Thứ Tư, 19 tháng 8, 2015

MÙA XUÂN TRỞ LẠI.

                                                Irene.



  
         Huyền xuống xe, bước vào cổng trường thì gặp ông Hiệu Trưởng :
         -Cô Huyền! Đầu giờ dạy, cô vào gặp tôi một chút, có một vài việc cần trao đổi!
         -Vâng!
         Huyền dắt chiếc xe đạp vào nhà xe rồi bước ra sân trường hướng về phòng Hiệu Trưởng.
         Ông mời cô ngồi xuống chiếc ghế đối diện và rót chén trà rồi nói luôn.
         -Tình hình kết quả Kiểm tra học kỳ 1 trong khối lớp 5 của cô thế nào?
         -Dạ! Khối chưa tổng kết điểm, nhưng qua kết quả chấm thi thì môn Tiếng Việt hơi thấp.
         -Sao vậy?
         -Có lẽ do các em còn bỡ ngỡ và thiếu thực tế quan sát khi làm văn tả cảnh. 
         -Vậy thì bước sang học kỳ 2 cô cho giáo viên trong khối tăng cường bồi dưỡng và phụ đạo thêm môn Tiếng Việt nhất là phân môn Tập Làm Văn!
         -Dạ!
         -Cô Huyền này! Nhà trường vừa nhận được một lá thư nói về cô Quỳnh…
         Vừa nói ông vừa kéo hộc tủ lấy ra một lá thư trao cho cô. Liếc sơ bì thư…
         -Thư nặc danh?
         -Ừ, cũng vì thư nặc danh và đây cũng là vấn đề tế nhị nên tôi không muốn nhà trường tham gia vào. Vì vậy, tôi giao cho cô với tư cách là Trưởng ban Thanh tra làm giúp việc này. Vả lại, cô là nữ, nữ với nữ dễ nói chuyện với nhau hơn!
         Huyền đang phân vân thì tiếng trống vang lên báo hiệu giờ vào lớp!
         -Thôi, cô lên lớp, cô tìm cách nào đó cho khéo để nói với… Nhớ báo cáo lại cho tôi biết nghen!
         -Chào thầy!
         Rời phòng Hiệu trưởng Huyền bước ra sân. Học sinh lớp Huyền đang xếp hàng cùng học sinh cả trường chuẩn bị tập bài thể dục buổi sáng.
         Mùa xuân lại về! Gió Xuân man mác lùa trong nắng. Cây cối trong sân trường như cựa mình tỉnh giấc, những lộc non hé mắt ra nhìn. Giữa sân, trên cành cây bàng vẫn còn lơ lững lại một vài chiếc lá đỏ úa quắt queo từ mùa Đông. Thế mà trong các cành cây ấy những búp non đã chòi ra mạnh mẽ tràn trề nhựa sống. Cây phượng với những chiếc lá non đầu tiên xếp lại e ấp, non nớt mềm mại…Chim chóc ở đâu bay về đua nhau hót vang …Huyền thấy mình vui vui như hòa vào với cảnh sắc Xuân.

         Huyền rủ Quỳnh vào sáng Chủ Nhật đi uống café và ăn sáng ở một cái quán nằm dọc theo bờ biển. Huyền chọn một chiếc bàn quay mặt ra phía biển. Mưa xuân lất phất bay. Mặt biển phẳng lặng mờ mờ trong sương sớm. Xa xa, những chiếc thuyền chài khuất lấp trong màn hơi trắng đục. Trên bãi, những chiếc thuyền nằm yên lặng lẽ …Cảnh biển sáng Mùa xuân vắng vẻ, yên bình. Huyền và Quỳnh đều kiệm lời như để thả hồn về tận nơi đâu… Quỳnh nhìn đăm đăm ra biển với đôi mắt xa xăm. Bỗng Quỳnh quay lại giọng buồn buồn.
         -Chị Huyền!  Mấy hôm nay em không muốn đi dạy, em mắc cỡ với các chị trong trường!
-Sao vậy? Có chuyện gì vậy Quỳnh?
-Em gặp chuyện chẳng vui… Nói đến đó Quỳnh rươm rướm nước mắt! - Có người nào đó không thích em viết thư nặc danh bôi nhọ em…
         -Mà sao em biết?
         -Hôm qua, thầy Hiệu Trưởng nói với em.
         Thì ra thế! Hiệu trưởng đã làm việc với Quỳnh rồi… Huyền nhìn Quỳnh, khuôn mặt bơ phờ, hai con mắt thâm quầng, nước da nhợt nhạt vì biếng điểm trang. Dấu thời gian như đã in rõ trên khuôn mặt của  người phụ nữ …

         Huyền gặp Quỳnh lần đầu tiên trong một lần đi học lớp Tự làm đồ dùng dạy học do Phòng Giáo dục tổ chức. Lúc đó Quỳnh và Huyền đều còn trẻ lắm chưa đến ba mươi. Quỳnh kém Huyền bốn tuổi. Quỳnh có nét đẹp như Tây. Nhìn xa xa giống như tài tử của Pháp Brigitte Bardot. Dáng người cao, mắt to, sâu, mũi cao thẳng, mái tóc nâu uốn xỏa dài từng lọn ngang vai. Quỳnh mặc một cái áo pull và một cái quần jean…trông Quỳnh tràn đầy sức sống, trẻ trung. Vừa nhìn thấy Quỳnh là Huyền và chị Nguyệt đều bị cuốn hút bởi sức tươi mát, khỏe mạnh của cô ấy. Hai người đến làm quen. Biết Quỳnh đang dạy ở đảo nên rủ, khi nào hết thời hạn dạy ở đảo thì xin về dạy trường tụi mình.
         Không ngờ, năm học sau, Quỳnh có quyết định về đất liền và lại về giảng dạy ngay trường với Huyền. Thế là từ đó chị em dạy cùng trường và thường đi chơi chung với nhau.
         Quỳnh rất thích thể thao. Cuộc thi cầu lông hay thi bóng rổ do phòng Giáo Dục tổ chức đều có Quỳnh tham gia và đem giải thưởng về cho trường. Tham gia Văn nghệ với học sinh…Nói chung do Quỳnh nhanh nhẹn xốc vác nên Quỳnh thường xuất hiện trong mọi phong trào của nhà trường. Sau này khi có thời gian rỗi rảnh, sau giờ dạy Quỳnh đi đánh tenis. Thỉnh thoảng cuối tuần theo bạn bè đi nhảy đầm ở các hội quán…
         Cũng có nhiều người đến với Quỳnh nhưng rồi như những mùa Xuân. Xuân đến! Xuân đi! Xuân mang đến niềm vui rồi lại đem theo nỗi buồn? Nhưng tuổi xuân thì cứ chồng chất theo năm tháng! Cuộc sống độc thân cũng lắm nhiêu khê! Độc thân thì vui tính! Nhưng vui tính quá thì nhiều khi cũng đem lại nhiều rối rắm, phiền toái cho Quỳnh, như bức thư nặc danh hôm nay… Biết vậy, nhưng cô ấy vẫn không sao tránh khỏi? Nhờ sự lạc quan nên thời gian vẫn cứ trôi đi và Quỳnh vẫn cứ sống, cứ vui chơi với cuộc đời.
         Một lần nọ, vào một buổi chiều cuối năm. Huyền lên nhà rủ Quỳnh đi chợ Tết. Vào nhà Quỳnh đang lúi húi bên nồi bánh tét. Bên cạnh là một thau mứt gừng đang rim trên bếp.
-Chưa nghỉ Tết mà đã tranh thủ làm mứt bánh?
-Chị nghĩ coi, hai mươi tám mới được nghĩ Tết mà năm nay không có ba mươi nên em phải gói bánh sớm, sáng mai hai tám vớt để rồi còn kịp ngày cúng ông bà…
Đó cũng là lần đầu Huyền biết được cảnh nhà của Quỳnh. Một căn nhà tôn lụp xụp nền xi măng. Mẹ mất sớm, mấy đứa em trai có vợ ở riêng. Quỳnh là chị lớn nên chăm lo cha già và một đứa em gái bị tâm thần…Mọi chuyện lớn bé trong nhà Quỳnh đều lo toan. Không hiểu với đồng lương giáo viên ít ỏi như thế mà Quỳnh xoay sở như thế nào cho đủ? Huyền thầm phục Quỳnh gia cảnh như thế, mà Quỳnh lúc nào cũng vui vẻ, lạc quan yêu đời. Phải là người có nghị lực mới không than thân trách phận, mới vượt lên chính mình để sống…

Thấy Huyền nhìn đăm đăm mình, Quỳnh nói:
-Em không có lỗi trong chuyện này. Cách đây một năm, tình cờ em gặp lại anh ấy nhân một chuyến anh trở về Việt Nam. Anh ấy quen em trước khi anh ra nước ngoài. Bây giờ gặp lại, anh kể với em rằng anh ấy đã li hôn với vợ và muốn làm bạn với em. Em cũng đang lưỡng lự chưa biết thực hư ra sao? Thì đùng một cái có thư đến trường nói em… Chị ở trong ban Thanh Tra chị có biết nội dung thư đó ra sao không?
Thật sự bức thư đó viết từ Việt Nam. Nội dung thư là một người nào đó xưng là người yêu của anh ta tố cáo Quỳnh với những lời xúc phạm hơi nặng nề…nhưng trước tình cảnh của Quỳnh, Huyền không biết mình có nên nói thật về lá thư không nhỉ? Hơn nữa Hiệu Trưởng cũng đã nói sơ qua với Quỳnh rồi. Với lại thấy Quỳnh buồn và lo lắng quá. Cho nên Huyền nhẹ nhàng nói với Quỳnh như một người chị nói với người em:
-Chị cũng biết như em vậy thôi! Không có gì to tát lắm đâu? Theo chị em cứ sống, đi dạy bình thường đừng suy nghĩ nhiều. Em độc thân thì chuyện quen biết bạn bè là bình thường…Nhưng chị chỉ khuyên em nên suy nghĩ thật cẩn thận khi quen biết một ai đó để khỏi mang tiếng…
Rồi chuyện đó cũng qua đi và Huyền cũng không nghe ông Hiệu Trưởng nhắc đi nhắc lại hay hỏi han gì nữa?
Huyền về hưu, cô vào Sài Gòn. Từ biệt mái trường , xa rời tập thể đồng nghiệp… cho nên ít gặp Quỳnh…Thỉnh thoảng về lại Qui Nhơn, mới có dịp gặp nhau rồi lại rủ nhau cùng đi ăn, đi uống café, tâm sự…
Trong một lần về! Huyền nghe tin ba Quỳnh mất. Gặp Quỳnh, Quỳnh gầy rộc hẳn đi! Cô ấy lo tang chay. Một mình chạy ngược chạy xuôi với bộn bề công chuyện.
Quỳnh đã về hưu, một hôm, Huyền nhận được điện thoại của chị Nguyệt ở Bình Thạnh rủ đến nhà chơi. Hôm đó, có Quỳnh từ Qui nhơn vào. Gặp Quỳnh, Quỳnh bây giờ khác xưa nhiều. Cô ấy vui vẻ tươi tắn trở lại…Nghe đâu Quỳnh đã có người yêu? Mọi người đều vui mừng cho Quỳnh…

  Có phải mùa xuân sắp sửa về
Hay là gió lạnh giữa đêm khuya
   Hay là em chọn sai màu áo?
Để nắng thu vàng giữa lối đi…(Tương Tư – Nguyên Sa)

Không biết sai hay đúng? Có mấy ai biết trước điều gì xảy đến cho những lựa chọn của mình đâu? Nhưng chắc chắn một điều là hiện tại Quỳnh đang hạnh phúc và đang vui đón Mùa Xuân đầu tiên ở Cali!


Bây giờ, Mùa Xuân đang trở lại! Hương xuân đang tràn ngập khắp nơi nơi! Xuân thổi vào những luồng gió tươi mát. Mùa Xuân là mùa của niềm vui và hạnh phúc. Mùa Xuân làm cho tâm hồn người người trở nên tươi trẻ tràn trề sức sống. Xuân không của riêng ở lứa tuổi nào?  Cho dù Xuân đến với Quỳnh có hơi muộn!

Tháng một, năm 2013.

VỀ QUÊ ĂN TẾT


Hình ảnh Trang Vnphoto.net
Những ngày cuối tháng chạp, khắp thành phố đông đúc rộn rịp hẳn lên. Không khí đón Tết cứ đến hàng ngày. Đầu tiên là các cửa tiệm, quán… treo đèn kết hoa. Các con đường được trang hoàng lộng lẫy với các bảng hiệu mừng năm mới. Những bài hát về mùa xuân vang vang. Hàng hóa các chợ, siêu thị tràn ngập, người mua, kẻ bán tấp nập. Rồi khi Tết đã gần kề thì xuất hiện vô số sắc màu của các loài hoa từ phố chợ cho đến tận nhà nhà…
          Suốt năm xa nhà để làm việc, tìm kế mưu sinh. Thế nhưng tết đến mọi người vội vả thu xếp công việc để về quê ăn Tết bên gia đình, bên họ hàng, làng xóm. Đó là một truyền thống của dân tộc ta từ bao đời nay.
          Tôi cũng vậy, quanh năm sống với con cháu nơi thành phố này nhưng lúc nào lòng tôi cũng đau đáu hướng về quê cũ. Nhất là Tết đến! Phải về quê thôi. Tôi nghe ngóng chờ nhà ga, bến xe bắt đầu bán vé là nhắc mấy đứa con đặt mua vé qua mạng để có vé về. Công ty của chúng nó vừa cho nghỉ tết là cả nhà, tay xách nách mang ra xe về quê liền.


          Trước ngày về cả tháng, tôi đã chuẩn bị sắp đặt trong đầu: nào là bánh mứt để về cúng ông bà tổ tiên bên nội, bên ngoại, bên chồng. Nào là quà cho người thân, quà cho bạn bè, quà ơn nghĩa ba bên, bốn bề…Rồi thứ tự sắp xếp lịch trước, sau để khi về quê đi những đâu theo từng giờ, từng ngày. Tuổi già kể cũng lạ, hay lo…rồi mất ngủ. Mấy đứa con nó nói:
          -Mẹ muốn mua cái gì? Cho ai? Thì để tụi con sẽ sắp xếp cho. Chứ mẹ cứ lo lắng rồi ốm xuống lại càng khổ thêm.


          Biết thế! nhưng sao trong lòng tôi cứ “bồn chồn” nên mấy đêm liền không sao ngủ được.Tôi không thể nào diễn tả hết được sự mừng vui của tôi khi đặt chân lên mảnh đất Qui Nhơn thân yêu. Cho dù trong năm tôi cũng đã có về thăm vài lần. Những ngày cuối năm, miền Trung trời lạnh giá. Nhìn những con đường thân quen, những ngôi nhà, góc phố, cảnh cũ…đâu đâu cũng đều gợi nhớ những kỷ niệm một thời. Về đến nhà, chị và các cháu vui mừng ra đón. Mọi người hỏi thăm tôi. Cả nhà chuyện trò rôm rả.
          Ngôi nhà tôi ở từ thời thơ ấu, nay vẫn thế. Ngày Tết được quét vôi trông mới và sáng sủa ra. Hai cây mai tứ quí do ba tôi trồng lúc người còn sống nay vẫn còn. Gốc mai to, thân cằn cỗi, lác đác một vài búp mai đã nở vàng. Tôi nhớ mới ngày nào đây, chị em tôi cùng với ba trảy lá thế mà giờ, cây vẫn còn đó mà người đã đi đâu mất rồi? Ở sân giữa, cây hoa ngọc lan không còn nữa do trận gió mùa bão vừa rồi đã làm gãy đổ. Sát bên giếng, cây khế ngọt vẫn còn ra hoa tim tím, cành lá xanh tươi, sai quả…Căn phòng ngày xưa chị em tôi ở nay cũng vẫn vậy nhưng sao tôi có cảm giác nó như hẹp và thấp gần lại…Xung quanh tôi, tất cả đều rất quen thuộc, thân thương, gần gũi một cách lạ kỳ.
          Tôi bước ra sau nhà là đường Nguyễn Du. Trước mỗi nhà, người ta bắc bếp nấu bánh tét. Tôi ngồi xuống bên nồi bánh đang sôi sùng sục trong ánh lửa hồng và tiếng nổ tí tách của than củi. Tếng cười đùa của lũ trẻ nghe vui vui. Không khí ấm áp như lan tỏa khắp cả xóm làm xua đi cái lạnh của đêm cuối Đông.


          Đêm ấy, nằm bên chị Cả, tôi và chị nói chuyện thâu đêm suốt sáng. Tiếng gà gáy lần thứ nhất, tôi mới chợp mắt đi.Sáng sớm, tôi đi chợ Tết. Ngôi chợ được dời xuống cuối đường Tăng Bạt Hổ, sau vụ cháy chợ năm nào. Tôi cứ nhớ, ngày xưa những ngày gần Tết, khu Chợ Lớn Qui Nhơn thật là đông đúc. Hàng hóa bày bán rất nhiều tràn ra cả ngoài những con đường chung quanh chợ. Còn bây giờ nơi đây đã trở thành Trung Tâm Thương Mại nên không còn tấp nập như xưa.


          Tôi rất thích thú khi đi chợ Tết. Ngắm các hàng hóa từ quê chở xuống. Nải chuối, trái đu đủ, trái thơm, rổ rau sống đủ các loại tươi non…nhìn là muốn ăn. Tôi mua một ít kẹo cà, kẹo đậu phộng. bánh dừa, bánh dẻo…Tôi chọn mua trái cây làm mâm ngũ quả để cúng trong đêm giao thừa... Tất cả đều đượm hương vị quê hương miền Trung quê hương tôi.


          Chiều hôm đó, tôi cùng cả nhà đi viếng mộ…những ngôi mộ được sơn sửa, quét dọn trông mới, sáng sủa và khang trang…Trong làn hương khói tỏa của một buổi chiều cuối năm sao thấy hồn thanh thoát và mênh mang một nỗi buồn…Nhớ cảnh, nhớ người.
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ…



Trở về nhà cho kịp cúng chiều ba mươi. Trước bàn thờ Tổ Tiên, khói nhang nghi ngút. Mùi trầm hương thoang thoảng…Tất cả mọi người trong nhà xếp hàng đứng trước bàn thờ trang nghiêm khấn vái với tấm lòng thành kính xin rước ông bà trở về nhà ăn Tết sum họp cùng con cháu. Không khí ngày tết thật là thiêng liêng ấm áp vô cùng. Sau đó, mọi người cùng ngồi quây quần bên mâm cơm ăn uống vui vầy trong ngày cuối cùng của một năm.
          Gia đình tôi có tục lệ là cúng giao thừa bằng nồi chè đậu xanh đánh. Lúc còn sống, mẹ tôi nấu nồi chè rất công kỹ. Chọn mua đậu thật đều. Về nhà, nhặt từng hạt và bỏ đi những hạt sâu hay lép rồi đem phơi nắng cho thật khô. Trước ngày nấu đem ngâm, đãi vỏ cho sạch. Nấu bằng lò than, khi đậu đã mềm thì chỉ để lửa nhỏ. Dùng cái vá nhẹ nhàng tán đậu, cho đến khi đậu thật nhuyễn mới bỏ đường vào, khuấy đều và liên tục trên…cho đến khi nồi chè đặc sánh lại. Bây giờ, những hình ảnh đó các chị tôi và tôi vẫn giữ mãi. Năm nào Giao Thừa cũng có nồi chè xanh đánh dâng lên ông bà.
          Đúng 12 giờ thời khắc chuyển giao giữa năm cũ sang năm mới, bàn thờ tổ tiên sáng rực ánh đèn, trầm hương khói tỏa nghi ngút. Trong nhà, mọi người khấn vái…sau đó, cùng nhau xuất hành đi lễ giao thừa.
          Đường đi đến chùa lành lạnh với sương đêm. Trên những khuôn mặt mọi người vui vẻ thư thái, trên môi nở nụ cười. Càng gần đến nơi thì người và xe cộ càng đông đúc. Bỗng thoáng vương trong ký ức của tôi nỗi luyến nhớ…rồi những hình ảnh xưa chợt hiện về… Ngày ấy, tuổi vừa đôi tám, đôi chín, tâm hồn ngây thơ…hồn nhiên trong giây phút giao thừa. Thấy rộn ràng, phơi phới trước gió xuân. Năm mới thêm tuổi mới. Lòng xao xuyến khi níu lấy một cành cây hái lộc đầu năm. Khuôn mặt ửng hồng khi thấy mình đã lớn.
          Nhanh thật! Thoắt một cái mà đã mấy chục năm trôi qua.
          Ngày xuân con én đưa thoi
          Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi. (Nguyễn Du)
          Tiếng chuông chùa ngân vang báo thời khắc giao thừa, tôi lâm râm cầu nguyện sự an lành đến cho mình và cho mọi người. Ngoài kia pháo hoa cũng đang được bắn lên làm sáng rực cả bầu trời đêm.


         
 Sáng mồng một, không khí trong nhà rộn ràng. Bọn trẻ xúng xính ra vào trong quần áo mới. Chị tôi và tôi ngồi trên bộ ghế ở giữa nhà, trang trọng trong chiếc áo dài. Những lời chúc tụng, những phong bao lì xì trong niềm vui sướng, hân hoan, hạnh phúc của ngày đầu năm…Chị tôi căn dặn mấy đứa nhỏ, ngày đầu năm không được đến nhà ai…nào là không được quét nhà…nào là không được mắng nhau…Ôi thôi nhiều điều kiêng cử trong ngày Tết.
Ngày mồng một tôi chỉ loanh quanh trong nhà, thắp hương bàn thờ…trong tiếng nhạc mừng xuân.


          Sáng mồng hai, tôi về thăm quê chồng. Con đường về vẫn thế! Những mái nhà ẩn hiện sau lũy tre xanh. Những cánh đồng lúa xanh ngát. Những ruộng ngô, những luống rau xanh rì. Những vồng cải ngồng hoa vàng vàng…Mồng hai đã có người ra làm đồng… Quê hương bao năm vẫn thế! Vẫn mộc mạc, đơn sơ…người dân quanh năm vẫn chân lấm tay bùn.
          Bước vào cổng nhà, ông chú trong họ vui mừng ra đón. Trong sân cây cối vẫn vậy, bụi chuối với những buồng chuối oằn cả thân cây. Những giàn bầu, mướp sai trái buông thỏng xuống mơn mởn. Những vồng rau lang, rau muống, rau cải xanh tươi…giàn đậu ngự trái non xanh.
          Buổi trưa, bà con nghe tin tôi về nên đến đông đúc. Ai cũng hỏi thăm tíu tít. Bữa cơm trưa được bày ra đầy đủ hương vị Tết quê nhà. Tiếng nói chuyện, tiếng cười càng gắn bó đậm đà ý nghĩa của ngày Tết về tình bà con, họ hàng, về tình làng nghĩa xóm.
          Tạm biệt nơi này, tôi trở về lại Qui Nhơn, mọi người đưa chúng tôi ra tận bến đò…Đò ra giữa giòng, tôi ngoái đầu nhìn lại những người thân với những bàn tay vẫy bên con sông Côn nước trong ngăn ngắt, bên hàng tre cao vút xanh tươi, bên những tấm lòng chân chất thật thà, bên tình quê hương sâu nặng. Lúc xưa, tôi không cảm nhận, thế mà nay xa rồi lòng bỗng thấy rưng rưng :
          Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
          Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn.

          Cứ thế, những lần về quê ăn Tết là những lần làm tôi khắc khoải với những ký ức, với vô số hoài niệm buồn vui của một thời. Mùa Xuân không chỉ làm cho cảnh vật, hoa lá khoác thêm tấm áo mới mà còn làm cho tâm hồn tôi thêm phong phú, ấm áp, tươi vui hẳn lên. Thắt chặt tình cảm của tôi với quê hương với mảnh đất hiền hòa yêu dấu này.


          Dù đi bất cứ nơi đâu hay ở phương trời nào thì ngày Tết, ai ai cũng muốn quay về quê hương, bên gia đình, bên những người thân thuộc. Những phong tục tập quán của ngày Tết luôn giúp cho mọi người sống gắn bó, đoàn tụ vui vầy bên nhau. Ngày Tết còn giúp cho sự giữ gìn, xây dựng nề nếp văn hóa gia phong cội nguồn để bản sắc dân tộc Việt Nam được lưu truyền mãi mãi từ đời này sang đời khác.
          …Và cứ như thế, năm nào cũng thế. Tết đến là tôi lại nghe tiếng gọi …Đó là tiếng gọi của quê hương tôi miền Trung.

          Ngày đầu năm.

MÙA ĐÔNG DỊU DÀNG

                           Irene.

         Những ngày mưa dầm lướt thướt từ từ thưa dần. Trời tạnh hẳn. Mùa Đông đã về! Bầu trời mây trắng giăng giăng thật thấp. Gió mùa Đông Bắc tràn về mang theo cái lạnh tê tái, rét mướt. Cây cối trơ cành đứng đìu hiu ven đường.
         Hàng ngày, sau mỗi buổi học Uyên thường trở về nhà trên những chuyến xe Lam. “Cuộc đời con người như những chuyến xe, có đón chào ắt có tiễn biệt”. Những ngày buốt giá như thế này Uyên thường hay “triết lý” vẩn vơ. Một cơn gió từ biển thổi vào đem cái lạnh buốt làm Uyên rùng mình hai tay choàng lấy người như giữ lấy hơi ấm rồi ngồi dịch vào bên trong xe… Uyên lơ đãng nhìn phố xá thưa thớt xe cộ. Hai bên đường người người đi lại co ro trong những chiếc áo ấm đủ màu.
         Chiếc xe chạy chậm dần rồi dừng lại ở đầu đường Lê Lợi. Bước xuống xe, Uyên rẽ về phố Tăng Bạt Hổ. Hai tà áo dài trắng luấn quấn theo bước chân. Dường như có ai đó đi theo sau lưng…Liếc nhìn nhưng chẳng thấy quen… Uyên ôm chặt tập vở, vờ vuốt lại mái tóc, thong thả bước về nhà.
         -Uyên!
         Quay lại! Uyên nhìn kỹ vào người vừa gọi mình và ngạc nhiên thốt lên:
         -A! Anh Vinh!
         Hai năm trước đây sau khi đậu Tú tài, Uyên vào Sài Gòn thi Đại Học Dược. Thi xong thấy kết quả bài làm chẳng khả quan nên Uyên quyết định ghi danh vào Đại học Luật và Văn Khoa.  (Hồi đó các Đại học này chỉ ghi danh học rồi thi theo tín chỉ hay thi theo từng đợt chứ không thi tuyển vào trường như những năm sau 1975).
Một buổi sáng, Uyên đến trường Luật để xem thủ tục ghi danh. Trong lúc đang ngơ ngác thì may sao có người đến hỏi thăm và giúp Uyên. Người giúp Uyên đó là anh Vinh. Anh học năm thứ tư Luật. Không quen biết gì nhau nhưng có lẽ lần đầu gặp, anh thấy khuôn mặt Uyên có vẻ “nai” và bộ điệu thì ở “ nhà quê” mới lên tỉnh! Nên “động lòng trắc ẩn” ra tay “nghĩa hiệp” ?
         Uyên nhớ mãi buổi trưa hôm đó. Sau khi ghi danh xong, Uyên và anh đi bộ dọc theo con đường trước trường Luật. Con đường với những hàng cây cao rợp bóng. Những chiếc lá me theo gió bay bay vương vướng lên tóc lên bờ vai lên tà áo Uyên, đẹp và thơ mộng vô cùng. Đi bên anh nghe anh kể từ chuyện học đến chuyện ở trọ nhà của người bà con rồi chuyện quê nhà. Uyên biết được quê của anh ở Phan Thiết. Anh hỏi thăm Uyên về gia đình, về Qui Nhơn… Anh nói chuyện vui vẻ và lập luận rất hay! “Luật sư tương lai mà”. Anh Vinh nói nhiều lắm mà bây giờ Uyên chỉ nhớ mang máng một vài ý mà thôi. Nhiều năm sau đó, Uyên mới thấy thấu đáo những câu nói như phương châm giáo dục của Kant là “…không chỉ giảng dạy cho sinh viên các tư tưởng mà còn dạy cho họ biết tư tưởng.” Lúc đó, đầu óc Uyên trống rỗng thế nào ấy? mà chẳng hiểu ý nghĩa của câu nói này. Nhưng có một câu mà Uyên rất thích cho đến bây giờ vẫn thích là : “Tất cả hình thức vị tha, vô vị lợi đều qui về tư lợi như tất cả dòng sông đều quay về biển cả”. Anh phân tích cái đúng, cái sai trong câu. Anh Vinh đã đem đến cho Uyên một tầm nhìn mới mẻ trước mọi vật, hiểu biết thêm về triết lý hay nhân sinh quan của cuộc sống. Trong lòng Uyên luôn ngầm “phục” anh vô cùng…



Tiếng nhạc bên đường vang vang :
“ Con đường nào ta đi,
   Với bàn chân nhỏ bé
   Con đường chiều thủ đô,
   Con đường bụi mờ…” (Con đường tình ta đi-Phạm Duy)
 Đường phố Sài Gòn, xe cộ ngược xuôi, người người đông đúc… như rộn ràng theo từng bước chân qua.

         Sau đó, Uyên trở về Qui Nhơn học Sư Phạm. Hồi đó ghi danh yêu cầu gởi tài liệu, Uyên phải nộp khoảng 7-8 ngàn đồng cho một năm học. Khoản tiền cũng khá lớn so với cuộc sống của gia đình Uyên! Ngoài các tài liệu, giáo trình của trường Luật gởi như Xã Hội Học của Joseph Fichter, Trần Văn Đĩnh dịch. Kinh Tế Học của Paul Samelson… Anh còn gởi cho Uyên những sách tham khảo mà anh đã học qua như Luật Học Kinh Tế Tạp chí... Kèm theo đó một vài bức thư chỉ là thăm hỏi, kể chuyện…Lời thư lúc nào cũng ân cần, quan tâm như một người anh lo cho em…Nhờ anh mà Uyên đã tiếp cận được các môn học với những cuốn sách rất “khó nuốt” ở trên… Tuy anh Vinh giúp đỡ nhiều, nhưng do không trực tiếp lên giảng đường để trực tiếp nghe giảng nên Uyên không cách gì hiểu hết các kiến thức trong sách. Cuối cùng, Uyên hẹn lại năm sau sẽ thi.

         -Anh về hồi nào?
         -Anh đến Qui Nhơn sáng nay!
         Uyên mời anh vào nhà và biết được anh đã tốt nghiệp Đại Học và xin làm việc tại Đà Lạt.
         -Anh ở chơi bao lâu? Uyên đột ngột hỏi.
         Ngạc nhiên! Ngước nhìn Uyên. Anh chậm rãi:
         -Anh ở đây chơi vài ngày, trở về Phan Thiết. Sau đó, anh mới lên lại Đà Lạt.
         Có một điều kỳ lạ! Là cứ mỗi lần gặp ai là Uyên nghĩ ngay đến ngày chia tay. “Trong hội ngộ đã có mầm ly biệt…”.
         Uyên nhìn ra bên ngoài. Bầu trời vẫn một màu xám trắng. Không khí vẫn lạnh và khô. Mặt Trời mùa Đông đang chơi trò chơi “trốn tìm” cùng mây gió.

         Buổi chiều, anh Vinh đến trường Sư Phạm đón Uyên! Hai người đi bộ dưới những hàng dương. Tiếng gió thổi lao xao hòa cùng tiếng sóng biển vỗ ì ầm vào bãi cát. Vòng qua Eo Nín Thở gió thổi thốc ngược tà áo dài cùa Uyên bay “phần phật”. Một tay cầm tà áo, một tay vuốt lại mái tóc rối, Uyên nhìn ra xa. Biển động! Một màu xám xịt với những con sóng cao cuồn cuộn. Từng đàn hải âu chao nghiêng bay lượn rồi mất dạng. Những chiếc thuyền của người dân xóm chài neo đậu chênh vênh hay nằm yên trên bãi vắng.
         -Ra trường, em định chọn nhiệm sở ở chỗ nào?
         -Em thích chọn Bình Định cho gần nhà nhưng cũng còn tùy theo vị thứ tốt nghiệp nữa, nên chẳng biết ra sao?
         -Nếu không được Bình Định, Uyên chọn lên Đà Lạt đi!
         -Ồ! Đâu có nhiệm sở Đà Lạt!
         -Thế hả?
         Cả hai cùng cười xòa!
         Mùa Đông con đường Nguyễn Huệ lúc chiều xuống như dài và rộng ra. Mọi người trong thị xã nhỏ bé hiền hòa này như đều ngại ngùng khi bước ra đường trong khí trời buốt lạnh.
         Hai người đi bên nhau suốt đoạn đường, dường như cả hai đều rất ít nói, sợ làm vỡ đi những cảm xúc trong lòng, sợ lay động không gian của buổi chiều hay sợ thời gian trôi qua nhanh?
         Chiều cứ xuống chầm chậm! Hoàng hôn buông phủ khắp nơi. Sương trắng giăng giăng cả một vùng biển. Lạnh căm căm và giá rét!

         Sáng hôm sau, Uyên có giờ đi dự ở trường Sư Phạm Thực Hành nhưng Uyên xin phép lớp trưởng nghỉ.
         Uyên và anh lại đi dạo phố. Trời mưa rây bụi bay bay rồi tạnh lúc nào không biết? Cái rét càng tăng thêm! Quấn lại khăn quàng, Co ro, thọc hai tay vào túi áo  mà vẫn thấy cái lạnh len vào cơ thể. Những con đường Qui Nhơn Mùa Đông như còn đang ngái ngủ chưa tỉnh hẳn giấc nồng.
-Vào café Dung nghe nhạc!
 Uyên ngại ngùng bước theo! Đây là lần đầu tiên Uyên bước vào đây! (Con gái trước 75 ít ai mạnh dạn đến quán café như con gái bây giờ). Uyên nghĩ : “Mình ngồi với anh Vinh ở đây mà gặp người quen hay các bạn nhị 6 lớp của mình thì thế nào các bạn ấy cũng phao lên rằng : - Mình đi với người…. ”  Uyên bật cười.
         -Em cười gì vậy?
         -Ồ, Không có gì? Em xin lỗi!
         Không khí trong quán ấm áp. Hai người ngồi yên, thanh thản nghe nhạc êm dịu trong buổi sáng Mùa Đông.
Những ngày gặp nhau, anh Vinh thường hay nói cho Uyên nghe về các vấn đề Triết Học Hiện Sinh của Kierkegaard Heidegger của Sartre hay Merleau-ponty… Uyên ngồi nghe, dần dần cũng có điều hiểu nhưng thật ra nhiều điều chẳng hiểu gì cả? Anh nói đến cuốn sách làm sôi nổi dư luận thế giới, đó là cuốn Ni Marx, ni Jesus của triết gia nổi tiếng Jean-Francoishevel… Uyên lại càng không hiểu trước những kiến thức quá “triết lý” vượt quá sự suy nghĩ của mình. Vì hồi đó, tư tưởng của Uyên rất đơn giản và tương lai  Uyên nghĩ đến cũng chỉ khép kín trong một ngôi trường làng và bầy học sinh bé nhỏ mà

 thôi.

Những ngày sau đó, sáng chiều anh thường đến trường đón Uyên. Rồi anh chia tay Uyên! Mùa đông dường như khép lại khi anh ra đi.
Uyên ra trường rồi đi dạy. Thỉnh thoảng về thăm nhà Uyên nhận được vài lá thư của anh. Lời thư thỉnh thoảng anh cũng mơ mơ hồ hồ nhưng nhớ gì đó? nhưng sao lúc đó Uyên chẳng để ý, hay do bận rộn dạy dỗ với môi trường mới  hay do tư tưởng “bất an” nên Uyên “quên” cả hồi âm.
Biến cố lịch sử Mùa Xuân 75, Uyên không còn có cơ hội thi và tiếp tục học Luật! Và cũng từ đó Uyên cũng mất liên lạc không còn biết gì tin tức về anh nữa?
 Uyên thấy dường như đây không phải là tình yêu? Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn Uyên, lúc nào Uyên cũng nhớ đến anh với lòng biết ơn sâu xa.
        

 Mùa Đông với những ngày u ám, với những cơn gió se sắt vả những ngày lạnh lẽo bủa vây…thường là những khoảnh khắc làm cho mọi người cảm thấy cô đơn… Mùa Đông thường làm cho ta nhớ nhung… nhưng đối với Uyên, Mùa Đông bao giờ cũng gợi cho Uyên những cảm xúc êm đềm! Mấy chục năm trôi qua, tuổi chồng chất. Đời người đi vào những năm tháng cuối cùng, Uyên mới nhận ra rằng, có những việc xảy đến, ta không sao ngờ trước được? Mà đời người thì biết bao nhiêu biến cố? Bao nhiêu thăng trầm? Biết bao là sóng gió? Bao nhiêu sự đổi thay? Đến rồi đi, đi rồi đến! Hợp rồi tan, tan rồi hợp! Sắc sắc không không…chỉ khác là mọi sự vật luôn ẩn hiện dưới nhiều sắc thái khác nhau mà thôi!       Cuộc sống luôn cần có chữ “Duyên”. Không có duyên với nhau thì không thể nào hạnh ngộ, không thề nào tương phùng...
 Mùa Đông năm ấy  là Mùa Đông dịu dàng nhất! Với Uyên, cuộc sống này luôn có nhiều gam màu, có nhiều cung bậc cảm xúc, có nhiều giai điệu trầm bỗng…
Và cứ thế! Hàng năm, hàng năm khi Mùa Đông mở cửa bước vào! Uyên như tìm lại được mình trong chính cái bản ngã muôn thuở của một con người. Để rồi sau đó luôn sống an lạc, thanh thàn, hạnh phúc bên người thân, gia đình và bè bạn.

Sài Gòn, tháng11/ 2012.

NHỮNG KHOẢNH KHẮC.




                     Irene.
        







 

Buổi sáng, tôi thường thức dậy trước lúc bình minh khi sương đêm vẫn bàng bạc trong không gian. Màn đêm đang chuyển mình từ từ vỡ nhẹ. Mùi hương nguyệt quế ngòn ngọt thoang thoảng trong vườn. Mấy hôm nay, Sài Gòn bắt đầu chuyển mùa. Những đám mây xám bay ngang qua thành phố mang theo những cơn mưa. Cơn mưa đêm qua đã tưới mát, tắm gội mọi vật làm cho cây cối xanh tươi bừng bừng sức sống. Tia nắng đầu tiên rọi xuống. Trên cành, chú chim non tỉnh giấc, thò đầu ra ngơ ngác nhìn lên bầu trời cao rồi cất tiếng hót véo von. Một nụ hồng tinh khôi mấp máy hé nở… Tất cả khoảnh khắc đó tạo nên một bức tranh đón chào ngày mới thật đẹp, tươi sáng, dịu dàng và bình yên.  
         Trong cuộc sống, tôi cũng đã từng bắt gặp rất nhiều những khoảnh khắc. Có những khoảnh khắc làm cho tôi tràn ngập hạnh phúc hay sung sướng. Có những khoảnh khắc đem đến cho tôi sự đau khổ hay u buồn. Có khi lại đem đến cho tôi những giây phút cảm động hay vui tươi … cũng có những khoảnh khắc đi qua làm cho tôi ngây ngất rồi lại tiếc nuối rằng sao để nó trôi qua nhanh thế!… Tôi cũng đã chứng kiến không ít những cuộc hội ngộ mừng vui hay những cuộc chia ly đầy nước mắt nhưng chưa bao giờ tôi chứng kiến trong cùng một lúc lần lượt diễn ra các khoảnh khắc và những mảng khoảnh khắc đó khi nối kết ghép lại thành một bức tranh nhiều màu sắc. Trong tranh có những gam màu sáng, có những gam màu tối, những gam màu đậm, nhạt đan xen hòa quyện. Rồi từ những cung bậc màu sắc đó đã làm cho tổng thể bức tranh không chói lóa mà trở nên hài hòa hoàn thiện một tác phẩm tuyệt mỹ. Đó là bức tranh có một không hai của ngày trở về .
         Tôi đã được chứng kiến những người anh, người chị đi tìm bạn lưu lạc gần nửa thế kỷ. Để rồi khi đến nơi đây nghẹn ngào nghe tin bạn mình vĩnh viễn rời xa cuộc đời. Tôi cũng đã thấy các anh, các chị tìm kiếm nhau trong sân trường nhìn thật lâu vào từng khuôn mặt của mọi người mong tìm lại những người bạn cùng khóa thân quen. Tôi thấy người chị vội vã trở về từ vùng cao nguyên để gặp lại người mình yêu thương của một thuở nào. Tôi còn thấy người bạn vượt qua một đoạn đường dài, từ miền Nam ra để chỉ mong tìm gặp một người bạn cũng là ân nhân của mình gần bốn mươi năm không gặp …nhiều nhiều lắm! Những khoảnh khắc làm tôi cảm động rơi nước mắt của cuộc hội ngộ trùng phùng hay lặng người, lòng quặn thắt niềm đau khi nghe các bạn thống kê số lượng những người bạn của mình đã vĩnh viễn ra đi về nơi cuối trời… 
         Tôi đã thấy ! Tôi đã nghe ! Tôi đã chứng kiến những khoảnh khắc trong ngày ấy…

         …Anh ôm chầm lấy cô bạn nghẹn ngào nói: - Mình cảm ơn bạn! Cả hai đều rưng rưng trong giây phút xúc động không nói nên lời.
         …Tháng ba năm một chín bảy lăm…khói lửa bùng lên! Mọi người cuống cuồng không còn biết gì nữa. Thị trấn nhốn nháo, trường học bỏ trống, nhà cửa tan hoang…anh và các bạn cũng bị cuốn theo dòng người chạy toán loạn trên Tỉnh lộ 7. Anh chạy qua bao nhiêu núi rừng, sông suối. Trông thấy biết bao cảnh chết chóc tang thương. Giẫm đạp lên bao nhiêu xác chết. Đêm trong rừng rậm hay bên khoảng đồng trống, ngày thì chạy qua bao xóm thị điêu tàn dưới trời nắng gắt hay cơn mưa dầm… cho đến khi về đến Tuy Hòa thì rũ rượi, tiều tụy, xơ xác. Nhìn xung quanh chẳng có ai quen biết. Vừa mệt lả vì đói vì khát vì cuộc hành trình đầy gian khổ, thảm khốc…anh ngồi bệt xuống đâu đó bên đường.  Không biết trong bao lâu. Bỗng có người bước đến bên cạnh, anh ngước đôi mắt lờ đờ nhìn lên. Một nụ cười quen thuộc của cô bạn học cùng lớp ở Sư Phạm Quy Nhơn…Có lẽ suốt đời này anh không bao giờ quên được đôi mắt đầy tình thân ái và cô bạn ấy đã giúp anh trở về quê nhà.
         Lần này về thăm trường anh phải về và niềm mong ước lớn nhất là được gặp cô bạn ấy để nói một lời cám ơn. Nếu lỡ mai kia trở về cát bụi cũng an lòng.
        
         Trong đám đông giữa sân trường chiều 12 tháng 5, người chị đang ngơ ngác nhìn từng khuôn mặt. Một lát sau, trông thấy! Mừng quá chị vội vàng chạy đến! Anh quay lại một giây ngỡ ngàng rồi vỡ òa ra. Hai bàn tay tìm nhau nắm chặt. Dường như họ cảm nhận được hơi ấm của nhau của hơn bốn chục năm về trước. Ánh mắt hai người nhìn nhau chan chứa thâm tình.
         …Năm 1970 nghe tin anh vào Sư Phạm, đang học năm thứ nhất trường Nữ Hộ Sinh Huế, chị bỏ về và năm sau chị cũng vào sư phạm. Anh rất nghệ sĩ, hát đàn. Chị cũng hát rất hay. Ra trường anh đổi lên Đà Lạt. Năm sau chị cũng lên Đà Lạt. Thế nhưng hai người  không đi chung một lối. Anh lập gia đình đổi về Sài Gòn. Chị cũng lấy chồng, sinh con. Sau những bộn bề lo toan cho gia đình. Những lúc rỗi, chị lại thấy nhớ! Nhất là những đêm mưa, hay lúc chớm thu, một mình nhìn những chiếc lá vàng rơi rụng trong vườn …chị lại quay quắt nhớ về người ấy. Và vì thế khi nghe tin có chuyến về thăm trường xưa. Chị đã vội vàng đáp chuyến xe đêm từ Đà Lạt mù sương, vượt hơn bốn trăm cây số đến với thành phố biển. Và  hôm nay chị có mặt trong sân trường này…
         Tôi đã thấy!
         Một người ngơ ngác trong sân trường . Trên tay cầm những bức hình xưa vừa được sang mới lại. Vui mừng khi gặp lại dăm ba người bạn cùng lớp. Rồi những mái tóc bạc ấy! Đứng quây quần bên nhau say sưa ngắm nhìn chỉ trỏ, nói cười về  hình ảnh của mình và các bạn thời trẻ. Hầu như không ai còn nhớ mình đã bước vào tuổi bảy mươi.
         Đằng kia, một nhóm người đi tìm lại khoảng sân trường cũ. Nơi mà cách đây gần bốn mươi năm họ đã xếp hàng bên nhau trong những buổi sáng thứ hai chào cờ. Họ xúc động, đứng xích lại gần nhau hơn rồi thả hồn trở về lại ngày xưa ấy. Họ chợt nhận ra rằng: Chiều nay, ở đây, bạn bè chỉ còn dăm ba đứa.
         Trên chiếc ghế đá, trong công viên, một người bạn già đang ngồi lặng lẽ thả hồn trở về những ngày tháng cũ. Không cất lên lời sợ làm vỡ đi khoảnh khắc êm ả của lòng mình.
         Tôi đã nghe! Cô giáo tôi trên bảy mươi tuổi. Khi nghe tin kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường và chuyến trở về trường xưa. Từ Hà Nội bay vào Huế để gặp bạn bè. Sau đó cùng đoàn Huế về Quy Nhơn. Chiều xuống chầm chậm, một mình cô còn đứng thơ thẩn bên chiếc cổng Nội trú Nữ cố níu kéo thêm vài giây phút hoài niệm đáng nhớ này!
         Tối hôm đó, sau bữa tiệc mọi người không muốn rời xa nhau nên một lần nữa đứng lại bên nhau, ngồi với nhau  trong quán café hay ngồi xuống bên nhau trên bãi biển…
         “ Ngồi gần ngồi gần nhau, vai sát vai nhau tựa đầu. Ngồi gần ngồi gần nhau, tay nắm tay cho thật lâu. Ngồi gần ngồi gần nhau, xin nói cho nhau một điều. Ngồi gần ngồi gần nhau cho nhiều…” (Tâm ca số 3 - Phạm Duy)
         Tiếng gió, tiếng sóng biển hòa với tiếng thở dài cùng tiếng hát, tiếng đàn của nhóm bạn vang lên trong đêm. Trên biển vắng, mênh mang một nỗi buồn của cuộc hội ngộ sắp kết thúc.
         Tôi đã nhìn! Tôi đã biết! Nhiều anh chị em bỏ hết mọi công việc thường nhật, vượt quãng đường dài hàng trăm cây số đến đây để chỉ mong tìm lại một khoảng lặng trong tâm hồn mình.
         Tôi đã trông thấy trong chiều hôm ấy, những nụ cười tươi vui của các anh, các chị, các bạn… những ánh mắt tha thiết hay rưng rưng. Cả ngàn người đều nhìn về một phía. Muôn con tim đang thổn thức hòa cùng một nhịp đập. Mọi ánh mắt nhìn nhau đều chân tình, thân thương. Người người như trẻ lại tuổi đôi mươi không còn khoảng cách tuổi tác, địa vị, giàu nghèo, thân quen hay xa lạ. Tất cả đều bỏ lại sau lưng cuộc sống riêng tư để chỉ thấy trước mắt mình là những người bạn đồng môn thân yêu trong gia đình Sư Phạm Quy Nhơn… khoảnh khắc thật hiếm tìm thấy trong cuộc đời.
         Tôi cũng đã nhiều lần đi họp mặt bạn bè: Tiểu học, Trung học hay họp mặt đồng nghiệp dạy cùng trường…nhưng chưa bao giờ tôi thấy có nhiều cung bậc cảm xúc đến như thế : vui, buồn, nhớ, thương, yêu, quý… sung sướng, hối tiếc, nghẹn ngào, cảm động, hạnh phúc… Tất cả dâng trào lên đến tột đỉnh! Cuộc trùng lai tháng năm tại khuôn viên trường Sư Phạm Quy Nhơn làm cho mọi người ngây ngất để rồi những ngày sau đó cứ lơ lơ lửng lửng, thơ thơ thẩn thẩn, ngẩn ngẩn rồi ngơ ngơ và cuối cùng trở về lại chính mình là sự hoài cảm, tiếc nuối, bâng khuâng...
         Rồi mai đây, trên bước đường xuôi ngược. Những ngày mưa tháng nắng, những sáng thức giấc hoặc lúc đêm về, Thu sang hay đông đến! Có ai còn nhớ lại những khoảnh khắc cảm động đáng yêu trong sân trường xưa không nhỉ?

         Tôi xin nghiêng người trước tình bạn, tình đồng môn chân thành tha thiết! Vẫn biết rằng có khi suốt một đời người không là gì cả nhưng một khoảnh khắc nào đó lại là tất cả. Xin hãy trân trọng khoảnh khắc quý giá đó và hãy ghi nhớ từng khoảnh khắc! Bởi vì, có thể chúng ta không còn có cơ hội tìm lại được nữa? Khoảnh khắc chỉ trọn vẹn khi ta biết cảm nhận, biết lưu giữ nó. Hãy để trái tim biết yêu thương! Hãy thương yêu mọi người! Hãy để lòng mình chìm  lắng xuống!  Hãy sống thật tử tế với nhau dù bây giờ chúng ta đang ở tận chân trời góc bễ nào! Hãy gìn giữ những tình cảm có trong nhau! Biết đâu đó chỉ là một lần cuối cùng rồi mãi mãi thiên thu…

Sài Gòn, 4/6/2012.

QUI NHƠN THƯƠNG NHỚ


                                     Irene.
            “Thân tặng một người anh ở Đà Nẵng.”

            “Chuyến máy bay Airbus A320 đang giảm độ cao để hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng trong ít phút nữa. Yêu cầu quí khách trở về chỗ ngồi, đừng sử dụng điện thoại di động và vẫn cài dây an toàn cho đến khi máy bay ngừng hẳn. Xin cám ơn!...”
            Không biết đây là lần thứ mấy tôi đến Đà Nẵng kể từ lúc cậu con trai của tôi lấy vợ và quyết định lập nghiệp nơi này. Ông bà ta nói: “ Nước mắt chảy xuôi.” Thật đúng! Hình như nó chẳng nhớ tôi là mấy? Còn tôi thì lại nhớ! và cứ mỗi lần nhớ, tôi lại khăn gói ra thăm.
            Lần đi này, nhân dịp có chị tôi từ Qui Nhơn vào Sài Gòn thăm con, tôi rủ chị ra Đà Nẵng luôn. Thế là hai chị em hứa hẹn một chuyến đi vui vẻ.
            Đà Nẵng mưa mù mịt, ảnh hưởng của bão Nisat. Hai ngày nằm nhà. Sáng nay trời hưng hửng, thằng con tôi, nó nói:
-Mẹ ở nhà, con chở dì Dương đi tìm người bạn của dì.
Chị tôi giữ cái carte de visite của chồng chị Hương đã gần
bốn mươi năm nay. Số nhà, tên đường trước năm 75, bây giờ không biết có thay đổi hay không? Thôi thì cứ đi tìm thử, may ra!
            Khi chị về, tôi hỏi, chị nói:
-          Đi lòng vòng qua mấy con đường, cuối cùng rồi cũng tìm được, nhưng vợ chồng chị bạn đã vào Sài Gòn không còn ở đó nữa. May quá! Có người em còn ở đó cho số điện thoại của chị Hương.
            Chị tôi ngồi xuống ghế và cầm điện thoại gọi liền, sau một lúc ngỡ ngàng rồi khi nhận ra nhau, mừng vui, bao kỉ niệm tha hồ tuôn trào.
(Xin nhấn vào "Đọc Tiếp" để xem thêm...)  
Hai chị hẹn gặp lại nhau giữa Sài Gòn. Chấm dứt câu chuyện, chị tôi lại tìm được số điện thoại một người anh mà bấy lâu nay hai chị em cố gắng tìm nhưng không biết ở đâu? Chị đưa số cho tôi. Mừng quá! Tôi cầm điện thoại gọi liền, chuông reo, một người đàn ông giọng Đà Nẵng bên kia đầu dây:
- Alô!
- Xin lỗi! Cho tôi gặp anh Trung.
- Anh Trung đây! Xin lỗi cô là ai?
- Em là Trâm, em của chị Lan và chị Dương. Tôi giới thiệu luôn. Khi anh đến nhà tôi, lúc đó, tôi chỉ là một cô bé học lớp 4. Bây giờ gần 50 năm, biết anh có còn nhớ hay không?
- Ồ! Trâm, anh nhớ rồi! Nhà các em ở đường Tăng Bạt Hổ Qui Nhơn, phải Không?
- Dạ .
- Sao em biết số điện thoại của anh? mà bây giờ em đang ở đâu?
- Chuyện đó em sẽ nói sau, còn bây giờ em đang ở Đà Nẵng.
- Nhà em ở đường nào? Anh sẽ đến ngay!
- Nhà em 57 Hàn Thuyên nhưng anh ở đâu? Em và chị Dương sẽ đến anh trước!
- Anh ở 168 Trưng Nữ Vương. Có Dương ở đó không?
- Dạ có. Tôi chuyển máy cho chị tôi.

Buổi chiều, trời mưa tầm tã. Do đã hẹn sợ anh chờ nên hai chị em quyết định, dù có mưa gió bão bùng cũng phải đến! Anh tài xế tắc xi quá quen thuộc con đường phố lớn nên đưa chúng tôi đến ngay địa chỉ một cách dễ dàng.
            Xuống xe, anh đã ra tận cửa để đón chúng tôi. Chỉ một giây ngỡ ngàng, anh nói:
Anh nhận ra các em ở nụ cười.
Còn chúng em nhận ra anh ở những nét quen quen trên  khuôn mặt .
            Chúng tôi ngồi xuống ghế, rồi bao nhiêu kỉ niệm của một thời xa xưa ở Qui Nhơn ùa về. Hết người này đến người kia nhắc lại, lục tung tất cả những hồi ức có trong trí nhớ.
-          Em biết số điện thoại của anh là nhờ chị Hương đưa cho. Chị Dương tôi nói.
-          À! Đúng rồi, anh mới gặp lại chị Hương hôm anh đi Quảng Ngãi dự họp mặt liên trường. Các em cho anh biết bây giờ chị Lan và gia đình thế nào?
-          Chị Lan em mất rồi! Giọng chị Dương chùng xuống.
-          Sao mất? Mất lúc nào?
-          Chị em mất đến nay cũng đã trên mười mấy năm rồi.
-          Chị mất vì một căn bệnh nan y. Bây giờ chồng chị và các cháu đã qua Mỹ.
            Không khí như đang lắng xuống.
            Bên ngoài, trời vẫn mưa như thác đổ. Thấy tôi nhìn ra ngoài trời. Anh sợ chúng tôi về, anh nói:
-          Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách.
Tôi thấy trong buổi chiều mưa, anh em hạnh ngộ hay hay, tôi
pha trò:
“ … Em đến thăm anh một chiều mưa, mưa dầm dề đường
trơn ướt tiêu điều…”
            Anh em nhìn nhau cười vui vẻ.
            Anh Trung vào Qui Nhơn học Sư Phạm khóa 3, những năm 1964-1966. Theo dòng hoài niệm anh bộc bạch…

…“   Anh đến Qui nhơn một chiều nhạt nắng. Đó là một thị xã nhỏ bé ở miền Trung. Lần theo địa chỉ, anh tìm đến trọ nhà một người quen ở đường Phan Bội Châu. Sau bữa cơm tối với gia đình, anh đã có một giấc ngủ yên lành.
            Buổi sáng anh đến trường. Anh đi bộ dưới những hàng cây xanh, qua  những con đường phố yên tĩnh. Bầu trời thì trong xanh, từng cơn gió từ biển thổi vào mát mẻ, không khí thật trong lành. Vòng qua eo biển, một bên là sân bay, một bên là biển xanh, bãi cát vàng với hàng dương liễu. Tiếng gió thổi vi vu, tiếng sóng biển vỗ ầm ì. Con đường đến trường thật nên thơ.
            Cảm nhận đầu tiên về ngôi trường Sư Phạm Qui Nhơn rất bề thế với lối kiến trúc hiện đại thật đẹp. Trường hướng mặt ra biển, bước qua cánh cổng theo lối đi vào, một vườn hoa sứ nở hoa thơm ngát. Sân trường rộng, một bên là dãy văn phòng, một bên là Hội trường . Ở giữa là một hành lang dài bên trên có hàng chữ Sư Phạm Qui Nhơn, bên dưới những hàng cây hoa giấy đủ màu thấp thoáng sau những chiếc lá xanh. Có thể nói vào những năm 1964 đây là một ngôi trường đẹp nhất miền Trung. Đứng trước cảnh thơ mộng ấy! Anh yêu ngay ngôi trường, yêu cái thị xã nằm ven biển và yêu cái nghề giáo mà mình đã chọn.
            Rồi ngày tháng chầm chậm trôi, tâm hồn anh cũng nhẹ nhàng, vơ vẩn theo mây bay, theo gió thổi dạt dào cùng trăng sao:
                        Anh muốn tắt nắng đi
                        Cho màu đừng nhạt mất
                        Anh muốn buộc gió lại
                        Cho hương đừng bay đi…
( Vội vàng – Xuân Diệu )

            Những buổi chiều tan học, anh thường đi bộ dọc theo những con đường ven biển, anh gặp những tà áo trắng của các nữ sinh. Ôi, sao đẹp quá! Rồi anh cũng đi theo một trong những tà áo trắng ấy. Nàng có mái tóc dài óng ả chấm ngang lưng. Dáng nàng gầy gầy, chiếc eo thon thon, thướt tha trong nắng chiều. Anh theo nàng về đến tận nhà. Rồi chỉ trong một thời gian ngắn, anh đã quen được nàng. Cô ấy là Lan, là chị của các em đấy…
            Anh đến chơi nhà Lan, nàng có hai cô em gái: Một cô em học lớp bảy, một cô học lớp bốn. Các cô quấn quýt bên anh nói chuyện vui vẻ. Anh thường đùa với cô em út rằng:
-          Thế nào có ngày anh sẽ đến trường Ấu Triệu dạy em. Anh sẽ dò bài và sẽ bắt quì.
Cô bé sợ, mặt tái mét. Thấy mà tội nghiệp.
Lan có các cô bạn trong xóm. Cô nào cũng xinh. Cô Lành
có đôi mắt đen, hàng lông mi cong vút, rất đẹp:
“…Trong mắt ngọc đen kỳ diệu thế,
     Nhìn anh như đã hẹn nghìn xưa…( Mặt em-Xuân Diệu )
            Cô Vân, thì có nụ cười rất tươi:
            “…Thiếu nữ bâng khuâng đợi một người
                   Chưa từng hẹn đến-giữa xuân tưươi
            …Thiếu nữ làm duyên, đứng mỉm cười. ( Nụ cười xuân- Xuân Diệu )
            Anh thường chờ Lan ở cổng trường rồi cùng nàng đi dạo dọc theo những con đường hay đứng ngắm biển lúc chiều về. Lan nói giọng Huế nhẹ và dễ thương. Lan kể cho anh nghe đủ mọi chuyện, từ chuyện học hành đến chuyện bạn bè. Có khi, chúng anh nói chuyện vơ vẩn trời mây, trăng sao. Từng ngày qua đi, Lan đã đem đến cho anh những tình cảm êm đềm, trong lòng anh có một chút gì đó bâng khuâng, xao xuyến xen lẫn những rung động là lạ…
            Từ đó, cứ vào cuối tuần thì anh lại đến nhà các em, không khí gia đình  Lan thật gần gũi, các em thì ngoan và thân mật, những cô bạn dễ thương…làm cho tâm hồn anh ấm áp hẳn lên, cho anh vơi đi nỗi niềm của kẻ xa nhà.
Hai năm học Sư Phạm rồi cũng trôi qua nhanh, anh nhớ ngày anh chia tay Lan lên đường ra Quảng Ngãi dạy học cũng vào một ngày mưa lướt thướt, buồn não lòng. Tuy giữa chúng anh không có một lời hẹn ước, không một lần nắm tay nhau nhưng ánh mắt nhìn cũng đã nói lên bao nhiêu điều.
            Thời gian và khoảng cách sẽ làm cho tâm hồn nguôi ngoai đi những nỗi nhớ. Rồi anh lại được đề bạt làm Hiệu Trưởng một trường Trung Học. Công việc trường lớp cuốn hút với lại tuổi trẻ thì cũng mau chóng quên, dễ hòa nhập với cuộc sống hiện tại. Rồi một hôm tình cờ anh gặp một bóng dáng dễ thương ở Sở Học Chánh. Khi hỏi ra thì mới biết, đó là Dương cô em kề của Lan, học Sư phạm Qui Nhơn Khóa 10 mới ra trường. Anh em gặp lại mừng vui. Lần ấy Dương kể, anh mới biết rằng Lan vào Nam dạy học và đã lấy chồng.
            Những ngày sau đó, thỉnh thoảng anh đến nhà Dương ở 260 Quang Trung thăm. Có lúc lại mời các cô ở cùng nhà đi uống café hoặc đi ăn. Khoảng thời gian đó thật là vui!
            Chiến sự bùng lên! Mỗi người một ngã, không ai còn biết gì về nhau nữa…
Gần bốn mươi năm, bây giờ gặp lại các em, anh rất vui nhưng cũng có một nỗi buồn là Lan đã ra đi quá sớm!”            

            Suốt buổi, chúng tôi huyên thuyên. Có những điều anh Trung quên, có cái anh lại nhớ. Chị em tôi cũng vậy! cái nhớ, cái quên nhưng mỗi người nhắc một kỉ niệm. Cứ thế nó trở nên liền mạch xâu thành một chuổi dài hồi ức của một thời.
            Nghe tôi giới thiệu về trang web spqn, anh mừng lắm! Anh mở ra xem để tìm về lại ngôi trường cũ và bạn bè của một thời trẻ.
            Những ngày sau đó, anh em gặp nhau đi uống café ăn sáng hay đi ăn tối…cũng để chỉ một việc là nhắc lại kỉ niệm xưa.
            Một tuần trôi qua, đã đến ngày tôi và chị Dương quay về lại Sài Gòn. Buổi chiều anh đến nhà tôi để tiễn biệt, Lúc này anh mới nói với chị em tôi trong cảm xúc:
Thời gian như một lớp bụi bao phủ hết những kỉ niệm nhưng khi các em đến! các em như một luồng gió thổi đi lớp bụi mờ giúp anh nhớ lại một khoảng thời ở Qui Nhơn dễ thương đáng yêu, đáng nhớ nhất. Anh cám ơn các em! Anh mong gặp lại các em trong chuyến về nguồn tại Qui Nhơn như theo thông báo của trang SPQN.
            Tôi nhìn ra ngoài, trời đang mưa. Để làm tan bớt cái không khí trầm lắng đó, tôi nghịch ngợm hát:
            “ Bây giờ thì…Anh đến thăm em chiều đông giá. Anh đến thăm em trời mưa gió đường xa ngại ngùng…”
            Cả ba anh em cùng cười xòa.

            Chiếc máy bay chạy chầm chậm, chầm chậm rồi nhanh dần, nhanh dần theo phi đạo và cất cánh bay lên. Qua khung cửa sổ, tôi nhìn ra ngoài. Trời vẫn mưa, Đà Nẵng nhập nhòa trong ánh đèn đêm rồi mờ dần không còn trông thấy nữa…
Tôi ngửa người ra sau, nhớ câu anh nói khi gặp lại hai chị em tôi là: Quả đất tròn nên anh em mình mới gặp lại nhau . Các em nhỉ! Cuộc sống thì hạn hữu! Anh mong rằng: Anh em chúng ta luôn giữ mãi cái tình thân này.

                                           Sài Gòn, tháng10/2011

LY RƯỢU MỪNG XUÂN

                   Ngoài sân, hoa mai nở vàng báo hiệu mùa xuân đang đến!          Mùa xuân được xem là mùa khởi đầu. Mùa xuân khí...