nhiêu năm tôi cứ canh cánh bên lòng đi tìm thầy, để biết được tin tức về thầy nhưng biệt vô âm tín. Năm 2010, tôi vào Sài Gòn, hỏi thăm mãi. Cuối cùng thì tôi nghe tin thầy đã ra đi về cõi vĩnh hằng.

Tôi cứ mong rằng lần này trở về gặp lại bạn bè nhị 6 khóa 11. Chúng tôi sẽ điểm số lại các vai trong hoạt cảnh : “ Miếng Trầu Duyên”. Từ ông bà mai, nhà trai-nhà gái, chú rễ-cô dâu, rễ phụ-dâu phụ, bưng quả, cầm lọng… Cô dâu Hoàng Phượng vẫn còn đó nhưng chú rễ Đình Tuấn đã từ biệt nơi này để “ thênh thang cuối trời”.
Chúng tôi sẽ không bao giờ gặp lại khuôn mặt vui tươi, nụ cười hồn nhiên rạng rỡ của bạn Vĩnh Tuấn hay cái dáng gầy và cao của bạn Lê Hối (Nhị 3 khóa 11)… và còn bao nhiêu bạn? Khóa chúng tôi hay các anh chị khóa khác đã vội vội vàng vàng từ bỏ nơi này ra đi.
Ngày trở về thăm lại trường xưa. Tôi cứ ngỡ rằng trong đoàn người hăm hở bước vào trường Sư Phạm Qui Nhơn sẽ có ba chị em chúng tôi. Thế nhưng chị tôi cũng không chờ đợi được cái ngày hội ngộ bên nhau này, mà lặng lẽ ra đi để lại cho hai chị em tôi một sự trống vắng. Lúc còn sống, chị nhiều lần ao ước rằng: Được nắm tay bạn bè trở  lại trường xưa và hát vang bài : “ Thiên Thai ” của nhạc sĩ Văn Cao ( Một tiết mục văn nghệ tâm đắc của lớp chị, Nhị 4 Khóa 7). Chiều nay, bất ngờ! Tôi xem trang spqn Những hình ảnh xưa. Xúc động trông thấy hình chị. Tóc xõa dài, Chị mặc áo dài màu sáng. Dáng chị cao cao và gầy.
Về Qui Nhơn lần này, tôi đinh ninh rằng anh ấy cùng tôi đi bên nhau trong đoàn người “ Thăm lại trường xưa” . Tôi sẽ trình diện “ nhà tôi ” với bạn bè…Thế mà anh ấy chẳng “ chìu lòng tôi ” âm thầm ra đi “ về nơi cuối trời ”.

         Tiếng hát Khánh Ly trong bài hát Về Nơi Cuối Trời càng làm cho tôi thấy nỗi tiếc thương  :

         Đêm ta về, ta nằm nghe đời quạnh hiu…
         …Giọt nước mắt rơi, khóc người âm thầm, từ bỏ cuộc chơi. Ta về nơi đây. Anh về một cõi mù khơi cuối chiều. Đi đâu mà vội. Đi đâu nắng vàng đã tắt. Đi đâu sao vội. Ra đi cuối trời.

         Vẫn biết cuộc đời là sinh ly tử biệt. Thân phận con người thì hữu hạn nhưng sao lòng ta vẫn quặn thắt, cứ nhớ thương một bóng hình đã mất. Khó mà có thể quên, khó mà xóa đi trong ta nỗi ngậm ngùi. “ Một người nào mất đi để lại khoảng trống trong những người còn sống, thì có nghĩa họ đã sống thực sự…”
         Đúng như vậy! Tôi nghĩ rằng họ luôn sống thực sự trong tâm tưởng của mỗi người chúng tôi.

         Tháng 5/2012, Quảng Trị - Huế - Đà Nẵng - Quảng Ngãi - Bình Định... Đà Lạt - Pleiku… Phú Yên - Nha Trang …Sài Gòn…từng đoàn người rộn rịp trở về Qui Nhơn.
         Tôi nhìn về phía cuối con đường đêm hun hút…Dường như ở phía cuối trời kia các thầy giáo , cô giáo, các anh chị, các bạn, chị tôi và cả anh ấy…cũng đang thênh thang trở về!
 Ngày về thăm lại trường xưa, 13 khóa sẽ cùng bên nhau. Có nhiều nụ cười và lẫn những giọt nước mắt trong giây phút hội ngộ hiếm hoi này!
Ngày về! Qui Nhơn trời nắng vàng rực rỡ. Hàng dừa xanh đang lao xao vẫy gọi! Biển vẫn mang một màu xanh trong, sóng vẫn vỗ rì rào vào bãi cát. Mái trường xưa thân yêu vui mừng chào đón đàn con trở về! Bạn bè ngỡ ngàng nhìn nhau: Tóc bạc trắng, Trên khuôn mặt nhiều nếp nhăn và dường như dáng dấp ai cũng không còn nhanh nhẹn…nhưng rồi cũng nhận ra nhau qua ánh mắt, qua nụ cười… vội ào đến bên nhau, tay trong tay siết chặt tình thân… Không gian như lắng đọng rồi òa vỡ ra :
         …Hãy yêu nhau đi quên ngày u tối. Dù vẫn biết mai đây xa lìa thế giới. Mặt đất đã cho ta những ngày vui với. Hãy nhìn vào mặt người lần cuối trong đời…(Hãy yêu nhau đi-TCS)

Sài Gòn,21/04/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LY RƯỢU MỪNG XUÂN

                   Ngoài sân, hoa mai nở vàng báo hiệu mùa xuân đang đến!          Mùa xuân được xem là mùa khởi đầu. Mùa xuân khí...